Thứ Năm

Cẩm Khê văn hóa, lịch sử và con người đất tổ

Hơn hai mươi năm trước, ít ai mường tượng được con đường từ đê Ngô Xá đi xã Tiên Lương (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) lại được trải bê-tông nhựa hiện đại, nối thẳng lên cây cầu Ngòi Giành, vĩnh viễn chấm dứt cảnh bị cô lập, đò giang trắc trở mỗi mùa nước lũ ở vùng quê bán sơn địa này. Miền đất Hoa Khê-Cẩm Khê hiện nay nhìn từ vệ tinh (qua Google Map) giống như một doi đất trên “dòng sông” trung du khổng lồ.

Miền đất có tên như hoa, như gấm

Cẩm Khê (tên cũ là Hoa Khê được dùng trong gần 400 năm), là huyện phía tây bắc của tỉnh Phú Thọ, cộng đồng cư dân gần 130 nghìn người sinh sống trên miền đất rộng 23.425 héc-ta. Tên cũ Hoa Khê có nghĩa là khe nước hoa, nôm na là ngòi nước đẹp như hoa. Còn tên gọi Cẩm Khê chính thức được xác lập vào năm Thiệu Trị thứ nhất đời nhà Nguyễn (năm 1841) với sáu tổng, 41 làng. Vì phạm húy với tên Hoàng Thái hậu Hồ Thị Hoa (mẹ Vua Thiệu Trị), nhà Nguyễn đã đổi Hoa Khê thành Cẩm Khê. Dẫu gì thì chữ “Hoa” và chữ “Cẩm” (gấm vóc), cả hai đều đẹp lung linh như chính miền đất này!

Rừng cọ Cẩm Khê
Với đặc trưng miền đất trung du bán sơn địa, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, Cẩm Khê hiền hòa phân thành hai vùng rõ rệt: vùng đồi và vùng ven sông. Tạo tác thiên nhiên thật khéo phân định địa giới Cẩm Khê bằng ba con sông và một dãy núi vòng cung. Ranh giới ở phía đông là dòng Thao Giang quanh năm đỏ nặng phù sa, ở phía tây là dãy núi vòng cung thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, ở phía nam là dòng sông Bứa mà hạ lưu của nó nhập vào sông Thao, ở phía bắc là ngòi Giành-một chi lưu của dòng Thao Giang.

Cẩm Khê có cảnh quan đặc thù của vùng trung du gắn với những đặc trưng của nền Văn minh sông Hồng. Địa hình sông ngòi, có nhiều vùng đồng, đầm, ao hồ trũng thấp nên trước đây ngập úng thường xuyên xảy ra và kéo dài khiến cho việc đi lại, sản xuất và đời sống của người dân Cẩm Khê gặp không ít trở ngại. Trải qua hàng nghìn năm, dưới bàn tay khai khẩn, cải tạo của nhiều thế hệ cư dân, vùng đất vốn hoang vu này ngày càng trở nên trù phú, chứa đựng trong mình nhiều tiềm năng phát triển.

Cư dân Cẩm Khê từ ngàn xưa đến nay hầu hết là người Kinh (hiện chỉ có hơn 800 người dân tộc thiểu số như Mường, Dao, Tày, Nùng đến với đất Cẩm Khê vì lý do hôn nhân). Với đặc trưng nếp nhà người Việt, trước những năm 50 của thế kỷ 20, mô hình gia đình ở Cẩm Khê là “tam, tứ đại đồng đường”. Do quá trình vận động xã hội và sự thay đổi nhận thức, vài thập niên trở lại đây, mô hình gia đình trong một nếp nhà chỉ còn hai thế hệ.
Thị trấn Cẩm Khê
Nghề chính của cư dân Cẩm Khê là trồng lúa nước và rau màu. Miền đất Cẩm Khê có hàng trăm cánh đồng lớn nhỏ cùng nhiều triền ruộng bậc thang chạy theo các chân đồi, ngách dộc. Có những cánh đồng lớn được xem như "vựa thóc của Cẩm Khê" như cánh đồng Ba (Tuy Lộc, Phương Xá), đồng Láng Chương (Văn Khúc, Chương Xá, Tình Cương)... và những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật” ở các xã vùng ven sông Thao. Một bộ phận cư dân Cẩm Khê còn có thêm các nghề thủ công tinh xảo, truyền đời gần 500 năm nay, như: nghề mộc, làm nón lá, mây tre đan, rèn... Hệ thống các đầm, ao, hồ với diện tích hàng trăm héc-ta đã tạo cho Cẩm Khê có nguồn thủy sản cũng vô cùng phong phú. Câu ví “cá đầm Meo, beo Yên Dưỡng” không biết có từ bao giờ, nhưng đó là chỉ dấu về đặc sản cá tôm của vùng đầm và đồng nước Cẩm Khê. Trước đây, mỗi mùa nước cạn, người dân ở vùng đồng Đào, đồng Mèn, đầm Meo, đầm Dộc Gạo… vẫn đánh bắt được những con cá nặng tới hơn hai yến. Giờ đây, hầu hết diện tích mặt nước được quy hoạch theo các chương trình dự án nuôi trồng thủy sản, được áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đem lại sản lượng thủy sản thương phẩm có giá trị kinh tế cao hơn gấp bội.

