Thứ Ba

Hạn hán ở Tây Nguyên: Lãnh đủ bời những công trình 'sai lầm thế kỷ'

Trong suốt 11 năm, kể từ khi dự án Thủy điện An Khê - Ka Nak đi vào hoạt động, là chừng đó năm gây phiền toái, hệ lụy cho người dân vùng hạ lưu sông Ba. Mùa khô, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất; mùa mưa, thủy điện xả lũ gây những thiệt hại to lớn cho dân. Thêm vào đó là lượng xả thải từ các nhà máy đường, máy mì, nhà máy MDF... đã làm sông Ba chết ngạt...

Hạn hán ở Tây Nguyên: Lãnh đủ bời những công trình 'sai lầm thế kỷ'
Đảo lộn cuộc sống vì thiếu nước

Đã hơn 17h chiều, hàng chục người dân buôn Ea Mtao vẫn lặc lè gùi nước từ hồ Ea Truôl, nằm cách hơn 10km về dùng. Trưởng buôn Y Kbuôl Niê cho biết, buôn mình cũng được Nhà nước đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhưng sử dụng chưa được 20 ngày nó đã “chết” rồi, giờ nhà nào có tiền thì đào giếng, không thì ra suối cõng về thôi.

Bí thư chi bộ buôn Ea Mtao Nguyễn Trọng Huấn cho biết, tất cả có hơn 100 hộ dân trong buôn đều phải đi hàng chục cây số mới có thể lấy được nước về sinh hoạt. “Hồ nước Ea Truôl nằm cách buôn hơn 10 cây số là nơi còn lại duy nhất trên địa bàn xã còn nước. Nếu nắng hạn tiếp tục trong nửa tháng tới, nguồn nước này cũng sẽ cạn kiệt. Đến lúc đó, chúng tôi cũng không biết lấy đâu ra nước để mà sinh hoạt nữa”, ông Huấn lo lắng.

Tại tỉnh Đắk Nông, hàng nghìn ha cây trồng cũng đang dần héo úa vì nắng hạn. Đang loay hoay nạo vét bùn để mót những giọt nước cuối cùng giữa lòng hồ, ông Y Ba Kpơr (45 tuổi) trú tại buôn Buar, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút buồn rầu: “Chưa năm nào khốc liệt như năm nay. Cả tháng nay rất nhiều người dân phải túc trực tại lòng hồ để vét bùn, tạo dòng chờ nước mạch rỉ ra để vớt vát ít nước cứu vườn cây. Một hai tuần tới mà không có mưa, chắc chắn vườn cà phê chỉ còn cách bỏ chờ chết”.

Ở vùng tâm hạn của Gia Lai như: Krông Pa, Chư Pah, Chư Sê, Chư Pưh... hoa màu mất trắng, nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng. Ở làng Thơ Ga, xã Chư Đôn, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, cánh đồng lúa hơn 70ha của bà con người dân tộc Jơ Rai đã chết khô từ lâu. Mỗi gia đình phải đi mua nước ăn uống mỗi ngày từ 10 đến 20 lít.

Tương tự, tại huyện Krông Pa (Gia Lai), tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các xã Đất Bằng, Krông Năng, Chư Ngọc... cũng rất gay gắt. Hơn 14.000 người dân bị đảo lộn cuộc sống. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, có hơn 7.000 hộ với hàng chục ngàn người dân thiếu nước.

Tại tỉnh Kon Tum khô hạn, thiếu nước gây thiệt hại trên diện tích gần 3.000ha; trong đó diện tích cây trồng bị mất trắng gần 900ha; tổng giá trị thiệt hại do hạn hán gây nên đối với sản xuất nông nghiệp khoảng trên 90 tỷ đồng. Tỉnh Kon Tum có 45 công trình nước sinh hoạt nhưng nguồn nước đến của các đầu mối bị cạn kiệt, nên việc cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.176 hộ dân bị thiếu; có 8.274 giếng nước bị cạn, cuộc sống của 10.389 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt...

Ông Huỳnh Thành, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng, Thủy điện An Khê - Ka Nak, chặn sông Ba ở đầu nguồn Gia Lai rồi cho nước chảy về tỉnh Bình Định là “công trình sai lầm thế kỷ”, đã hủy hoại môi trường, gây hạn hán vào mùa khô và ngập lụt nghiêm trọng vào mùa lũ, gây đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân ở hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên.

Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đã đưa ra trước Quốc hội vấn đề thủy điện An Khê - Ka Nak- “công trình sai lầm thế kỷ” cùng mang tâm tư và nỗi bức xúc của hàng triệu người dân đang sống trong vùng khô hạn do thủy điện chặn dòng trái quy luật tự nhiên.

