Thứ Sáu

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh Câu chuyện huyền thoại

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình đưa Việt Nam trở thành nước độc lập, tự do, Hồ Chí Minh không chỉ là một chính trị gia sắc sảo, một vị tướng tài ba, nhà văn hóa lớn mà còn là một nhà ngoại giao tài tình. Ngoại giao Hồ Chí Minh đã đặt nền móng vững chắc và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngoại giao Việt Nam từ khi thành lập đến nay.

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện tầm vóc, trí tuệ lớn lao và tình cảm sâu sắc của Người trong những mối quan hệ hết sức đa dạng, phong phú đối với mọi lớp người ở các cương vị và thuộc các dân tộc khác nhau.

Hồ Chủ tịch tới thăm, nói chuyện thân mật và chụp ảnh lưu niệm với Việt kiều và các bạn người Pháp ở Bagatelle năm 1946. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh không câu nệ về “đối đẳng chức vụ,” không bị ràng buộc bởi nghi thức ngoại giao mà luôn chủ động, linh hoạt và hết sức chú trọng đến mục tiêu, hiệu quả của công tác đối ngoại. Đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại.”

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Trong đàm phán ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vững nguyên tắc nhưng về sách lược Người rất khôn khéo, mềm dẻo và linh hoạt “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, biết mình, biết người, biết thời thế để đạt được mục tiêu cao nhất.
Sau cách mạng tháng Tám 1945 chính quyền cách mạng non trẻ của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, phải cùng lúc đối mặt với thù trong giặc ngoài. Nhằm giữ vững chính quyền, phương châm của Người là: Găng nhưng không được bể...Chúng ta sẵn sàng nhân nhượng để có một giải pháp chung. Song, độc lập quốc gia và tự do dân tộc thì không được vi phạm.

Trong giai đoạn này nắm bắt mâu thuẫn Pháp-Tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ứng xử ngoại giao khôn khéo, quyết đoán, tùy vào tình hình cụ thể để đưa ra những sách lược hợp lý. Đối với quân Tưởng, bằng những kinh nghiệm của nhà hoạt động chính trị lão luyện, Người có cách ứng xử mềm mỏng, nhưng giữ vững nguyên tắc “chia ghế, không chia quyền.”

Với những viên tướng như Tiêu Văn, Lư Hán, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đến thăm, ban đầu chúng đều tỏ thái độ trịnh thượng, không ra đón nhưng qua vài lần tiếp xúc chúng đã thay đổi thái độ và trong các cuộc hội đàm, cả Lư Hán lẫn Tiêu Văn đều gọi Người là “Hồ Chủ tịch” dù lúc mới sang Việt Nam, quân Tưởng gọi Người là “Tiên sinh Hồ Chí Minh.”

Khi các đồng chí trong Chính phủ thắc mắc, Bác cười và giải thích: “Trong công văn giấy tờ thì họ vẫn viết là kính gửi ông Hồ Chí Minh, nhưng trong khi nói chuyện thì họ lại gọi Bác là Hồ Chủ tịch. Thế là họ đã phải công nhận ta trên thực tế.”

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện tầm vóc, trí tuệ lớn lao và tình cảm sâu sắc của Người trong những mối quan hệ hết sức đa dạng, phong phú đối với mọi lớp người ở các cương vị và thuộc các dân tộc khác nhau.

Để đuổi Tưởng về nước Người đã chủ trương nhân nhượng với Pháp. Tại cuộc đàm phán với đại diện Chính phủ Pháp do J. Sainteny đứng đầu, trước tình thế ngay lập tức không thể đòi Pháp công nhận nền độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân nhượng để đảm bảo giữ được nền độc lập mà ta vừa giành được, Người đồng ý ký kết khi Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Sainteny đã vui mừng chấp nhận.
Sau này trong hồi ký, Sainteny kể lại: “Công thức Việt Nam là quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp do ông Hồ Chí Minh chọn chỉ chốc lát trước khi ký”. Kết quả là ngay sau Hiệp định Sơ bộ (ngày 6/3/1946), Chính phủ Pháp đã phải gián tiếp công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức Pháp với tư cách thượng khách và đón tiếp với nghi lễ nhà nước cao nhất.

