Thứ Ba

Nhìn lại Buổi hòa nhạc chấn động Sài Gòn ngày 1/6/1975

“Thật không ngờ, Việt Cộng không chỉ biết ăn cơm vắt, ngủ hầm, không chỉ lấm lem bùn đất và nồng nặc mùi thuốc súng, mà còn rất hào hoa, thanh lịch và tài giỏi”.

Ngày 1/6/1975, tại Nhà hát Lớn Sài Gòn đã diễn ra một buổi hòa nhạc gây xôn xao dư luận “Hòn Ngọc Viễn Đông”: “Giữa không khí tưng bừng của những ngày sau giải phóng, khi người dân Sài Gòn đã quen với những ca khúc kháng chiến, với hình ảnh kiêu dũng nhưng dung dị chân chất của các anh bộ đội cụ Hồ thì bỗng xuất hiện một dàn nhạc giao hưởng hoành tráng, nổi bật giữa 100 nhạc công là một người mặc vét đuôi tôm cầm gậy chỉ huy hiện lên như một hoàng tử....”.
Nếu định viết hồi kí, có lẽ “vị hoàng tử” của ngày hôm ấy sẽ không thể không dành một trang cho những cảm xúc không thể nói bằng lời:

Nhìn lại Buổi hòa nhạc chấn động Sài Gòn ngày 1/6/1975
“Sau giải phóng miền Nam, Nhà hát giao hưởng, hợp xướng, nhạc vũ kịch Việt Nam có quyết định trình diễn giao hưởng tại Nhà hát Lớn để chào mừng Sài Gòn giải phóng. Ngày 12/5/1975, tàu thủy “Sông Hương” sau 3 ngày vượt biển từ cảng Hải Phòng đã đưa hơn 100 nhạc công của nhà hát cập bến cảng Nhà Rồng. Tôi không có mặt trong đoàn đi hôm ấy vì lúc đó tôi đang phải điều trị đường ruột, sức khỏe rất yếu.

Gần đến ngày biểu diễn, giám đốc Nhà hát đến gặp tôi và bảo: “Nếu anh không đi thì sẽ không có ai chỉ huy, dàn nhạc sẽ không thể biểu diễn được”. Không thể vì một mình tôi mà chương trình không được hoàn thành. Thế là, tôi được lên một chuyến chuyên cơ đặc biệt (cùng một số nhà văn hóa trong đó có giáo sư Vũ Khiêu) vào Sài Gòn.

Ngày 31/5/1975, bọn tôi đi nghe nhà thơ Tố Hữu nói chuyện giải phóng miền Nam. Tối ngày 1/6/1975 bắt đầu chương trình biểu diễn đầu tiên tại Nhà hát Lớn Sài Gòn.

Nhà hát Lớn hồi đó chưa được xây dựng lại như bây giờ, không có sân khấu, chúng tôi phải “dàn hàng” biểu diễn trên bậc tam cấp. Trước đây tôi đã từng nhiều lần chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng (miền Bắc và nước ngoài) nhưng là lần đầu tiên biểu diễn ở miền Nam độc lập. Ở đây, họ không dùng micro (gắn ở khắp nơi) nên âm thanh tự nhiên rất tuyệt vời. Tôi không thể tưởng tượng được người đến nghe lại đông đến thế, đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi... dù là “Hòn Ngọc Viễn Đông” nhưng chắc chắn có những người chưa từng nghe, thậm chí không hiểu nhạc giao hưởng là gì.

Trước khi chìm hẳn vào thế giới của âm thanh, hình ảnh lướt qua mắt tôi là những khuôn mặt hăm hở, sáng bừng, những đôi mắt long lanh, háo hức... Không khí bắt đầu lặng đi với Uvectuya Egmont, Coriolan, Leonora, Giao hưởng số 5 của Beethoven, Concerto violon e moll của F.B. Mendelssohn, “Những biến tấu Rococo cho cello”, trích đoạn bale Hồ Thiên Nga của P.I.Tchaikovsky, Giao hưởng số 8 của F.Schubert, Uvectuya Người thợ cạo thành Sévile của J.Rossini, Dòng sông Danube xanh của Johann Strauss... đến Tây Nguyên chiến thắng của Nguyễn Văn Thương, Thắng lợi tình yêu tổ quốc của Nguyễn Đình Tấn... hào hứng, sôi nổi, những giọt âm thanh như lên núi cao, róc rách như dòng suối hay hoan hỉ trong khúc ca mừng chiến thắng...

Thật khó để diễn tả được những cảm xúc của tôi khi ấy. Tôi đã quên hẳn căn bệnh đau đớn đang dày vò mình, tôi chỉ ý thức được rằng mình là một công dân của nước Việt Nam tự do, độc lập đang được làm chủ những thanh âm của một nền âm nhạc tiên tiến, tự do dưới một bầu trời tự do... cảm động, vui sướng... chưa bao giờ tôi thấy tự hào về chế độ mình như thời điểm đó.

Khi những nốt nhạc cuối cùng kết thúc, không gian sau một phút lặng đi, chùng xuống là vỡ òa ra với rừng cờ hoa, với những lời reo ca chúc tụng. Khán giả và rất nhiều phóng viên báo đài đứng xếp thành hai hàng chào đón trên lối chúng tôi đi.

