Thứ Sáu

Trần Đại Nghĩa: Những vũ khí góp phần trong cuộc kháng chiến thần kì của dân tộc

Lần giở trang sử vẻ vang của ngành Quân giới Việt Nam, những trang viết về Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa luôn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm. Bởi ông không chỉ là người đặt nền móng, có nhiều cống hiến xuất sắc đối với ngành Quân giới Việt Nam, mà còn nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu ra nhiều loại vũ khí quan trọng, góp phần nâng cao sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhà khoa học anh hùng được Bác Hồ đặt tên

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã “rũ bùn” đứng dậy sáng lòa, trở thành người làm chủ vận mệnh và tương lai của dân tộc. Tuy nhiên, niềm vui độc lập của nhân dân ta thật ngắn ngủi, khi thực dân Pháp nhanh chóng quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Bác Hồ và Kỹ sư Trần Đại Nghĩa với các đại biểu dự Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ nhất tại Việt Bắc (5/1952)
Để đối phó với đội quân xâm lược có tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh hơn gấp nhiều lần, ngoài huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc nhanh chóng sản xuất, chế tạo ra những vũ khí hiện đại đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cách mạng là một yêu cầu đặc biệt cấp thiết. Trước tình hình đó, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng. Tiếp đó, ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, đổi tên Phòng Quân giới thành Cục Quân giới, nhằm mục đích chuẩn bị những điều kiện cần thiết sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913, trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Xuân Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Giữa năm 1933, Phạm Quang Lễ đã đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài Việt và Tú tài Tây. Năm 1935, ông đi du học Pháp, tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Pa-ri, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Xoóc-bon (Sorbonne), Đại học Cầu đường Pa-ri. Sau đó, ông ở lại Pháp làm việc tại Viện Nghiên cứu máy bay. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện Nghiên cứu vũ khí.
Sau khi cùng Trung ương Đảng giải quyết những vấn đề cấp bách, để gỡ thế cờ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, tham dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Fontainebbeau) nhằm thương lượng với Chính phủ Pháp về nền độc lập, hòa bình ở Việt Nam.

Trong quá trình đàm phán với Chính phủ Pháp, phái đoàn Việt Nam đã rất mềm mỏng, thiện chí với mục đích hòa bình, nhưng trước thái độ ngoan cố của Pháp, Hội nghị Phông-ten-nơ-blô đã bị đổ vỡ. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho mời người đàn ông có tên Phạm Quang Lễ đến gặp và nói: “Chú chuẩn bị về nước với Bác, hai ngày nữa ta sẽ lên đường” (1).

Ngày 16-9-1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ đã cùng với một số trí thức khác theo Bác Hồ về nước, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trước khi về nước, kỹ sư Phạm Quang Lễ đã tập trung thu thập hàng nghìn cuốn sách liên quan đến nhiều lĩnh vực mà phần lớn để phục vụ chiến tranh. Trên đường đi, Bác Hồ hỏi kỹ sư Phạm Quang Lễ: “Bây giờ về nước cực khổ lắm, chú có chịu nổi không? Thưa Bác, tôi chịu nổi”. Bác hỏi tiếp: “Hiện nay, ở nhà không có kỹ sư và công nhân vũ khí, máy móc lại thiếu, liệu chú có làm được việc không? Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị 11 năm rồi, tin tưởng là làm được! Bác chỉ hỏi có bấy nhiêu thôi, nhưng tôi nhớ mãi!” (2).

Sự trở về của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỹ sư Phạm Quang Lễ không phải bằng máy bay mà bằng một tàu chiến của Pháp. Bốn mươi ngày lênh đênh trên biển, những lời nói giản dị nhưng vô cùng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các cử chỉ, hành động cụ thể của Người, đã cảm hóa, chinh phục trái tim người trí thức trẻ Phạm Quang Lễ, cũng như tất cả những người có mặt trên chuyến tàu, kể cả các thủy thủ Pháp.

Ngày 05-12-1946, trước ngày toàn quốc kháng chiến 2 tuần, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Quang Lễ. Người nói: “Kháng chiến sắp đến nơi rồi, bữa nay tôi gọi chú lại để giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới” (3). Đồng thời từ đây, đồng chí Phạm Quang Lễ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Trần Đại Nghĩa, vừa để nhắc nhở trọng trách của đồng chí vì nghĩa lớn của Đảng, của dân, vừa để giữ bí mật, an toàn cho bà con thân thích của ông đang sinh sống tại quê hương.

