Thứ Năm

Chưa xứng danh phượt thủ nếu chưa đi đủ tứ đại đỉnh đèo

Đèo Mã Pì Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ là những cung đường được coi là huyền thoại với dân phượt. Cảnh sắc hùng vĩ, đèo dốc quanh co bên bờ vực sâu thẳm - chinh phục tứ đại đỉnh đèo luôn là hành trình đầy "kích thích".

Đèo Mã Pì Lèng

Mã Pì Lèng là cung đường dài khoảng 20km nối liền Đồng Văn với Mèo Vạc. Cung đường này hiểm trở tới mức, người dân địa phương thường kể lại câu chuyện về con ngựa cái leo lên đỉnh đèo bị trụy thai mà chết, con ngựa đi qua phải tắt thở bởi đỉnh núi dựng đứng như sống mũi ngựa. Trước năm 1960, người Mèo ở Đồng Văn không hề có khái niệm con đường, họ vượt Mã Pì Lèng bằng cách đóng cọc treo dây qua vách đá và bò qua vực thẳm,  ở dưới có những đám đá tai mèo lổng chổng, dựng đứng. Sau năm 1959, con đường Hạnh Phúc được xây dựng, chính là đèo Mã Pì Lèng ngày xưa.

Đường lên Mã Pì Lèng
Từ đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng Nho Quế
Mã Pì Lèng tuy không phải là con đèo dài nhất nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất, được ví như “vua của các đỉnh đèo” Việt Nam. Những đoạn cua tay áo, mặt đường nhiều đá hộc khiến hành trình chinh phục Mã Pì Lèng trở nên gian nan và đầy thách thức.

Gập ghềnh các khúc cua tay áo
Lãng mạn trên đỉnh Mã Pì Lèng lúc hoàng hôn
Lãng mạn trên đỉnh Mã Pì Lèng lúc hoàng hôn
Đèo Ô Quy Hồ

Cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đèo Ô Quy Hồ như một ranh giới tự nhiên nối liền 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Tương truyền, vùng đất này gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái, yêu thương nhau mà không đến được với nhau, hóa thành loài chim kêu da diết, khắc khoải. Về sau, tên của loài chim đã được đặt tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2.000m này.

Ô Quy Hồ là cung đường giữ kỷ lục về độ dài ở vùng núi Tây Bắc với hơn 50km ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách đá dựng đứng, đèo Ô Quy Hồ là thực sự là thử thách với các tài xế vượt đèo.
Khung cảnh hùng vĩ của con đèo Ô Quy Hồ
Với cảnh sắc hoang sơ và hiểm trở, đây là cung đường được nhiều "phượt thủ" lựa chọn để chinh phục
Đèo Pha Đin

Pha Đin xuất phát từ tiếng Thái, Pha có nghĩa là “trời”, Đin là “đất”, hàm nghĩa đây là nơi gặp gỡ đất trời. Người dân bản xứ đến nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện về việc tranh chấp ranh giới đèo Pha Đin của 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên. 2 dũng sĩ cưỡi trên 2 con chiến mã tốt xuất phát từ 2 phía của đèo sẽ chạy đua với nhau, nơi 2 con ngựa gặp nhau sẽ là điểm phân tách 2 tỉnh. Con ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo Lai Châu dài hơn một chút so với đèo Điện Biên.

Đèo Pha Đin dài tới 32km, khi bắt đầu đi từ dưới chân đèo, bạn có thể ngắm nhìn cảnh thung lũng Mường Quài bình yên, thơ mộng, nhưng khi đi tới đỉnh đèo ở độ cao 1.648m, bạn sẽ chỉ còn nhìn thấy nền trời xanh thẳm cùng núi mây hùng vĩ.
Thời gian gần đây, đèo Pha Đin đã được sửa chữa, nâng cấp mới, không còn nhiều khúc cua tay áo, độ dốc cũng giảm bớt so với trước đây nên bớt hiểm trở hơn nhiều.
Đèo Khau Phạ

Đèo Khau Phạ nằm ở khu vực giáp ranh Văn Chấn và Mù Căng Chải, Yên Bái. Người H’Mông coi đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng nên mỗi khi gặp chuyện buồn tủi không biết giãi bày cùng ai, khi mất mùa… họ thường ra đèo Khau Phạ để khấn Giàng.

Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín, khoảng tháng 9, tháng 10. Từ lưng chừng đèo, du khách như “ngẩn ngơ” khi ngắm nhìn ruộng bậc thang trải vàng lấp lánh, bội thu. Đây là cung đường hấp dẫn nhất với du khách, bởi đèo đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như Mù Căng Chải, La Pán Tẩn, Tú Lệ, Nậm Có…
Khau Phạ có nghĩa là "sừng trời", đây là đỉnh đèo linh thiêng nhất đối với người H'Mông
Dài khoảng 30km, đèo Khau Phạ là cung đường nối liền Tú Lệ với Mù Căng Chải, đi qua nhiều vùng có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp
Ảnh: Phạm Thắng & Trịnh Thành Lâm