Thứ Tư

Cảnh báo nguy cơ có cuộc "đảo chính" ngoạn mục ở Cienco 5

Nếu không yêu cầu hủy điều lệ trái pháp luật khi hết thời hạn, nhóm cổ đông Hải Phát sẽ được sử dụng luôn 40% cổ phần của nhà nước tại Cienco5. Lúc này, Bộ GTVT sẽ giải trình như thế nào với Chính phủ và nhân dân?

Đại hội đồng cổ đông của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) vừa họp phiên thường niên để thông qua báo cáo sản xuất kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016. Đây là phiên họp đầu tiên mà cổ đông nhà nước với cổ phần chiếm 40% vốn điều lệ nhưng vẫn mất quyền đối với các quyết định quan trọng của Công ty.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cienco5 Bạch Ngọc Du. (Nguồn: PV/Vietnam+)


Thể hiện quyền lực

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 của Cienco5, mặc dù các chỉ tiêu về doanh thu không đạt, chi phí tăng vượt dự toán, nhưng chỉ tiêu về lợi nhuận lại tăng so với kế hoạch và đặc biệt là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt mức cao hơn so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế còn lại tại thời điểm này của Cienco5 là hơn 16 tỷ đồng.

Mặc dù có lợi nhuận tích luỹ lớn nhưng Chủ tịch HĐQT Cienco5 (ông Bạch Ngọc Du) lại trình Đại hội đồng cổ đông phương án không chia lợi nhuận, trả cổ tức cho các cổ đông mà giữ lại để phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo điều lệ mới của Cienco5, tờ trình do ông Bạch Ngọc Du ký đương nhiên sẽ được thông qua với quyết định của nhóm cổ đông Công ty cổ phần Hải Phát và Công ty Việt Phương, nắm giữ hơn 55% vốn điều lệ.

Việc các doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để phục vụ sản xuất, kinh doanh là chuyện rất bình thường. Nhưng với quyết định này của Đại hội đồng cổ đông của Cienco5 lại mang một ý nghĩa rất khác. Đó là việc thể hiện quyền lực của nhóm cổ đông Hải Phát sau khi giành được quyền kiểm soát Công ty bằng điều lệ được thông qua trái pháp luật. Quyết định giữ lại lợi nhuận, không trả cổ tức chỉ là một biểu hiện rất nhỏ so với nguy cơ "biếu không" hàng trăm tỷ đồng cho các cổ đông của Cienco5.

Theo thông lệ thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, đối với các doanh nghiệp có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế, các doanh nghiệp có tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, nhà nước thường giữ lại số cổ phần chi phối, mức tối thiểu là 35% để đảm bảo kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp này. Sau khi  thoái vốn, phần vốn nhà nước sẽ giao cho Tổng Công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý.

Thực tế cho thấy, tại các doanh nghiệp mà SCIC đang nắm giữ trên 35% cổ phần, tiếng nói của cổ đông nhà nước là rất quan trọng vì có quyền phủ quyết các quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Điều này thể hiện rất rõ trong các "mùa" đại hội cổ đông vừa qua của các doanh nghiệp mà SCIC đang có trên 35% cổ phần như Vinaconex, Traphaco, Công ty dược Hậu Giang hay Vinamilk.

Đối với các doanh nghiệp mà nhà nước không cần thiết phải nắm giữ cổ phần thì  thực hiện thoái vốn toàn bộ và bán cổ phần theo hình thức bán "trọn gói" cả lô cho nhà đầu tư. Việc bán cả lô cũng là cách để thoái vốn hiệu quả nhất, vì các nhà đầu tư thường quyết định mua khi số cổ phần mua được có thể định đoạt được số phận của doanh nghiệp, thông thường phải trên 65% cổ phần. Việc thoái vốn tại Tổng Công ty công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), một doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT  là một ví dụ rất rõ của hiện tượng này. Khi nhà nước chỉ bán 49% cổ phần thì cổ phần của doanh nghiệp này ế ẩm, không ai mua. Khi nhà nước bán trọn lô (97% còn lại) thì nhà đầu tư lại tranh nhau mua.

