Thứ Tư

Vinmart: Khi nhà giàu không húp nổi Tương

Cách đây hơn 2 năm, khi Vinmart bắt đầu bước chân vào thị trường bán lẻ với núi tiền đằng sau, không ít người nghi ngờ sự thành công của một "gã tay mơ" như Vingroup trong một mảng đầy tính đặc thù như bán lẻ.

Nhưng cũng có ngần ấy người nhìn vào sự thành công của Vin trong hàng hoạt lĩnh vực khác để đặt niềm tin, họ khẳng định có tiền là làm được tất, rằng ngày Vin mới thành lập có chút kinh nghiệm nào trong bất động sản, nghỉ dưỡng đâu, vậy mà thành công vang dội đấy thôi. Để phản bác lại sự hoài nghi, họ còn nói "Đừng thách nhà giàu húp tương", với ý nghĩa dù bán lẻ vất vả, đầu tư tiền triệu (đô) kiếm tiền lẻ (VND) như với bản lĩnh của Vin thì làm được tất. Cả thị trường nín thở chờ xem Vinmart làm gì.

Hai năm qua, đúng là Vinmart chẳng khác nào HOTBOY trên thị trường bán lẻ, cực kỳ năng động, luôn gây sự chú ý với hàng loạt bước đi mạnh mẽ, thậm chí không ngoa khi nói đó là những bước đầy sự liều lĩnh. Vinmart không giấu tham vọng đi nhanh, đánh phủ đầu các hệ thống khác vốn đã có mặt từ hơn 10 năm trước.

Vinmart: Khi nhà giàu không húp nổi Tương
Đầu năm 2016, nhìn báo cáo tài chính trên thị trường chứng khoán của Vingroup dù chỉ đề cập vài con số cơ bản đến mảng bán lẻ, cộng với quan sát tình hình kinh doanh của các hệ thống của hàng trực thuộc, có đến 90% số người am hiểu về ngành bán lẻ khẳng định: Vinmart bị sa lầy.

Đúng là không ai mở cửa hàng nhanh như Vinmart, họ khai trương liên tục tất cả các mô hình từ Trung tâm mua sắm, Siêu thị, Siêu thị nhỏ, Cửa hàng tiện lợi đến Siêu thị bán lẻ điện thoại, trải rộng trên địa bàn toàn quốc. Có những ngày họ mở vài cửa hàng là chuyện bình thường. Một lãnh đạo của một nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong một hội thảo đã từng nói: Với kinh nghiệm 20 làm trong nghề từ nhiều nước trên thế giới, tôi vẫn không giải thích được làm thế nào Vinmart có thể thiết lập một hệ thống để quản lý khối lượng cửa hàng trên quy mô như vậy. Câu nói của ông nhận được sự đồng tình và những nụ cười đầy tính nghi ngờ từ các lãnh đạo bán lẻ khác.

Những người am hiểu ngành này từng làm một phép tính không quá phức tạp khi so sánh chi phí đầu tư các cửa hàng, lượng khách trung bình, doanh thu ước tính... với khả năng quản lý hiện có, họ ước đoán Vinmart phải có mức lỗ năm 2015 tính bằng đơn vị chục triệu đô la mới là..hợp lý.

Thậm chí có người còn dự đoán, với hệ thống và quy trình quản lý hiện tại thì lợi nhuận của các cửa hàng Vinmart còn không đủ bù cho tỷ lệ mất cắp, vốn là nỗi lo của những ông lớn dạn dày kinh nghiệm như Coopmart, BigC, Metro. Họ khẳng định tỷ lệ mất cắp nếu quan sát với cách làm của Vinmart hiện tại khó có thể dưới hai con số được.

Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, một hệ thống khi mới thiết lập, ai chả có những vấn đề như vậy, với nội lực của Vin thì sẽ khắc phục được thôi chứ? Chuyện đời không đơn giản như thế, trong cái ngành đặc thù như bán lẻ, nội lực không chỉ đến từ những đồng đôla mà cực kỳ quan trọng là nguồn nhân lực. Nên nhớ không một ngành nào sử dụng nhiều nhân lực như ngành bán lẻ.

Thật ra Vin cũng làm "đúng" khi "ném tiền mua người" từ các nhà bán lẻ khác. Trên thị trường năm 2014 đến đầu 2015 ai cũng biết ai vào Vin lương tăng gấp 2 gấp 3 là chuyện bình thường. Nhanh không kém gì cách họ mở cửa hàng, chỉ trong thời gian ngắn Vin đã có trong tay đầy đủ đội hình binh hùng tướng mạnh từ nhiều nơi.

Vấn đề của Vin về con người có lẽ cũng bắt đầu từ đây, nhìn vào đội hình của họ có gần 70% các vị trí được lấy từ Metro. Ai từng làm trong ngành đều hiểu nhân sự đến từ Metro chỉ mạnh về bán sỉ, họ thiếu hẳn khả năng về xây dựng mô hình tiếp thị bán lẻ, vận hành các mô hình bán lẻ mới, xây dựng các ngành hàng để thu hút các nhà cung cấp tham gia với họ. Có lẽ vì vậy mà chất lượng các hoạt động liên quan đến chiến lược thu hút khách hàng, phát triển hệ thống của Vinmart luôn có khoảng cách rất xa so với các nhà bán lẻ khác.

Vấn đề chưa dừng lại ở đây, không hiểu vì lí do gì, một ngày đẹp trời đa số đội ngũ nhân sự trên bỗng dưng nghỉ việc hàng loạt, họ đi cũng nhanh như cách họ đến vậy. Họ ra đi để lại một khoảng trống mênh mông, làm các nhà cung cấp đồng loạt chưng hửng. Đến giờ ít ai biết tại sao, chỉ phóng đoán là do một phút "ngẫu hứng chiến lược" nào đó của đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Cách quản lý nhân sự này thật sự đã mang lại rất nhiều điều tiếng cho Vin, hầu như các nhân viên quản lý ít người nào dám nộp đơn vào Vinmart nữa. Nếu có thì cũng luôn phải trong tư thế...sẵn sàng.

Những tháng đầu năm 2016, tình hình Vin cũng không có sự sáng sủa, họ vẫn tiếp tục sa lầy. Nếu tình hình này không cải thiện khả năng về một viễn cảnh bán lại, bị thâu tóm hoặc phá sản là điều khó tránh khỏi. Bạn có thể rất giàu nhưng đối diện khoản lỗ tính bằng chục triệu đô thì khó ai chịu nổi. Đúng là nhà giàu không thể húp nổi tương.

Trích câu nói khác của chuyên gia bán lẻ trên: Ngành bán lẻ đòi hỏi bề dày kinh nghiệm, sự làm việc kỳ công trong một hệ thống với quy trình cực kỳ chặt chẽ, tất cả dựa trên am hiểu sâu sắc người tiêu dùng để phục vụ họ mọi ngày. Có vẻ Vin không có được tất cả những thứ đó.

Bạn nghĩ sao? Hãy chia sẻ và bình luận.