Thứ Sáu

Huyền thoại 10 cô gái ngã 3 Đồng Lộc - Tổ Quốc sẽ mãi gọi các chị là những đóa hoa bất tử

Ngã ba Đồng Lộc, nơi bắt đầu của con đường Trường Sơn lịch sử, thuộc địa phận Đồng Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, ở giữa là con đường độc đạo, 45 năm trước nơi đây được mệnh danh là "tọa độ chết", là "túi bom" mà đế quốc Mỹ thả xuống nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam. Bởi Ngã Ba Đồng Lộc là "yết hầu" của mạch giao thông nối liền giữa "hậu phương lớn miền Bắc" với " tiền tuyến lớn miền Nam" nên Mỹ đã tập trung toàn bộ lực lượng để hòng cắt đứt con đường này.

Thật khó mà tưởng tượng được rằng trên mảnh đất này, trung bình mỗi mét vuông đất ở đây phaỉ gánh chịu tới 3 quả bom tấn. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 10/1968 không quân địch đã trút xuống nơi đây 48.600 quả bom các loại.

Huyền thoại 10 cô gái ngã 3 Đồng Lộc - Tổ Quốc sẽ mãi gọi các chị là những đóa hoa bất tử
Trước những gian khó đó, với tinh thần xả thân quên mình, kiên cường dũng cảm, lực lượng thanh niên xung phong cũng như bộ đội pháo binh cũng như dân quân tự vệ, công an đã ngày đêm miệt mài phá bom mở đường cho xe Nam tiến. Và trong số họ chúng ta không thể không nhắc đến 10 cô gái trẻ thuộc tiểu đội 4 thanh niên xung phong.

Ngày 24/7/1968, vào hồi 17 giờ tiểu đội 4 được lệnh trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường kết hợp sữa chữa hầm trú ẩn khơi sâu rãnh nước ở đoạn đường độc đạo để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Tiểu đội 4 hôm ấy bao gồm:
1. Võ Thị Tần( 22 tuổi)- tiểu đội trưởng
2. Hồ Thị Cúc( 21 tuổi) - tiểu đội phó
3. Võ Thị Hợi ( 20 tuổi) - chiến sĩ
4. Nguyễn Thị Xuân ( 20 tuổi) - chiến sĩ
5. Dương Thị Xuân (19 tuổi) - chiến sĩ
6. Trần Thị Rạng (19 tuổi) - chiến sĩ
7. Hà Thị Xanh (19 tuổi) - chiến sĩ
8. Nguyễn Thị Nhỏ( 19 tuổi) chiến sĩ
9. Võ Thị Hạ (19 tuổi) chiến sĩ
10. Trần Thị Hường( 17 tuổi) - chiến sĩ.

Sau khi nhận nhiệm vụ xong, các cô đã nhanh chóng đến hiện trường gấp rút triển khai công việc với tinh thần rât vui và không hề sợ hãi. Các cô đã ra ngã ba đường để lấp đường.Hôm ấy,sau vài lần máy bay trinh sát bay qua là 15 lần các tốp máy bay khác lao tới trút bom vào ngã ba.Ba lần cả tiểu đội 4 đã bị bom vùi, nhưng sau đó các cô lại rũ đất đứng lên tiếp tục nhiệm vụ của mình. Đến lượt bom thứ 15, một quả bom rơi ngay đúng đội hình của các cô. Một phút... rồi nhiều phút trôi qua.Trên đài quan sát không thấy ai trong số 10 cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi, những người đồng đội òa khóc nức nở....

Sau hai giờ đào tìm, các đồng đội đã tìm được thi thể của chín người, riêng thi thể chị Hồ Thị Cúc thì mãi ba ngày sau đồng đội mới tìm được. Lúc đấy thi thể chị nằm sâu trong lòng đất đá, đầu còn đội nón, vai vác cuốc, các đầu ngón tay thâm tím...

Các chị đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ chỉ mới mười tám, đôi mươi nhưng với tinh thần xả thân quên mình,ngang nhiên trước bão đạn, các chị chính là biểu tượng của truyền thống chống giặc ngoại xâm của thanh niên Việt Nam nói riêng cũng như của dân tộc Việt Nam nói chung. Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để dệt nên gấm vóc Việt Nam, giành lại độc lập tự tự do cho dân tộc, là những bông hoa đẹp nhất trong nhất trong các loài hoa.

Tổ Quốc sẽ mãi gọi các chị là những đóa hoa bất tử.

Tư liệu : bảo tàng TNXP Hà Tĩnh