Phát minh lay chuyển cục diện chính trường

Đảm nhiệm chức Cục trưởng Cục Quân giới trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ là một thử thách không nhỏ đối với đồng chí Trần Đại Nghĩa. Tuy nhiên, với vốn kiến thức tích lũy được trong thời gian học tập ở nước ngoài, cộng với sự thông minh, trí sáng tạo, ông đã nhanh chóng bắt tay vào trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vũ khí phục vụ cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Thời gian này, đồng chí Trần Đại Nghĩa được Bộ Quốc phòng giao cho nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo vũ khí chống xe chiến đấu.

Xuất phát từ tình hình thực tế, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã quyết định tiến hành nghiên cứu súng ba-dô-ca bắn đạn lõm - một loại vũ khí mang tính sáng tạo cao, phù hợp với điều kiện vật chất và kỹ thuật của Việt Nam lúc bấy giờ, góp phần quan trọng vào việc tăng cường hỏa lực của bộ binh ta, tạo điều kiện thuận lợi để đánh thắng kẻ thù. Mặc dù phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Trần Đại Nghĩa cùng với đội ngũ cán bộ quân giới đã thành công trong sản xuất súng ba-dô-ca. Tuy nhiên, việc chế tạo đạn ba-dô-ca vẫn chưa thành công.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu lan rộng, đồng chí Trần Đại Nghĩa vô cùng day dứt bởi đạn ba-dô-ca của ta vẫn chưa chế tạo thành công. Hình ảnh những chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, để rồi vĩnh viễn nằm xuống nơi đường phố Thủ đô Hà Nội thân yêu như thôi thúc Trần Đại Nghĩa phải nhanh chóng nghiên cứu hoàn chỉnh đạn ba-dô-ca. Ông đã miệt mài đọc kỹ lại toàn bộ lý thuyết, đối chiếu với việc tổ chức chế tạo thử đạn ba-dô-ca, kiểm tra các thông số kỹ thuật và lý giải nguyên nhân chưa đạt yêu cầu. Cuối cùng, lòng kiên trì và sự nhẫn nại đã giúp Trần Đại Nghĩa vượt qua tất cả khi ông chỉ đạo bộ phận nghiên cứu tháo một viên đạn ra để kiểm tra và tìm nguyên nhân, việc thử nghiệm đã hoàn thành, đạn ba-dô-ca bay đến đích, nổ tung và có tác dụng xuyên phá tốt (4). Loại vũ khí có uy lực lớn này đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế chiến trường, góp phần phá tan chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp.

Như vậy, bằng tài năng và sự thông tuệ vốn có, trong những thời điểm ngặt nghèo của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian khó, ác liệt, Trần Đại Nghĩa và các đồng nghiệp đã nhanh chóng nghiên cứu và hoàn thành súng, đạn ba-dô-ca mang thương hiệu Việt Nam. Thành quả đó là những bước đi đầu tiên trong quá trình thực hiện ước vọng của đời mình, học cho được nghề chế tạo vũ khí ở nước ngoài để về tham gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc.

Với sự góp mặt của súng ba-dô-ca, cuộc chiến đấu của quân và dân ta từng bước giành được những thắng lợi quan trọng, trong đó nổi bật là chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947. Tuy nhiên, với quyết tâm nhấn chìm cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong bể máu, thực dân Pháp tiếp tục thực hiện những âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó hơn lúc nào hết, chiến trường cần thêm nhiều loại vũ khí hạng nặng để chống lại sức mạnh quân sự của thực dân Pháp. Ngoài súng ba-dô-ca đã “thành danh”, đồng chí Trần Đại Nghĩa khi đó là Cục trưởng Cục Quân giới, sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ và tính toán kỹ lưỡng, đã quyết định đi vào nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu thành công súng không giật (SKZ) - một loại súng với trọng lượng nhẹ có thể vận chuyển, mang vác dễ dàng, nhưng lại có sức công phá ngang đại bác và bom bay.

Theo đó, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã phác họa những bước đi đầu tiên về SKZ. Ông nhanh chóng ghi chép thành tài liệu để tổ chức nghiên cứu trên thực tế. Sau khi nhận được tài liệu về thuốc phóng trong SKZ do đồng chí Trần Đại Nghĩa xây dựng, tổ nghiên cứu chế tạo SKZ do đồng chí Nguyễn Trinh Tiếp phụ trách đã hoàn thành việc thiết kế kỹ thuật, chế thử và thử nghiệm đo đạc các kiểu súng và đạn SKZ. Kiểu đầu tiên trong hệ thống SKZ là SKZ 60 cm được chế thử loạt “O” ở TD 97 (xưởng TD97 thuộc Khu 10). Những sản phẩm loạt “O” được chuyển ngay cho các đơn vị sử dụng trong các chiến dịch năm 1949. Sau đó, SKZ được đưa vào sản xuất ở Liên khu 1 và Liên khu 3.

