Thứ Ba

Tại sao Nga lại xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân?

Vladimir Putin đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington – một dấu hiệu nữa cho thấy Nga không quan tâm đến việc cắt giảm vũ khí của nước này.

Vào tối thứ Sáu 1/4, khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Barack Obama đã công kích người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, vì cản trở việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Lời nhận xét của Obama được đưa ra, chỉ rõ đích danh Putin, và nó rọi một chút ánh sáng hiếm hoi cho cuộc đụng độ cá nhân giữa hai vị tổng thống về một vấn đề mà cả hai cùng nhìn nhận nó là trung tâm trong di sản của họ.

Tại sao Nga lại xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân?
“Bởi tầm nhìn mà ông ấy đã và đang theo đuổi về việc làm nổi bật sức mạnh quân sự, chúng ta đã không thấy kiểu tiến bộ mà tôi đã hy vọng có với Nga”, Obama nói với các phóng viên tại hội nghị.

Đây là nói một cách nhẹ nhàng. Suốt nhiệm kỳ tổng thống của Obama, Nga đã tìm cách đàm phán những cắt giảm hết sức kho vũ khí của Mỹ trong khi thực chất tăng cường chính kho vũ khí của nước mình. Nó bị cho là đã vi phạm hiệp ước hạn chế sự triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu và, trong vài năm trước, nó đã đưa cuộc thương lượng về giải trừ quân bị với Mỹ vào thế bế tắc hoàn toàn lần đầu tiên kể từ những năm 1960. Theo liên minh quân sự NATO, trong luận điệu của nước này, Moskva cũng đã trở lại thói quen đe dọa hạt nhân, trong khi trong các cuộc tập trận quân sự của mình, Nga bắt đầu luyện tập cho một cuộc tấn công hạt nhân.

Nhưng trong tất cả những trở lại khắc nghiệt của tình thế Chiến tranh Lạnh này, không có gì thể hiện lập trường của Nga về việc giải trừ vũ khí hạt nhân rõ ràng hơn quyết định của Putin không tham dự hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân tại Washington gần đây. Ngoại trừ Triều Tiên, nước không được mời đến các cuộc đàm phán, Nga là cường quốc hạt nhân duy nhất không cử đến một đại biểu cấp cao nào.

Sự cố ý phớt lờ‎ này không đáng ngạc nhiên. Nó đã được thông báo từ ngày 5/11/2015 trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, đưa ra một sự giải thích lạ lùng. Tuyên bố nói, bằng việc tác động tới những chính sách của các tổ chức giám sát toàn cầu như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, “Washington đang cố gắng nắm lấy vai trò của một “bên tham gia” chính yếu và có đặc quyền trong lĩnh vực này”. Một phần bởi vì điều này, “chúng tôi đã chia sẻ với những người đồng sự Mỹ những nghi ngờ về “các giá trị gia tăng” của diễn đàn này”. Vì thế Nga nhận thấy không cần thiết phải tham gia, Bộ này cho biết.

Một vài ngày sau tuyên bố đó, thế giới nhận được một sự gợi nhắc sinh động hơn về lập trường của Putin trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong suốt cuộc họp tại Điện Kremlin với những vị tướng hàng đầu của ông vào ngày 10/11/2015, ông buộc tội Mỹ đang cố gắng “vô hiệu hóa” kho vũ khí hạt nhân của Nga bằng việc xây dựng một lá chắn tên lửa tại châu Âu mà có thể đánh bật những tên lửa của Nga ra khỏi bầu trời. Ông cho biết, để đáp lại Nga sẽ phải “tăng cường tiềm năng của những lực lượng hạt nhân chiến lược của mình”, bao gồm cả sự triển khai “những hệ thống tấn công” có khả năng xuyên qua bất cứ lá chắn tên lửa nào.

