Thứ Sáu

Có con là mong muốn ích kỷ nhất của con người...

Trong cuộc đời này còn bao nhiêu niềm vui sống, sao phải cho ra đời hẳn một con người chỉ để hy vọng nếm trải niềm vui được tán tụng khắp nơi?

Vừa qua có bài viết của một bạn nói về việc không muốn có con, bị ném đá tơi tả. Tôi xin nêu vài quan điểm cá nhân để mọi người tham khảo. Theo tôi, có con là một mong muốn rất ích kỷ của mỗi người, có thể nói là ích kỷ nhất. Khi một đứa trẻ sinh ra, nó không được hỏi ý kiến trước về việc có muốn tồn tại trên cuộc đời này không, với tất cả những hạnh phúc, đau khổ của cuộc sống. Khoan hãy phản đối tôi trước khi đọc những dòng phân tích sau đây, tôi xin liệt kê những lý do chủ yếu người ta thường có con:

Có con là mong muốn ích kỷ nhất của con người...

Một: Theo bản năng, con người cũng là một sinh vật trên trái đất này, mà mọi sinh vật đều có bản năng nhân đôi để duy trì và tăng số lượng loài của mình nên rất tự nhiên con người cũng có nhu cầu bản năng là sinh con đẻ cái. Thực hiện bản năng không có gì là xấu, tuy nhiên việc lựa chọn không hành động theo bản năng cũng không nên bị coi là xấu xa, nên tôn trọng nó như sự lựa chọn tự do của mỗi người.
Vì dân số loài người hiện nay đã quá tải so với nhu cầu sử dụng tài nguyên (thực phẩm, đất, nước, không khí…) nên quyết định không sinh con không làm ảnh hưởng tới vận mệnh của loài người.
Nhưng việc con người tuyệt diệt là bất khả thi vì sự phát triển và khao khát phát triển của con người là vô hạn (con vật chúng sinh sản có mùa, con người thì khác, không cần mùa, không cần không gian, thời gian, hoàn cảnh gì cả, theo một thống kê năm 2013 thì mỗi giây trên thế giới có 4,3 trẻ được sinh ra). Thậm chí nếu vận mệnh của loài người có đi đến mức nguy cơ thì cũng chưa tới lượt những con người tầm thường như chúng ta nghĩ và lo tới, vì luôn có những con người, tổ chức với hàng nghìn bộ não siêu việt làm việc đó rồi.
Hai: Để được bất tử. Con người luôn mơ ước được trường sinh thế nhưng đến giờ điều này vẫn còn quá xa vời, tuy nhiên việc sinh con đẻ cái đã giúp con người gián tiếp thực hiện điều này. Đứa con sẽ mang bộ gen của cha mẹ, vì vậy việc sinh sản giúp bộ gen duy trì một cách liên tục, tức là bộ gen của họ đã trở nên bất tử.
Ba: Để có người nối dõi. Đây là lý do của những người có cái tôi lớn, cho rằng mình cần để lại dấu ấn trên cuộc đời này để người khác có ấn tượng với mình. Thay vì thực hiện những công trình, phát minh có ích cho nhân loại, họ chọn cách dễ dàng là để lại bản sao của chính mình, bất chấp việc con họ có muốn thực hiện nhiệm vụ này hay không. Họ muốn bản sao ấy thực hiện những gì mình chưa làm được, cũng như lý do trên. Thay vì nỗ lực thực hiện ước mơ của mình, nhiều người đặt áp lực lên lưng con cái trong việc hoàn thành những việc họ mong muốn nhưng không có khả năng thực hiện được. Nhiều đứa trẻ sống trong đau khổ khi bị bố mẹ bắt ép sống và làm nhiều việc chúng không muốn. Đa phần những người viện dẫn lý do này thậm chí không tự nghĩ được cho chính mình mà thường adua theo số đông, làm theo chủ nghĩa bầy đàn, làm theo ý người khác để được hoà nhập trong xã hội.
Bốn: Để bản thân có chỗ dựa về mặt tinh thần, vật chất khi về già. Lý do này nêu rõ sự ích kỷ của người sinh con, dùng con như một công cụ cho sự sinh tồn, tiện nghi vật chất lẫn tin thần của bản thân, mặc dù là lý do ích kỷ được đông đảo xã hội cổ kim chấp nhận. Thế nhưng, trong xã hội xưa nay không hiếm những cảnh cha mẹ bị bạc đãi, nhẹ hơn thì lo luôn, nuôi luôn dâu rể cháu chắt. Tính già hóa non là vậy. Còn bình thường thì bao nhiêu người được sống tuổi già viên mãn bên con cháu hiếu thảo đâu, tỉ lệ này rất thấp.
