Thứ Tư

Nghề Y: Những nỗi nhọc nhằn và đầy nước mắt nhưng đã mấy ai thấu hiểu

*** Cô, học Y, 6 năm, ra trường, làm bác sĩ. Điều kiện khó khăn, phải làm xa nhà, 2-3 tháng về thăm một lần, chỉ kịp hỏi thăm bố mẹ vài câu, nấu bữa cơm, ôm mẹ ngủ một giấc, rồi lại đi. Thi thoảng mẹ muốn gọi cho con gái lại thôi, sợ con đang học, đang trực, đang mổ. Tết về nhà một hai ngày thì cũng biết ngủ vì mệt. Gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa nghe lương bác sĩ lại cười, không đủ bữa liên hoan nhỏ. Chưa bao giờ thấy buồn, nghề chọn người, cô nghĩ vậy.

Tuổi thanh xuân cứ thế trôi qua, vẫn ngày ngày đi làm, vẫn trực gác. Hằng đêm trực vẫn canh giấc ngủ cho bệnh nhân. Có người gọi cô vì khó ngủ, có người vì đau đầu, đau bụng, không tiểu được...

Một đêm trực, vẫn như mọi đêm, lúc cô đang loay hoay xử trí bệnh thì nhạc chuông điện thoại reo, là mẹ, cô không nghe máy, lát sau xong việc cô gọi lại cho mẹ, đầu dây bên kia giọng mẹ có vẻ mệt:

" Không có gì đâu, mẹ nhớ nên gọi thôi, mẹ không biết con trực. Thôi con làm việc đi."

Nghề Y: Những nỗi nhọc nhằn và đầy nước mắt nhưng đã mấy ai thấu hiểu
Tắt máy, cô lại quay về với công việc của mình. 30 phút sau, điện thoại lại đổ chuông, là bố! Cô bắt máy, giọng bố hối hả:" Mẹ con đang ở phòng cấp cứu, huyết áp cao quá, lên đến 220, giờ phải nhập viện gấp." Bất giác như có gì đó bọt nghẹt tim, cô thấy nghẹn ngào, nước mắt vô thức trào ra, ngấm vào môi mặn chát. Òa khóc nức nở như đứa trẻ thơ chỉ muốn chạy ngay về với mẹ. Cảm giác mình là đứa con bất hiếu nhất trần đời. Nhưng rồi quay về với thực tại, với bệnh nhân, lại mạnh mẽ đứng lên và tiếp tục. Bởi cô biết, là nghề Y, là con đường mà cô đã chọn, là ước mơ, là sứ mệnh...

*** Anh, học Y, 6 năm, ra trường, làm bác sĩ. Cũng sinh ra trong gia đình nghèo khó, bôn ba, cũng xa nhà, nhưng xa hơn cô, số lần anh về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bố anh còn trẻ, nhưng cuộc sống khó khăn, nhìn ông già hẳn, những nếp nhăn hằn trên trán. Có con trai làm bác sĩ, bố vẫn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để trang trải và lo cho các em ăn học. Bố đau ốm nhiều lần nhập viện anh cũng không về được. Thi thoảng bố lại vào thăm, mang cho con trai ít gạo, con gà. Mấy ngày trước mẹ anh gọi vào, nước mắt giàn dụa :" Bố bị tai biến nhập viện, nặng lắm!" Thế là anh phải sắp xếp công việc nghỉ phép về quê. Vào bệnh viện nhìn bố nằm trên giường bệnh, lòng quặn thắt, chỉ ước có thể hàng ngày chăm sóc bố như đã từng chăm sóc bệnh nhân. Nhưng rồi cơm áo gạo tiền, vì công việc còn dang dở, vì những bệnh nhân vẫn rất cần anh, thế là bố ổn hơn một tí anh lại phải khăn gói vào để làm việc. Sáng qua còn trực, còn mổ, đến tối nhận được tin bố trở nặng, anh bắt xe về nhà, được nửa đường thì hay tin bố đã ra đi. Lần đầu tiên thằng con trai mạnh mẽ trong anh biết mất, gục mặt, nước mắt lả chả rơi. Anh về đến nhà cũng không kịp nhìn mặt bố lần cuối. Xót xa...

Anh và cô, đến cuối cùng vẫn trở về với công việc, gạt bỏ nỗi đau và mạnh mẽ bước tiếp. Bởi họ biết họ đã mang trên mình chếc áo blouse trắng huyền thoại là đồng nghĩa với sứ mệnh cao cả chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Họ biết dù sao đi chăng nữa, bố mẹ vẫn luôn dõi theo và ủng hộ sự lựa chọn của họ, tự hào về họ. Đây chỉ là 2 chuyện nhỏ trong muôn vàn những chuyện có thật đến rơi nước mắt trong ngành Y. Các nhân viên Y tế đang ngày đêm chiến đấu trên mặt trận sinh tử đó để giành giật sự sống từ tay thần chết. Họ để tuổi thanh xuân trôi qua trong những đêm trực dài, họ bỏ gia đình đằng sau vì các bạn. Tất nhiên, xã hội nói chung và ngành Y nói riêng, đâu đó vẫn luôn có những mặt trái, nhưng xin đừng vì thế mà phủ nhận những gì mà họ đã hi sinh. Tại sao khi cầm một tờ giấy trắng có một vết mực nhỏ, bạn chỉ thấy vết mực mà không thấy rằng phần còn lại là cả một tờ giấy trắng tinh? Không cần xã hội tôn vinh, báo chí ca tụng, tất cả những gì họ cần chỉ là... được bình yên để tiếp tục chiến đấu.

Nguồn: Nghề Y