Dường như đúng lúc đó, một máy quay truyền hình quốc gia sau đó phóng to một mảnh giấy mà một trong những vị tướng đang cầm trong tay. Nó cho thấy những kế hoạch cho một thiết bị hạt nhân mang mã Status-6, cùng với một sự xác định ngắn gọn mục đích của nó: “nhằm tạo ra một khu vực nhiễm phóng xạ có phạm vi rộng” dọc theo bờ biển của kẻ thù, khiến cho nơi này không thể trú ngụ “trong một thời gian dài”.

Được yêu cầu bình luận vào ngày hôm sau, người phát ngôn của Putin khẳng định hình ảnh này đã xuất hiện trên bản tin tối do sơ suất. Nhưng tờ báo ngôn luận của Điện Kremlin sau đó đã thêm vào các chi tiết. Đầu đạn bên trong Status-6, báo này đưa, sẽ có khả năng được phủ chất phóng xạ coban, một yếu tố mà sẽ “đảm bảo sự phá hủy tất cả những vật thể sống” một khi nó được phóng xạ và phát tán bởi một vụ nổ hạt nhân.

Vladimir Dvorkin, một tướng quan trọng đã nghỉ hưu của các lực lượng tên lửa chiến lược Nga, nhớ những thiết kế như vậy từ thời của ông phát triển các tàu ngầm hạt nhân cho Liên Xô trước đây. “Đó là một đứa con tinh thần của Xôviết cũ”, ông nói với tác giả qua điện thoại từ Moskva. Nhưng ông không bao giờ mong đợi có thể nhìn thấy nó được sống lại. Trong những năm 1990 và suốt hai năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Putin, Dvorkin đã đứng đầu ban giám đốc nghiên cứu hạt nhân quan trọng của Bộ Quốc phòng Nga. Trọng tâm trong suốt những năm đó là việc hợp tác với Mỹ để bảo vệ kho dự trữ hạt nhân và ngăn chúng khỏi tay của những kẻ khủng bố.

Sự tái xuất hiện của Status-6 – thậm chí như là một thủ đoạn tuyên truyền hơn là một vũ khí thực sự - cho thấy rằng mối quan hệ đã xấu tới mức nào kể từ đó. Dvorkin nói, “Ý đồ là lặng lẽ lén đến vùng bờ biển của Mỹ và khởi động một vụ nổ hạt nhân quy mô lớn. Nó đang được phục hồi nhằm khiến phương Tây hoảng sợ”.

Ít người ở phương Tây đã mong chờ nghe những câu chuyện kinh sợ như vậy một lần nữa. Với người Mỹ, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là thứ hư cấu trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng với người Nga, hay ít nhất là những lãnh đạo của họ, thế giới trông vẫn giống nhiều như trong kỷ nguyên chạy đua vũ trang hạt nhân.

Điều đó đã trở nên rõ ràng với nhiều cố vấn hàng đầu của Obama ngay khi chính quyền của ông lên nắm quyền. Trong bài phát biểu đáng nhớ ở Prague mùa Xuân năm 2009, Obama đã diễn tả tầm nhìn của ông về một thế giới phi hạt nhân. Thời điểm và địa điểm đều mang tính biểu tượng cao. Trước đó trong cùng tuần, vị tổng thống mới được bầu đã tới châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh NATO, khối vừa mới mở rộng thành viên thêm hai nước từng theo chủ nghĩa cộng sản trước đó, Albania và Croatia, dịch chuyển khối quân sự này tiến sâu hơn vào vùng ảnh hưởng trước đây của Nga.

Prague cũng từng là một trận địa chính trong Chiến tranh Lạnh, và như Obama đã chỉ ra ở phần mở đầu bài phát biểu, trong những năm đó ít người có thể tưởng tượng được rằng Cộng hòa Séc cuối cùng sẽ trở thành một thành viên NATO năm 2004, như một minh chứng rằng sự thống trị của Nga ở Đông Âu đang lùi dần. “Chiến tranh Lạnh đã biến mất”, Obama nói tại quảng trường thành phố với những người Séc ngưỡng mộ ông. Nhưng sự tồn tại của vũ khí hạt nhân là “di sản nguy hiểm nhất” của nó, ông nói. Ông hứa sẽ làm việc để xóa bỏ chúng.