Tôi biết, đêm nay, chính tại nơi này, nhân dân 2 miền Nam Bắc đã gặp được nhau, đã hiểu được nhau và đã nhập được vào nhau trong tình yêu chung dành cho đất nước. Tôi nghe thấy những lời bình luận sôi nổi bên tai mình: “Thật không ngờ, Việt Cộng không chỉ biết ăn cơm vắt, ngủ hầm, không chỉ lấm lem bùn đất và nồng nặc mùi thuốc súng, mà còn rất hào hoa, thanh lịch và tài giỏi”.

Sáng hôm sau, ngày 2/6/1975, có rất nhiều người dân Sài Gòn đã tụ tập tại khách sạn Lê Lai (nơi chúng tôi ở), mang tặng tôi nào xe hơi Fiat, nào xe máy Honda và những đồ vật có giá trị khác... Tôi không nhận làm họ rất ngạc nhiên: “Việt Cộng hiền và đức độ quá”. Đầu buổi sáng, có 3 người đàn ông gõ cửa phòng, tôi vừa ra mở cửa thì họ nói ngay: “Thưa ngài, chúng tôi đã nghe dàn nhạc của ngài biểu diễn tối qua và chúng tôi rất thích chương trình của ngài...”.

Tôi vừa cảm động vừa ngạc nhiên khi nhận ra mấy cậu bạn học cùng lớp Văn (khóa 1) trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Tôi nghẹn ngào thốt lên: “Thằng Cầu (GS Hà Cầu), thằng Bổng (Trần Văn Bổng) và thằng Lùng (Đậu Phi Lùng), sao chúng mày lại gọi tao là Ngài khách khí thế hả?”.

Giữa đất Sài Gòn, mấy thằng bạn học ngày xưa, lưu lạc bao năm nay được gặp nhau tay bắt mặt mừng. Mấy thằng bạn vỗ vai tôi: “Tưởng mày tài giỏi, chỉ huy dàn nhạc hoành tráng như thế thì quên mất mấy thằng bạn ngày xưa này rồi. Ai ngờ cũng vẫn dân dã như xưa nhỉ?”.

Chẳng phải chính buổi hòa nhạc ấy đã giúp tôi tìm lại bạn bè hay sao? Rồi các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, Hùng Lân, Trọng Cầu,... cũng đến tìm tôi để chia sẻ sự đồng cảm về âm nhạc. Nhạc sĩ Hùng Lân còn tâm sự: “... Rất cảm mến anh sau mấy lần thưởng thức tài nghệ chỉ huy của anh. Tôi vui mừng và hãnh diện cho nền âm nhạc giao hưởng nước ta...”. Âm nhạc đã gắn kết giới văn nghệ sĩ hai miền Nam Bắc lại với nhau, tạo ra một tiếng nói chung thân thương và đầm ấm.

Tôi còn nhớ, hồi đó nghèo, dàn nhạc giao hưởng chỉ có mình tôi được mặc áo đuôi tôm, còn lại các nhạc công chỉ mặc áo véc bình thường. Chi tiết ấy không đáng kể, hầu như chẳng có ai để ý cả. Vậy mà sau đêm biểu diễn, một chủ cửa hàng may trên đường Nguyễn Huệ đã mời cả dàn nhạc chúng tôi đến để may tặng mỗi người một bộ áo véc đuôi tôm làm trang phục biểu diễn. Bởi vì “Dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội vào đã mang đến Sài Gòn một nguồn cảm hứng mới. Lần đầu tiên họ được thưởng thức một chương trình hoành tráng và ý nghĩa đến vậy. Không thể so sánh được với bất kì chương trình nào cả, bởi từ trước đến nay làm gì có chương trình nào mà so sánh”.

Sau đêm đầu tiên, chúng tôi tiếp tục biểu diễn đến ngày 2/9/1975 thì chuyển ra biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội để chào mừng ngày Quốc khánh. Trong gần 3 tháng biểu diễn liên tục trên đất Sài Gòn, cơn đau vẫn không ngừng hành hạ tôi nhưng sự hóa thân thăng hoa của những đêm nhạc đã khiến tôi đã quên mất nó. Trước đây và có lẽ cả sau này nữa, tôi đã từng và sẽ còn chỉ huy nhiều dàn nhạc giao hưởng khác, nhưng với tôi, đêm hôm ấy, chương trình ấy là duy nhất và sâu sắc nhất trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của tôi và cũng là đỉnh cao nhất của nhà hát nhạc giao hưởng Việt Nam cho đến tận bây giờ...”.

Chương trình nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam vào đêm 1/6/1975 năm ấy không chỉ gây ra tiếng vang đối với nhân dân Sài Gòn mà còn vượt qua biên giới “Hòn Ngọc Viễn Đông” gây ấn tượng mạnh với nhiều người nước ngoài.

Phóng viên đài BBC đã nói: “Khi chúng tôi nghe thấy âm nhạc Beethoven vang lên, cứ tưởng là phát ra từ một băng nhạc ở một căn nhà nào đó, không ngờ là của dàn nhạc giao hưởng từ Hà Nội vào và đang trình tấu trong Nhà hát Lớn thành phố. Các ông không chỉ có sức mạnh của quân sự mà còn có sức mạnh của một nền văn hóa tiên tiến. Như vậy thì các ông giành được chiến thắng là lẽ đương nhiên...”.

Và nhiều tờ báo trên thế giới cũng nhận xét rằng: “Không ngờ một người Việt Nam có thể chỉ huy được một dàn nhạc hoành tráng như thế”. Người Việt Nam ấy - vị “hoàng tử” của ngày hôm ấy chính là NSND - NS Trọng Bằng.

Theo TẠP CHÍ HỒN VIỆT