Điểm đáng lưu ý là, súng SKZ chỉ nặng 26 kg, lại có thể tháo rời để mang vác. Đạn SKZ 60 cm (lõm) nặng 9 kg, có khả năng xuyên bê tông dày 60 cm (gấp 3 lần súng ba-dô-ca 60 cm), tầm bắn thông dụng từ 50 m đến 100 m. SKZ xuất trận lần đầu tiên ở chiến dịch Lê Hồng Phong I, do Đại đoàn 308 sử dụng đã phá lô cốt địch. Năm 1950, chiến trường Nam Trung Bộ nhận được 10 khẩu SKZ và 150 quả đạn từ Việt Bắc chuyển vào. Thời gian sau, quê hương Trần Đại Nghĩa cũng nhận được SKZ để đánh Pháp.

Sự xuất hiện của SKZ buộc địch phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống công sự, đồn bốt (5), đồng thời khiến chính đối phương phải thừa nhận sức mạnh của nó. Trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương” Luy-xiêng Bô-đa đã viết: “Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60 cm là những quả đạn SKZ 8 kg mà người Việt đã chế tạo trong các hang núi ở Chi Nê… Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi. Dưới tác dụng của các quả đạn lõm, tất cả đều sụp đổ” (6).

Mặc dù, SKZ đã đáp ứng được yêu cầu rất lớn của thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng diễn ra cam go quyết liệt, đòi hỏi phải sớm sản xuất ra các loại vũ khí hoàn thiện hơn. Dù đã nhiều lần nghiên cứu các loại bom bay mang bí số V1, V2 của Đức, nhưng Trần Đại Nghĩa vẫn chưa giải mã được những bí mật về các loại vũ khí này. Trong ông luôn nung nấu sẽ có ngày chế tạo ra một loại vũ khí có uy lực sấm sét, đánh bại ý chí xâm lược của quân thù.

Từ xuất phát điểm đó, dựa trên thực địa chiến trường, Trần Đại Nghĩa đã có phác họa đôi nét về một loại vũ khí mới. Đó là, do ta và địch luôn ở thế cài răng lược, vì vậy hiệu quả của “bom bay” chỉ hạn chế từ 3 km đến 4 km, quả đạn cũng chỉ nặng khoảng 25 kg đến 30 kg. Nhưng làm sao để đẩy cả khối thuốc nổ đó đi xa một hành trình dài tới mấy ki-lô-mét là vấn đề cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu? Đồng chí Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu phương án tối ưu chế tạo thuốc đẩy và ông đã thành công, khi thực hiện phương án ép từng lớp thuốc vào ống thép. Vũ khí mới được khẩn trương sản xuất với tên gọi khiêm nhường “đạn bay”. Sau đó, đạn bay được cấp tốc đưa đến các vùng chiến sự khốc liệt, góp phần làm nên những thắng lợi quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tấm gương của một nhà nghiên cứu chân chính, hết lòng vì sự nghiệp khoa học nước nhà

Có thể nói, do luôn thực hiện đúng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Đại Nghĩa từ trí thức Tây học đã trở thành một trong những người tiêu biểu cho ý chí, nghị lực và tinh thần phấn đấu cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng tài năng, trí tuệ và tinh thần vượt khó đáng khâm phục, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu ra nhiều loại vũ khí hiện đại, điển hình là súng ba-dô-ca, SKZ và đạn bay.

Sự ra đời của những loại vũ khí mang tên Trần Đại Nghĩa đã đưa trí tuệ Việt Nam vươn tới đỉnh cao của nền khoa học - kỹ thuật thế giới lúc bấy giờ. Đồng thời, việc nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu thành công những loại vũ khí đầu tiên cũng là cơ sở tiền đề quan trọng để Trần Đại Nghĩa sau này trên những cương vị công tác khác nhau tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền khoa học - kỹ thuật nước nhà.

Với những cống hiến xuất sắc, năm 1948, đồng chí Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng đợt đầu tiên của Nhà nước Việt Nam. Năm 1952, ông cũng trở thành người trí thức Việt Nam đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1966, ông được phong danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô; đồng thời cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí, gồm súng ba-dô-ca, súng SKZ và đạn bay của ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (7).

Dù đồng chí Trần Đại Nghĩa đã đi xa, nhưng những loại vũ khí đầu tiên mang đậm dấu ấn của ông cùng với những cống hiến đối với ngành Quân giới và sự nghiệp cách mạng Việt Nam vẫn sẽ còn mãi với non sông, đất nước. Tên tuổi của ông đã gắn liền với tên đất, tên đường, tên trường học, có sức lay động, lôi cuốn và thôi thúc lòng người, là nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phấn đấu vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới về khoa học - công nghệ, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Nguồn: www.tapchicongsan.org.vn