Thứ Tư

Nước Nga, nhìn lại một chặng đường từ một đế chế lụi tàn đến một cường quốc hùng mạnh

Thế hệ trẻ Nga, trưởng thành dưới thời của V. Putin, sẽ đưa nước Nga đi xa hơn trong 50 năm kế tiếp

Kênh 1 truyền hình Nga ngày 26/4 vừa qua đã cho phát sóng bộ phim - phỏng vấn Tổng thống, kỷ niệm 15 năm nắm quyền của ông V. Putin. Xin trích giới thiệu một số luận điểm từ bộ phim để có thể hiểu hơn chính sách hiện tại và tương lai của Liên bang Nga.

Những ai quan tâm tình hình quốc tế chắc chưa quên ngày cuối cùng của năm 1999, khi cả thế giới chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới với nỗi lo Y2K, thì nước Nga lại gây cho họ thêm một bất ngờ: Boris Yeltsin tuyên bố về hưu và giới thiệu một gương mặt mới toanh làm tổng thống tạm quyền trước bầu cử chính thức ba tháng sau đó: ông V. Putin. Khi đó, ông Putin 47 tuổi.

Nước Nga, nhìn lại chặng đường từ một đế chế lụi tàn đến một cường quốc hùng mạnh
 Nội tình nước Nga trong những ngày đầu thập niên 2000 đầy rối ren. Chủ nghĩa khủng bố không chỉ hoành hành ở nước Cộng hòa tự trị Chechnya (trong thành phần Liên bang Nga). Hai vụ bắt cóc con tin chấn động thời kỳ đó: ở nhà hát Dubrovka ngay thủ đô Moskva (năm 2002) và ở trường học Beslan - bắc Kavkaz (năm 2004).

BÀI HỌC TỪ CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ

Trong bộ phim, ông V. Putin đã được hỏi về những ngày đầu tiên đó, khi chủ nghĩa khủng bố đang đặt nước Nga bên bờ vực tan rã. Ông V. Putin kể tình báo Nga đã bắt được những cuộc nói chuyện của các tay súng bắc Kavkaz với mật vụ Mỹ ở Azerbaijan. Họ bàn rằng “thời điểm đó là cơ hội lịch sử độc đáo để lấy Kavkaz khỏi nước Nga”. Ông Putin bị đặt vào tình thế hoặc là “phải giữ được đất nước, hoặc là không bao giờ còn cơ hội đó”, và “Tôi tự quyết định: không có chọn lựa nào khác - phải đi đến tận cùng”.

Ông V. Putin cho biết đã trao đổi thông tin này với phía Mỹ. “Và khi tôi nói điều đó với tổng thống Mỹ đương quyền (G. Bush con - TTCT), ông ấy trả lời tôi, xin lỗi cho tôi nói thật, “tôi sẽ đá đít bọn chúng”.

Nhưng 10 ngày sau đó, lãnh đạo Cơ quan An ninh Nga FSB đã nhận được một lá thư từ Washington: “Chúng tôi đã hỗ trợ và sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với các lực lượng đối lập Nga. Và chúng tôi cho rằng chúng tôi có thể làm điều đó và sẽ làm trong tương lai”, Tổng thống Nga V. Putin kể lại. “Khi đó, thật sự là tất cả mọi người, dĩ nhiên ngoại trừ chúng tôi, không một thường dân nào biết được chuyện gì đang diễn ra, nhưng trên thế giới (sau đó nhiều đồng nghiệp là các tổng thống và thủ tướng nói với tôi) khi đó cho rằng nước Nga sẽ chấm dứt sự tồn tại trong hình thái như hiện nay. Câu hỏi chỉ còn là khi nào chuyện đó xảy ra, sẽ có những hậu quả nào bởi Nga là một cường quốc hạt nhân”.