Ở mọi tình huống Người đều có cách phản ứng nhanh nhạy nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của dân tộc. Năm 1946, tàu chở Bác từ Pháp về đi qua vùng Manta, thuộc quyền kiểm soát của nước Anh, viên hạm trưởng Pháp phải cho tàu cập bến để xin thủ tục hải quân Anh. Hiểu rõ thông lệ quốc tế, Người thấy đây là cơ hội tốt để nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước, nên đã yêu cầu kéo lá cờ Việt Nam lên, nhưng viên thuyền trưởng đã thoái thác.
Người đáp lời nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Thưa Ngài, Việt Nam dân chủ cộng hòa hiện là một nước tự do, là một thành viên trong liên bang Đông Dương… Hơn ai hết, các Ngài phải hiểu rằng, lá quốc kỳ của chúng tôi phải được kéo lên để cho người Anh và những thực dân khác ở châu Á biết sự hiện diện của nước Việt Nam.”
Yêu cầu của Người là rất chính đáng, dù khó chịu nhưng nhà cầm Pháp phải đồng ý. Trong cuốn hồi ký “Câu chuyện về nền hòa bình bị bỏ lỡ” J. Saiteny bày tỏ tình cảm sâu sắc với Người và khẳng định “Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích thật sự, một mục đích cuối cùng, đó là Độc lập của Việt Nam”.

Tài ứng biến linh hoạt

Phản xạ, ứng đáp nhanh nhạy trước mọi tình huống ở Chủ tịch Hồ Chí Minh có nét đặc trưng riêng, đã trở thành thói quen phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận, thích ứng với mọi hoàn cảnh xung quanh.

Đó là kết quả của một trí tuệ mẫn tiệp của thái độ, phong cách quần chúng. Bác luôn tạo nên một không khí hoà đồng, một mối liên hệ gần gũi giữa người nói, người nghe, xoá đi những cách biệt, những suy nghĩ tự ty của người dân trước lãnh tụ và đưa lại không khí tự nhiên vốn có giữa con người với con người. Nó không dừng lại ở nghệ thuật ứng xử mà là phản xạ tự nhiên của lãnh tụ rất nhân dân.
Một lần tại bữa tiệc do Hầu Chí Minh (người góp phần đưa Bác ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch) chủ nhiệm Cục chính trị đệ tứ chiến khu chiêu đãi, hôm đó có Bác và Nguyễn Hải Thần cùng dự. Nguyễn Hải Thần rất tự phụ về vốn Hán học của mình và nhân dịp này đã ra một vế đối: “Hầu Chí Minh - Hồ Chí Minh, lương vị đồng chí, chí giai minh” (Hầu Chí Minh - Hồ Chí Minh hai vị đồng chí, chí đều sáng).

Khi mọi người còn đang nghĩ vế đáp, thì Bác ứng khẩu: “Nhĩ cách mệnh ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách (anh cách mạng tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách). Chỗ khó và hay của về đối là hai chữ “chí và minh” là tên của hai nhân vật chính trong bữa tiệc, cái tài tình của vế đáp của Bác là vừa kịp thời, hợp cảnh và chuẩn chỉnh cả ý lẫn từ nhưng nâng tầm nhận thức, tư tưởng cao hơn, mang tính cách mạng hơn. Hầu Chí Minh hết lời ca ngợi người đối đáp “đối tuyệt lắm, tuyệt lắm”. Nguyễn Hải Thần cung kính thốt lên: “Hồ Tiên sinh, tài trí mẫn tiệp, bội phục, bội phục”.
Nǎm 1946 Bác sang Pháp, người phụ trách làm hộ chiếu xin phép Bác làm thủ tục. Bác vui vẻ nói: “Chú cứ hỏi, Bác trả lời đầy đủ”. Đến câu thân sinh Bác là gì? Bác cười, trả lời hóm hỉnh: “Bác là Hồ Chí Minh thì, ông cụ thân sinh là... Hồ Chí Thông!”. Mọi người nhìn nhau cười vui vẻ. Một lần có nhà báo nước ngoài hỏi Bác: “Có phải Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc không?”. Bác trả lời: “Ông cứ đến ông Nguyễn Ái Quốc mà hỏi”.

Lần khác nhà báo nước ngoài xin phỏng vấn Bác, ông ta đặt câu hỏi: “Thưa Chủ tịch, trước hoạt động ở nước ngoài, vào tù ra khám, nay làm Chủ tịch nước. Chủ tịch thấy có thay đổi trong đời mình không?” Bác trả lời hóm hỉnh: Không, không có gì thay đổi cả, lúc bị tù ở Quảng Tây luôn luôn có hai lính gác giải đi, lúc trong tù mỗi ngày 5 phút được hai người lính bồng súng dẫn ra dạo chơi. Nay làm Chủ tịch nước đi đâu cũng có hai đồng chí mang súng lục đi theo, ông thấy có gì thay đổi không nào?”
Nǎm 1946, trên đường từ Pháp về Việt Nam đến vùng biển Cam Ranh, Bác nhận đươc bức điện của Đô đốc D’Argenlieu xin gặp Bác trong cảng, mục đích của chúng là giễu võ dương oai để uy hiếp tinh thần Bác. Trong bộ quần áo giản dị Bác ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn đông với những bộ quân phục sáng loáng các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu.

D’Argenlieu giọng mỉa mai bóng gió: “Thưa ông Chủ tịch ông đã được đóng bộ khung rất đẹp của hải và lục quân đó.” Bảc thản nhiên mỉm cười: “Đô đốc biết đó, giá trị là ở bức họa chứ không phải bộ khung. Chính bức họa đem lại giá trị cho bộ khung”. Bất ngờ và cay cú trước tài ứng xử thông minh của Bác, cả hai không dám nói xách mé nữa mà tỏ ra rất lịch lãm và kính phục.
Lần khác, Bác lên tàu đàm phán với Đô đốc D’Argenlieu ở Vịnh Hạ Long, khi gặp Bác chủ động ôm hôn Đô đốc, các đồng chí đi theo thắc mắc, Bác nói: “Đánh nhau thì đánh nhau, mình hôn nó một cái thì có mất gì”. Hôm sau báo chí đưa ảnh và bình luận... “Hồ Chủ tịch ôm hôn Đô đốc chính là ôm chặt để bóp chết.”

Nhiều người thường nhắc tới câu chuyện về cách ứng xử của Bác trong lần tới thăm Bộ trưởng Bộ nước Pháp Hải ngoại Marius Moutet năm 1946. Ông ta đi từ trên thang gác xuống đón Bác, Bác đi lên. Moutet giơ tay ra bắt tay, nhưng Bác lại bế bé gái đi cùng ông ta lên đã, âu yếm cháu trong khi vẫn bước lên. Chỉ khi ở bậc thang ngang với Moutet, Bác mới đưa tay ra. Nếu Bác giơ tay đáp lại ngay thì trong tấm ảnh của các nhà báo chụp phút đó Bác sẽ ở vị thế dưới Moutet, là điều mang ý nghĩa tượng trưng không hay cho ta.

Chính vì tinh tế nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu các đối tượng giao tiếp và rất uyển chuyển trong cách giao tiếp: Nếu cần làm thơ thì Người sẽ làm thơ, cần viết văn thì Người sẽ viết văn hoặc vận dụng những áng văn thơ điển hình của dân tộc và nhân loại phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp. Khi đón Tổng thống Guinea Sekou Toure đến thăm Việt Nam tháng 9/1960, Người mượn ý lẩy Kiều để thể hiện tình cảm:
“Bây giờ mới gặp nhau đây
Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên.”
Hồ Chủ tịch (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) dự Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 24/3/1946, theo lời mời của quân đội Pháp, Hồ Chủ tịch tới thăm chiến hạm Emin Bectanh đang neo đậu tại vịnh Hạ Long. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 6/3/1946, tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của các nước đồng minh Hồ Chủ tịch đã ký với đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội Hiệp định sơ bộ. Ảnh: Chụp ảnh lưu niệm sau lễ ký. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 8/1/1958: Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng ta hội đàm với đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 23/1/1958, Hồ Chủ tịch đã chứng kiến lễ ký Tuyên bố chung giữa Đảng ta và Đảng Cộng sản Pháp. (Nguồn: TTXVN)