Tuần trước đó, Nhà Trắng đã bắt đầu cuộc đàm phán với Điện Kremlin về một thỏa thuận cắt giảm vũ trang họ gọi là Start Mới. Nhưng cả hai bên đến bên bàn đàm phán với những tham vọng rất khác biệt. “Chúng tôi muốn gỡ bỏ nhiều hết mức có thể các vũ khí hạt nhân” Micheal McFaul, người khi đó đang là cố vấn hàng đầu của Obama về vấn đề Nga, nói như vậy. Điện Kremlin dường như không cùng chia sẻ giấc mơ đó. McFaul cho biết, trong suốt một vòng đàm phán tại Bộ Quốc Phòng ở Moskva trước đó năm 2010, bài phát biểu tại Prague của Obama được đưa ra trong một cuộc trò chuyện vu vơ nào đó, và người Nga đã bắt đầu cười lớn. “Họ đã nói, ‘Đúng vậy, tất nhiên các vị muốn một thế giới phi hạt nhân, bởi khi đó các vị sẽ thống trị thế giới với vũ khí thông thường của mình. Tại sao chúng tôi một lúc nào đó lại muốn làm như vậy?’”.

Với Nga, Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ biến mất một cách đơn giản. Nó đã dẫn đến sự thất bại và biến mất của đế chế, để cho đối thủ hơn 40 năm của Nga ra điều kiện hòa bình ở châu Âu. Vào thời điểm Putin nắm quyền năm 2000, dấu vết duy nhất về vị thế siêu cường của đất nước ông là kho vũ khí hạt nhân của nước này, vẫn là kho lớn nhất trên thế giới. Vì vậy ông bắt đầu sử dụng nó như một vật chống đỡ.

“Thậm chí trong những ngày đen tối nhất của quân đội Nga, khi họ không có khả năng chi trả cho những người lính và thực hiện các chuyến bay, họ đã tập trung chú ý vào sự sẵn sàng và hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của họ”, theo lời David Ochmanek, người từng là một sĩ quan trong lực lượng Không quân Mỹ thời Chiến tranh Lạnh và là nhân viên cấp cao về phát triển lực lượng của Lầu Năm Góc từ năm 2009 đến 2014. “Học thuyết của họ đã phản ánh điều này”, ông nói.

Trong một trong những hành động đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống, Putin đã thông qua một học thuyết quân sự mới vào mùa Xuân năm 2000, một học thuyết đã bác bỏ lời hứa của Xôviết‎ không bao giờ khởi động một vũ khí hạt nhân trước. Lý do của ông là đơn giản: chỉ có vũ khí hạt nhân của Nga mới có thể đối chọi lại với sức mạnh nổi bật hơn nhiều của các vũ khí thông thường của Mỹ. Vì vậy ông đã hạ thấp rào chắn cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong các trường hợp “nghiêm trọng tới an ninh quốc gia”. Điều này có nghĩa nếu có lúc nào đó Nga cảm thấy bị vượt trội về hỏa lực trong một cuộc xung đột quân sự, nước này có thể phóng một tên lửa hạt nhân để san bằng điểm số và khiến đối thủ lùi bước. Học thuyết đó vẫn được sử dụng khi Mỹ và Nga bắt đầu đàm phán hiệp ước Start Mới.

Nhưng vị thế của Putin ở Nga đã thay đổi. Năm 2008, hiến pháp không cho phép ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba với cương vị Tổng thống. Vì thế ông chuyển sang một vai trò ít quyền lực hơn trên danh nghĩa là Thủ tướng và trao lại chức tổng thống cho người được ông bảo trợ, Dmitri Medvedev.

Obama đã nhận thấy điều đó là một cơ hội. Ông và Medvedev đều đã lên nắm quyền trong vòng một năm, và Obama đã đặt ra một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của mình là cải thiện – hay “tái khởi động” – mối quan hệ rắc rối với Nga. Cắt giảm vũ khí hạt nhân là trọng tâm trong chương trình nghị sự này, và hai nhà lãnh đạo đã theo đuổi các cuộc đàm phán với sự ấm áp và nhiệt tình đáng ghi nhận. Tuy nhiên, từ phía hậu trường, Putin và các tướng của ông đã thiết lập những giới hạn khắt khe cho Medvedev. Thậm chí với một vị tổng thống mới, sự cân bằng quyền lực ở Nga vẫn chưa bao giờ thực sự thay đổi.

