Thứ Năm

Chính sách với Việt Nam của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không thay đổi

"Tôi tin là chính quyền của ông Trump sẽ muốn có các liên minh kinh tế và chiến lược mạnh mẽ vì hòa bình và thịnh vượng”.

Đó là khẳng định của ông Peter Navarro, giáo sư kinh tế kiêm cố vấn chính trị của ông Trump.
Ngày 23/7, tờ New York Times đã đăng lại bài trả lời phỏng vấn của BBC (Anh) về việc liệu dưới chính quyền của tỷ phú Donald Trump, mối quan hệ mà Tổng thống Mỹ Barack Obama phát triển với Việt Nam có bị thay đổi hay không.

Cụ thể, ông Peter Navarro khẳng định: “Chúng tôi chưa có một cuộc thảo luận nội bộ về vấn đề đó. Thế nhưng tôi không thể tưởng tượng vì sao lại phải thay đổi. Việt Nam là một quốc gia quan trọng và tôi chờ đợi các mối quan hệ nồng ấm với Việt Nam cũng như các quốc gia khác ở châu Á khác với chính quyền của ông Trump.

 Chính sách với Việt Nam của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không thay đổi
Ông Trump là một doanh nhân tự do. Ông ấy hiểu tầm quan trọng của thương mại với phần còn lại của thế giới về mặt thịnh vượng. Chỉ có điều là phải tiến hành việc đó trên cơ sở bình đẳng. Việt Nam là một phần của châu Á.

Tôi tin là chính quyền của ông Trump sẽ muốn có các liên minh kinh tế và chiến lược mạnh mẽ vì hòa bình và thịnh vượng”.

Trước đó, sau khi chính thức chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa ra tranh cử chiếc ghế tổng thống Mỹ với bà Hillary Cliton của Đảng Dân chủ, ông Donald Trump đã đưa ra những quan điểm gây sốc về chính sách đối ngoại của Mỹ nếu ông trúng cử.

Theo đó, ông Trump cho biết sẽ xem xét lại điều khoản quy định Mỹ phải tự khắc bảo vệ các đồng minh NATO trong trường hợp họ bị tấn công và những đóng góp của Mỹ đối với NATO.

Với cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, ông sẽ buộc các đồng minh phải gánh chịu những phí tổn mà Mỹ đã phải trả suốt những thập niên qua, và hủy bỏ các hiệp ước lâu đời mà ông cho là “không còn phù hợp”.

Đồng thời, ông cũng cho biết sẽ xem xét lại định nghĩa “thế nào là đối tác của Mỹ”. Bên cạnh đó, thế giới sẽ phải học cách điều chỉnh để thích nghi với chính sách mới của ông.

“Tôi muốn tiếp tục duy trì các hiệp định hiện có song với điều kiện là các đồng minh phải chấm dứt lợi dụng Mỹ bởi đã qua rồi cái thời Mỹ có thể vung tiền làm từ thiện,” ông Trump nhấn mạnh.

Thậm chí, ông Trump còn tạo cảm giác rằng nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ chấm dứt những đảm bảo an ninh cho 28 quốc gia thành viên NATO.

Chẳng hạn như khi được hỏi về những hoạt động của Nga đang gây quan ngại cho các quốc gia nhỏ vùng Baltic mới gia nhập NATO, ông Trump đã nói thẳng rằng nếu Moskva tấn công những nước này, ông sẽ chỉ quyết định có trợ giúp hay không sau khi đánh giá liệu những quốc gia đó “có thực hiện các bổn phận đối với Mỹ hay không?”.

Nhà tỷ phú thừa nhận rằng cách tiếp cận của ông trong quan hệ với các đồng minh và kẻ thù của Mỹ rất khác biệt so với truyền thống của đảng Cộng hòa kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, khi các ứng cử viên tổng thống gần như đều hối thúc chủ trương quốc tế hóa, trong đó Mỹ đảm nhận vai trò gìn giữ hòa bình cho thế giới.

“Chúng ta đang chi cả một gia tài (800 tỷ USD) cho quân đội. Đối với tôi, việc đó không hề khôn ngoan. Với tôi "Nước Mỹ trên hết" là một thuật ngữ mới, không liên quan đến quá khứ. Vì vậy, chúng ta cần phải chăm lo cho quốc gia của chúng ta đã rồi mới nên lo lắng cho những người khác trên thế giới", ông nói.

Trong một diễn biến khác, điểm nhấn trong chiến dịch tranh cử của Trump là kế hoạch xây một bức tường dọc theo biên giới Mỹ - Mexico để chặn những người di cư bất hợp pháp, bọn tội phạm và những kẻ buôn ma túy. Doanh nhân tỷ phú tuyên bố Mexico sẽ phải chi tiền cho hàng rào.

Đặc biệt, khác với những ứng cử viên, ông hoan nghênh chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.

Nếu Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, Mỹ sẽ không tiếp nhận người tị nạn từ Syria và có thể toàn bộ người Hồi giáo trên khắp thế giới.

Cùng với đó, ông sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong thương mại, từng nói với New York Times, ông khẳng định sẽ áp mức thuế nhập khẩu tới 45% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Những tuyên bố về chính sách đối ngoại của ông Donald Trump đã “gây sốc” với toàn thể thế giới từ lâu.

Có lẽ, chính vì thế, tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 mới đây ở Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết các nhà lãnh đạo thế giới mà ông đã trò chuyện cảm thấy “bất an” về sự có mặt của ông Donald Trump trong tư cách là một ứng cử viên trong cuộc chạy đua giành chức tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE