Thứ Hai

Lắng đọng: 'Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa'!

Những người đã từng trải qua chiến tranh, không phải họ sợ mà vì quá hiểu về nó, về những nỗi đau mà nó mang lại, nên họ sẽ làm hết sức để ngăn điều đó xảy ra.

Trong những ngày tình hình biển Đông căng thẳng, có không ít người (đa phần là người trẻ) hô hào về một cuộc chiến tranh . Khó có thể trách họ, vì sự nông nổi bồng bột thiếu suy nghĩ của mình khó kiềm chế được trong cơn giận dữ.

Tuy nhiên, chiến tranh là mất mát và đau thương. Dẫu biết rằng chỉ nói thôi sẽ khó lòng thuyết phục, nhưng để tìm dẫn chứng cho nỗi đau chiến tranh, cũng không nhất thiết phải sang tận Syria xa xôi, mà ngay tại đất nước Việt Nam này, nỗi đau ấy vẫn còn hiển hiện.

'Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa'
Gần nhà tôi là một gia đình liệt sĩ. Cho đến tận bây giờ, hơn 40 năm sau ngày thống nhất, người phụ nữ trong ngôi nhà ấy vẫn không thể tự tay viết đầy đủ một tờ khai lý lịch. Bởi cô ấy phải lần lượt viết tên của những người anh, người chị của mình đã hy sinh. Cô xúc động đến mức không thể làm được điều đó.

Vậy đấy, nỗi đau chiến tranh đôi khi không thể diễn tả bằng lời, nhưng có nỗi đau nào in vào tâm trí, ngấm vào da thịt và kéo dài dai dẳng suốt đời người như thế không?

Đất nước chúng ta chỉ vừa im tiếng súng, mãi đến những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 biên giới trên đất liền mới tạm bình yên. Hơn 20 năm là quá ngắn để phát triển kinh tế, nhưng cũng đủ lâu để một đứa trẻ chào đời và lớn lên trong hòa bình mà không phải cảm nhận mùi vị của chiến tranh.
Các bạn có thể chỉ trích xã hội còn nhiều hạn chế, chậm phát triển, nhưng đừng bao giờ đòi hỏi một cuộc chiến. Những người đã từng trải qua chiến tranh, không phải họ sợ hãi khi nhắc đến nó, mà vì họ quá hiểu về nó, về những nỗi đau mà nó mang lại, nên họ sẽ làm hết sức để ngăn điều đó xảy ra.

Tất nhiên, nếu tất cả các giải pháp ngoại giao thất bại thì quân sự chắc chắn sẽ được tính đến. Chẳng có cuộc chiến tranh vệ quốc nào là phi nghĩa, chính nghĩa thuộc về chúng ta nên nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Chỉ có điều chiến thắng đó sẽ phải đổi bằng vô số máu xương, và những vết thương không biết bao giờ lành lại, vậy nên hành động quân sự sẽ luôn là giải pháp cuối cùng.

Ngày 27/7 này, không cần phải tổ chức lễ kỷ niệm rình rang, các bạn hãy ra một nghĩa trang liệt sĩ, tìm đến một gia đình liệt sĩ hay Bà mẹ Việt Nam anh hùng để thăm hỏi, động viên họ. Có lẽ khi đứng trước trùng trùng những ngôi mộ, hay tâm sự với những bà mẹ vẫn luôn tươi cười khi có khách thăm hỏi nhưng thỉnh thoảng vẫn phải khẽ lau những giọt nước mắt nhớ con, ai cũng sẽ hiểu rằng nhiệm vụ của tất cả chúng ta là gìn giữ nền hòa bình mà bao người đã phải hy sinh để có được như ngày hôm nay.

“Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”.

Thiện Khang