Hồ Chủ tịch Hội đàm với Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô N.Khơ rút sốp trong thời gian dự Đại hội 21 Đảng Cộng sản Liên Xô (1/1959)
Hồ Chủ tịch Hội đàm với Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô N.Khơ rút sốp trong thời gian dự Đại hội 21 Đảng Cộng sản Liên Xô (1/1959)
Hồ Chủ tịch nói chuyện thân mật với cụ bà Strong, một chiến sỹ hòa bình Mỹ, sang Việt Nam dự Hội nghị Ủy ban công đoàn quốc tế đoàn kết với lao động và nhân dân Việt Nam lần thứ 2, họp tại Hà Nội từ ngày 2-7/6/1965. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 10/11/1968, Hồ Chủ tịch tiếp và nói chuyện với Hoàng thân N.Phuritxara, Bộ tưởng Ngoại giao Vương quốc Campuchia sang thăm Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 13/2/1958, Hồ Chủ tịch dự cuộc họp mặt của tín đồ Phật giáo ở Calcutta, Ấn Độ. (Nguồn: TTXVN)

Đại biện Pháp ký tạm ước Mute năm 1946. (Nguồn: TTXVN)
Hồ Chủ tịch tiếp và nói chuyện với Thiếu tướng hải quân Asacoravali, Tư lệnh Hạm đội Ấn Độ, chỉ huy tuần dương hạm Maiso, sang thăm Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Kiệm lời, nhiều ý và thẳng thắn

Không chỉ là nhà cách mạng lỗi lạc, nhà ngoại giao tài năng mà tư duy uyên bác của một nhà báo lão luyện còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua hơn 100 bài trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước, kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến khi Người về cõi vĩnh hằng.
Với phong cách trả lời ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào nội dung câu hỏi và đặc biệt là không né tránh, mỗi cuộc tiếp xúc báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều để lại bài học kinh nghiệm quý báu cho những người làm công tác báo chí nói chung và đối ngoại nói riêng.

Trong lời tựa cho tuyển tập 103 bài trả lời phỏng vấn báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật) do Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao sưu tầm và phát hành tháng 5/2015, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã viết: “Hiểu rõ hơn ai hết tác dụng của báo chí, truyền thông đối với sự nghiệp cách mạng và hoạt động ngoại giao, người đã viết hàng trăm bài báo, đồng thời đã trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước 107 lần. Có thể nói, hiếm nhà lãnh đạo cách mạng nào trên thế giới dành mối quan tâm lớn như vậy đối với mặt trận báo chí, truyền thông”.
Ở Người cái thâm thúy, tinh tế phương Đông luôn kết hợp một cách tự nhiên với sự uyên bác, lịch lãm phương Tây.

Đọc kỹ các bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một điều dễ nhận thấy nhất đó là phong cách trả lời ngắn gọn, súc tích và đi thẳng vào nội dung câu hỏi, không bao giờ dùng những từ ngữ chung chung, không rõ nội hàm. Trí tuệ mẫn tiệp của Người thể hiện qua phản xạ nhanh nhạy và nghệ thuật ứng xử rất đỗi tự nhiên trước mọi tình huống tiếp xúc với báo chí.
Trả lời phỏng vấn của báo Frères D’Armes năm 1948, về câu hỏi: “Chủ tịch ghét gì nhất?”, Người trả lời: “Điều ác”; còn “Điều gì yêu nhất?” thì Bác đáp lại “Điều thiện”; về “Điều gì mong muốn nhất?”, Bác khẳng định: “Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu”; Còn việc “Sợ gì nhất?” thì Bác nói rõ: “Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì!”.

Trong cuộc tiếp xúc với hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 2/2/1949, phóng viên hỏi Bác: “Đối với cuộc đàm phán giữa cựu hoàng Bảo Đại với Chính phủ Pháp, lập trường của Chủ tịch là thế nào?”, Người trả lời: “Chúng tôi không nhìn nhận những cuộc đàm phán ấy.”
Phóng viên lại hỏi: “Người ta có thể coi cựu hoàng Bảo Đại vẫn giữ chức tối cao cố vấn của Chính phủ Việt Nam không?”, Người trả lời: “Ông ta đã tự cách chức ấy rồi.”
Phóng viên vẫn chưa chịu, bèn hỏi tiếp: “Nếu Bảo Đại trở về Việt Nam với những hiệp định Chính phủ Pháp cho Việt Nam độc lập và thống nhất thì thái độ của Cụ sẽ thế nào?”, Người trả lời: “Xin ông xem câu trả lời số 1 và số 2”.

Trả lời câu hỏi về vấn đề ngoại giao, Bác nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.
Trong hầu hết các cuộc phỏng vấn, Bác luôn duy trì thế chủ động và tinh thần tấn công đối với những câu hỏi thiếu thiện chí, nhưng lại với văn phong hài hước, nhẹ nhàng.
Trong cuộc họp báo liên quan tới thoả thuận về sự hoà giải giữa Việt Minh, Việt Nam Cách mạng Đồng minh và Việt Nam Quốc dân đảng, ngày 26/12/1945, có nhà báo hỏi Bác: “14 điều thoả thuận đăng trên báo Việt Nam (Cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc dân đảng) có đúng không?”.
Bác trả lời: “Đúng, nhưng phải thêm một điều nữa là đôi bên đã đồng ý với nhau chưa nên công bố, không hiểu sao báo Việt Nam lại đăng. Có lẽ báo ấy quên chăng?”
Tiếp đó, nhà báo khác lại hỏi: “Báo Liên hiệp đăng Chính phủ Việt Minh từ chức nghĩa là gì?”. Bác bèn hỏi lại: “Làm gì có Chính phủ Việt Minh, mà đã không có thì từ chức làm sao?”

Bác cũng không bao giờ né tránh những câu hỏi hóc búa, nhạy cảm mà luôn khéo léo xử lý tình huống theo cách “có nhưng có thể hiểu là không, không nhưng có thể hiểu là có”. Khi Cách mạng Việt Nam mới thành công, do hoàn cảnh lúc bấy giờ, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự giải tán”, nhưng vẫn hoạt động dưới hình thức Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx, nhiều nhà báo nước ngoài tìm mọi cách để Bác khẳng định mình là “cộng sản” để phân hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với các nước khác và một số tầng lớp trong nước hiểu sai về chủ nghĩa cộng sản.
Khi ấy, có nhà báo hỏi: Nghe nói Chủ tịch tuyên bố rằng Chủ tịch có xu hướng cộng sản, nhưng có phải Chủ tịch cho rằng nước Việt Nam chưa thể cộng sản hóa được trong một thời hạn 50 năm không?

Bác trả lời: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Karl Marx. Cách đây 2000 năm Đức Chúa Jesus đã nói là phải yêu mến kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.
“Còn khi nào thì chủ nghĩa Karl Marx thực hiện thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi những điều kiện ấy chưa có đủ.”
“Phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và nó ảnh hưởng hết sức sâu sắc đến đường lối đối ngoại của nhân dân ta”

Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, khẳng định: “Phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phong cách ngoại giao kiệt xuất. Đó chính là sự kết hợp từ bi, bác ái của Đức Phật, lòng vị tha của Chúa và triết học Marx-Lenin. Đây cũng là một lối tư duy hết sức sáng tạo, độc đáo, vì mục đích độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, cách ứng xử khôn khéo, linh hoạt, bản lĩnh trí tuệ trong nguyên tắc ‘Dĩ bất biến, ứng vạn biến’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

“Phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và nó ảnh hưởng hết sức sâu sắc đến đường lối đối ngoại của nhân dân ta bởi đó chính là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây và nó sẽ luôn là kim chỉ nam soi đường cho đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đó là tính độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hai bên cùng có lợi và vì sự tiến bộ chung, đem lại hòa bình, thịnh vượng cho khu vực và trên thế giới,” ông Hà nhấn mạnh.

Có thể nói, ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại. Ở Người cái thâm thúy, tinh tế phương Đông luôn kết hợp một cách tự nhiên với sự uyên bác, lịch lãm phương Tây. Chính nghệ thuật ngoại giao tài ba kiệt xuất của Hồ Chí Minh đã góp phần làm nên thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc.
Toàn bộ những tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về hoạt động ngoại giao và đối ngoại là những di sản quý báu đối với Đảng và nhà nước trong sự nghiệp đấu tranh ngoại giao để phục vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Hoàng thân Lào Souphanouvong tại chiến khu Việt Bắc năm 1948. (Nguồn: TTXVN)