Thứ Bảy

Tôi thèm được hít hà mùi tết, được quây quần bên mẹ, gia đình!

Tết, chỉ một từ thôi nhưng nó gợi lên trong mỗi chúng ta biết bao điều. Đặc biệt không khí đó mỗi năm chỉ có một lần nên càng ý nghĩa hơn với những người con xa quê.

Những ngày cuối năm, Sài Gòn se se lạnh, không khí tết đang đến rất gần... Tuy không còn háo hức chờ mong tết đến để được mặc quần áo mới và tiền mừng tuổi như những ngày thơ bé nhưng cảm giác hồi hộp xen lẫn với niềm xúc động khó tả thì không thể nào mất đi trong tôi.

Sau những bộn bề lo toan của cuộc sống thường ngày, tết là lúc những kỉ niệm tuổi thơ lại ùa về trong tâm trí tôi. Tôi nhớ, lúc còn bé xíu, vì nhà rất đông anh chị em nên cứ đến cuối năm, mẹ chắt chiu dành dụm tiền mua một mảnh vải lớn rồi dắt cả đám nhóc tì chúng tôi ra bác thợ may đầu xóm nhờ may cho mỗi đứa một bộ quần áo mới.
Tôi thèm được hít hà mùi tết, được quây quần bên mẹ, gia đình!
Mẹ dặn bác may thêm hai cái túi thật lớn để chúng tôi có thể cất tiền lì xì và bộ đồ mới đó được chị gái ủi phẳng lì vào chiều 30 tết. Sáng hôm sau, vào ngày đầu năm mới, chúng tôi sẽ được ba gọi dậy thật sớm, xúng xính thay quần áo mới, nhận tiền lì xì. Sau đó, dung dăng dung dẻ dắt nhau ra đầu ngõ, gặp ai cũng cúi đầu chào năm mới.

Tôi nhớ, vào chiều 29 tết, mẹ thường ngồi gói bánh chưng ngoài hiên. Ba và anh trai thì chất thêm củi chuẩn bị bếp lửa nấu bánh. Bốn nhóc tì chúng tôi quẩn quanh bên mẹ, tranh nhau ăn vụng những mảnh vụn đậu xanh mẹ cắt làm nhân bánh còn thừa. Sau cùng chúng tôi ngồi chờ những nếp, đậu cuối cùng, mẹ sẽ gói cho mỗi đứa một đòn bánh nhỏ xíu.

Tôi nhớ, chợ tết ngày 30 nhộn nhịp, gian hàng nào cũng đông người. Người bán, người mua í ới chào mời, những gánh hàng hoa ngồi dọc hai bên đường với những bông cúc vạn thọ vàng ươm, rồi nào dừa, nào dưa, sung, mãng cầu, đu đủ..Những dãy bánh kẹo rực rỡ sắc màu, những hàng tạp hóa người chen chân đông đúc, như thể cả năm chỉ họp chợ một lần duy nhất nên có bao nhiêu sản vật trong nhà người ta mang ra bán và mua trong vài ngày tết.

Tôi nhớ chiều 30, sau bữa cơm tất niên, chị em chúng tôi tranh thủ dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ vì mấy ngày đầu năm không được quét nhà, rồi lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ giao thừa, tuy mệt nhưng rất vui.

Tôi nhớ ngày trước, tất cả các gia đình đều đốt pháo vào ngày tết. Xuất phát từ phong tục dùng tiếng pháo để xua đuổi ma quỷ nên từ chiều 30 đến khuya, tiếng pháo cứ liên tiếp nổ vang khắp nhà trên xóm dưới.

Hồi đó, nhà nào khá giả thì đốt những phong pháo lớn, có khi toàn pháo trống, nổ vang cả vùng. Để chuẩn bị một cái tết đầy đủ ba mẹ tôi cũng đã vất vả lắm rồi, nhưng vì trẻ con thích pháo nên ba cũng ráng mua phong pháo be bé, treo lên cửa sổ rồi đốt sau cỗ tất niên cho có không khí. Bây giờ thì tết không còn nghe tiếng pháo, chỉ có thể chờ xem pháo hoa vào thời khắc giao thừa.

Tôi nhớ thời khắc cuối năm, sau khi hoàn tất hết việc dọn dẹp nhà và chuẩn bị xong cho mâm cỗ giao thừa, chị em chúng tôi lại ngồi bên cửa sổ, lắng nghe tiếng pháo nổ râm ran vẳng lại từ khu làng phía bên kia cánh đồng bạt ngàn.
Một góc tết quê
Tất cả chúng tôi ngồi nhìn những đốm lửa chập chờn trong bóng tối đen kịt của đêm 30 rồi hù dọa nhau đấy là ngọn đèn của những người ở cõi âm đang vội vã trở về nhà cùng ăn tết với người thân.

Tôi nhớ, sáng đầu năm mới, ba thường là người đánh thức chúng tôi dậy sớm hơn, rồi cả nhà sẽ ngồi uống trà và ăn mứt gừng, sau đó ba sẽ lì xì cho từng đứa. Giờ đây, tôi không còn được ngồi uống trà cùng ba vào sáng đầu năm mà thay vào đó là việc chế trà sẵn rồi đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ ba.

Tôi nhớ, tôi đã rất thích hít thở không khí của sáng sớm ngày đầu năm, tôi thường đi quanh quẩn khắp sân rồi men theo bờ đê để ngắm nhìn đồng lúa vụ xuân xanh mơn man trãi dài tít tắp phía trước nhà. Những cánh đồng lúa ngày trước của tuổi thơ tôi giờ đã thay bằng những khu nhà ở, tiếc...

Tôi nhớ, ngày tết, bọn trẻ chúng tôi cứ kéo rồng rắn từ nhà đứa này sang nhà đứa khác, khi đã đi khắp nhà tất cả các bạn học, chúng tôi bắt đầu ghé thăm nhà thầy cô giáo để chúc tết.

Bọn trẻ chúng tôi ngày xưa giờ đã qua 30, vẫn còn liên lạc với nhau nhưng giờ gần như ai cũng có gia đình, bận rộn với việc chăm sóc con cái, vài người ở xa, có người ở trời Tây... nên không còn hẹn hò đi đón giao thừa cùng nhau như ngày xưa nữa.

Tôi nhớ, những ngày tháng xa nhà, mỗi dịp cuối năm như thế này, tôi chỉ có một ước muốn duy nhất là nhanh chóng trở về bên gia đình để có thể cùng những người thân yêu tất bật chuẩn bị cho thời khắc đón một năm mới về.

Tôi thèm được hít hà mùi tết, được quay quần bên mẹ, được ôm mấy đứa cháu nhỏ vào lòng, được cùng bạn bè đón giao thừa, được cảm nhận khoảnh khắc thiêng liêng khi phố phường đêm 30 có một chút mưa xuân nhẹ, có chút hơi ấm tỏa ra từ những ngọn lửa của vô số vàng mã được đốt sau mâm cỗ giao thừa.

Tôi muốn được cùng cả nhà đi chùa vào ngày đầu năm để cầu mong một năm mới an lành cho tất cả mọi người... Còn rất rất nhiều điều gợi nhớ trong tôi khi tết đang gần kề.

Dù mỗi năm phải già thêm một tuổi, phải thừa nhận mình vẫn chưa làm được nhiều thứ nhưng tôi không thể ngăn niềm háo hức mong chờ tết, bởi với tôi, cho đến lúc này, Tết là một khoảng thời gian rất thiêng liêng, gợi nhớ rất nhiều kí ức trong trẻo, ngọt lành. Tôi yêu Tết Việt.

Phương Thúy