Thứ Ba

Những người đi cáp treo lên đỉnh Fansipan kia, họ có lỗi gì vậy?

Tôi nghĩ tư cách của mỗi chúng ta không được xác định bằng việc ta chọn đi cáp hay leo bộ, mà là ở việc ta đã sống thế nào trong đời sống thực mỗi ngày.
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc, mình có thể - một ngày nào đó - đứng trên đỉnh Fansipan và nhìn ngắm vẻ hùng vĩ xung quanh.

Đừng hiểu lầm, tôi không có vấn đề gì về sức khoẻ, tôi vẫn còn trẻ và yêu những chuyến đi. Nhưng tôi cũng không xấu hổ để nhận rằng mình là một kẻ ít vận động, nên đi bộ được vài chặng, tôi có thể lăn ra vì mệt. Nếu chọn một chuyến đi phượt để thật sự hoà mình vào cuộc sống hoang dã hay một chuyến đi có đủ các tiện nghi, tôi chắc chắn sẽ là người đầu tiên lao đến lựa chọn thứ hai. Không phải tôi không muốn thật sự trải nghiệm những vẻ đẹp dù là nhỏ nhất của bất cứ nơi đâu tôi đến, không phải là tôi từ chối muốn cảm nhận từng hơi thở trong nhịp sống của thiên nhiên. Chỉ là, mỗi người có một lựa chọn riêng, và lựa chọn của tôi không nằm trong số đó.

Những người đi cáp treo lên đỉnh Fansipan kia, họ có lỗi gì vậy?
Khi bước chân lên cabin cáp treo Fansipan, cảm xúc đầu tiên của tôi là đẹp, kế đến là háo hức. Mỗi dặm mây chúng tôi lướt qua, tôi lại mong chờ được nhìn thấy dưới đó là bạt ngàn ruộng bậc thang, là những thung lũng chìm trong nắng hay những triền núi cheo leo, hùng vĩ. Cảm giác khi cabin đã vượt qua những tầng mây để rồi dần lộ ra những khu rừng ngút ngàn phía dưới là một cảm giác rất đặc biệt mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được. Nó vừa pha lẫn sự thoả mãn, niềm hạnh phúc lẫn ngỡ ngàng. Trong một khoảnh khắc, tôi đã ngỡ mình nghiêng mình trước dáng vẻ vĩ đại của thiên nhiên nước Việt.
Và tôi không cảm thấy có lỗi khi đặt chân lên đỉnh Fansipan bằng cách đó. Tôi không cho rằng, bất cứ ai trong chúng ta, khi muốn đặt chân lên Fansipan - đều phải lựa chọn con đường phượt, để có những trải nghiệm rất riêng mà các phượt thủ nhắc đến mãi. Những rừng đỗ quyên mà các bạn được nhìn ngắm trên đường đi, những cảm xúc không thể tả bằng lời khi vượt qua được mọi giới hạn của bản thân, khi chạm tay đến đỉnh sau 2 ngày ròng rã - tất cả những cảm xúc đó đều đáng được trân trọng và ngưỡng mộ. Nhưng điều đó không có nghĩa là, bạn lấy chúng ra để chế nhạo những người chọn con đường dễ hơn, bởi đó là một sự so sánh vô lý và vô nghĩa.
Ngay cả khi, việc xuất hiện cáp treo đến đỉnh Fansipan, sẽ kéo theo hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, thì điều này cũng chẳng có gì xấu. Đó là một quy luật tất yếu, khi mà cuộc sống càng hiện đại và dịch vụ mới xuất hiện để con người ta có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận cảnh đẹp thiên nhiên. Tôi đã thấy trong đám đông của bức ảnh mà cộng đồng mạng truyền tay nhau những ngày vừa rồi, có người lớn, có người trẻ, nhưng cũng có trẻ em và cả người già. Họ kiên nhẫn chờ đợi để được chụp một bức ảnh với cái chóp Fansipan, để được đứng cạnh lan can, phóng tầm nhìn ra dãy Hoàng Liên Sơn lừng lững và nhìn mây trôi dưới tầm mắt mình. Dễ thấy một niềm hạnh phúc, háo hức chung, một niềm vui thưởng ngoạn vô tội.
Fansipan đẹp như thiên đường
Trong nhiều lý do mà các bạn dùng để phản đối cáp treo, phản đối việc hàng ngày có đến cả nghìn lượt người ghé thăm đỉnh núi, các bạn nói về rác thải. Nhưng đó là một bao biện rất điển hình và mang tính chất đổ lỗi cho đám đông. Thật ra, việc xuất hiện cáp treo mới là một cách trọn vẹn để có thể bảo vệ môi trường ở nơi này. Không chỉ có thùng rác được bố trí liên tục, mà ngay cả khi ai đó xả rác, họ cũng đang xả rác trong một quần thể được quản lý, và những mẩu rác đấy sẽ không nằm lại giữa thiên nhiên, dưới những gốc cây, ngọn cỏ, mà sẽ nằm trên mặt đường lát đá quãng đâu vài ba tiếng, sau đó theo cái xẻng của cô lao công để nằm yên trong sọt rác.

Nhưng ngay cả việc xả rác, cũng mang đến một mâu thuẫn mà nhiều phượt thủ không hề ý thức được. Tôi có nhiều người bạn từng chinh phục Fansipan, và khi được hỏi, họ sẽ làm gì để… giải quyết nỗi buồn, câu trả lời của họ hết sức đơn giản: Đi tìm chỗ vắng thôi. Tôi mang câu trả lời này, thử đặt vào một văn cảnh khác, khi đó là việc phóng uế ở trong quần thể cáp treo, có lẽ các bạn phượt thủ sẽ dùng những từ ngữ nặng nề hơn nhiều, và sẽ xuất hiện hàng nghìn nỗi bi quan các bạn đặt ra về môi trường. Vậy tại sao, việc các bạn coi phóng uế ở trên dọc đường phượt là chuyện bình thường, trong khi chính các bạn phượt thủ lại là những người đang lên tiếng bảo vệ cho môi trường Fansipan?
Trong chuyến đi Fansipan của mình, tôi cũng có may mắn được gặp gỡ 2 người đã từng đặt chóp cũ trên đỉnh Fansipan. Cả hai đều có những quan điểm vô cùng tích cực với sự xuất hiện của cáp treo. Một người kể lại, anh đã từng đi lại cung đường phượt bộ, và thật sự, rác thải của rất nhiều các phượt thủ vô ý thức để lại trên dọc đường, mới chính là thứ đang dần huỷ hoại sự hoang sơ và trong lành của nơi này.

Tôi vẫn sẽ không cảm thấy hổ thẹn với cuộc sống và tuổi trẻ của mình, vì đã không một lần leo Fan. Tôi nghĩ rằng nhiều bạn trẻ cũng thế, và với nhiều người đã từng muốn đặt chân lên đỉnh Fansipan nhưng tuổi trẻ đã qua, họ cũng sẽ có một lựa chọn đơn giản hơn là xách ba lô leo núi hai ngày. Lại quay lại với câu chuyện gặp gỡ 2 người từng đặt chóp trên đỉnh Fansipan. Người còn lại là một phượt thủ vô cùng nổi tiếng và anh đã cùng lá cờ Việt Nam của mình đến tất cả các điểm cực của Tổ Quốc. Khi đặt chân lên lại Fansipan, anh mang lá cờ ra và để nó tung bay khi chụp ảnh. Bức ảnh đó nằm trong một bài báo mạng, và ở dưới đã có ngay một dòng comment: "Ông kia bỏ lá cờ xuống, đi Fansipan bằng cáp treo không có đủ tư cách cầm cờ". Chỉ là một mẩu chuyện vui, nhưng tôi nghĩ tư cách của mỗi chúng ta không được xác định bằng việc ta chọn đi cáp hay leo bộ, mà là ở việc ta đã sống thế nào trong đời sống thực mỗi ngày.
Trong một bài viết của một nhà báo rất gắn bó với Fansipan và Hoàng Liên Sơn, anh thẳng thắn ủng hộ và mừng rỡ cho núi rừng Hoàng Liên Sơn. Sau những trải nghiệm về sự tan hoang đang dần ăn mòn những khu rừng, những loài cây cối quý hiếm ở nơi này, anh tin rằng, sự xuất hiện của cáp treo sẽ giúp Hoàng Liên Sơn được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn.

Còn về sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Sapa? Đó là một tín hiệu đáng mừng, khi mà cao tốc Lào Cai giúp người ta đến với Sapa nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn. Ngành du lịch Sapa sẽ phát triển với nhiều đột phá hơn nữa. Sự xuất hiện của cáp treo sẽ tạo ra một bài toán quản lý cho chính quyền và doanh nghiệp, từ đó mang đến những giải pháp để bảo vệ Sapa, bảo vệ Hoàng Liên Sơn. Bởi câu chuyện ở đây, là câu chuyện người ta sẽ tìm cách để giữ nguyên vẹn cảnh quan núi rừng, để chính những du khách ở trên mây còn cái để chiêm ngưỡng và ngắm nhìn. Chứ không phải sẽ tiếp tay phá rừng, để những gì chúng ta nhìn được trên cáp treo chỉ là những mảnh núi trọc lốc.

Một đỉnh núi không phải cột mốc để đánh giá tư cách của bất cứ ai, cũng càng không phải là lý do để chúng ta kỳ thị một ai đó nếu họ chọn cách dễ dàng. Cái cáp treo cũng không phải là thứ cản trở những cung đường phượt, và càng không phải thứ được dựng nên để huỷ hoại cảnh quan nơi đỉnh núi. Phản đối việc hiện đại hoá và tạo cơ hội cho nhiều người hơn được biết đến cảnh đẹp hùng vĩ nơi Fansipan là một cách làm vị kỷ và vô lý, nhất là mỗi ngày trôi qua, những người vừa lên tiếng phản đối vẫn đi xe máy để đi làm, đi chơi, vẫn đặt vé máy bay để di chuyển cho nhanh hơn và vẫn vô ý xả rác nơi công cộng, ngay giữa đô thị này.

Theo Phan/Tri thức trẻ