Thứ Bảy

Ai cho Trung Quốc cái quyền ngăn cản nguồn tài nguyên nước tự nhiên để trục lợi cho riêng mình

Những đập thuỷ điện trên dòng sông Mekong đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Và khi nó ở tầm một vấn đề đa quốc gia, cần một thái độ cương quyết ở tầm đa quốc gia. 


Từ chuyện của nông dân Thái
Tình hình lũ lụt và hạn hán đang khiến những người nông dân ở Thái Lan liêu xiêu. Vấn đề xem ra ngày càng trở nên tồi tệ bởi 6 đập thuỷ điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn dòng Mekong. Họ tin rằng những con đập này sẽ khiến cho họ mất hẳn kế sinh nhai vốn bám vào dòng sông, và khiến họ mất luôn cả quê hương.
Ai cho Trung Quốc cái quyền ngăn cảng nguồn tài nguyên nước tự nhiên để trục lợi cho riêng quốc gia mình
Những con đập đã được xây dựng bởi những nhà đầu tư Thái Lan, với mong muốn tạo ra một “tấm pin của Đông Nam Á” hòng cung cấp điện cho những đô thị đang phát triển nóng của nước này.
Năm 2012, những người nông dân đã không đồng tình với quyết định của chính phủ Thái Lan – với lý do kế hoạch mua điện từ một con đập lớn được xây trên dòng Mekong của chính phủ như vậy đã vi phạm hiến pháp Thái Lan và Hiệp định sông Mekong 1995, một hiệp định được ký bởi Cambodia, Thái Lan, Lào và Việt Nam nhằm bảo vệ dòng sông.

Nỗ lực không mệt mỏi của những người nông dân Thái Lan chân lấm tay bùn này chưa, và có lẽ không bao giờ đủ để ngăn cản những siêu đập trên thượng nguồn dòng sông mẹ đang được xây dựng. Nhưng theo họ, điều mong muốn khi thực hiện vụ kiện, là để người ta hiểu rằng cuộc sống của họ đang bị ảnh hưởng như thế nào.

Nhắc lại chuyện đã xảy ra ở Thái Lan là bởi Việt Nam vừa phải đề nghị Trung Quốc xả nước từ các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mekong nhằm chống hạn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đến hôm nay, chưa thấy Trung Quốc có ý định thực hiện đề nghị này.
Từ lâu, vấn đề các đập thuỷ điện ở thượng nguồn của Trung Quốc, và các dự án do Lào, Thái Lan xây dựng ở hạ nguồn, đang “tiêu diệt” hệ sinh thái của dòng sông Mekong bao gồm cả những người nông dân sống bám vào nguồn nước dòng sông này, đã được nhắc tới.

Nhưng cho đến hôm nay, vấn đề vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Và trong một đợt hạn hán, bất giác người ta nhận ra rằng những đập thuỷ điện ở đầu nguồn sông Mekong có thể là mối đe doạ an ninh quốc gia.

“Mẹ nước” đang cạn sữa
Mekong, trong tiếng Thái và Lào, hiểu là “Nguồn nước mẹ”. Nhưng trong thời kỳ bùng nổ của các đô thị châu Á, người ta nhìn thấy rằng nguồn nước mẹ còn là nguồn điện mẹ. Và chuyển hoá vai trò của Mekong với một tốc độ phi thường.

Tiềm năng thuỷ điện của thượng và hạ nguồn sông Mekong lên tới gần 60.000 MW. Mặc dù trong thập kỷ qua, hàng chục dự án thuỷ điện lớn đã ngăn dòng với tổng công suất lên tới hơn 20.000 MW, thì dòng sông Mekong còn có thể được “bóc lột” cho thuỷ điện với tần suất ghê gớm hơn nữa.
Những đập thuỷ điện lớn, ngoài việc phá không gian sống của những người bản địa và hệ sinh thái chính nơi nó được xây dựng, còn điều phối lại nước ở hạ nguồn. Khu vực này là nơi sinh sống của hàng chục triệu con người, một tỷ lệ lớn phụ thuộc vào tài nguyên nước. Theo thống kê của National Georaphic, chỉ riêng số người phụ thuộc vào nguồn cá ở Mekong để làm thực phẩm, đã là 50 triệu. Thậm chí dòng sông có thể bị “giết chết” như cách mà Trung Quốc đã làm với sông Dương Tử.
Hiểm hoạ là rõ ràng: nó hiển hiện trên chính gương mặt của những người nông dân đang đối mặt với hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiểm hoạ là rõ ràng: nó hiển hiện trong sự phớt lời những lời kêu gọi về việc xả nước chống hạn của nước bạn.

Nhưng cho đến hôm nay, những hành động để chống lại hiểm hoạ ấy vẫn dừng lại ở mức rất hạn chế. Vài ba hội thảo khoa học, dăm ba dòng tin. Lợi ích của hàng chục triệu con người chưa được chuyển hoá thành hành động cụ thể.
37 người nông dân Thái Lan đã đi từ biên giới nước này về thủ đô Bangkok trong một nỗ lực tuyệt vọng, theo đuổi một cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm để đấu tranh với một siêu dự án.
Và ta có quyền tự hỏi rằng ai sẽ bắt đầu làm việc đó ở Việt Nam. Bảo vệ dòng sông Mekong là bảo vệ an ninh lương thực, an ninh quốc gia và sinh mệnh của chúng ta.

Trên mạng, đã bắt đầu xuất hiện ý kiến của một số chuyên gia về việc các nước ở hạ nguồn sông Mekong cần liên kết lại để tạo sức mạnh pháp lý khi đấu tranh với những người đang giữ nước ở thượng nguồn, với các nhà đầu tư không đếm xỉa đến lợi ích ngoài quốc gia của họ.
Một cuộc đấu tranh pháp lý để bảo vệ Mekong có thể diễn ra theo nhiều cách. Nhưng bây giờ nó cần được bắt đầu. Nó cũng khẩn cấp không kém gì những đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

(Theo Vietnamnet)