Thứ Sáu

Bi kịch của những người tử vong vì làm việc quá sức

Năm 2013, Moritz Erhardt, thực tập sinh của một ngân hàng ở Anh, lên cơn co giật trong khi tắm và tử vong ngay sau đó vì làm việc liên tục trong 72 giờ.

Văn hóa làm việc của người Đông Á nổi tiếng thế giới với tần suất lao động trong nhiều giờ và thậm chí là kiệt sức. Một người đàn ông Nhật Bản hối hả bắt chuyến tàu cuối cùng hay chợp mắt hoặc ngủ trưa trên băng ghế dài ở cơ quan là hình ảnh quen thuộc đối với nhiều người khắp thế giới.

Bi kịch của những người tử vong vì làm việc quá sức
Tháng 11/2007, tòa án thành phố Nagoya ra phán quyết anh Kenichi Uchino, 30 tuổi, tử vong vì lao động quá sức. Vợ của anh cho biết, chồng mình đã làm việc quá 106 giờ trong tháng trước khi qua đời và từng mệt mỏi tới mức "không thể chơi với các con". Kiểm soát viên của hãng Toyota bất ngờ bị suy tim tại nơi làm việc vào ngày 9/2/2002. Vợ của Uchino cho biết, giờ làm việc kéo dài khiến nhịp tim của chồng cô đập bất thường.

Cái chết của anh Uchino được dư luận Nhật Bản đặc biệt chú ý bởi người vợ đã gặp được bộ trưởng Lao động sau hơn 6 tháng đấu tranh vì công lý và tiền bồi thường. Cơ quan này trước đó phủ nhận trách nhiệm và nói anh Uchino qua đời không phải do làm việc quá sức. Hiện gia đình nạn nhân nhận số tiền bồi thường là gần 40.000 USD mỗi năm, theo Economic Times.

Bộ Lao động Nhật Bản mới đây thông báo số đơn khiếu kiện đòi bồi thường từ gia đình những người lao động thiệt mạng hoặc tự sát vì làm việc quá nhiều tăng lên mức kỷ lục 1.456, tính đến tháng 3/2015. Hiện tượng người lao động chết vì làm việc quá sức được người Nhật Bản gọi là "karoshi" đang là vấn đề nghiêm trọng tại quốc gia này. Trước đây, nam nhân viên văn phòng là nạn nhân chính của hiện tượng “karoshi”. Nhưng các thống kê gần đây số nhân viên trẻ và nữ giới tử vong vì làm việc quá căng thẳng tăng cao.

Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến các vụ tự tử liên quan tới áp lực quá lớn từ công việc.

Làm cật lực từ 12 tới 20 tiếng/ngày
Từ năm 2008 tới 2009, 35 công nhân công ty viễn thông France Telecom của Pháp tự tử. Vụ việc khiến giám đốc khi đó là Didier Lombard phải từ chức. Nhiều nhân viên France Telecom đã để lại lời nhắn tố cáo, môi trường làm việc căng thẳng là nguyên nhân khiến họ tìm đến cái chết. Trong một bức thư gửi vợ và các con trai, công nhân Jean-Paul Rouanet, 51 tuổi, giải thích rằng ông không thể chịu đựng điều kiện làm việc khắt khe của công ty.  "Tất cả người lao động (tại France Telecom) đều bị điểm danh mọi lúc: khi đi vệ sinh, khi ăn, khi hút thuốc lá”, đại diện của công đoàn cho hay.
Làm cật lực từ 12 tới 20 tiếng/ngày
Moritz Erhardt, 21 tuổi, thực tập sinh của ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) đặt chi nhánh tại London, làm việc tới 20 tiếng/ngày. Khi Erhardt qua đời vào ngày 15/8/2013, anh làm việc liên tục trong 72 giờ. Thiếu ngủ khiến chàng thực tập sinh người Đức co giật và phải dùng thuốc để kiểm soát bệnh động kinh. Sau khi trở về nhà, Erhardt lên cơn động kinh trong khi tắm và tử vong.

Theo Reuters, trung bình thực tập sinh của ngành ngân hàng làm việc tới 20 giờ/ngày. Câu chuyện về Erhardt trở thành bài học nhắc nhở các ngân hàng chỉnh đốn điều kiện làm việc khắc nghiệt của họ.

Năm 2010, 18 công nhân tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) chuyên chế tạo phụ kiện cho iPhone và iPad quyết tự vẫn vì thời gian làm việc quá nhiều và điều kiện lao động nghèo nàn. 14 trong số họ đã chết. Tất cả các công nhân đều dưới 25.

Một trong 4 người được cứu sống là Tian Yu. Cô nhớ lại, các công nhân bị ép buộc phải trả lời: "Tốt! Rất tốt! Rất, rất tốt!" mỗi buổi sáng khi người quản lý hỏi rằng họ đang cảm nhận về công việc ra sao. Thực tế, họ phải cật lực làm tới 12 tiếng mỗi ngày và 6 ngày một tuần. Sau khi cố gắng tự tử nhưng bất thành, Tian Yu bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Foxconn bồi thường cho Yu khoảng 27.000 USD.

Theo số liệu ước tính, mỗi năm khoảng 600.000 người Trung Quốc tử vong do làm việc căng thẳng, đưa quốc gia này trở thành nước đứng đầu thế giới về số lượng người chết liên quan tới kiệt sức trong công việc, theo Diplomat.

Phần nổi của tảng băng trôi
Một nghiên cứu của trường Y thuộc Đại học Harvard, Mỹ, chỉ ra rằng, 23% người lao động mắc chứng mất ngủ và nhiều người khác không có thời gian nghỉ ngơi. Bệnh mất ngủ cũng là thủ phạm khiến các công ty Mỹ "bốc hơi" 63,2 tỷ USD mỗi năm, theo New York Times.

Trong khi đó, nghiên cứu của nhóm chuyên gia tư vấn thuộc Tập đoàn Manpower (Mỹ) cho thấy, hơn 35% nhân viên ăn trưa tại bàn làm việc mỗi ngày và hầu hết người lao động không có đủ thời gian nghỉ để nạp năng lượng.

Kết quả thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) chỉ ra, hơn 50% người lao động có thói quen kiểm tra email công việc của họ vào cuối tuần và 34% trong số họ kiểm tra email vào kỳ nghỉ.

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, người lao động đang hủy hoại sức khỏe và năng suất bằng cách làm việc quá sức.

Tim De Meyer, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Trung Quốc, nói: “Chúng tôi nhận thấy làm việc quá nhiều và liên tục đang trở thành vấn đề đáng lo ngại của Trung Quốc, khiến người lao động gặp rủi ro về thể chất và tinh thần”.

Hiroshi Kawahito, tổng thư ký tổ chức Cố vấn Quốc gia cho các nạn nhân karoshi (NDCVK) Nhật Bản, khẳng định số người tử vong vì áp lực công việc trên thực tế cao gấp 10 lần số liệu thống kê. Tuy nhiên, chính phủ lại ngần ngại, không muốn thừa nhận sự thật đó.

"Chính phủ tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề và tuyên bố đao to búa lớn vấn đề này nhưng tất cả chỉ là tuyên truyền. Điều cần phải thực hiện là giảm giờ làm cho người lao động", ông Kawahito nhấn mạnh.