Chủ Nhật

Hồi ký chiến trường: Phục kích đánh xe tăng địch 'Phần 2'

Sau trận đánh tập kích xe tăng ở rừng le, đơn vị không đứng chân nơi nào lâu, bởi nếu ở cùng toạ độ, thời gian dài sẽ làm mồi cho bọn B52. Hơn nữa nhiều mũi càn của Mỹ nguỵ cứ chia chỉa dọc tuyến biên giới, tìm diệt cơ quan đầu não của ta (Trung ương cục). Các đơn vị chủ lực của ta vừa phải kiên quyết bảo vệ Trung ương, vừa đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, vừa phải bảo toàn lực lượng (Chuẩn bị cho trận đánh quyết định). Do vậy ta phải chuyển sang chiến thuật phân tán nhỏ lẻ.

Đầu tháng 6/1970 Tiểu đoàn 2 chúng tôi (mà sau này là nòng cốt thành lập Trung đoàn 207) đứng chân trong một khu rừng nguyên sinh rậm rạp, cách đường lộ đỏ khoảng 7km.

Ngày 2/6/1970 tôi được ban chỉ huy phân công phụ trách một bộ phận về tuyến sau lấy gạo và thực phẩm. Mỗi Trung đội được cử 6 người và C bộ 3 người. Đi thồ gạo nên mỗi đồng chí phải bỏ lại quần áo và những vật dụng khác, nhưng súng đạn vẫn đầy đủ để có thể tác chiến dọc đường. Bộ phận C bộ theo tôi gồm 2 đồng chí là Dũng quản lý và Thành y tá.

5 giờ sáng xuất phát hành quân. Đồng chí Thành láu táu giành đi trước va đầu ngay phải cành cây rừng to bằng cườm tay, vắt ngang trước mặt. Chắc bị đau nên không kềm nổi cơn tức giận. Thành giơ tay “thẳng cẳng” đấm một phát ngay cành cây đầu mới đụng “Để trả thù”. Bàn tay lại “xưng vếu”. Tức quá! Còn tay chưa bị đau, trở báng súng AK dộng mấy phát vào cành cây cho “hả dạ”. Cả tốp lính đi sau cười rộ mé. Tôi cũng vừa đi tới. Biết được tính khí của đồng chí này nên nắm vai Thành lôi đi và dịu giọng: “Em tha cho nó đi, chờ lấy gạo quay về sẽ tính sổ với nó”.

Cầu mong cho anh Đỉnh và trung đội 2 tối mai trở về sẽ an toàn” đừng có cảnh cả trăm người cùng rơi nước mắt như mới rồi
Cả Đại đội ai mà chả biết Thành. Người dân tộc quê tận Lai Châu. Ở nhà thường uống cao Hổ cốt, mật Gấu nên “Nóng tính như lửa”: Được cái công việc nặng nhọc thường dành hết về mình và rất tốt với mọi người.

Chúng tôi nhập vào đội hình của Tiểu đoàn theo đường mòn rồi tới đường xe thồ. Khoảng 10 giờ thì tới nơi nhận gạo. Một  kho gạo dã chiến do những đoàn xe đạp thồ tấp nập từ nhiều hướng đem về. Sau khi mỗi người đã ních đầy ba lô, đoàn lấy gạo lại ngược đường cũ trở về đơn vị.

11 giờ bộ đội được lệnh tạm nghỉ ven rừng để nấu cơm ăn. Vì từ sáng đến giờ chưa có cái gì vào bụng. Mấy chiếc xoong cá nhân do các Trung đội chủ động mang theo, được nấu trên bếp dã chiến gần ven đường. Trong lúc chờ cơm chín tôi liền nảy ra “sáng kiến”: Mỗi Trung đội cử một người theo tôi vác súng vào rừng tìm thức ăn. Đi được độ 300m. Thấy đám cây trước mặt rung rinh. Một đàn dọc (giống như khỉ ở rừng Miền Đông) đang chuyền cành tới. Tôi lấy khẩu AK của đồng chí chiến sĩ giương lên lấy đường ngắm…Một tiếng “đoành”… từ trên ngọn cây con dọc độ 7- 8 kg rớt đánh “phạch”. Cả 3 đồng chí đi theo mừng quá la toáng lên: “Trúng rồi”, bầy dọc làm cái “ ào” chút xíu mất dạng.