Gary Samore, người khi đó là điều phối viên của Nhà Trắng về kiểm soát vũ trang và là nhà đàm phán chính của hiệp ước, cho biết. “Tôi luôn gọi Medvedev là luật sư của Putin. Rất rõ ràng ai đang chỉ huy”.

Khi các cuộc đàm phán tiến triển, Samore nhận thấy Nga thúc đẩy hai ưu tiên cốt lõi. Hầu hết những đầu đạn hạt nhân của họ vẫn đang được triển khai trong trạng thái tĩnh, những hầm chứa tên lửa từ thời Xôviết ẩn sâu dưới lòng đất và chúng có thể dễ dàng bị loại bỏ nếu như Mỹ phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Nga. Samore nói, “Chúng rất dễ bị tổn thương bởi một cuộc tấn công chặn trước đầu tiên”. Điều Nga mong muốn nhất từ Hiệp ước Start Mới là một cơ hội loại bỏ khả năng dễ bị tổn thương này và lấy lại sự ngang bằng về hạt nhân với Mỹ. “Ưu tiên trước nhất của họ là hạn chế những khả năng của chúng ta, và để có thêm thời gian cho Nga hoàn thành chương trình hiện đại hóa chiến lược của họ”.

Obama đã sẵn sàng chấp nhận điều đó. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, những mối lo ngại an ninh của Mỹ đã thay đổi xa rời mối đe dọa chiến tranh hạt nhân với Nga. Nỗi lo sợ của Mỹ lớn nhất là khả năng Moskva sẽ để một số vũ khí hạt nhân của nước này rơi vào tay những kẻ khủng bố, theo lời Ivo Daalder từng là đại sứ Mỹ ở NATO suốt những cuộc đàm phán hiệp ước Start Mới. Daalder nói, “Nga với tư cách là một mối lo ngại an ninh quân sự không thực sự có trong chương trình nghị sự. Trọng tâm thực sự là về sự hợp tác”.

Đặc biệt, Obama cần sự giúp đỡ của Nga về Iran, nước có chương trình hạt nhân mà phương Tây nhận thấy nó là một mối đe dọa về an ninh nghiêm trọng. Samore nói, “Vì vậy với tôi có một sự có đi có lại rất rõ ràng. Chúng ta đã rất sẵn sàng một cách có chủ ý và tỉnh táo để mang đến cho người Nga sự ngang bằng mang tính chiến lược, đổi lại là sự hợp tác về các vấn đề chủ chốt khác, Iran là một vấn đề quan trọng nhất”.

Cả hai bên đều có được thứ họ muốn. Mùa Xuân năm 2011, Obama đã trở lại Prague để ký kết hiệp ước Start Mới cùng Medvedev, và cùng ngày đó, Nga đã đồng ý ủng hộ một vòng những lệnh trừng phạt nữa lên Iran. Những khó khăn từ các lệnh trừng phạt này đã tỏ ra là phương tiện để khiến Iran từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này bốn năm sau, có lẽ là thành tựu chính sách đối ngoại đáng chú ý nhất của Obama.

Ít nhất là trên giấy tờ hiệp ước Start Mới cũng có vẻ ấn tượng. Cả hai bên đã đồng ý cắt giảm các kho tên lửa hạt nhân tầm trung của họ xuống một nửa và giảm khoảng ba phần tư số lượng đầu đạn hạt nhân. Nhưng trong thực tế, Hiệp ước Start Mới cho phép Nga loại bỏ nhiều hệ thống tên lửa đặt dưới hầm chứa cũ trong khi thúc đẩy sự nâng cấp hàng loạt kho vũ khí rộng hơn của nước này. McFaul, người tiếp tục trở thành đại sứ Mỹ tại Moskva từ 2011 đến 2013, nói “Hiệp ước không ngăn Nga hiện đại hóa. Về vấn đề ngang bằng, họ cảm thấy như họ cần hiện đại hóa, trong khi chúng ta không cảm thấy như vậy”.

