Thứ Ba

Ba Vì: Ăn chịu hát nợ, Chúa Chổm ngồi trong ủy ban

Đồng Thái cũng chắc chắn không phải là nơi duy nhất trong nước mà tòa nhà trụ sở cơ quan công quyền được dùng để nuôi những ông Chổm.

Cán bộ xã ở Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) hát chịu, ăn chịu để dân đến tận trụ sở UBND đòi nợ là một câu chuyện cười ra nước mắt. Nó hài hước vượt khả năng tưởng tượng của những người hoạt kê nhất, và phũ phàng quá khả năng hình dung của những người nghiêm túc nhất. Nó khiến người ta buộc phải tin rằng huyền thoại về Chúa Chổm không phải là câu chuyện dị biệt của một cá nhân.

Trụ sở UBND xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) nơi dân kéo đến đòi nợ
Mang thân phận viên chức để ăn nhậu, hát hò triền miên đã là một sự hủ bại. Lấy danh nghĩa chính quyền để ghi nợ các khoản ăn chơi lên đến 3,5 tỷ đồng, mang uy tín của chính quyền ra đặt cược cho lối sống hoang đàng thì không còn gì để nói. Tổ chức chính quyền, đối với những con người này, có lẽ không còn ý nghĩa nào khác ngoài việc bảo lãnh để vay tiền.

Chính quyền xã, đó là những cán bộ gần dân nhất, trực tiếp điều hành mọi hoạt động, thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước tại cơ sở. Họ là bộ mặt của chính quyền, là hình dung cụ thể nhất, rõ ràng nhất của Nhà nước trong mắt nhân dân. Và, ở Đồng Thái, đó là một bộ mặt… ăn hại. Những người dân ở xã Đồng Thái, họ chắc chắn không còn bất cứ niềm tin nào đối với một bộ máy chính quyền gồm những con người chỉ biết ăn nhậu, và hát hò, dẫn đến nợ nần như chúa Chổm.

Đồng Thái cũng chắc chắn không phải là nơi duy nhất trong nước mà tòa nhà trụ sở cơ quan công quyền được dùng để nuôi những ông Chổm. Tình trạng nợ chính quyền địa phương không ở đâu mà không có. Tuy nhiên, mang nợ vì ăn chơi là điều khó tưởng tượng.

Năm ngoái, chỉ vì nợ nần mà tại phòng làm việc của Chánh văn phòng Thành ủy Bạc Liêu, Kế toán trưởng và Phó bí thư Thành ủy đã chỉ tay vào mặt nhau, đập vỡ cốc chén vì cãi vã khi bàn giao công nợ. Thành phố lân cận, Thành ủy Cà Mau cũng ở trong tình trạng tương tự khi ôm khoản nợ tới cả trăm tỷ đồng.

Làm thế nào mà những cơ quan Nhà nước có thể trở thành những con nợ như thế? Trong số những lý do để viện dẫn, có một lý do thực sự bi hài được ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội phân tích. Theo đó, ông Thụ cho biết “Năm 2015 là năm chẵn, nhiều lễ kỷ niệm nên đó cũng là một nguyên nhân khách quan dẫn đến tăng chi”.

Ở xã Đồng Thái, có cán bộ hồn nhiên tâm sự với nhà báo: “Dù mấy tháng chậm lương nhưng anh em vẫn hát suốt”. Ở cấp tỉnh, thành, sự hồn nhiên ấy được thể hiện ở đủ thứ lễ lạt, kỷ niệm tốn kém với các chương trình sân khấu hóa, truyền hình trực tiếp, mặc kệ tình hình tài chính có khó khăn đến đâu.

Năm 2015, không tuần nào không có chương trình tường thuật trực tiếp một cuộc lễ lạt nào đó ở các địa phương trong cả nước.

Từ chuyện ăn, hát của cán bộ xã đến tường thuật trực tiếp các lễ kỷ niệm ở tỉnh, thành mà dẫn đến nợ nần. Đó là những hình thái giống nhau ở các cấp độ quy mô. Và nó phản ánh một lối tư duy bệnh hoạn về quan trường của đội ngũ cán bộ nước ta. Làm cán bộ như làm phong trào, lấy chuyện xướng ca, đàn đúm làm hoạt động nổi bật của bộ máy chính quyền.

Bộ mặt của chính quyền đang bị làm xấu đi bởi lề lối tư duy không ngại ngần mang uy tín của nhà nước để ghi nợ chi tiêu. Một bộ mặt đã đến lúc cần được làm vệ sinh chứ không thể giản đơn như chúa Chổm ngày xưa. Bởi, không thể biến tất cả các tòa nhà ủy ban thành những phố Cấm Chỉ, để chủ nợ đứng ngoài, gào thét trong vô vọng.

Theo Dân Việt