Bất ngờ 3 cô gái đều mặc quần áo bà ba, cổ quấn khăn rằn, đầu đội mủ tai bèo vai mang súng AK xuất hiện và nhăn mặt.

“Các anh săn bắn kiểu gì”!!!.

 Thấy cung cách và kiểu ăn mặc chúng tôi tạm an tâm. Hỏi ra mới biết các cô thuộc Tiểu đoàn vận tải 72 cục hậu cần, đóng quân gần đó cũng đi: “cải thiện đời sống”. Một cô trông chững chạc khiến chúng tôi phải gọi bằng “chị” nói như ra lệnh: “Các anh theo tôi”. Giọng rặt Sài gòn Gia định nghe mới truyền cảm và thuyết phục làm sao. Vậy là 7 người chúng tôi riu ríu đi theo. Một chiến sĩ của tôi vẫn cố “ tha” theo con dọc mới hạ được.

Dò dẫm… im lìm… (Y hệt như khi tiến nhập trận địa). Một mùi thơm , dầu con sóc, từ thân hình các cô, các chị cứ phảng phất làm chúng tôi nhiều lúc cũng thấy “ngất ngây”.Từ khi vào chiến trường lần đầu tiên mới cảm nhận được hương vị của những người thiếu nữ tuổi xuân xanh phơi  phới, nên cả đám chúng tôi, từ chỉ huy đến chiến sĩ còn rất trẻ đều bối rối, ngượng ngùng…xao xuyến…

Một ý nghỉ vội thoáng qua: “Mong chiến tranh mau kết thúc…”.

Bổng cô gái khoát tay cho chúng tôi ngồi thụp cả xuống. Phía trước mấy ngọn cây động đậy, đung đưa và một bầy dọc đang chuyền cành tiến dần về hướng chúng tôi. Khẩu súng AK của cô “chị” lấy thân cây làm bệ tỳ giương lên. Để chắc ăn “chị” quay đầu dặn chúng tôi” “Các anh không được hô hoán gì đấy, và cứ ngồi im nghen”

Một tiếng “đoành”, con dọc từ trên cành cây rớt đánh “phạch”. Chúng tôi khoái quá định la lên nhưng chợt nhớ đến lời “chị” dặn nên chàng nào chàng nấy ngồi im re. Một lát sau cũng một tiếng “đoành” lại một tiếng rớt đánh “phạch” ngay chổ đó, và không đầy 30 phút hơn chục chú  dọc đã nằm xếp lớp ngay gần gốc cây.

Nhắm đã đủ thịt cho cả tốp người. Cô gái hạ súng xuống, khoá chốt an toàn rồi bảo chúng tôi đến lấy xác dọc. Nghe tiếng người, bầy dọc lại “ào ào” và một chút xíu lại mất dạng. 14 con dọc cả thảy. “chị” bảo “các anh lấy 8 con đi, để lại tụi em 6 con thôi”. Chúng tôi ái ngại từ chối: “Các cô đem về đi, chúng tôi săn đám khác được mà”. “chị” xuống nước năn nỉ: “Không được đâu! Lũ này khôn lắm, nó bị 2 lần là đám khác tạt hết, các anh tính ngủ lại đêm sao!?”. 3 cô gái đi cùng cũng van vỉ chêm theo: “làm ơn, các anh lấy đi cho tụi em vui” Tôi đọc được trong ánh mắt các cô, ánh nhìn dịu dàng, thương cảm của những người chị, người em, người đồng đội…

Một ý nghĩ lại vụt lên trong tôi: “Giá như không có chiến tranh các chị, các em giờ này cũng đang là những sinh viên của các trường Đại học Sài gòn. Một thành phố nguy nga, tráng lệ. Chứ đâu phải lặn lội, khổ cực chẳng kém gì cánh nam giới tụi này. Thương các chị, các em tự nhiên nước mắt tôi cứ muốn chảy .

Cuối cùng chúng tôi cũng chỉ nhận đúng một nửa (7 con) vì chúng tôi đã có riêng một con rồi mà. Một người khệ nệ 2 con. Chúng tôi vội vã trở về chỗ nấu cơm. Cơm đã gần chín. Tôi quyết định vặt lông và nướng một con đãi đoàn lấy gạo. Còn lại mỗi Trung đội 2 con, C bộ 1 con, rồi tất tả dẫn đoàn quân trở về đơn vị. Tối hôm đó cả Đại đội được một bửa thịt rừng “phả phê”. Anh Đỉnh khen tôi là “giỏi”. Tôi thuật lại chuyện gặp các cô gái anh mới giải thích. Các cô ấy có kinh nghiệm đấy. Săn dọc là phải thật êm. Nghe tiếng súng nó chẳng hiểu gì, con trước bị rơi. Êm một lúc con khác lại nhảy đến dòm xuống. Súng nổ lại rơi, và cứ như thế nếu kiên nhẫn có thể hạ cả đàn dọc hàng trăm con. Còn để nó biết có người là cả đàn bỏ chạy…

“À ra là như thế…”

Thực hiện chỉ lệnh của trên. Tiểu đoàn quyết định mỗi ngày một Đại đội cử một Trung đội ra tận lộ đỏ phục kích đánh xe tăng địch. Đại đội 5 + 7 hướng rừng cao su. Đại đội 6 hướng rừng già. Ban chỉ huy chúng tôi họp phân công mỗi ngày một Trung đội, có cán bộ đại đội đi kèm. Cũng tuỳ “hên xui”. 2 ngày đầu đi rồi lại về không (vì địch cũng rất thất thường, có ngày chúng hành quân có ngày thì im bặt).

Ngày 6/6/1970 đến lượt Trung đội 3 và tôi được phân công cùng đi (Lúc này cũng mới được bổ sung quân số và vũ khí) nên gom hết hoả lực toàn Trung đội 9 khẩu (6 B40 + 3 B41). 18 tay súng của Trung đội cộng thêm tôi và 1 liên lạc. Cả thảy 20 người lặng lẽ rời đơn vị cắt đường rừng ra hướng lộ.

7 giờ sáng chúng tôi ra tới ven lộ. Phải mò mẩm để chọn địa hình thuận lợi nhất, bất ngờ nhất. Tôi và đồng chí Phỏng quyết định chọn một khoảng rừng tương đối thưa cây có tầm nhìn độ 70 mét thẳng ra ngoài lộ. Điều này có lợi cho ta khi khai hoả không bị vướng cây rừng. Cho chắc ăn Tôi và đồng chí Phỏng Trung đội trưởng Trung đội 3 đến từng chổ bố trí hoả lực lấy đường ngắm thử ra tận mặt đường. Mỗi khẩu súng đem theo 2 quả đạn, một lắp trong súng và một quả dự phòng. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bộ đội tôi quyết định: Mỗi khẩu chỉ bắn một quả rồi rút ngay. Ý tưởng của tôi: “ Nếu 9 quả đạn xuyên thép, đạt hiệu xuất 50% thì đã thịt được 4 đến 5 xe rồi”.

9 giờ mũi càn hành quân của địch đã cách chúng tôi chừng 2km. Trên trời là máy bay trực thăng và lũ phản lực quần đảo. Dưới đất là Trung đoàn thiết giáp 111 của Mỹ, gần trăm xe tăng ầm ĩ tiến trên mặt đường về hướng trận địa chúng tôi. Tiếng động cơ xe tăng và tiếng xích sắt càng lúc càng rõ.

Khoảng 9 giờ 30, đoàn xe tăng địch đã lọt vào trận địa phục kích và lần lượt lướt qua trước mặt từ trái qua phải. Chúng tôi nhìn rõ những chiếc M48 có tháp pháo ngều nghễn và khẩu trọng liên 12ly 7. Xung quanh tháp pháo là cả chục lính Mỹ, và nguỵ Sài gòn “chễm chệ”, súng lăm lăm trên tay.

Đoàn xe cứ lần lượt lướt qua. Tiếng xích sắt nghiến “ken két” nghe đến rợn óc.

Chiếc xe đi đầu đã đến đúng tầm bắn của khẩu B41 do đồng chí Phỏng (Tranh của lính) trực tiếp làm xạ thủ chặn đầu.

Một tiếng “ùng” phát ra từ khẩu B41. và “oàng” ngay ngang thân chiếc M48. và lần lượt 8 khẩu hoả lực từ 8 vị trí đều phóng đạn bay ra mặt đường. lập tức lũ bộ binh nhảy khỏi xe nằm rạp xuống . Những khẩu pháo tự hành, trọng liên 12 ly 7 quay nòng sang hướng chúng tôi nhả đạn. Đạn nhọn 12 ly 7, AR15, cứ phầm phập cắm vào những thân cây quanh chúng tôi. Đạn M79 nổ chát chúa. Bộ đội ta nhanh chóng rút quân. Nhờ có ý thức từ trước nên độ 7 phút sau chúng tôi đã rời trận địa cách vài trăm mét.  Bom địch từ những chiếc phản lực, rốc két từ lũ máy bay lên thẳng, pháo tự hành từ những chiếc xe tăng bắn tan nát cả khu rừng mà cách đó chỉ ít phút còn lặng lẽ, im lìm . “Một sự hủy diệt thật ghê gớm”.

Chúng tôi về tới hậu cứ an toàn chỉ có 2 đồng chí bị thương nhẹ do vấp phải cây rừng.

Rồi cứ liên tiếp đến chiều mũi càn của địch thêm 2 lần phải ném bom, bắn pháo vì vấp phải trận địa phục kích của Đại đội 5 + 7.

Chiều tối hôm đó tiểu đoàn thông báo đoàn xe tăng địch bị bắn cháy gần chục chiếc trên các trận địa của tiểu đoàn 2 đã “thưởng” cho chúng (Tiểu đoàn mà sau này là nòng cốt thành lập Trung đoàn 207).

Vậy là ngày hôm đó Tiểu đoàn chỉ mất chưa đầy 50 quả đạn mà đã diệt được 7 xe tăng địch, mấy chục tên Mỹ nguỵ. Đổi lại địch tiêu hao không biết bao nhiêu là đạn nhọn, M79, đạn pháo tự hành của xe tăng, rốc két, bom .

Ta hy sinh 5 đồng chí (Ở Đại đội 5+7).

  Thất bại trong trận đánh càng làm cho Bộ chỉ huy chiến dịch cuộc “càn móc câu”, hay còn gọi là trận “càn Đông dương” của bọn Mỹ nguỵ tức tối như “bò đá”. Gợi nhớ lại 2 câu thơ được nhân dân Miền Nam trìu mến tặng cho bộ đội quân giải phóng.

“Đạn của Mỹ vãi ra như cát;
Đạn Bác Hồ mỗi phát mỗi khiêng”.

Những trận đánh nhỏ lẻ “xuất quỷ, nhập thần” của ta vừa tiêu hao sinh lực địch, vừa làm thất vọng ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng. Bộ chỉ huy chiến dịch của địch tức tối, huy động tối đa cường độ B52. Chúng ném bom bất cứ khu vực nào mà chúng nghi là có bộ đội ta thường trú,  sâu vào tận hậu cứ phía sau của mặt trận giải phóng.

Đêm mùng 9/6/1970, đại đội tôi được lệnh điều 40 chiến sĩ cơ động giúp đơn vị bạn giải quyết hậu quả. Sau khi tính toán ban chỉ huy quyết định điều gần hết số chiến sỹ của C bộ lên đường, quân số còn lại chia đều cho các trung đội.

Anh Nhưng và tôi được phân công chỉ huy. Cũng chỉ mang theo ít súng đạn gọn nhẹ còn lại là cuốc xẻng. Được một trinh sát tiểu đoàn dẫn theo đường mòn, đi được một đoạn khá xa thì ra đường xe thồ (lúc này ở miền Đông ta có mấy đơn vị vận tải hầu hết là nữ, sử dụng loại xe đạp tự chế và xe phượng hoàng vừa làm phương tiện vận tải hàng, vừa làm cáng để tải thương  ( cáng thương binh thì phải 2 xe, 1 trước 1 sau, có cọc nâng độ cao ngay chỗ yên xe để võng đừng chạm đất).

Xuất phát từ lúc 8h tối vừa đi vừa chạy đến 10h tối chúng tôi đã đến vị trí. Trước mắt chúng tôi là một bệnh viện dã chiến của ta bị B52 địch quần nát. Các lán trại vẫn còn nghi ngút khói, cây cối đổ ngổn ngang, bông băng vương vãi trắng xóa trên những cành cây. Cảnh tượng thật đau lòng!

Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là đào bới những hầm lán bị bom B52, hy vọng tìm kiếm những thương binh còn sống sót. Được cán bộ bệnh viện hướng dẫn, chúng tôi tìm được 4 chiếc hầm bị sập hoàn toàn và nhanh chóng phân công 10 đồng chí tìm kiếm một hầm. Bộ đội ta bỏ súng đạn qua một bên, nhiều đồng chí cởi cả áo quần dài chỉ còn mặc 1 chiếc quần đùi. Những leng đất được hối hả hất lên và chiếc hố cứ mỗi lúc sâu dần. Bốn hầm cùng ở gần nhau và thẳng tắp (một vệt bom tọa độ gần 300m vẹt thẳng một góc bệnh viện). Cũng may chỉ có 4 hầm bị sập. Còn nếu như bom nó có mắt thì thiệt hại sẽ là không lường. Tôi và anh Nhưng mỗi người 2 hầm chạy qua chạy lại. Anh Nhưng thì cứ la toáng “nhanh lên các đc… Cẩn thận lỡ đâm xẻng vào đầu anh em…”, càng đào  xuống sâu, bộ đội ta càng phải thận trọng vì đã bắt đầu gặp thân thể đồng đội. Từng thi thể của các thương binh cứ được liên tiếp đem lên mặt đất. Đến 4h sáng thì 16 người đã được tìm đủ và chẳng còn một ai sống sót. Đồng chí y vụ của bệnh viện đến từng người để xác định danh tính liệt sĩ, làm thủ tục ghi nhớ.

Bộ đội được tạm nghỉ, tôi lướt qua từng hầm. Cứ 4 Liệt sỹ được xếp một hàng ngay ngắn. Nhiều đồng chí đầu cổ vẫn còn quấn băng, nhiều đồng chí bị cụt tay, chân của các trận đánh trước đang nằm điều trị. Tưởng về được đến đây là đã an toàn: “Cuộc chiến khốc liệt không thể định trước được điều gì!”. Nhìn 16 thi thể đồng đội nằm xếp hàng ngang, mặt mũi nhem nhuốc do bùn đất tim tôi lại quặn đau. Căm giận lũ B52, căm giận bè lũ cướp nước và bán nước. Tôi ước sao cho đường Trường Sơn mau mở rộng để những đoàn “sam” biệt danh tên lửa đất đối không của ta xuất hiện trên chiến trường, quật rụng những thằng B52 cho chúng hết đời làm mưa, làm gió…

Công việc giúp đơn vị bạn coi như đã xong. Đồng chí bệnh viện phó đến bắt tay tôi và đồng chí Nhưng: “Cảm ơn, nếu không được các đc giúp thì bệnh viện chúng tôi chẳng biết phải làm sao. Số y sĩ, bác sĩ, y tá qua trận bom cũng nhiều đc bị thương nên giờ phải chuyển tiếp sang bệnh viện khác”. Nhìn gương mặt khắc khổ của người Bác sĩ , thấy thương sao những người lính Quân y ngày đêm lặng lẻ âm thầm hi sinh vì tiền tuyến! 5h sáng chúng tôi lặng lẽ rời khỏi bệnh viện mà lòng nặng trĩu…

Trở về bằng đường cũ nên chẳng cần ai dẫn đường. Qua một đêm thấm mệt và mất ngủ nên hàng ngũ cứ lung ta lung tung Chúng tôi được thoải mái khoảng 2km, trên con đường xe thồ rộng rãi, sau đó rẽ vào đường mòn trở về đơn vị.

Đến ngã 3 anh Nhưng cho dừng lại kiểm quân số. Đếm đi đếm lại các trung đội thì đủ quân, riêng C bộ thiếu mất 1. Tôi nói với anh Nhưng: “Anh cùng bộ đội dừng nghỉ chờ”. Tôi quay lại, đoạn đường từ bệnh viện đến đây vẫn có những cáng thương. Thương binh nhẹ thì tự lực đi bộ. Quay lại được độ 500m thì gặp một cáng có 2 đồng chí nữ đang đứng mếu máo. Tôi quan tâm hỏi 2 cô liền kể:

“Có anh thương binh nặng không đi nổi, chúng em gặp dọc đường. Đến chỗ này anh biểu dừng lại cho anh xuống… Chờ mãi không thấy quay ra, chúng em sục xạo, tìm kỹ cũng không gặp, không biết anh có bị thú dữ bắt không? Tôi nghi ngờ và  thầm nghĩ “ 2 người cố tình đi kiếm… một người cố tình trốn, xung quanh toàn là rừng rậm thì có mà thánh cũng không kiếm nổi…!!!”. Tôi an ủi 2 đc cáng thương quay xe về bệnh viện để đc” thương binh “tôi sẽ kiếm dùm. 2 đc tải thương đi đã thấy xa xa tôi mới bụm tay làm loa kêu tướng “… ơi!” (xin lỗi cho tôi giấu tên đc văn thư, “con cưng” của đơn vị này). Cũng phải 3, 4 lần “cậu ta”… mới lồm cồm từ trong rừng chui ra, mặt mũi tái mét. Hiểu được tâm trạng lo sợ của “cậu ấy” tôi liền lấy giọng thân thiện vỗ về: “Đừng ngại, thế nào cậu kể đi…Tớ hứa chỉ mình tớ biết thôi”. Thế là “cậu ta” tin tưởng thuật lại:

“Em quá đuối nên không theo kịp đơn vị. Thấy mấy cáng thương quay lại bệnh viện em bèn “sáng kiến” tháo ngay cuộn băng cá nhân đem theo, rồi kéo quần tới tận đầu gối băng kín chân và vờ khập khễnh lết ven đường. Một cáng thương dừng lại và em được leo lên. Đi được một quãng khoảng độ hơn 100m, thấy mấy cô tải thương “liễu yếu đào tơ” vất vả nặng nhọc khiêng cáng cho mình nằm “êm ru”, em thấy mình quá “tầm bậy” nên vội đòi xuống để đi… và trốn luôn”. Tôi ráng nhịn cười nói: vậy là chú mày “giác ngộ” sớm đấy tớ không “mét” anh Đỉnh đâu. Đc văn thư năn nỉ: “Anh đừng nói với ai từ nay trở đi em xin chừa…”.