Biếu không cổ đông của Cienco5 hàng trăm tỷ đồng

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6.1.2014, khi thoái vốn tại Cienco5, nhà nước chỉ giữ lại 35% cổ phần tại Cienco5. Nhưng khi thực hiện việc bán đấu giá cổ phần, Bộ GTVT quyết định giữ lại 40% vốn điều lệ và bán trọn lô 23,18% trong số 63,18% cổ phần còn nắm giữ tại thời điềm cuối năm 2015, đầu năm 2016. Với việc bán cổ phần kiểu này, lẽ ra thì cổ phần của Cienco5 phải là món hàng "ế" vì không ai bỏ ra hàng trăm tỷ sở hữu số cổ phần này rồi không tự quyết định được số phận những đồng tiền đã đầu tư.

Khi Công ty Hải Phát mua số cổ phần này và thôn tính cả 15,5% cổ phần của cổ đông chiến lược (Công ty Nam Trí), liên minh với Công ty Việt Phương thì nhóm cổ đông Hải Phát cũng chỉ nắm giữ khoảng 55% cổ phần. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì với số cổ phần này, nhóm cổ đông Hải Phát cũng sẽ không thể chi phối, quyết định được hoạt động của Cienco5. Đặc biệt là khi số cổ phần nhà nước được chuyển giao cho SCIC quản lý, với số cổ phần 55% vốn điều lệ, nhóm cổ đông lớn cũng không vượt qua được quyền phủ quyết của SCIC trong các quyết định liên quan đến lợi ích của Nhà nước.

Tuy nhiên, với việc sửa đổi điều lệ để giảm tỷ lệ thông qua các quyết định của Đại hội đồng cổ đông xuống còn mức tối thiểu là 51%, tăng số thành viên HĐQT để giữ đa số trong HĐQT (sửa ngày 11.3.2016) nhóm cổ đông Hải Phát đã đương nhiên kiểm soát Cienco5 mà không cần nắm giữ trên 65% cổ phần, đồng thời đây cũng là đòn ra tay trước khi SCIC nắm giữ cổ phần tại Cienco5. Với sự tồn tại của điều lệ được nhóm cổ đông Hải Phát dựng lên, thì với 40% vốn điều lệ, SCIC cũng sẽ "bó tay".

Với việc sử dụng bản điều lệ được ban hành trái pháp luật, nhóm cổ đông Hải Phát không cần mua thêm bất cứ cổ phần nào cũng có thể quyết định số phận của Cienco5 mà việc quyết định giữ lại 16 tỷ đồng lợi nhuận để sử dụng cho việc đầu tư, giảm được một khoản vay kha khá chỉ là một biểu hiện nhỏ đầu tiên. Với tình trạng hiện nay tại Cienco5 thì nhà nước gần như "cho không" nhóm cổ đông nhà số cổ phần 40% tại công ty, có giá trị vốn hóa lên hàng trăm tỷ đồng.

Nhìn vào thực tế này có thể đánh giá được hậu quả  nghiêm trọng mà những cán bộ của Bộ GTVT tại Cienco5 gây ra khi để xảy ra tình trạng nhà nước chỉ nắm giữ vốn danh nghĩa này và thực tế không thể quản lý, quyết định số phận những đồng vốn của mình tại Cienco5. Bộ GTVT đã biết hậu quả này và sự thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức của Bộ để nhóm cổ đông Hải Phát ban hành điều lệ trái pháp luật và thực hiện một cuộc "đảo chính" ngoạn mục tại Cienco5.

Theo Luật sư Nguyễn Chí Đại, Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lai Châu, đại diện của Bộ GTVT tại Cienco 5 phải yêu cầu Tòa án hủy bỏ điều lệ trái pháp luật của Cienco5 theo cơ chế tố tụng dân sự. Ngoài ra, Bộ GTVT cần phải xử lý kỷ luật ngay các cán bộ vô trách nhiệ để xảy ra hậu quả trên. Nếu không hành động lúc này thì sẽ hết thời hiệu yêu cầu hủy điều lệ trái pháp luật và khi đó, nhóm cổ đông Hải Phát sẽ thực tế được sử dụng luôn 40% cổ phần của nhà nước tại Cienco5. Lúc này, Bộ GTVT sẽ giải trình như thế nào với Chính phủ và nhân dân?

Theo Bình Minh (Pháp luật Việt Nam)