Suốt quá trình trị thủy để mưu sinh với nghề trồng lúa nước, người dân Cẩm Khê luôn giữ những truyền thống, những phẩm chất đặc trưng của cộng đồng làng xã Bắc Bộ, cần cù, chịu thương chịu khó, chắt chiu, kiên trì... Công cuộc quai đê trị thủy ở Cẩm Khê được tiến hành từ thế kỷ 18-19, thành quả là đắp được con đê sông Thao dài gần 40 cây số. Trong nội đồng, hàng nghìn bờ vùng, bờ thửa dần được hình thành. Công cuộc xây dựng đập Ba Vực, đập Vực Ẩu, đập Dộc Gạo, đập Nhà Chắp… và hàng trăm hồ đập, mương máng là minh chứng cho quyết tâm không mệt mỏi trong công cuộc chế ngự thiên nhiên của người Cẩm Khê.

Cá chép cong mình "vượt vũ môn"

Cư dân Cẩm Khê cũng luôn trân trọng tôn thờ những người có công với làng nước. 38 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có năm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, như: đình Thổ Khối, đình Phương Xá, đình Trình Khúc, đình Hội, đình Hạ Khê... và các đình, đền, nghè, miếu thờ cúng Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng, nhân vật lịch sử thời kỳ Hùng Vương cùng 56 lễ hội truyền thống. Phần lớn lễ hội đình làng ở Cẩm Khê được tổ chức vào mùa giêng hai hằng năm, đều mang một ý nghĩa tôn thờ những bậc thánh nhân hiển linh và là điểm nhấn cho hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống của cộng đồng.

Có lẽ xuất phát từ điều kiện lao động và khát vọng cuộc sống, từ ngàn xưa cư dân Cẩm Khê đã có tố chất cương cường mạnh mẽ nhưng rất biết đùa và luôn hóm hỉnh. Cẩm Khê từng là căn cứ địa, là nơi diễn ra những sự kiện oanh liệt chống ngoại xâm. Trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng, các nữ tướng hợp binh chiến đấu ở Van Bán Trang. Sau này, thời đầu triều đình chống Pháp, nghĩa quân Ngô Quang Bích làm cuộc khởi nghĩa Tiên Động trong phong trào Cần Vương…