Năm: Để được trải nghiệm niềm vui bên con trẻ. Trong cuộc đời này còn bao nhiêu niềm vui sống, tại sao phải cho ra đời hẳn một con người chỉ để hy vọng nếm trải cái niềm vui được tán tụng khắp nơi? Thế nhưng rất nhiều người khổ sở, bế tắc, thậm chí chết không nhắm mắt vì con cái. Tôi có đọc một thống kê của nghiên cứu ở nước ngoài trên báo mạng nói rằng những cặp vợ chồng không có con tỷ lệ hạnh phúc cao hơn những cặp vợ chồng có con. Đó là thống kê sau khi họ đã trải nghiệm việc sinh đẻ, nuôi dạy rồi, chứ không phải họ mới kết hôn, chưa có con hay đang mong muốn có con mà không được. Là thống kê tỷ lệ đạt được hạnh phúc sau khi họ đã đi gần hết đời người. Đó cũng là lý do tại sao các nước giàu có tỷ lệ sinh đẻ rất thấp. Vì họ có rất nhiều sự chọn lựa, nhiều cách sống mang lại hạnh hạnh phúc mà có thể kiểm soát nó tốt hơn việc sinh con.
Sáu: Để gắn kết mối quan hệ vợ chồng. Một lần nữa con cái là công cụ. Đáng lý ra hai vợ chồng nên cố gắng hơn trong việc gắn kết thay vì đổ trách nhiệm đó lên đầu con trẻ. Ngược lại, nhiều cuộc hôn nhân đã chứng minh, khi con cái ra đời, áp lực và thách thức càng cao, cuộc sống trở nên nặng nề hơn, có thể dẫn tới sự xa cách, nhàm chán, thậm chí đổ vỡ mối quan hệ vợ chồng.
Trên đây chỉ là những lý do chủ yếu người ta thường nói đến khi có con, còn rất nhiều lý do khác. Tựu trung lại, nếu ai quyết định không có con tôi cho rằng họ có những lý do rất chính đáng, tránh được những suy nghĩ ích kỷ như trên đây. Nếu khi về già mà thay đổi ý kiến, mọi người vẫn có thể nhận con nuôi. Tôi có những người bạn ngay sau khi kết hôn đã quyết định không có con và họ rất hạnh phúc với quyết định đó. Chưa kể đến vấn đề tâm linh thì theo thuyết nhà Phật nói "Đời người ở thế gian (nhỏ là gia đình, quyến thuộc, lớn là quốc gia, dân tộc) đều không ngoài báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ". Vì thế, con cái đến với mình cũng chỉ là do duyên, nghiệp, đến để “báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”.
Trong xã hội hiện nay, liệu việc sinh ra một đứa con, nuôi dạy chúng nên người có dễ dàng không? Khó vô cùng, chưa nói đến bao nhiêu thứ bất trắc xảy ra. Sống, sinh ra làm người đã là khổ rồi, không kiểu này thì kiểu khác này, 1001 kiểu khổ, tại sao mình đã khổ sở rồi giờ lại tiếp tục hành hạ thân xác khổ tiếp vì con, rồi để con nó tiếp tục bị đời hành. Mà thật ra sướng khổ đểu do tâm sinh ra, vậy nên nếu muốn hạnh phúc thì không cần có con vẫn có thể hạnh phúc được. Có vài dòng sau cho dễ hiểu hơn vậy: “Bể khổ mênh mông sóng ngập trời. Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi. Thuyền ai ngược gió hay xuôi gió. Ngẫm lại cũng trong bể khổ thôi”.
Nói túm lại, nếu cần quần chúng có thể tìm đọc cuốn sách “Sáu tỷ đường đến hạnh phúc” để thấy rằng mục đích sống, khao khát của con người được hạnh phúc chứ không phải là sinh con đẻ cái. Rằng đừng nhân danh bản năng (duy trì nòi giống) để phục vụ cho sự vị kỷ mang màu sắc cao cả của bản thân, hay ngược lại đừng nhân danh sự cao thượng do gắn nhãn để phục vụ cho mục đích bản năng. Rằng con người cần hạn chế sự ảnh hưởng, chi phối của bản năng động vật để đạt được tối đa sự tự do thể xác, tự do nội tâm.

Trâm/góc bình luận