Hà Nội mạnh, đất nước mới mạnh. Mục tiêu của Hà Nội sau năm 2030 sẽ là một siêu thành phố. Thủ đô sẽ là một trung tâm tài chính sánh ngang trung tâm tài chính của Hongkong, Singapore.
Hà Nội là một thành phố đặc biệt, là trung tâm của cả nước trên tất cả các mặt như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, và cũng là đầu mối kinh tế giao thương bậc nhất quốc gia, là nơi tập trung các trụ sở chính, chi nhánh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước, của các định chế tài chính, tổ chức có uy tín tầm cỡ quốc tế.
Chỉ 15 năm nữa, Hà Nội sẽ là siêu thành phố, sánh ngang với trung tâm tài chính của Hongkong |
Theo Bộ trưởng Dũng, Hà Nội đặt mục tiêu sau năm 2030 trở thành một siêu thành phố (mega city).
Với tốc độ đô thị hóa nhanh và mức độ gia tăng dân số lớn như hiện nay, chưa đầy 20 năm nữa, Hà Nội sẽ đạt được quy mô một siêu thành phố. Hà Nội sẽ xây dựng các thành phố vệ tinh từ mô hình hướng tâm sang mô hình hướng biên, giảm áp lực dân số cũng như tắc nghẽn trong khu vực trung tâm.
Việc phát triển hướng biên với 5 thành phố vệ tinh sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, bất động sản. Bên cạnh đó, Hà Nội có thể xem xét phát triển 5 thành phố vệ tinh theo hướng chuyên đề như thành phố Khoa học, thành phố Tài chính, Dịch vụ…, kết nối qua khu vực trung tâm, qua đó bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Gợi ý thứ 2 của Bộ trưởng Dũng là Hà Nội phải trở thành đô thị xanh và sáng tạo. Phải xác định định hướng tăng trưởng xanh cho thành phố, thúc đẩy sáng tạo trong các lĩnh vực, đặc biệt trong ngành khoa học, quản lý, phát triển trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển), vườn ươm doanh nghiệp…
“Có như vậy, Hà Nội mới bắt kịp được xu hướng chung của thế giới, bắt kịp nền kinh tế tri thức”, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận.
Thứ 3, Hà Nội phải xứng tầm trở thành trái tim của cả nước ở mọi khía cạnh. Hà Nội phải là thành phố đi đầu để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, trước tiên là Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về cải cách hành chính, đầu tư.
“Tài chính là dòng máu nuôi doanh nghiệp, kinh tế, Hà Nội phải là trái tim, cung cấp dòng máu cho doanh nghiệp Hà Nội, cho cả nước. Phải phát triển trung tâm này sánh ngang trung tâm tài chính của Hongkong, Singapore”, ông Dũng đặt kỳ vọng.
Thứ 4, phải phát triển Hà Nội trở thành một thành phố hòa bình và thân thiện. Thành phố hòa bình là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững, đó là yếu tố đầu tiên để nhà đầu tư xác định đặt nền móng lâu dài tại nước đầu tư.
Về sự thân thiện, nhìn xa hơn, phải phát triển văn hóa thân thiện của Hà Nội. Làm sao giúp doanh nghiệp đang hoạt động tại thành phố có cảm giác như ở nhà mình, đang hoạt động tại thành phố của mình. Đây là tác nhân quan trọng để hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, dự kiến Hà Nội đến năm 2020 sẽ có thêm 200.000 doanh nghiệp được thành lập và hoạt động. Cộng thêm 180.000 doanh nghiệp hiện có, Hà Nội sẽ đóng góp hơn 1/3 vào mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra.
Theo Trí Thức Trẻ