Phải chăng người mạnh mẽ là người biết giấu mọi chuyện dưới nụ cười! Vì thế những câu vè, vần thơ dân gian ở Cẩm Khê rất sâu sắc. Thôn nữ Cẩm Khê nói về nghề làm nón lá: Nón ai nón bạc nón vàng/Nón em lá cọ che ngang mặt trời. Và khi phát “tín hiệu” với các cô thôn nữ, các chàng trai Cẩm Khê đọc: Đi đâu nón chẳng đội đầu/Lại đây hai đứa lấy tàu cọ che. Trêu chọc, tếu táo, thậm chí bày tỏ tình cảm với nhau nhưng vẫn ẩn chứa một thông điệp là động viên nhau trong lao động sản xuất, nam thanh nữ tú ở Cẩm Khê xưa đối đáp thật dí dỏm: Em làm cỏ sắn trên nương/Anh thì gánh củi trong rừng gánh ra. Và: Bên này gò, bên ấy cũng gò/Muốn ăn dọc chín thời mò sang đây/Dọc chín còn ở trên cây/Muốn ăn dọc rụng, sang đây cùng tìm.
Toàn cảnh trung du Cẩm Khê
Những chàng trai Cẩm Khê xưa bày tỏ lời khen, sự quan tâm của mình đến nàng thôn nữ nào đó thì sẽ nói xa nói gần: Hỡi người gánh nước quang tre/Cho tôi một gáo tưới chè cho vui, hay: Rủ nhau lên núi hái chè/Hái dăm ba lá xuống khe ta ngồi. Nếu chưa được phản hồi thì tiếp: Cách nhau có nương chè thưa/Những lời em nói anh chưa nghe tường/Lạ lùng anh mới tới đây/Thấy gốc chè mạn, thấy cây chè đồi. Nếu nàng thôn nữ “bề trong như đã, mặt ngoài còn e” thì sẽ đáp lại: Trước nương sơn, sau lại nương chè/Ước gì em được đi về cùng anh.

Bên cạnh những câu ca dao ngẫu hứng độc đáo ấy, hồn sông hồn đất Cẩm Khê cũng sản sinh những danh nhân mà tên tuổi đã đi vào sử sách. Theo Đại Nam tích niên sử, từ thế kỷ 15, phong trào học hành thi cử ở Cẩm Khê đã khá rầm rộ và đã có người thi đỗ tiến sĩ. Cẩm Khê cũng sản sinh ra nhà thơ Bút Tre-Đặng Văn Đăng, với những vần thơ ông hóm hỉnh, gây cười mà lại rất thấm thía đã có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật (cũng người quê Cẩm Khê) từng viết: “Tôi cũng được coi là người nổi tiếng nhưng không thể nổi tiếng bằng cụ. Cụ Bút Tre đã từng là giám đốc ty văn hóa tỉnh tôi, và là người có đạo đức mẫu mực, được nhiều người mến mộ và kính trọng. Chỉ có thơ cụ là rất buồn cười”.

Nối tiếp truyền thống hiếu học đáng tự hào đó, mảnh đất Cẩm Khê đã có hàng trăm con dân của mình là tiến sĩ, thạc sĩ thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Những cái tên phải kể đến là Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, chuyên gia hàng đầu về di truyền chọn giống cây trồng, "cha đẻ" của 22 giống cây trồng mới, hiện đang được phát triển trên hầu hết các vùng sinh thái của nước ta; cố Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; TS vật lý Nguyễn Mộng Giao; GS, TS y khoa Trần Phú Cường; GS, TS hóa học Lê Quốc Hùng; GS, TS văn học Trần Ngọc Thêm; GS, TS sinh học Đỗ Ngọc Liên... Nhạc sĩ Phú Quang, cũng là một người con sinh ra ở Cẩm Khê và có năm năm thời thơ ấu sống ở miền đất này.

Bí thư Huyện ủy Cẩm Khê Dương Hoàng Hương cho biết, Đảng bộ huyện đã xác định rõ mục tiêu từ nay đến năm 2020 là: Tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm trong các khâu đột phá về “Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới", tạo sự phát triển nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hơn hai mươi năm trước, ít ai mường tượng được con đường từ đê Ngô Xá đi xã Tiên Lương lại được trải bê-tông nhựa hiện đại, nối thẳng lên cây cầu Ngòi Giành, vĩnh viễn chấm dứt cảnh bị cô lập, đò giang trắc trở mỗi mùa nước lũ ở vùng quê bán sơn địa này. Miền đất Hoa Khê-Cẩm Khê hiện nay nhìn từ vệ tinh (qua Google Map) giống như một doi đất trên “dòng sông” trung du khổng lồ. Với chiều dài 45 cây số, chiều rộng bình quân bốn cây số, cái “doi đất” ấy hệt như chú cá chép đang cong mình “vượt vũ môn”, đầu hướng về phía tây bắc, đuôi ở phía đông nam. Những thành quả của ngày hôm nay đều được bắt nguồn từ khát khao, niềm mơ ước cháy bỏng và quyết tâm cao độ từ thế hệ này sang thế hệ khác của con dân Cẩm Khê.

ND