Thứ Bảy

Cả xã hội đã không thể cười nổi, thưa Giáo sư Khuê

72 tiếng sau scandal “ngăn cản xe cứu thương” ở Bệnh viện Nhi T.Ư, Bộ Y tế đã có văn bản giám sát, xử lý nghiêm nhân viên, bảo vệ gây khó khăn cho người bệnh khi ra, vào cơ sở khám-chữa bệnh.

Văn bản này có nhắc tới thực trạng hoạt động thiếu kiểm soát của dịch vụ vận chuyển người bệnh ra, vào; và yêu cầu “Rà soát và gỡ bỏ ngay các quy định nội bộ (nếu có) về hạn chế người dân lựa chọn dịch vụ vận chuyển.

Mẹ bệnh nhi khóc lóc khi bảo vệ không cho xe cấp cứu ra khỏi viện.
Sự chịu đựng của dư luận đã vượt quá giới hạn khi liên tục 2 clip được tung lên mạng, phản ánh các bảo vệ Bệnh viện Nhi T.Ư đã ngăn cản xe cứu thương đưa một cháu bé “về quê” với lý do: Xe cấp cứu chỉ được đưa người vào, không được đưa người ra. Và hậu quả là nạn nhân khốn khổ đã chết ngay trên xe.

Chúng ta nhìn thấy những sự thật trần trụi: Thấy một nạn nhân thoi thóp, hấp hối đang được bóp bóng để kịp “về quê”, thấy tiếng kêu khóc, lời cầu xin của người thân, thấy sự hung hãn ngăn cản, thấy mùi tiền bạc, thấy sự độc quyền, thấy sự vô cảm, và thấy cả sự sống sượng bao che của một số lãnh đạo bệnh viện.

Xin hãy đọc lời tâm sự uất hận của người trong cuộc: “Nguyên nhân họ không cho xe chở nạn nhân đi bởi chúng ép dùng xe vận chuyển bằng xe ‘dù’ với giá ‘cắt cổ’. Từ viện Nhi về đến nhà nạn nhân khoảng gần 400km chỉ lấy 2,5 triệu đồng, trong khi nếu người nhà thuê theo giá “cò” ở đó lên đến 6-7 triệu đồng”!

Bên trong xe là một nạn nhân thoi thóp. Phía bên ngoài là “những con kền kền” táng tận lương tâm trục lợi trên thân xác của bệnh nhân. Và những kẻ bảo kê, bao che cũng kinh tởm không kém

Bên trong xe là một cháu bé chờ chết. Bên ngoài xe là cuộc mặc cả coi cháu như một món hàng chuyên chở! Là sự bóc lột ngay cả những người dưới đáy xã hội!

Chẳng có gì quá lời khi coi đó là một trong những biểu hiện của sự suy đồi đã lên tới cực điểm!

Tháng 4 năm ngoái, tại hội nghị trực tuyến triển khai các nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ quyết tâm thay đổi thái độ từ ban ơn sang phục vụ. Còn Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê thì yêu cầu những nụ cười “đúng nơi, đúng chỗ”.

Cả xã hội hôm qua đã không thể cười nổi, thưa GS Khuê, khi mà lãnh đạo BV Nhi đang giải quyết khủng hoảng theo kiểu đó chỉ là chuyện của mấy anh bảo vệ.

Người dân cả nước hôm qua đã chỉ nhìn thấy ở những khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm kia sự độc quyền tàn nhẫn, thưa Bộ trưởng Tiến.

Theo Lao Động