ĐỐI ĐẦU VỚI GIỚI TÀI PHIỆT

Trong Tổng thống, ông V. Putin đã kể lại những áp lực từ giới tài phiệt mà ông phải đối phó ngay trong những ngày đầu làm tổng thống năm 1999. Ông đồng tình với nhận định của người phỏng vấn rằng vào thập niên 1990, Nga bị cai trị chính bởi giới tài phiệt. “Một số người trong nhóm họ, khi tôi còn làm thủ tướng và khi (tổng thống Nga) Boris Yeltsin tuyên bố tôi sẽ ra ứng cử tổng thống, đã đến văn phòng tôi ở Nhà Trắng, kéo ghế ngồi đối diện và nói: “Này, ông có hiểu rằng ông sẽ không bao giờ là tổng thống thật sự ở đây không?”. Khi đó tôi đã nói: “Được, để xem”.

Tuy nhiên, ông Putin không trả lời cụ thể đã răn đe giới tài phiệt như thế nào, mà chỉ đáp: “Theo các kiểu khác nhau. Bằng những phương tiện khác nhau”.

Trong đúc kết của mình nhưng cũng là nhắn nhủ trực tiếp tới các lãnh đạo Mỹ và phương Tây, ông Putin nói: “Không nên trong bất cứ trường hợp nào, không khi nào và không ở đâu, sử dụng các lực lượng khủng bố để giải quyết các nhiệm vụ chính trị hay địa chính trị thời khắc đó. Bởi nếu ủng hộ chúng ở nơi này, chúng sẽ ngóc đầu ở nơi khác và nhất quyết sẽ đánh vào những ai hôm qua từng ủng hộ chúng”. Bài học từ đội quân Taliban ở Afghanistan là một trong những minh họa rõ nét nhất cho luận điểm này.

Trong cuộc phỏng vấn, ông V. Putin đã bày tỏ sự cảm kích và biết ơn quân đội Nga trong điều kiện hết sức khó khăn đã chiến đấu không để đất nước tan rã. “... Trong điều kiện khó khăn nhất của nền kinh tế, vào đầu thập niên 2000, với tổng cơ số 1,3 triệu quân, tôi rất nhọc nhằn mới tập kết được 50.000 quân, “kéo” bộ binh từ Viễn Đông, lính thủy đánh bộ từ hạm đội Phương Bắc về để có được 50.000 quân chiến đấu. Đó là khi tình hình các lực lượng vũ trang Nga hết sức thê thảm, về vật chất lẫn tinh thần”.

Ông Putin đã nhân cuộc trả lời phỏng vấn này “bày tỏ lòng biết ơn với những người lính, khi... tôi phải nói là trong tình trạng bị lăng nhục của các lực lượng vũ trang, họ đã cứu được đất nước. Tôi xin nghiêng mình trước họ”.

ĐỪNG NUÔI ẢO TƯỞNG

Trong phim Tổng thống, ông Putin kể người Xô viết từng nuôi ảo tưởng về việc xóa nhòa các cách biệt tư tưởng giữa Nga và phương Tây. “Chúng tôi tưởng rằng với sự ra đi của hệ tư tưởng từng chia rẽ Liên Xô cũ với toàn bộ thế giới văn minh còn lại, rằng “khi gông cùm rơi xuống tự do sẽ vui sướng đón ta từ ngưỡng cửa, và những người anh em sẽ trao kiếm cho ta... Nhưng những người anh em (ở nước ngoài - TTCT) không những không vội trao kiếm cho ta, mà còn vui sướng thâu tóm tất cả những gì còn lại của sức mạnh chiến đấu mà Liên Xô từng có”.

Trong bộ phim này, ông V. Putin đã giải thích rõ thêm một luận điểm mà ông từng nêu không ít lần trước đó, gần đây nhất là trong “đường dây trực tiếp” lần thứ 13 ngày 16-4-2015, khi cho rằng kim chỉ nam của Nga trong quan hệ với các đối tác nước ngoài chính là lợi ích địa chính trị của Nga. Ông đã nhắc lời sa hoàng Alexander III: “Nước Nga chỉ có hai đồng minh: quân đội và hải quân!”.

Ông V. Putin tâm sự trong bộ phim Tổng thống lần này: “... Có những lợi ích địa chính trị nhìn chung không gắn với hệ tư tưởng nào”. Vì thế, ông nhắc nhở “những người anh em” rằng nước Nga cũng có những lợi ích địa chính trị của mình, nên khi đối xử với nhau cần sự tôn trọng, cần tìm kiếm những giải pháp quân bình, đôi bên đều có thể chấp nhận.

