Thứ Ba

Hãy để cho Hoàng Anh Gia Lai “yên”...

Người ngoài nên ủng hộ các công ty tư nhân đi tiên phong như Hoàng Anh Gia Lai, và không nên phóng đại hay thổi phồng khó khăn của họ. Hãy để họ yên.

Nếu thông tin về nợ nần của Hoàng Anh Gia Lai vào cuối năm 2015 mà báo chí đưa là chính xác, theo đó nợ là 32.650 tỷ đồng, tổng tài sản là  48.604 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 15.963 tỷ đồng, thì tỷ lệ nợ/tổng tài sản 0,672; tỷ lệ đòn bẩy là tỷ số giữa vốn vay trên vốn chủ sở hữu (của Hoàng Anh Gia Lai là 2,045 một tỷ lệ lớn nhưng không phải là“quá lớn” như có báo đã nhận xét).

Toàn cảnh khu phức hợp HAGL Myanmar Centre tại TP.Yangon.
Tỷ lệ nợ càng thấp (chẳng hạn nhỏ hơn 0,4) thì doanh nghiệp nợ càng ít. Nếu tỷ lệ này là 0 (tức là tổng tài sản bằng vốn chủ sở hữu) thì doanh nghiệp không bị rủi ro về tín dụng, về lãi suất, nhưng chi phí cơ hội có thể cao, cho nên các nhà đầu tư không thích các công ty có tỷ lệ nợ quá thấp (thí dụ nhỏ hơn 0,3) do chi phí cơ hội có thể cao (tức là không được lợi nhiều bằng đầu tư vào thứ khác có lợi hơn). Như thế luôn phải xem cả rủi ro tín dụng lẫn chi phí cơ hội.

Một tỷ lệ nợ cao hơn (0,6 hay cao hơn) làm cho việc vay vốn tiếp của doanh nghiệp khó khăn, rủi ro tín dụng cao. Nhiều nhà đầu tư tìm các công ty có tỷ lệ nợ giữa 0,3 và 0,6. Công ty càng lớn càng dễ có khả năng kiếm tín dụng, nói cách khác có thể có tỷ lệ nợ cao, tuy nhiên khó có thể nói tỷ lệ nào là tốt, tỷ lệ nào là xấu mà phải luôn xem xét các mặt khác trong hoạt động của công ty, như ngành kinh doanh, tình hình dòng tiền, lãi suất, vân vân.

Ngành nghề của Hoàng Anh Gia Lai không phải là các ngành đang có thành tích tồi (khai khoáng, chế biến, dịch vụ phân phối, công nghệ điện tử) cũng chẳng phải là các ngành đang có thành tích tốt (công nghệ sức khỏe, các đồ tiêu dùng mau hỏng, truyền thông, dịch vụ sức khỏe, dịch vụ thương mại), cho nên hiện tại xét về ngành nghề không phải là mối lo.

Hoàng Anh Gia Lai đầu tư dự án khách sạn-văn phòng lớn ở Myanmar, nếu dữ liệu mà báo chí đưa ra là đúng, thì dự án này theo tôi là khá tốt và không nên dùng từ ngữ phóng đại có thể gây hiểu nhầm hoặc gây hoang mang cho công chúng.

Có thể do các khoản đầu tư vào nông nghiệp, cao su (thường có rủi ro lớn về thời vụ, về giá cả quốc tế, nhưng cũng có lúc lời lớn) và có lẽ do giá cả thế giới biến động và những khó khăn khác làm cho tình hình dòng tiền có thể có khó khăn, khiến nhà đầu tư lo lắng và giá cổ phiếu sụt giảm.

Quay lại câu hỏi chính: nợ của Hoàng Anh Gia Lai có đáng lo? Tỷ lệ nợ của Hoàng Anh Gia Lai là 0,672, tức là cao hơn 0,6 và nên giảm đi, nhưng tỷ lệ đó cũng không phải là quá cao. Các ngân hàng đã cho Hoàng Anh Gia Lai vay, nếu công ty có khó khăn trong trả nợ, thì nên tái cơ cấu lại nợ, với sự nỗ lực của cả hai phía và vì chính lợi ích của cả hai phía - Hoàng Anh Gia Lai và các ngân hàng cho vay – tôi nghĩ không khó giải quyết vấn đề này, nếu có vấn đề, thí dụ nhằm đưa tỷ lệ nợ giảm đi một chút (thí dụ xuống 0,6).

Bài này không bàn về các vấn đề khác, nhưng tôi nghĩ không phải đáng lo cho nợ nần của Hoàng Anh Gia Lai (bản thân công ty và các ngân hàng họ giỏi hơn các chuyên gia đứng ngoài nói chi đến công chúng, và họ thừa khả năng giải quyết). Người ngoài nên ủng hộ các công ty tư nhân đi tiên phong như Hoàng Anh Gia Lai, và không nên phóng đại hay thổi phồng khó khăn của họ. Hãy để họ yên.

Ts Nguyễn Quang Anh/Danviet