Nga vẫn mất ít nhất là đến cuối thập kỷ này để hoàn thành chương trình hiện đại hóa hạt nhân của mình. Nhưng nước này bắt đầu với một khởi đầu ấn tượng. Moskva đang xây dựng một thế hệ mới máy bay ném bom hạt nhân tầm xa, tên lửa đạn đạo được lắp trên xe tải và các tàu ngầm được trang bị hạt nhân. Trong hai năm qua, các quan chức Nga và truyền thông nhà nước thường xuyên nói về những thành quả của những nỗ lực này, thường dưới những tiêu đề gây choáng váng như tiêu đề hoàn hảo này từ hãng thông tấn Sputnik: “Đường sắt ma: Nga phát triển những đoàn tàu tử thần vô hình với vũ khí hạt nhân”.

Điều này dường như xa với tinh thần của nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev, kết thúc năm 2012 với sự trở lại vị trí đứng đầu Kremlin của Putin. Medvedev nói với tác giả vào giữa tháng 2, Hiệp ước Start Mới “là một thành tựu to lớn trong quan hệ Nga-Mỹ, và nó tốt cho tình hình quốc tế”. Sau đó trong buổi phỏng vấn, ông thêm rằng: “Điều đáng tiếc là tình hình bắt đầu đi theo hướng khác sau đó”.

Medvedev nói, trong tương lai có thể dự đoán được, Nga sẽ không có sự lựa chọn nào ngoài việc phát triển các vũ khí như Status-6 để cân bằng lại với lợi thế to lớn vượt bậc về vũ khí thông thường của Mỹ. (Washington chi cho quốc phòng hơn gấp 7 lần Nga, nước sẽ phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng của mình trong năm nay, phần lớn do nền kinh tế đang co lại). Medvedev nói với tác giả, nhắc về những vũ khí này: “Điều đó không đáng sợ sao? Đúng, nó rất đáng sợ. Nếu hàng trăm hay hàng nghìn tên lửa như vậy được sử dụng trong một cuộc tấn công, hậu quả sẽ rất tàn khốc” như một cuộc tấn công hạt nhân.

Điểm này trở lại nghịch lý bản chất về lập trường của Nga về vũ khí hạt nhân. Chính cảm giác rất thực về sự yếu kém và khả năng dễ bị tấn công khiến Nga bám chặt lấy các vũ khí nguy hiểm và có sức tàn phá nhất của nước này. Và đến khi những lãnh đạo Nga được làm cho tin rằng Mỹ không muốn họ bị bất cứ tổn thất nào, tầm nhìn của Obama về một thế giới phi hạt nhân sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Obama thừa nhận như vậy tại hội nghị thượng đỉnh an ninh năng lượng ở Washington. Ông phát biểu khi kết thúc họp báo: “Rất khó để thấy những sự cắt giảm lớn kho chứa vũ khí hạt nhân nếu như Mỹ và Nga, với tư các là hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân lớn nhất, không sẵn sàng dẫn đầu”. Ngay từ khi bắt đầu nhậm chức, Obama đã cố gắng đi trước, rất có thể tin rằng Chiến tranh Lạnh, như ông diễn tả nó, “đã biến mất”.

Nhưng những đối tác quan trọng nhất của ông trong nỗ lực này nhìn nhận sự việc theo cách khác, Samore, cố vấn trước đây của ông, cho biết. “Trong chừng mực nào đó Obama đã không đánh giá đúng mức độ chứng hoang tưởng và sự lo sợ Mỹ của Nga tiếp tục tràn ngập bộ máy quốc phòng và an ninh của họ như thế nào. Đối với họ, nó quá lâu đời. Ông chỉ không nhìn thấy nó”. Đến nay, khi Obama chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, ông gần như chắc chắn thấy.

Theo Time
Văn Cường (gt)