NHỮNG PHÚT GIÂY TỐI TĂM VÀ HẠNH PHÚC

Các tác giả bộ phim đã hỏi ông V. Putin về “những khoảnh khắc nặng nề nhất” và “những khoảnh khắc tuyệt đối hạnh phúc” trong 15 năm qua. Ông Putin nói hai cuộc bắt cóc con tin ở Beslan và Dubrovka là những giờ phút nặng nề nhất. Còn với “những khoảnh khắc hạnh phúc”, ông Putin có vẻ khó trả lời. Ông cho rằng nhiều yếu tố hợp lại có thể tạo ra ít nhiều hài lòng. Thí dụ, “chúng tôi đã bảo vệ được đất nước mình, chi tiêu ngân sách liên bang năm 2014 so với năm 1999 đã tăng 22 lần và thu nhập thực tế của người dân Nga tăng gấp 3...”.


GIỮ LIÊN HỆ VỚI CUỘC SỐNG “NGOÀI CUNG ĐIỆN”

Trả lời câu hỏi ông hình dung thế nào về cuộc sống của mình bên ngoài chức vụ tổng thống, ông V. Putin cho biết: “Nếu một người có thể trở về căn hộ bình thường của mình và tồn tại ở đó, bên ngoài những cung điện, tôi nghĩ ông ta đã không mất liên hệ với thế giới bên ngoài”. Trong công việc của một tổng thống, ông Putin có những phương cách để “không mất liên hệ với thế giới bên ngoài”. Đó là 13 “đường dây trực tiếp” trong 15 năm qua, những cuộc đối thoại được ông Putin đánh giá như những cuộc thăm dò xã hội Nga.

Trong Tổng thống, ông Putin cũng thừa nhận người đứng đầu một đất nước phải chấp nhận đánh mất nhiều thứ. Đó là “một cuộc sống bình thường hiểu theo nghĩa những sinh hoạt bình thường. Không thể đơn giản đi xem phim, không thể cứ thế mà vào nhà hát, kể cả đi cửa hàng. Nhưng đó không phải là mất mát lớn so với những gì mà số phận và nhân dân trao cho những người ở cương vị của tôi. Đó là cơ hội làm mọi việc cho đất nước và nhân dân mình. Điều đó đền bù cho tất cả (mất mát)”.

Ngoài ông V. Putin, trong Tổng thống, nhiều quan chức hàng đầu Nga hiện nay cũng được hỏi V. Putin là một ông sếp như thế nào. Thư ký báo chí Dimitry Peskov kể: “Mọi người luôn đưa cho ông ấy giấy này giấy nọ, thậm chí có khi là điều gì đó họ viết nguệch ngoạc nhanh bằng bút chì. Ông ấy nhận hết những giấy này, khi đầy tay rồi thì chuyển cho trợ lý. Rồi sợ nhất là hai tiếng sau ông hỏi: “Mấy mẩu giấy đó đâu rồi?”. “Giấy gì?”. “Giấy mà một cụ bà đưa cho tôi đó”.

Còn người đứng đầu Ngân hàng Tín dụng German Gref tiết lộ với báo chí bí mật những lần trễ hẹn của ông Putin: đó là vì khả năng chịu lắng nghe của tổng thống. “Ông ấy lắng nghe tất cả, ông ấy tạo cơ hội cho mọi người nói ra tất cả. Đôi khi nhiều hơn cả bình thường”.

Nhà báo hay tháp tùng tổng thống Nga trong những chuyến làm việc Andrey Kolesnhikov cũng khẳng định điều này, qua “những cuộc điện đàm dài bất tận. Tôi từng thấy ông ấy bị cựu bộ trưởng tài chính A. Kudrin lôi cuốn khỏi cuộc trò chuyện với tôi ra sao. Ông ấy bàn bạc căng thẳng với Kudrin gì đó tận 20 phút. Vì vậy ông ấy thường trễ hẹn”.

Cuối bộ phim, thư ký báo chí D. Peskov đã nói như một đúc kết từ 15 năm này: “Thế hệ trẻ Nga, trưởng thành dưới thời của V. Putin, sẽ đưa nước Nga đi xa hơn trong 50 năm kế tiếp”.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE