Chủ Nhật

Hồi ký chiến trường: Trận đánh đầu tiên của Trung đoàn 207 'Phần 1'

17 giờ ngày mồng 5 tháng 8 năm 1969, đoàn tàu quân sự khởi hành từ ga Thường Tín, từ từ lăn bánh. 8 toa tàu chứa khoảng trên 500 cán bộ, chiến sỹ của đoàn “Đi B”mang số hiệu 1125 (là 1 Tiểu đoàn hoàn chỉnh được tổ chức biên chế Từ A đến D) còn vài toa sau chở hàng quân sự. Trên nóc mỗi toa đều cắm cờ nửa đỏ, nửa xanh phần phật tung bay. Đoàn tàu ra khỏi ga vẫn còn chạy chầm chậm cặp quốc lộ 1, bên trái đường nhân dân đã ra đứng đông nghẹt vừa hò hét vừa vẫy tay tiễn đưa những người con ưu tú vào chiến trường chiến đấu.

Chúng tôi thì chen nhau chui đầu qua các cửa sổ toa tàu, miệng cười tươi như hoa. “Các bố, các mẹ ở lại mạnh khỏe nhé, chúng con đi đây, hết giặc là chúng con về, các em ở nhà chờ các anh nhé, đừng có vội lấy chồng đấy”… Rất nhiều những khuôn mặt của những thiếu nữ xinh đẹp, thoáng buồn và nuối tiếc. Vậy là thêm một đoàn quân toàn những thanh niên trai tráng ra trận và không biết bao giờ mới trở lại.

Sau hơn 6 tháng ròng rã lúc đi tàu, lúc đi xe tải quân sự, lúc bằng xà lan, và phần nhiều bằng đi bộ, lại còn lòng vòng nghi binh nữa chứ. Đến tháng 2/1970 đoàn đi B đã đến khẩu 7 (K7).

“Các bố, các mẹ ở lại mạnh khỏe nhé, chúng con đi đây, hết giặc là chúng con về, các em ở nhà chờ các anh nhé, đừng có vội lấy chồng đấy”
Khác với những lần trước, cán bộ khung được quay ra Bắc tiếp tục nhận quân vào, lần này chỉ có cán bộ cấp D trở ra còn lại C + B được ở lại bổ sung cho các đơn vị chiến đấu. Đoàn chúng tôi được bàn giao ngay cho Trung đoàn 141 Sư đoàn 7 và tôi được bổ sung về Tiểu đoàn 2 (Sau này là tiểu đoàn nòng cốt thành lập Trung đoàn 207). Tôi và gần 30 chiến sỹ mới được điều về Đại đội 6, và chính thức nhận nhiệm vụ chính trị viên phó Đại đội.

Ban chỉ huy Đại đội lúc này gồm 6 người.

-Anh Lộc đại đội trưởng;
-Anh Đỉnh chính trị viên;
-Anh Ưng Đại đội phó;
-Anh Nhưng Đại đội phó;
-Anh Thiệp chính trị viên phó;

Và tôi chính trị viên phó, cả 5 anh đều đã lớn tuổi hơn tôi và đã trải qua nhiều trận chiến đấu, riêng tôi thì mới toanh.

Đơn vị tôi đóng quân trong rừng cây rậm rạp nằm khu vực K7 (khẩu 7). Cách sông Băng khoảng 10km, cách đường giao liên khoảng 30 km về hướng đông, nhìn trên bản đồ tôi xác định toạ độ chúng tôi rất gần Lộc Ninh- An Lộc có trận địa pháo của địch Cà Tum mà bộ đội ta thường gọi là “Dàn nhạc Tân Tây Lan”. Gồm 24 khẩu pháo từ 155 đến 203. Đụng chuyện là nó vãi đạn nổ như bắp rang “Pháo Mĩ mà”, đủ các loại đạn khoan, đạn nổ, đạn chụp. Tôi được bố trí ngủ chung hầm với anh Lộc và 04 đồng chí chiến sỹ. Một cái hầm tránh B52 nắp dày tới gần 1 mét, có 2 cửa lên xuống 2 đầu. Bên dưới được cắm 6 cọc đều và thẳng tắp để cho 6 người chúng tôi giăng võng làm 2 tầng, võng người trên gần sát bụng người nằm dưới. Trên nắp hầm là một nhà lọp bằng lá trung quân, giữa có cái bàn tre và ghế ngồi cũng bằng tre để lâu lâu chui lên “dạo” cho đỡ ngột ngạt.

Khẩu phần ăn đầu tiên của C Bộ (Đại đội Bộ) hơn chục người là 1 thau đậu xanh luộc có thêm chút muối và cứ vậy liên tiếp 7 ngày liền, chẳng có hột cơm nào vào bụng. Cấp trên trả lời kho gạo bị B52 nó nện cháy hết nên cấp tạm đậu xanh để ăn thay cơm vậy. Xuống các hầm lán Trung đội, Tiểu đội nhìn cảnh anh em ráng nuốt đậu và thèm cơm muốn không chịu nổi mới thấy thương làm sao! Vừa nơm nớp sợ B52 nó giã, pháo khoan nó thục vì 1 ngày đêm cả chục loạt B52 ném rất gần, có khi chỉ cách 1 vài km. Bộ đội ta lai phải thay phiên nhau chốt canh gác đêm ngày, đề phòng biệt kích, thám báo nó “phệt”.

Ăn uống đã vậy còn cái nạn thiếu nước. Vì đang giữa mùa khô nên các khe suối đều cạn nước. Cả Tiểu đoàn chỉ có 1 giếng sâu chừng 30 mét. Vì giếng nhỏ, rất ít nước nên phải phân phối đều cho các Đại đội. 1 ngày hơn trăm con người được chia 5 tăng nước (tăng ở đây là loại cao su mủ dầy để che mưa, được cột vào một cái cây giống như võng và đổ nước vào cho 2 người khiêng). Chỉ đủ cho ăn, uống còn tắm giặt thì miễn bàn. Bộ đội cứ thay phiên nhau 5 ngày mới tới lượt ra tận sông Băng tắm giặt khi về quảy được 1 ít nước đem cho những đồng chí ở nhà.

Ngày 18/3/1970 Bọn Lon non đảo chính Hoàng Thân Xi Ha núc và ngay sau đó quân Mỹ - Quân ngụy Sài gòn + Ngụy Lon non phối hợp mở trận càn Đông Dương. Đến thời gian này 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia đều có chung kẻ thù.

Ngày 25/3/1970, Trung đoàn được lệnh đánh chiếm Mi Mốt và ngày 29/3/1970 đánh chiếm Xin Nun bức hàng 4 Tiểu đoàn quân ngụy Lon non ở 2 vị trí này để mở rộng hành lang biên giới. 2 trận đánh này tôi chỉ được ở phía sau phụ trách hậu cần vì các anh cho mình là “lính mới”.

Cuộc càn Đông Dương ngày càng khốc liệt cả 3 sư đoàn 5 + 7 + 9 của ta ở Miền đông vừa đánh vừa rút để bảo toàn lực lượng.

Đến cuối tháng 5/1970, đơn vị chúng tôi đang dừng trú tại rừng cao su (gần đó có nhà máy đường). Sát chúng tôi là một cánh đồng mía rộng khoảng 5km, lúc này đã thu hoạch mía nên cánh đồng trống. Bên kia cánh đồng là một rừng le liên hoàn tới Biên giới, (Le là loại ở Miền Đông, giống như trúc nhưng nó lại thấp lè tè chỉ độ 2- 3 mét, măng của nó ăn rất ngon).

8 giờ sáng ngày 23 tháng 4, quân Mỹ dùng 21 chuyến máy bay vận tải Quân sự (loại sâu đo có 2 chong chóng), cẩu 21 xe tăng thả ngay xuống rừng le bên kia trảng trống ý định của chúng kẹp đơn vị tôi vào giữa. Vì dưới mặt đất đang có một mũi “càn” gồm cả xe tăng Mỹ kết hợp cùng bộ binh đã cách chúng tôi khoảng 10 km. Nhưng ngày hôm đó bị đơn vị bạn phục kích chặn đánh. Do vậy chúng chưa thể thực hiện được ý đồ. Bộ đội được lệnh sẵn sàng chiến đấu nhưng đến chiều chúng vẫn nằm êm trong cánh rừng le, để chờ cánh quân mặt đất tới. 16 giờ, đồng chí Lộc và tôi đích danh được mời lên Tiểu đoàn nhận nhiệm vụ.

Trung đoàn chỉ lệnh “Đêm nay Tiểu đoàn 2 tập kích cụm xe tăng Mỹ. 1/3 Ban chỉ huy các cấp, 1/3 quân số đơn vị thật tinh binh”. Vậy là Trung đội trinh sát được tung đi ngay để bám địch.

17 giờ đơn vị họp chi bộ khẩn cấp ra nghị quyết trận đánh, sau đó họp Hội đồng quân nhân. Quân số tham chiến và sử dụng hoả lực cũng được phổ biến ngay trong cuộc họp này. Đối với anh Loc thì tỉnh bơ vì đã dày dạn quá nhiều trong chiến đấu, riêng tôi thì vừa lo, vừa sợ. Đọc được suy tư của tôi nên anh Thiệp quyết định đi thay, nhưng điện lên Tiểu đoàn không được chấp thuận. Anh kéo tôi ra riêng một chổ vắng người và vỗ về an ủi tôi như một đứa em: “Kiên cứ bình tĩnh, đừng sợ, đừng lo….đã có anh Lộc…rồi em sẽ quen ngay thôi mà”.

19 giờ cơm nước no nê bộ đội được tạm nghỉ chờ lệnh xuất kích.

Tôi và anh Lộc giăng võng cạnh nhau ở mấy gốc cây cao su. Mới nằm một chút anh Lộc đã ngáy khò khò… Riêng tôi thì không sao chợp mắt. Trong đầu lúc này cứ quay cuồng… Hình dung và tưởng tượng cho trận đánh sắp tới: “Trận đánh đầu tiên trong đời”. Nó diễn biến như thế nào? Rồi kết cục sẽ ra sao? Mình còn sống hay chết? Bỗng nhớ nhà, nhớ quê hương một cách khủng khiếp.

Tôi sanh ra ở Nam Định nhưng mẹ lại quê Thái Bình và bố ở Hà Nội. Hồi còn nhỏ ở nhà thỉnh thoảng vẫn được bố đưa về thăm quê nội, và được mẹ đưa về thăm quê ngoại. Cả ba mỗi nơi một vẻ: xôn xao và lộng gió, ồn ào và tấp nập, rộng rãi và bình yên… Rồi thiếp đi từ lúc nào.

Bỗng 2 võng chúng tôi bị giật tung lên. Mở mắt ra thì là anh Đỉnh.

- “Dậy đi 2 cha, đến giờ rồi.”

Tôi nhìn đồng hồ (chiếc Pôn Giốt do Liên Xô chế tạo) lúc này là 24 giờ. Tiểu đoàn thông báo: “Trinh sát đã bám được địch, bộ đội xuất kích”.

Hơn 20 khẩu B40 + B41, mỗi khẩu có 1 AK đi kèm. Tôi và anh Lộc, 2 người có 2 súng ngắn và 2 liên lạc.

Đội hình hành quân ra khỏi rừng cao su đến bìa trảng trống thì dừng lại. Cuộc họp khẩn cấp lại được triệu tập ngay bìa rừng. Trên tấm bản đồ tác chiến mới phác thảo do đồng chí Tiêu, quyền tiểu đoàn trưởng, vạch rõ.

Đại đội 5 hướng đông.

Đại đội 6 hướng tây.

Đại đội 7 hướng bắc.

Đại đội 8 gồm 2 DKZ57 + 2 DKZ75 (do trung đoàn tăng cường) hướng nam.

Chúng tôi lần lượt vượt qua trảng trống như 4 mũi tên ngoằn ngèo, luồn lách áp sát trận địa địch.

Ở hướng đại đội 6, chúng tôi được 2 trinh sát dẫn đường. Anh Lộc đi đầu đoàn quân và thứ tự: trung đội 1, trung đội 2, trung đội 3, tôi đi cuối đoàn quân. Chúng tôi bí mật chiếm lĩnh trận địa, lúc đi thẳng, lúc đi khom. Tới 4h sáng thì dừng lại (tổ trinh sát dẫn đường đã gặp tổ trinh sát bám địch). Trinh sát bám địch cho biết lúc này ta đã ở rất gần địch còn cách độ 300m. Trận địa địch được bố trí phòng thủ hình bầu dục. Hỏa lực tỏa ra 4 hướng và ở giữa là tốp xe tăng chỉ huy. Mỗi xe bố trí cách nhau khoảng 30m, bộ binh địch đào công sự trước xe từ 15 – 20m. Anh Lộc phổ biến nhiệm vụ cho 3 trung đội trưởng. Bộ đội được triển khai đội hình vòng cung, tạo thành hình thế bao vây từ hướng tây và nằm im chờ lệnh. Tôi và anh Lộc nằm ngay sau lưng trung đội 1, bên trái là trung đội 2, bên phải là trung đội 3. Thời gian lúc này như đi chậm hơn bao giờ… Vẫn chưa được nổ súng vì còn đợi các đơn vị bạn và cũng chưa nhìn thấy xe tăng địch. Bò tới bò lui thế nào tôi vớ ngay được một ụ mối có đường kính độ 1m và nằm núp ngay sau. Tôi thầm an tâm: “Bố đạn nhọn của xe tăng cũng không xuyên nổi cái ụ đất này” nhưng con tim cứ nhảy thon thót… May mà được khoác cái tên: “Cán bộ C”… Nên cũng phải ráng… nếu không đã có thể “tè” ra quần rồi.

Giây phút chờ đợi cũng đã đến.

Khoảng 5h30 sáng, từ hướng nam trận địa, DKZ khai hỏa. Hàng chục quả đạn nã vào trận địa địch và chỉ lát sau các khẩu pháo tự hành, 12 ly 7 trên xe tăng địch đã quay ngoắt nòng sang hướng nam nhả đạn. Anh Lộc ra lệnh cho các trung đội tiếp tục phát triển về phía trước. Khoảng 10 phút sau, trước mặt trung đội 1 chiếc xe tăng đã lù lù xuất hiện. Đồng chí An trung đội trưởng trung đội 1 chớp ngay khẩu B40 của lính phụt một quả “Ùng…” cột khói trắng khỏa ngay trước mặt tôi và nghe xa xa…“Oàng”. Vậy là 7,8 chiếc xe tăng ở gần đó dồn hết hỏa lực trên xe về hướng trung đội 1, đạn nhọn của xe tăng và lính bộ binh xạt xạt trên đầu. Đạn M79 nổ inh tai nhức óc. Đồng chí An bị một mảnh đạn ghim ngay đầu máu chảy linh láng.

Bên trái và bên phải hướng trung đội 2 và 3 phát hiện được xe tăng cũng bắt đầu khai hỏa rồi tiếp đến hướng đại đội 5, 7 cũng đã nổ súng. Hỏa lực địch cũng phân tán dần dần.

Anh Lộc truyền lệnh đc Hùng trung đội phó trung đội 1 lên thay thế đc An. 3 chiếc xe tăng trước mặt của trung đội 1 vẫn toang toác bắn như vãi đạn, cộng với lĩnh bộ binh nằm dưới công sự bắn ra như mưa. Khẩu B41 của đc Toản trung đội 1 đã phụt hết 3 quả. Đc Hùng bò tới giằng lấy khẩu B41 trên tay đc Toàn đưa lên lấy đường ngắm bóp cò. Chiếc xe tăng cách độ 70m gục nòng ngùn ngùn bốc cháy. Chỉ lát sau hướng trung đội 2 và 3 xơi ngay 2 xe nữa…

Trận đánh vẫn tiếp tục tiếp diễn, hỏa lực của 2 bên mỗi lúc mỗi thưa trung đội 1 đã có 6 đc hi sinh trong đó có đc An trung đội trưởng. Trung đội 2 có 4 đc hi sinh và trung đội 3 co 5 đc hi sinh và nhiều đc bị thương.

Đến 7h sáng, trước mặt trận địa của đại đội 5, đại đội 7 đã có hơn 10 xe tăng địch bị diệt. Trước mặt đại đội 6, có 5 xe tăng địch đang bốc cháy. Và chỉ ít phút sau, hơn 10 máy bay phản lực chúi đầu ném bom. Gần 20 trực thăng vũ trang lồng lộn phóng rocket. Trận địa 2 bên mịt mù khói lửa: “Địch đã cho ném bom hủy diệt trận địa”.

Chúng tôi được lệnh nhanh chóng rút ra ngoài, chỉ đem được thương binh còn tử sĩ phải bỏ lại.

Cả ngày hôm đó trực thăng địch liên tục quần đảo và bắn phá tứ tung. Chúng tôi phải cắt vòng đường không thể vượt qua trảng trống. Ngay đêm đó rừng cao su trú quân bị 9 loạt bom B52 trãi thảm, nhiều căn hầm của bộ đội ta bị trúng bom.

Ngày hôm sau, chúng tôi được lệnh dời vị trí đóng quân cách đó độ chừng 5km và mãi tới ngày thứ 3 mới có dịp tổng kết điểm quân:

Trận tập kích, tiểu đoàn đã bắn cháy 16 xe tăng địch. Diệt gần 100 tên Mỹ.

Ta hi sinh 63 đc, bị thương gần 30 đc. Riêng đại đội 6 của tôi hi sinh 24 đc bị thương 9 đc.

Vậy là quân số được bổ sung đợt trước, mới sau 1 trận đánh coi như đã hết sạch, nhưng chúng tôi không lo: “Sẽ có tân binh mới vào bổ sung thay thế.” Vì tôi đã tận mắt chứng kiến trên đường Trường Sơn: “Điệp điệp trùng trùng” những đoàn quân cứ nối tiếp nhau ra trận. Rồi nhớ ngay 2 câu thơ được các đc binh trạm đường Trường Sơn căng ngang đường hành quân:

“Quân đi rung lá ngụy trang,
Xôn xao như sóng Trường Giang trùng trùng”.

Lúc leo núi dốc Nguyễn Chí Thanh, 2 khẩu hiệu to tướng lại đập ngay vào mắt như tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội ta vững bước vượt Trường Sơn.

“Ý chí ta cao hơn núi Hạ Lào
Thù giặt Mỹ sâu thẳm hơn đáy sông Xê Pôn”.

Qua trận đánh đầu tiên, tôi đã trút bỏ được cái lo âu, nhút nhát của mình. Nhớ tới đồng đội hi sinh, nhớ tới quân Mỹ bị tiêu diệt. Trong lòng tôi đã trở nên phấn chấn. Muốn được tham gia ngay những trận đánh tiếp theo.

Đến lúc, cụm xe tăng Mỹ bị đánh bất ngờ. Thiệt hại của chúng gần như xóa sổ, bẻ gãy ý định “hai gọng kìm” nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta đang đóng ở tọa độ mà chúng biết rất rõ.

Bộ chỉ huy chiến dịch của chúng tức tối, điên cuồng đến cực độ.

Ngay lập tức chúng cho hủy diệt trận địa bằng bom + rocket. Lúc đầu chỉ là 10 máy bay phản lực và 20 trực thăng. Sau đó đã tăng lên gần 40 chiếc trực thăng võ trang, liên tục quần đảo, bắn phá xung quanh trận địa bán kính tới 2 đến 3km. Bộ đội ta được lệnh rời bỏ trận địa rút ra ngoài để tránh làn hỏa lực điên cuồng của địch.

Đại đội 6 chúng tôi nhanh chóng thu gom quân số còn lại. Liệt sĩ đã lên tới gần ½. Vậy là mỗi đồng chí phải mang từ 2 đến 3 khẩu súng. Tôi và anh Lộc mỗi người cũng them 1 khẩu AK của chiến sĩ hy sinh. 3 đồng chí thương binh nặng không đi được phải cõng, những thương binh nhẹ thì tự lực, số liệt sĩ tạm gửi lại.

Đội hình lại như một mũi tên “đã bị tà” và ngắn đi rất nhiều rời khỏi trận địa. Biết không thể trở về bằng đường cũ qua trảng trống nên chúng tôi phải cắt đường vòng.

Anh Lộc lại dẫn đầu đoàn quân, kế đến là 3 thương binh được các đồng chí còn khỏe thay nhau dìu cõng. Rồi tiếp đến trung đội 1, trung đội 2, trung đội 3. Tôi và đ/c Bịch (liên lạc) đi sau chót đoàn quân.

Mới rời khỏi trận địa chừng 500m thì mấy loạt rocket của tụi máy bay lên thẳng phóng xuống gần sát đội hình.

Một tiếng “Ầm..” như là một phản ứng “có điều kiện” tôi ngã nhào chúi đầu về phía trước. Sau lưng gần 3m đ/c Bịch cũng ngã sấp theo. Một quả rocket phát quang một đám rừng le cách tôi không đầy 10m. Bị đất tung lên mù mịt, mảnh đạn bay vèo vèo cắt ngang những thân cây le chỉ bằng ngón tay đổ nghiêng ngã trên mình 2 chúng tôi.

 Tôi nghe từ phía trước tiếng anh Lộc thét: “Tất cả đội hình nhanh chóng vượt qua tọa độ!”, vậy là phía trước bộ đội chẳng còn hàng ngũ gì cả thoát khỏi vùng “tọa độ chết” của những chiếc trực thăng quái ác.

Tôi cũng chồm dậy vượt lên. Đi được khoảng 200m thì quay đầu lại không thấy đ/c Bịch bám theo. Linh tính cho tôi biết… Tôi liền quay trở lại chỗ vừa rồi. Trên đầu 5 chiếc trực thăng “cá lẹp” cứ thay nhau chuc đầu phóng rocket nổ tứ tung. Kết hợp những loạt đạn đại liên phầm phập cắm xuống. Phải vất vả lắm mới tìm được đ/c Bịch đang nằm thiem thiếp khẩu AK+ B40 đè nặng trên người, máu chảy đầm đìa lênh láng.

Một mảnh đạn làm gãy xương đùi.

Một mảnh phạt mất một phần mông bên trái.

Tôi vội vã mở hộp thuốc cá nhân đem theo bên mình được trang bị từ lúc đi B. (khi đi B vào chiến trường mỗi người đều được trang bị hộp thuốc này. Loại hộp vuông bằng vải bạt dày, có quai để đeo vào dây lưng, bên trong gồm có:

-         2 cuốn băng cá nhân

-         4 miếng gạc

-         Một lọ thuốc viên lọc nước

-         Một vỉ thuốc tăng lực

-         Một lọ thuốc vitamin tổng hợp

-         2 ống ete để phòng độc)

Nhờ có ít kiến thức “cấp cứu cá nhân” tôi đặt gạc vào vết thương và băng lại rất kỹ. Vết thương đùi chỉ còn ri rỉ máu. Khi tới vết thương mông mới khổ sở làm sao! Còn một cuốn băng cá nhân thì vừa bé, vừa ngắn. Cái mông lại to đùng. Tôi bèn tháo ngay chiếc khăn dù hoa  quấn ngang mông đ/c Bịch sau khi đã đặt gac. Vết thương bằng cái miệng cốc.

Băng bó xong rồi tôi loay hoay chưa biết tính sao! Đ/c Bịch đã tỉnh nhìn tôi với đôi mắt lim dim, giọng nói thều thào: “Anh Kiên ơi…đừng bỏ em…em còn bố mẹ già ở quê…”. Nước mắt tôi nhòa đi. Tôi nói như một lời thề: “Anh không bao giờ bỏ em đâu…nếu chết thì 2 anh em mình cùng chết…”. Lúc này không tài nào thông tin được cho anh Lộc (vì lúc đó đâu có điện thoại di động như bây giờ). Hơn nữa, đội hình phía trước đã rời xa, còn bị lũ máy bay đang truy đuổi bắn phá, chắc chắn sẽ có thiệt hại.

Một mình, một đồng đội bị thương nặng, cộng thêm 4 khẩu súng không biết xoay sở thế nào. Tôi quyết định tháo 2 khẩu súng trên người đ/c Bịch và khẩu AK tôi đang mang của đồng đội, nhét đại vào một cụm le rồi cố ý làm dấu trong trí nhớ, để có dịp quay trở lại, chỉ giữ khẩu K54 phòng thân rồi xốc đ/c Bịch lên lưng.

Tôi cõng đ/c Bịch theo hướng đơn vị rút quân hồi nãy. Sau hơn một tiếng đồng hồ lặn lội trong rừng le, tôi gặp ngay bìa trảng trống mà chúng tôi vượt hồi đêm: “Chết mẹ! lạc đường theo đơn vị rồi”.

Ba bốn chục máy bay trực thăng vẫn cứ quần đảo trên không và phóng đạn bất cứ chổ nào mà chúng nghi là có bộ đội ta.

Không thể vượt qua trảng trống vào lúc này, tôi bèn kiếm một cụm le rậm đặt đ/c Bịch xuống nằm nghỉ. Nhìn đồng hồ đã 10h trưa, bụng đã đói cồn cào. Tháo bi đong nước còn rất ít và thỏi lương khô đem theo bên mình. Tôi lấy lương khô bẻ vụn từng miếng nhỏ cho vào nắp bi đong rồi đổ nước. Chờ cho đã mềm như bột cháo cậy miệng đổ cho đc Bịch. Nhưng cũng chỉ được 3,4 nắp là đc Bịch cứ cắn chặt miệng lại không chịu nuốt nữa. Tôi nhai đỡ vài miếng, uống vài ngụm nước cho đỡ mệt, còn nửa thỏi lương khô và nước để giành.

Thời gian lại lặng lẽ trôi qua. Tôi mong sao cho trời mau tối để đua đc Bịch vượt trảng. Nếu cắt đường vòng sẽ xa gấp 3 lần mà sức thì lúc này đã đuối, 2 chân đã mỏi rã rời.

Chỉ còn cách chờ đến tối vậy. Tôi bèn tháo dây lưng để bên nằm cạnh đc Bịch. Hai vết thương của đc Bịch ngày càng cương lên, vì không đào đâu ra kháng sinh và thuốc giảm đau vào lúc này. Lâu lâu đc Bịch lại rên rỉ, khuôn mặt giờ đây đã tái xanh và hốc hác vì mất nhiều máu:

“Đau quá anh Kiên ơi…!”.

Ruột gan tôi như muốn đứt ra từng khúc, con tim quặn thắt. Có cách nào đổi được cái đau cho em mình thì tôi cũng sẽ làm.

Tôi nhỏ nhẹ: “Ráng đi em! Về đến trạm cấp cứu là có thuốc, sẽ hết dau ngay!”

Nước mắt tôi lại chảy dài theo những lời nói lúc này cảm thấy thật vô nghĩa.
Tôi ngước mắt lên căm giận lũ quạ sắt trên đầu cứ “phèn phẹt” của những cái cánh quạt trực thăng.

Bỗng nghe xa xa âm thanh vọng lại: “Kiên ơi…Anh Kiên ơi…”.

Chắc chắn là tiếng anh Lộc và đồng đội rồi. Mừng quính. Tôi vội đứng dậy đưa 2 tay lên miệng làm loa hướng về nơi âm thanh vừa mới phát ra: “Tôi đây…” Lại nghe tiếng…càng lúc càng gần…Tôi lại rống cổ lên hét…

Khoảng 12h thì anh Lộc và 2 chiến sĩ đã tìm được chúng tôi. Đc Thái liên lạc đi với anh Lộc líu lưỡi thao thao: “Rút ra được khoảng 2km thì anh Lộc cho dừng lại điểm quân. Thấy thiếu 2 người nên anh nghi đã có chuyện xãy ra khi đội hình bị loạt rocket của máy bay địch. Vậy là anh quyết định giao cho đc Hoạt trung đội trưởng trung đội 2, đc Phỏng trung đội trưởng trung đội 3, đc Hùng quyền trung đội trưởng trung đội 1 chỉ huy đơn vị tiếp tục cắt đường về. Còn anh và em kéo thêm một chiến sĩ của trung đội 3 quay đầu trở lại. Cũng phải mất một thời gian khá lâu mới tìm đúng chỗ. Thấy vũng máu và 3 khẩu súng nhét cạnh đó là anh quả quyết ngay “Chúng nó bị thương”. Ba người lại thêm 3 khẩu súng và anh  nói với tụi em: “Bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm được 2 thằng nó””.

Tôi xúc động và lại tuôn trào nước mắt. Anh Thiệp chiều qua nói với tôi chẳng sai chút nào “Kiên cứ an tâm…đã có anh Lộc”. Tôi đã thực sự coi các anh như những người anh ruột của mình.
Anh Lộc ghé xuống lăng xăng kiểm tra lại vết trên người đc Bịch và gật đầu tỏ vẻ hài lòng: “Băng bó như vầy tạm được”. Rồi đưa khẩu B40 “chiến lợi phẩm” cho tôi. Xốc đc Bịch lên lưng và ra lệnh: “Tất cả theo anh!”. Đc Thái và đc Hải nhào vào giành cõng nhưng anh Lộc đã nghiêm nghị: “Lát nữa tao mệt sẽ đến tụi bây”. Ba chúng tôi riu ríu chấp hành. Mặc cho lũ quạ sắt lồng lộn trên đầu. Anh cứ cập rừng le, gần bìa trảng guồng bước. Vậy là bốn chúng tôi cứ thay phiên nhau cõng Bịch cắt theo đường vòng.

Khoảng 17h chúng tôi về được tới don vị . Anh Đỉnh, anh Ưng, anh Nhưng, anh Thiệp vội vã ra đón. Đc Bịch được chuyển ngay lên cáng thương có y tá đi kèm hối hả chuyển đến trạm cấp cứu trung đoàn.

Tôi thật bất ngờ, dưới tàn cây của rừng cao su gần hầm ban chỉ huy đại đội, ba hàng quân cuốc xẻng, súng đạn đã chỉnh tề, mỗi hàng độ 20 người. Các anh ở nhà đã tổ chức sẵn và huy động quân số “không được tham chiến”. Được 3 trung đội phó mới dắt quân về cách đó ít giờ “làm lính dẫn đường” do anh Đỉnh và anh Ưng chỉ huy.

Giọng nói của đc chính trị viên phổ biến trước đoàn quân êm dịu nhưng như đinh đóng cột: “Bằng mọi giá chúng ta phải gom hết số liệt sĩ đem về hậu cứ mai táng.”

Vậy là đoàn quân lại như một mũi tên vượt rừng cao su hướng ra bìa trảng. Đc chính trị viên phó tiểu đoàn, trợ lý chính trị, trợ lý chính sách và bộ phận phía sau cua 3 đại đội 5, 7, 8 cũng đã có mặt để chờ trời tối hẳn tiếp tục vượt trảng trống hướng về trận địa sáng nay.

Tôi chỉ kịp trút bộ đồ đang mặc trên người (đã rách bươm) và hôi tanh vì thấm đầy máu đc Bịch lúc này đã khô đét. Lau sơ mình bằng mấy bi đong nước, mặc bộ quần áo anh Thiệp đưa cho, Nhai ngấu nghiến vài bát cơm đã nguội anh nuôi nấu từ tận chiều, rồi chui ngay xuống hầm nằm thiếp đi. Anh Lộc đã vội vã xuống các trung đội kiểm tra quân số về tới đơn vị và thăm hỏi anh em, rồi cung anh Nhưng, anh THiệp bàn công việc giải quyết tiếp những hậu quả của đơn vị.

Tôi thầm kính phục anh: “Một con người đúng là bằng  gang, bằng thép”.

Rồi chỉ ít giờ sau, căn hầm của chúng tôi rung lên bởi những loạt B52 ném rất gần. Đại đội 7 một số hầm bị trúng bom địch, bộ đội thương vong!

5h sáng bộ phận đi làm tử sĩ đã chôn cất anh em ven rừng cao su trở về tới đơn vị. Đại đội 6 chỉ tìm được 15 còn 9 đc coi như mất tích.

Bài viết này tôi mong tìm được tung tích đc Bịch. Vì sau khi lên trạm cấp cứu trung đoàn. Các bác sĩ cho biết: “Chỉ chậm ít tiếng đồng hồ nữa là đc Bịch đã có thể mất mạng”.  Được truyền máu, truyền nước biển sau đó bác sĩ phẩu thuật cưa ngang đùi. Thời gian sau được chuyển ra bắc (không trở lại đơn vị nữa).

Đc Bịch đã thực hiện được nguyện vọng… “về săn sóc bố mẹ già…” đó chính là nhờ anh Lộc và đồng đội đã không quản tính mạng lao và nơi nguy hiểm để tìm kiếm chúng tôi kịp thời gian…

Ôi! Ước vọng của những người con hiếu thảo…Chỉ đạt được tỷ lệ mấy phần trăm: 1/24/63 và đến tận bây giờ hài cốt của đồng đội tôi đang nằm nơi đâu? Chắc chắn là đám rừng le và rừng cao su bạt ngàn gần biên giới. Nơi đơn vị đã có những chiến công tuyệt vời làm cho quân Mỹ phải kinh hoàng khiếp sợ. Và để có được những chiến công đó, xương máu của biết bao đồng đội tôi đã phải gửi gắm lại nơi này…

Còn nữa....

Hồi ký chiến trường: Phục kích đánh xe tăng địch 'Phần 2'
Hồi ký chiến trường: Đại đội 5 và 7 bị bao vây, đại đội trưởng Hy Sinh 'Phần 3'