Trong suốt 11 năm, kể từ khi dự án Thủy điện An Khê - Ka Nak đi vào hoạt động, là chừng đó năm gây phiền toái, hệ lụy cho người dân vùng hạ lưu sông Ba. Mùa khô, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất; mùa mưa, thủy điện xả lũ gây những thiệt hại to lớn cho dân. Thêm vào đó là lượng xả thải từ các nhà máy đường, máy mì, nhà máy MDF... đã làm sông Ba chết ngạt. Mùi hôi thối, ô nhiễm trong mùa khô làm cho nhân dân sống xung quanh không chịu nổi...

Rừng ở Tây Nguyên được ví như lá phổi xanh của Đông Dương đã mất khá lớn. Theo kết quả kiểm kê rừng của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong bảy năm (từ năm 2008-2014) diện tích rừng tự nhiên tại Tây Nguyên mất hơn 358.700ha, tương đương mỗi năm mất hơn 51.200ha rừng.

Trong khi đó, với gần 16.000ha rừng phải trồng thay thế tại 240 dự án, toàn vùng chỉ mới trồng được khoảng hơn 1.000ha. Hiện độ che phủ rừng toàn vùng Tây Nguyên đã sút giảm, xuống còn 45,8% (bao gồm cả diện tích cây cao su trên đất lâm nghiệp). Nếu tính riêng về rừng đúng nghĩa thì độ che phủ rừng thực tế chỉ đạt khoảng 32,4%.

Một thực tế khác là quá trình đầu tư, sử dụng không hiệu quả của các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt... cũng dẫn đến khó khăn trong quá trình tích trữ nguồn nước để chống hạn.

Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng gần 2.000 công trình cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn được xây dựng từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế có hơn 700 công trình hoạt động không hiệu quả hoặc đã bỏ hoang. Tại Đắk Lắk có hơn 100 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 340 tỉ đồng nhưng chỉ có 25 công trình đem lại hiệu quả, số còn lại ngừng hoạt động hoặc không đảm bảo yêu cầu đề ra.

Tìm giải pháp chống hạn ở Tây Nguyên

Tiến sỹ Tôn Nữ Tuấn Nam, Viện Khoa học kinh tế nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, có thể nói hạn hán năm nay là trầm trọng nhất trong 10 năm trở lại. Người nông dân muốn hạn chế thiệt hại do hạn hán thì cần phải tiến hành ngay từ khi trồng mới, trong đó trồng cây che bóng là rất quan trọng.

“Nhiều nhà vườn cứ lấy việc đạt năng suất 6-7 tấn/ha làm chuẩn mực phấn đấu mà xem nhẹ vai trò cây che bóng nên đến khi hạn nặng như năm nay không thể xử lý kịp. Có cây che bóng thì năng suất thường chỉ đạt 4-5 tấn/ha, bù lại chúng sẽ bền vững hơn, vượt qua được hạn hán một cách dễ dàng”, tiến sỹ Nam cho hay.

Cũng theo Tiến sỹ Nam, ngoài các biện pháp khác thì kiểu tưới nước nhỏ giọt là giải pháp tối ưu nhất hiện nay. Ưu điểm của phương pháp tưới này chỉ dùng một lượng nước nhỏ kết hợp với việc bón phân nên sẽ giảm thiểu lao động và có thể điều chỉnh lượng tưới, dinh dưỡng cho nhu cầu của cây theo từng thời điểm một cách chính xác, mang lại hiệu quả cao, chống ô nhiễm môi trường tốt. “Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho hệ thống nay khá đắt đỏ, không phải người nông dân nào cũng có thể đầu tư một cách bài bản nên rất khó”, ông Nam nói.

Còn theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Đắk Lắk thì sự hỗ trợ của Nhà nước chắc chắn là có nhưng không thể đến ngay với bà con nông dân được. Hiện tỉnh đang thống kê và lập tờ trình xin Trung ương hỗ trợ với khoản tiền trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước mắt thì bà con nông dân và chính quyền cơ sở huyện, xã phải chủ động ứng cứu, hạn chế thiệt hại.

Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Gia Lai nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước làng Thơ Ga, thuộc huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Cùng đồng hành với các giải pháp chống hạn là bảo vệ rừng, trồng lại rừng để giữ nước, ngăn xói mòn, lũ cuốn... Các giải pháp trên phải thực hiện đồng bộ và đảm bảo tính khoa học mới giải quyết được bài toán hạn hán ở Tây Nguyên.

Theo CÔNG AN NHÂN DÂN