Thứ Bảy

Trông vào đạo đức kẻ có quyền, hay hoàn thiện hàng rào luật pháp?

Tội ác đi liền với trừng phạt. Nhưng điều tôi đau đáu là sau mỗi một sự trừng phạt, nhà cầm quyền có tìm được cách vá những lỗ hổng, rào chắn những ngả đường dẫn dắt con người vào cái xấu, cái ác hay không?

Sau khi từ quân ngũ trở về tôi lấy vợ, sinh con, sống eo hẹp, khó khăn trong thời bao cấp hậu chiến.
Nhà có chú em quay phim, tôi học lỏm chú rồi đi chụp ảnh đám cưới lấy tiền. Tôi còn buôn bán đủ thứ ở Chợ Giời để kiếm thêm. Vừa việc cơ quan, vừa chân trong chân ngoài, tôi vắt kiệt sức lực kiếm đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt. Nhưng tính tôi ẩu nên khi mệt mỏi, bận rộn thường để tiền bạc hớ hênh, vương vãi đồng nọ đồng kia trên bàn, dưới tủ.

Trông vào đạo đức kẻ có quyền, hay hoàn thiện hàng rào luật pháp?
Một hôm, cha gọi tôi lên gác xép, rót nước pha trà rồi nhẩn nha trò chuyện: “Cậu sinh được ba anh em, đều giáo dục tử tế. Nhà ta chưa khi nào xảy ra việc khuất tất. Song con nên xem lại, tiền nong con để bừa bãi quá. Xưa có câu: Anh em thương yêu nhau rào giậu cho kín. Con có hiểu hết ý nghĩa của câu này không?”.

Thấy tôi yên lặng, cha tôi lại rót nước rồi giải thích thêm, rằng con người nhân chi sơ tính bản thiện, nhưng cũng có bản ác, nhất là khi có cơ hội sinh mầm ác. Cha tin các em tôi nhưng cha lo ngại lỡ khi các em gặp khó khăn việc gì đó, thấy anh sơ hở, bản năng xấu xa của con người sẽ có cơ hội trỗi dậy.

Năm ấy tôi mới 32 tuổi.

Sau đó, tôi sang Đức làm ăn, có lần kiếm được 50.000 D-mark. Tôi buộc làm 5 gói đút vào ngăn kéo gian phòng nhỏ kề bên phòng lớn, định hôm sau đi trả tiền hàng và đổi ít USD cất đi. Hôm đó tôi lại có khách, toàn bạn bè gần gũi thân cận. Tối đến khách về hết, kiểm lại tiền để mai đi đổi, thấy mất đúng 1000 D.mark. Mỗi tập bị rút lõi mất 2 tờ 100. Mãi sau này tôi mới xác định được một trong số bốn người bạn của tôi đã làm điều đó. Nhưng lúc ấy tôi không sao đoán được, chỉ một mất mười ngờ. Tôi có tủ, tủ có khóa, sao tôi lại bất cẩn như thế? Ngẫm lại lời cha tôi, tôi tự thấy chính mình là người có lỗi trước tiên.

Đấy là sự nhà, rộng ra, việc quản lý một đất nước cũng có những khía cạnh tương tự dù phức tạp hơn và mức độ ảnh hưởng cũng kinh khủng hơn nhiều.

Nhiều năm qua, hàng loạt đại án về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã được đưa ra xét xử. Một công dân bình thường như tôi quả thực không thể hiểu hết chân tơ kẽ tóc các vụ án gây thất thoát hàng nghìn tỷ của nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Làm sao người ta có thể ôm cả nghìn tỷ của ngân hàng một cách dễ dàng như là thò tay vào túi lấy khăn mùi xoa vậy?

Bởi vì, sếp ngân hàng theo tôi trước hết đều là những con người tài năng thông tuệ. Họ hoạt động trong lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao mà không phải ai cũng có thể rành rẽ mọi ngóc ngách công của họ. Họ, trong quá trình kinh doanh, cũng rành hơn ai hết mọi kẽ hở của luật pháp để có thể lách luật, làm lợi cho mình.

Nhưng tôi tự hỏi, trước khi phạm tội, bản thân họ có phải đã là kẻ xấu sẵn rồi?

Trong một bài viết trước, tôi từng chia sẻ rằng, bản tính con người là thiện nhưng ai cũng có lòng tham và ít người biết được giới hạn lòng tham của chính mình. Cách tốt nhất để phòng cái xấu, cái ác là đừng tạo điều kiện, môi trường cho nó sinh sôi.

Ở phạm vi cá nhân, gia đình, câu chuyện của tôi chỉ gây mầm họa nhỏ, mất mát chỉ dừng lại ở 1.000 D-mark. Việc cũng chỉ gây tổn thương cho chính tôi. Còn ở phạm vi một quốc gia, nếu cơ chế không phù hợp, luật pháp lỏng lẻo, thiếu kiểm tra giám sát, người nắm quyền không rào giậu cho kín, thì tài sản quốc gia sẽ bị tổn thất rất lớn. Một đồng dân làm ra cũng khó. Huống hồ, mỗi năm, hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước – tiền thuế của nhân dân – thất thoát, nỗi xót xa với mỗi người dân khó mà đo đếm được.

Tội ác đi liền với trừng phạt. Nhưng điều tôi đau đáu là sau mỗi một sự trừng phạt, nhà cầm quyền có tìm được cách vá những lỗ hổng, rào chắn những ngả đường dẫn dắt con người vào cái xấu, cái ác hay không?

Theo NGUYỄN VĂN THỌ / VNEXPRESS