Như đã hứa với “cậu ta”, đuổi kịp bộ phận anh Nhưng, tôi chỉ vờ khỏa lấp. Đồng chí…tụt lại phía sau để đi ỉa… Vậy là doàn quân do anh Nhưng dẫn đầu rẽ đường mòn trở về đơn vị. Trên đương đi tôi cứ suy nghĩ mênh mang. Vừa quạo, vừa buồn cười cho cái đồng chí văn thư  “lếu láo và thông minh tới cỡ đó là cùng”. Rồi cảm thấy thương thương 2 người đồng đội, 2 cô gái chân yếu tay mềm, đáng lẽ họ đâu phải làm những công việc nặng nhọc như vậy. Đúng là dòng dõi của những Bà Trưng, Bà Triệu. Nghĩ tới đây nước mắt tôi cứ muốn tuôn trào.

Thời gian tiếp theo, các mũi càn của địch ở dưới mặt đất cứ bị chặn đánh mà chẳng thấy”Việt cộng” xuất hiện, chúng liền đổi chiến thuật, càn rừng  thọc vào hậu cứ của ta. Nhiều tốp xe tăng cùng bộ binh như những răng lược xỉa vào nơi trú quân của chúng tôi. Quân địch dạo này “khôn” hơn. Cho bộ binh dò dẫm đi trước 1 vài trăm m theo sau là lũ xe tăng. Ban chỉ huy tiểu đoàn 2 (Mà sau này là tiểu đoàn nòng cốt thành lập trung đoàn 207) họp khẩn cấp để bàn phương án tác chiến mới. Nếu để chúng tiếp tục tiến sâu thì chẳng những nơi đóng quân của đơn vị mà các bộ phận phía sau của trung uơng cục sẽ bị đe dọa. Các mũi trinh sát được tung đi và liên tục báo tin tức về ban chỉ huy tiểu đoàn.

3 mũi càn của địch từ lộ đỏ, chúng đang  tiến dần về hướng trú quân của Tiểu đoàn  trên diện rộng khoảng 3 km, mỗi mũi ước chừng gần 30 xe tăng kết hợp với bộ binh. Chúng dựa vào các đường mòn vận chuyển của ta làm đường chính cho xe tăng hành tiến. Cặp 2 bên là lũ bộ binh. Chúng tiến rất thận trọng. Ban đêm co cụm lại tại chỗ và thường được mấy trận địa pháo dã chiến do trực thăng mới cẩu xuống nằm sau lưng luôn bắn phá dọn  đường.

Đại đội 6 có nhiệm vụ chặn mũi cánh trái, C5 + C7 chặn 2 mũi còn lại. Địch đã vào sâu khỏi lộ đỏ hơn 1km.

Đêm 13/06/1970, tôi được phân công đi cùng với trung đội 1 để chặn đánh địch. Bộ đội xuất kích có các trinh sát bám địch dẫn đường. 12h khuya đã áp sát trận địa địch tại đường mòn mũi càn thứ nhất. Chúng tôi bí mật chôn những quả mìn chống tăng trên đường mòn mà đoán chắc xe tăng địch sẽ đi qua. Hai bên đường sâu vào độ 100m là trận địa phòng ngự. Ngay đêm đó bộ đội được đào công sự cá nhân và trước mặt là những quả mìn DH10, mìn Claymo quay hướng nổ về phía địch. Tôi và đc Hùng trung đội trưởng nằm ngay giữa tiểu đội 2. Bên trái là tiểu đội 1, bên phải là tiểu đội 3.

8h sáng, xe tăng địch đã rồ máy. Vì chỉ cách độ 400m nên tiếng xe nghe rất rõ. Biết cánh bộ binh đã đến gần nên đc Hùng lệnh cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu. Y như phán đoán, lính bộ binh càn đường 2 bên trước lũ xe tăng khá xa.

Khoảng 10h, trước mặt trận địa phòng ngự của chúng tôi đã lố nhố những tốp lính bộ binh địch. Khi bọn lính đi đầu đến gần quả DH10 thì đc Hùng cho chập điện điểm hỏa.

Một tiếng nổ long trời phạt sạch những bụi cây con trước mặt.cả tốp lính địch  không còn tên nào nhúc nhích. Địch ở phía sau nổ súng bắn loạn xạ. Các loại đan của địch cứ thoải mái găm vào những thân cây rừng, những ụ công sự. Đạn m79 nổ chát chúa phủ lên trận địa . Thỉnh thoảng ở các công sự, dưới các gốc cây hỏa lực bộ đội ta mới khạc lửa và nghe bên kia tiếng địch rên la. Xe tăng địch ở phía sau cũng bắn pháo chi viện nhưng chúng tôi chẳng sợ vì vướng phải cây rừng.

Trận đánh cứ giằng co, quân địch chẳng tiến thêm được một bước nào. Đại đội 5, đại đội 7 cũng đã nổ súng lâu rồi.

Thấy lũ bộ binh nằm tại chỗ chịu trận, nên đám xe tăng ở sau lưng “hùng hổ ra oai”. Chúng gầm rú, lồng lộn, vừa tiến , vừa chúc họng khẩu trọng liên 12 ly 7 bắn như vãi đạn. Nhưng chỉ lát sau cách trận địa chúng tôi khoảng hơn trăm mét. Chiếc xe tăng đi đầu trúng mìn, đứt xích nằm ẹp vậy là những chiếc sau lưng thun đầu sựng lại. Trận địa bên địch đủ các cỡ súng  diên cuồng vãi đạn nhưng cứ tiến thêm được vài bước lại nhiều tên nhào xuống rên la…

12h trưa tiếng súng thưa và im dần . Lũ xe tăng cũng nồ máy nghe mỗi lúc một xa.

Biết địch đã lui đồng chí Hùng cho bộ đội thoát khỏi công sự lên kiểm tra trận địa . Trước mặt quả DH10 khai hỏa 6 tên giặc nằm chết chỏng queo, ta thu 6 súng. Xa xa nhiều vết máu lênh láng quanh các cây rừng. Địch đã lôi xác đồng bọn rút đi. Bộ đội ta nhanh chóng lui quân và chỉ 10 phút sau, lũ phản lực lao đến ầm ầm dội bom, lũ trực thăng sà xuống phóng rocket. Trận địa ban nãy của chúng tôi banh chành, cây cối đổ ngổn ngang. Rồi tiếp đó đại đội 5, đại đội 7 cũng hứng chịu nhiều trận bom và rocket địch. Tối hôm đó tiểu đoàn thông báo nguồn tin trinh sát kỹ thuật: Trận đánh hợp đồng, phân tán (của tiểu đoàn) ta diệt 5 xe tăng và gần 50 tên địch, ta thương vong hơn 20 đc mà thiệt hại nặng nhất là đại đội 5 bởi chậm chân nên đa số anh em hy sinh đều bị bom và rocket địch. Đại đội 6 chúng tôi có 4 đc hy sinh. Ngay buổi tối cả đại đội làm lễ truy điệu. Hơn trăm con người nước mắt ai cũng rưng rưng.

Đêm hôm đó trung đội 2 lại được lệnh xuất kích. Anh Đỉnh dẫn quân đi . Đại đội 5 và đại đội 7 chắc cũng làm như thế để kiên quyết chặn đứng các mũi càn của địch vào hậu cứ của ta. Tôi và anh Lộc, anh Ưng, anh Nhưng, anh Thiệp ở nhà mà cứ ngay ngáy lo xa: “Cầu mong cho anh Đỉnh và trung đội 2 tối mai trở về sẽ an toàn” đừng có cảnh cả trăm người cùng rơi nước mắt như mới rồi

Còn nữa...
Hồi ký chiến trường: Trận đánh đầu tiên của Trung đoàn 207 'Phần 1'
Hồi ký chiến trường: Đại đội 5 và 7 bị bao vây, đại đội trưởng Hy Sinh 'Phần 3'