Thứ Bảy

Lịch sử Thế chiến II có thể phải viết lại nếu không có thiện tâm của vị Tổng tư lệnh này…

Vào một ngày trong Thế chiến thứ II, Tổng tư lệnh Dwight David Eisenhower của quân Đồng minh Châu Âu đang trên đường quay về Tổng bộ ở Pháp để tham dự hội nghị quân sự khẩn.

Ngày hôm đó tuyết rơi dày đặc, thời tiết lạnh lẽo, xe chạy rất nhanh. Trên con đường mờ mịt không thấy phương hướng, bỗng ông Eisenhower nhìn thấy một đôi vợ chồng già ngồi bên đường, run rẩy vì giá rét.

Ông Eisenhower lập tức ra lệnh dừng xe, bảo người phiên dịch bên cạnh ông xuống xe hỏi thăm. Một vị tham mưu lập tức nhắc nhở: “Thưa ngài, chúng ta phải đến kịp cuộc họp ở Tổng bộ, việc này cứ giao lại cho cảnh sát địa phương xử lý đi ạ”. Thật ra chính vị tham mưu này cũng biết, đây chỉ là một cái cớ để xe đi nhanh.

Tổng tư lệnh Dwight David Eisenhower. (Ảnh: Wikipedia)
Ông Eisenhower kiên quyết muốn xuống xe hỏi thăm cặp vợ chồng già, ông nói: “Nếu như đợi cảnh sát địa phương đến thì hai ông bà này đã bị lạnh chết rồi!”.

Sau khi ông Eisenhower hỏi thăm thì biết được họ đến Paris để thăm con trai, nhưng xe chết máy giữa đường. Trong màn tuyết dày đặc không nhìn thấy ai cả, họ không biết phải làm thế nào.

Ông Eisenhower nghe xong, không hề do dự, lập tức mời họ lên xe và đặc cách đưa đôi vợ chồng già về nhà con trai ở Paris trước, sau đó mới quay về Tổng bộ.

Lúc này vị Tổng tư lệnh quân Đồng minh Châu Âu không hề nghĩ đến địa vị của mình, khi ra lệnh dừng xe, ông cũng không suy nghĩ điều gì phức tạp, chỉ là xuất phát từ bản tính lương thiện mà thôi.

Thế nhưng, tin tình báo nhận được sau đó khiến tất cả những người trên xe chấn động, đặc biệt là vị tham mưu đã ngăn cản ông Eisenhower.

Thì ra ngày hôm đó quân đánh lén của Đức Quốc Xã đã mai phục trước trên đường họ đi, Hitler đinh ninh rằng ngày này Tổng tư lệnh quân Đồng minh sẽ chết chắc, nhưng kế hoạch đã không thành công, sau chuyện này ông ta nghi ngờ tin tình báo không chính xác. Hitler nào biết được việc ông Eisenhower vì cứu giúp cặp vợ chồng già gặp khó khăn mà đã đi con đường khác.

Các nhà lịch sử học bình luận rằng: Một việc làm tốt của Eisenhower đã giúp ông thoát khỏi bị ám sát, nếu không thì lịch sử Thế chiến thứ II có thể đã phải viết lại.

Thiện niệm không phải là muốn đến là đến, muốn đi là đi mà phải được tích lũy bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu thì mới có thể dùng vào những lúc quan trọng mà không cần suy nghĩ nhiều.

Theo niềm tin trong văn hóa truyền thống, một người càng nghĩ cho người khác, càng làm nhiều việc tốt thì số mạng sẽ càng tốt, càng có năng lực, càng nhận được nhiều sự chúc phúc của mọi người.
Dwight David Eisenhower (14/10/1890 – 28/3/1969) là Tổng thống thứ 34 của nước Mỹ (từ 1953-1961) và là một vị tướng 5 sao trong Lục quân Hoa Kỳ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông phục vụ với tư cách là Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh tại châu Âu, có trách nhiệm lập kế hoạch và giám sát cuộc tiến công xâm chiếm thành công vào nước Pháp và Đức năm 1944–1945 từ mặt trận phía Tây. Năm 1951, ông trở thành tư lệnh tối cao đầu tiên của NATO.
Sự kiện lịch sử trong cuốn “The Idea that is America: Keeping Faith with our Values in a Dangerous World” của tác giả Anne-Marie Slaughter.
Thanh Tâm/trithucvietnam.net