Chủ Nhật

Hà Giang: Những địa điểm du lịch tuyệt đẹp bạn nên ghé qua một lần!

Nếu bạn hỏi tôi rằng nơi nào trên đất nước Việt Nam đáng đến nhất, tôi xin chọn Hà Giang.
Nếu bạn hỏi Hà Giang có đẹp không?

Hà Giang không có cảnh đẹp, chỉ có tranh vẽ! Là mảnh đất địa đầu Tổ quốc, Hà Giang cuốn hút lòng người bởi những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ: cột cờ Lũng Cú thiêng liêng, con đèo Mã Pì Lèng huyền thoại, cao nguyên đá Đồng Văn huyền bí, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì rực rỡ mùa lúa chín…

Phố Cáo Hà Giang nổi tiếng nhất với mùa hoa tam giác mạch, tuy nhiên, đối với những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất xinh đẹp này, mới biết cái hùng vĩ và vẻ đẹp mê hồn của Hà Giang thống trị cả bốn mùa. Không một bức ảnh nào xứng tầm với cái thần thái của nơi đây. Hà Giang đẹp, đẹp thiệt, đẹp say lòng người, đẹp kinh khủng! Hàng vạn câu từ hoa mỹ cũng không thể nào lột tả hết vẻ đẹp của Hà Giang. Và máy ảnh, làm sao chụp cho hết được cái hùng vĩ của núi rừng nơi đây? Hãy đến và cảm nhận bằng chính trái tim bạn.

Phố Cáo, Hà Giang mùa hoa cải.
Cửa khẩu Thanh Thủy là cửa khẩu quốc tế duy nhất của Hà Giang, đồng thời cũng là cửa khẩu quan trọng nhất của tỉnh biên giới phía bắc này. Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy không chỉ là nơi phát triển kinh tế mà còn là điểm đến thú vị cho khách du lịch. Nếu muốn tận mắt trông thấy cảnh giao thương hàng hóa nhộn nhịp giữa hai nước Việt - Trung, bạn không nên bỏ qua cửa khẩu Thanh Thủy.
Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Hà Giang
Đường Hạnh Phúc cheo leo trên vách đá và sườn núi dốc đứng, từ thập niên 50, được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc xây dựng ròng rã 6 năm. Trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng mỗi ngày có vài chục dân công được làm lễ truy điệu sống rồi treo mình trên dây thừng dòng từ cây cổ thụ xuống, bám trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. 
Con đường này nối liền giao thông giữa thành phố Hà Giang và hai huyện vùng cao là Mèo Vạc và Đồng Văn.
Con đường hạnh phúc Hà Giang
Bản Thác Hùng: Khuất mình giữa những đồi chè xanh mát và ruộng bậc thang vàng óng, bản Thác Hùng của người Dao là nơi có những căn nhà sàn lâu đời mang đến cho khách thập phương một cảm giác thú vị bởi phong cảnh hữu tình. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nghề thủ công truyền thống đòi hỏi sự khéo léo và tinh xảo của người thợ, đó là nghề chạm bạc. Sản phẩm làm từ bạc vừa là một món quà du lịch độc đáo, vừa là vật lưu giữ bản sắc dân tộc của người Dao ở Cao Bồ.
Bản thác Hùng - Hà Giang
Bản văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 5km về phía đông bắc. Đây là nơi sinh sống của 3 tộc người Tày, Nùng, Giáy; trong đó người Tày có dân cư đông nhất. Hiện nay, các gia đình vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, thể hiện trong các lễ hội, trang phục, ẩm thực cũng như tập quán sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, Thiên Hương còn có một quần thể cây đa hơn trăm tuổi, có nhiều cây vượt quá 700 năm tồn tại. Bốn cây đa trong quần thể được công nhận là cây di sản, có tuổi đời từ 700 – 750 năm tuổi.
Bản thiên Hương - Hà Giang
Chùa Sùng Khánh, hay chùa Làng Nùng tọa lạc trên núi Nùng bên bờ phải dòng sông Lô, cách trung tâm Hà Giang 9 km. Tuy chỉ là một ngôi chùa nhỏ nhưng chùa có vị thế khá đẹp khi tựa lưng vào núi, mặt nhìn ra đồng bằng và dòng suối Thích Bích. Chùa được xây vào khoảng năm 1356, vào thời nhà Trần. Bia đá khắc bài minh của một viên tướng nhà Trần đã tồn tại trên 600 tuổi và được xếp hạng bảo vật quốc gia.
Ngày 15 tháng giêng hàng năm, lễ hội Lồng Tồng (hội xuống đồng) được tổ chức tại thửa ruộng trước cổng chùa.
Chùa Sùng Khánh Hà Giang
Dung đường Du Già - Mậu Duệ uốn lượn hơn 70km. Những con đường quanh co, uốn lượn theo viền núi với những con dốc cao ngất sẽ làm hài lòng các phượt thủ bụi bặm. Nơi đây không có trạm xăng, không có tiệm sửa xe, không có sóng điện thoại nên bạn phải thu xếp thời gian rời khỏi cung đường này trước khi trời tối.
Chợ tình Du Già được tổ chức vào ngày 13 và 14 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Dung Già- Mạu Duệ Hà Giang
Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi trên khối núi phía tây tỉnh Hà Giang, nơi con sông Chảy khởi nguồn. Dãy núi Tây Côn Lĩnh trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên, cách thị xã Hà Giang 46km. Với độ cao gần 2.500m, đây là đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam. Trên đỉnh núi ngất ngưỡng là mốc trắc địa, dưới chân núi bao la là rừng bảo tồn nguyên sinh á nhiệt đới. Trong tâm thức của người La Chí, Tây Côn Lĩnh được coi là dãy núi thiêng.
Tây côn Lĩnh - Hà Giang
Bản Hợp Tiến là nơi sinh sống của người H’Mông với nghề dệt thổ cẩm lâu đời. Các mặt hàng thổ cẩm đa dạng như túi, ví, tấm trang trí, vỏ gối,vỏ chăn, khăn trải bàn,… của Lùng Tám đều được làm bằng tay theo phương pháp thủ công từ xưa truyền lại với những nét hoa văn truyền thống, họa tiết độc đáo mang đậm màu sắc của những người dân tộc vùng cao. Sản phẩm đã được xuất đi các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và gần 20 nước ở châu Âu.
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám
Yên Minh nằm ở phía đông bắc thành phố Hà Giang. Theo quốc lộ 4C từ Cán Tỷ đến trung tâm phố huyện rồi qua ba xã Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải sẽ đến được cung đường hai bên thông phủ bạt ngàn. Xung quanh đồi núi trơ trọc bỗng xuất hiện cánh rừng thông xanh rì mát mắt khiến cung đường này càng trở nên đặc biệt.
Rừng thông Yên Minh
Hồ Noong cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 20km. Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên xanh ngắt nằm dười chân núi Noong. Hồ được người dân địa phương ví như là con mắt thần của rừng. Điều làm nên khác biệt là trong lòng hồ Noong có những cả những gốc cây xanh tốt lẫn những gốc cây khô tạo nên bức tranh thiên nhiên thú vị.
Tháng 4 - 10: Mùa mưa, nước hồ lên cao, bạn có thể thưởng ngoạn hồ cùng dân bản trên thuyền độc mộc hay bè mảng.
Tháng 11 - 4 năm sau: Mùa khô, nước cạn để lộ những gốc cây già trụi lá. Dân bản địa quây vuông thả vịt và chăn trâu trên bãi cỏ xanh tươi.
Hồ Noong - Hà Giang
Chợ cửa khẩu Bạch Đích còn được biết đến với tên khác là chợ Mốc 358. Nếu có dịp, bạn hãy đến phiên chợ ở vùng biên giới để cảm nhận không khí nhộn nhịp, rộn ràng của hoạt động buôn bán nơi đây. Chợ Bạch Đích vừa là chợ cửa khẩu, vừa là chợ phiên, do đó bạn phải đến vào ngày Thân và ngày Dần hàng tháng mới có thể bắt gặp được cảnh họp chợ đông vui.
Chợ cửa khẩu Bạch Đích - Hà Giang
Thung Lũng Sủng Là được xem là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá Đồng Văn.
Người H'Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô, lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Hàng ngày, người dân phải gùi đất từ rất xa mang về nhét vào từng hốc đá tai mèo, dùng đá chèn lại để giữ cho nước mưa không trôi mất đất, rồi bỏ hạt giống vào. Những thân cây xanh mọc lên vươn mình trong những lớp đá xám như cuộc sống vẫn trỗi dậy nơi mảnh đất cằn này mỗi ngày.
Cuộc sống thanh bình, lặng lẽ, cùng cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây được khách du lịch biết đến nhiều từ sau thành công của bộ phim “Chuyện của Pao”.
Thung lũng sủng là - Hà Giang
Sơn Vĩ: Nằm ở vị trí cao nhất và xa nhất của huyện Mèo Vạc, Sơn Vĩ là xã cực đông của tỉnh Hà Giang. Với dòng Nho Quế xanh màu ngọc bích len lỏi giữa những vách núi đá cao vút, những con đường uốn lượn giữa núi, Sơn Vĩ đẹp đến say đắm lòng người chính nhờ vẻ hoang vu, kì vĩ ấy. Đường lên Sơn Vĩ đi sát với biên giới Việt Nam – Trung Quốc, con đường phía bên trái chỉ cách vài bước chân là của Trung Quốc.
Sơn Vĩ còn nổi tiếng với đèo Mã Pì Lèng và chợ tình Sơn Vĩ vào ngày 28/3 âm lịch hằng năm.
Sơn Vĩ - Hà Giang
Lũng Phìn: Hương vị nồng ấm, ngọt cay đến ngây ngất của rượu ngô, một thức uống thường xuyên của người H’Mông đã làm say lòng nhiều du khách khi ghé đến đây. Bao quanh là những vách đá, thế nhưng người H’Mông vẫn tìm cách trồng cho được loại cây thực phẩm này bằng cách gùi đất vào các hốc đá rồi tra hạt vào đó. Đến và trải nghiệm quá trình làm rượu, bạn mới thấy hết giá trị của một chén rượu ngô mà người đồng bào trân quý.
Lũng Phìn - Hà Giang
Bản Tha: Không quá xa thành phố Hà Giang, bản Tha - khu vực sinh sống của cộng đồng người Tày - là nơi lý tưởng nếu bạn muốn tìm hiểu về văn hóa của một trong những dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Việt Nam. Những ngôi nhà được lợp hoàn toàn bằng lá cọ, những ruộng lúa trải dài, đàn trâu thong thả nhai cỏ, tất cả tạo nên một bức tranh thanh bình và yên ả về cuộc sống của người dân vùng sơn cước.
Bản Than
Chợ tình Khâu Vai (hay chợ Phong Lưu) họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Bắt nguồn từ một câu chuyện tình, Khâu Vai trở thành nơi hò hẹn chung cho tất cả những người yêu nhau trong vùng, đặc biệt là những đôi trai gái từng yêu nhau nhưng bị chia cắt. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, kể cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đi chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng. Họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình. Họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời.
Những năm gần đây, phiên chợ tình này được tổ chức thành Lễ hội chợ tình Khâu Vai, khách du lịch từ khắp nơi đổ về nườm nượp. Một số hoạt động đáng chú ý tại lễ hội: hội chọi bò, đua ngựa, hội chọi chim Họa Mi, văn nghệ, hội thi “Người đẹp vùng cao nguyên đá”...
Chợ tình Khâu Vai - Hà Giang
Thị trấn Phó Bảng nằm ẩn mình sau những ngọn núi đá cao ngất ngưỡng, do đó nhiều người gọi nơi này là "thị trấn ngủ quên" hay "thị trấn bị lãng quên". Thế nhưng khi đến Phó Bảng, hòa cùng nhịp sống với người dân mới cảm nhận được cuộc sống đơn sơ nhưng đầy nghị lực của những con người nhỏ bẻ giữa thời tiết và thiên nhiên khắc nghiệt của một vùng mênh mông núi đá.
Phó Bảng - Hà Giang
Cột cờ Lũng Cú nằm ở đỉnh Lũng Cú (còn gọi là đỉnh núi Rồng) là điểm cực Bắc của Việt Nam. Đến cực Bắc thiêng liêng của Tổ Quốc, tận mắt trông thấy lá cờ mang diện tích 54m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em kiêu hãnh bay trong gió là niềm mong ước, tự hào và xúc động của hầu hết phượt thủ.
Đứng trên đỉnh cột cờ, du khách tha hồ phóng tầm mắt ra xa, ngắm toàn cảnh Đồng Văn từ trên cao. Cảnh sắc đẹp cùng cực.
Nếu đi vào ngày cuối tuần, bạn có dịp tham dự chợ phiên họp dưới chân núi. Vào mùa đông vùng này rất lạnh, có khi còn có tuyết rơi.
Thực tế, điểm cực bắc còn cách 2km nữa, tuy nhiên cột cờ Lũng Cú vẫn được coi là biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia.
Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang
Phố Cổ Đồng Văn: Nằm trên địa bàn hai thôn Quyết Tiến và Đồng Tâm, ngay trong lòng thị trấn Đồng Văn, lọt thỏm giữa cao nguyên đá, có một khu phố và chợ cổ rất đặc sắc, với hơn 40 ngôi nhà được xây dựng từ những tảng đá tảng vô cùng kiên cố. Trước cửa nhà có đèn lồng treo cao để thắp lên khi đêm xuống, xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của Cao nguyên đá. Trải qua hàng trăm năm tuổi, vẻ đẹp cổ kính, thâm trầm của nơi đây đã cuốn hút biết bao du khách. Hãy ghé thăm quán cafe nổi tiếng nhất nơi đây: quán Phố Cổ.
Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức ""Đêm phố cổ"" vào các ngày 14, 15, 16.
Phố Đồng Văn - Hà Giang
Mã Pì Lèng: nghĩa đen là sống mũi ngựa, còn có nghĩa là con đèo hiểm trở đến mức ngựa đi qua cũng phải bạt vía lạc hơi. Đây là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” phía Bắc, nổi tiếng với câu nói “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ”.
Đây là một trong những điểm đáng chinh phục nhất, xứng đáng trở thành đệ nhất hùng quan của Hà Giang. Từ nơi đây, phóng tầm mắt có thể nhìn thấy cảnh tượng quê hương hùng vĩ với núi non trập trùng, phía dưới là con sông Nho Quế như một sợi chỉ vắt ngang khe núi, bất tận và đẹp đến nao lòng.
Mã Pì Lèng - Hà Giang
Cao Nguyên Đá Đồng Văn: Nằm cách thành phố Hà Giang 132km theo đường 4C, cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng núi đá hiểm trở rộng lớn, nơi người dân “sống trong đá, chết vùi trong đá”, hội tụ những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tráng lệ và cực kỳ ấn tượng. 
Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích gần 2.356 km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.
Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang
Núi đôi Quản Bạ (còn gọi núi Cô Tiên) là một biểu tượng đẹp của cao nguyên Đồng Văn, đó là sự kết tinh nét đẹp của thiên nhiên và kiến tạo địa chất. Hai quả núi tròn đều trông như cặp đào tiên, được ví như đôi gò căng tròn của cô gái, nổi nên giữa sự kỳ vĩ của cao nguyên.
Núi đôi Quảng Bạ - Hà Giang
Dinh Nhà Vương: Cách đây gần 1 thế kỷ, Vương Chính Đức (dân tộc Mông, được xưng tụng là “vua Mèo") với tài trí hơn người, giàu có nhờ hoạt động trồng, chế biến và buôn bán thuốc phiện xuyên biên giới với Trung Quốc, Miến Điện, đã xưng Vương thống lĩnh cả vùng cao nguyên đá, xây dựng nên một đế chế tự trị, dần thao túng cả vùng cực Bắc. Vương Chí Sình, con trai thứ hai của ông là người kế tục vương vị, đã có công chống Nhật, chống Tưởng, về sau kết nghĩa anh em với Bác Hồ.
Mời những người thợ giỏi nhất ở vùng Vân Nam (Trung Quốc) về xây dựng, tiêu tốn hơn 150.000 đồng bạc trắng suốt 10 năm, vua Mèo đã xây dựng nên một lâu đài kiên cố tại xã xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Giữa một vùng núi đá xám xịt, dinh thự nhà họ Vương nổi lên như một viên ngọc xanh, trở thành công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và đặc sắc của Hà Giang.
Hiện nay, tại dinh thự, có người thuyết minh cho du khách đến tham quan.
Phía trước khu nhà Vương là chợ Sà Phìn, chợ họp mỗi tuần một phiên.
Dinh Nhà Vương - Hà Giang
Chợ bò Mèo Vạc là phiên chợ thể hiện rõ nét văn hóa của dân tộc thiểu số vùng núi phía bắc, đặc biệt là văn hóa của người H’Mông. Chợ họp vào 2 ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, trong đó ngày họp chợ chính thức là vào chủ nhật, ngày thứ bảy dành cho những người ở xa. Phiên chợ là nơi tề tựu của những người dân xung quanh, họ dắt bò đến bán và người miền xuôi đánh xe lên mua. Không chỉ là nơi trao đổi buôn bán, chợ bò Mèo Vạc còn là nơi giao lưu, gặp gỡ của những người bạn.
Chợ bò Mèo Vạc - Hà Giang
Thác Tiên nằm giữa khu rừng già nguyên sinh Đèo Gió, sở hữu vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa tươi trẻ, lại hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng. Thác do con suối Tả Ngán bắt nguồn từ Lào Cai chảy đến Hà Giang rồi ôm theo vách núi Đèo Gió tạo thành hai dòng thác song song đổ xuống từ độ cao trên 70m. Thác còn có tên là Văng Táng Tinh theo tiếng của người Nùng với ý nghĩa dòng thác là nước từ một hồ nước lớn chảy ra. Bên cạnh đó, thác còn được gọi là thác Gió vì dưới chân thác luôn có gió thổi mạnh tạo nên bức màn hơi nước mỏng khiến cảnh quan khu vực này càng trở nên huyền bí, mờ ảo.
Thác tiên đèo gió - Hà Giang
Ruộng bậc thang ở Hà Giang tập trung nhiều nhất và đẹp nhất tại huyện Hoàng Su Phì, địa bàn sinh sống của người Nùng, Mông, Dao… Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì uốn lượn bao quanh sườn núi không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là kết quả công sức lao động cần cù và sáng tạo của con người thích nghi với vùng cao nguyên đá.
Hoàng Su Phì - Hà Giang
Hang Nà Luồng dài hơn 25km trải dài qua hai xã của hai huyện Yên Minh và Đồng Văn. Sau khi được phát hiện vào năm 2010, hang đã được xếp hạng là di tích quốc gia và trở thành hang động đẹp nhất Hà Giang. Cửa và lòng hang rất rộng, bên trong có nhiều vách đá nối tiếp nhau và nhiều cột thạch nhũ với đủ hình dáng, màu sắc. Xung quanh hang Nà Luồng còn có nhiều hang động độc lập tạo thành một hệ thống hang động sinh thái độc đáo.
Hang Nà Luồn - Hà Giang
Hang Lùng Khúy nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ trên 10km mới được phát hiện trong thời gian gần đây nhưng đã trở thành một điểm đến thu hút đối với khách du lịch. Hang có vẻ đẹp nguyên sơ, nhiều nhũ đá tạo hình lạ mắt và lộng lẫy. Hang Lùng Khúy được đánh giá là hang động đẹp nhất vùng cao nguyên đá. Huyện còn tiến hành quy hoạch chuỗi các sản phẩm du lịch từ động Lùng Khúy đi xuống rừng đá Cán Tỷ, khu thị tứ Tráng Kìm, làng văn hóa du lịch Nặm Đăm và HTX dệt lanh Lùng Tám.
Động Lùng Khúy - Hà Giang
Bản Phìn Hồ là nơi sinh sống của người Dao với đặc sản nổi tiếng là những cây chè Shan tuyết cổ thụ hằng trăm năm tuổi. Bên cạnh những đồi chè mênh mông, bản Phìn Hồ còn lưu giữ những lễ hội mang đậm nét văn hóa của người Dao đỏ. Bạn có thể đến vào tháng giêng âm lịch để tham dự lễ nhảy lửa độc đáo, hoặc đến cào các tháng 11 - 12 - 1 âm lịch để tìm hiểu lễ cấp sắc - một nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của đàn ông người Dao.
Bản chè Phìn Hồ - Hà Giang
Bản Thanh Vân là một trong những bản nấu rượu ngô nổi tiếng của Hà Giang. Hầu như bất cứ gia đình người H’Mông nào cũng nấu rượu ngô, cũng cất giữ rượu ngô để vừa uống vừa đãi khách. Đến nơi này, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm quá trình làm ra thứ rượu đặc sản của vùng cao nguyên đá.
Bản thanh vân - Hà Giang
Theo ITN Gowdee/ Hà Giang - Địa đầu tổ quốc