Thứ Ba

Nhiều nước văn minh coi xe máy là... “rác” đô thị?

Đó là chia sẻ của luật sư Nguyễn Danh Huế (Công ty luật Bắc Nam, Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) về đề xuất và lộ trình “cấm xe máy” của Sở GTVT Hà Nội tại khu vực nội đô Hà Nội.

Mới đây, báo chí đồng loạt đưa tin Sở GTVT Hà Nội đặt lộ trình, năm 2021 sẽ dừng hoạt động xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, chụp tại Cộng hòa Pháp (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nội dung này trong đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố" đang được Sở GTVT Hà Nội lấy ý kiến, lộ trình hạn chế xe máy Thủ đô Hà Nội sẽ được chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ năm 2020, sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021, sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2, từ năm 2023, sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).

Giai đoạn 3, đến năm 2025, sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.

Thông tin này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp, có nhiều ý kiến đồng ý, nhưng cũng có không ít ý kiến phản đối về vấn đề này.

Để góp góc nhìn về pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) về vấn đề này.

Thưa luật sư, qua báo chí, Hà Nội có đề xuất cấm xe máy vào nội đô, quan điểm của luật sư về việc này thế nào?

Như chúng ta đều thấy việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội đô là việc làm cần thiết để chống ách tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ở các quốc gia phát triển thì xe máy gần như rất ít, thậm chí là không có. Chính vì thế theo cá nhân tôi thì đây là một chủ trương đúng và cần thiết để xây dựng một Hà Nội văn minh.

Việc này có mâu thuẫn gì với nguyên tắc bình đẳng giữa người dân, không phân biệt thành thị, nông thôn, thành phần, khu vực mà Hiến pháp quy định không?

Quyền tự do sinh sống, làm việc và đi lại và quyền bình đẳng giữa mọi công dân không phân biệt giai cấp, tôn giáo, vùng miền đã được ghi nhận rất rõ trong Hiến pháp. Tuy nhiên, việc hạn chế phương tiện cá nhân để chống ùn tắc, giảm thiểu ô nhiễm tiến tới xây dựng một đô thị văn minh cũng là một biện pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo các quyền của người dân được đầy đủ. Tôi cho rằng khi thực hiện việc này mà Hà Nội vẫn có những cách thức đảm bảo cho người dân đi lại một cách thuận tiện thì sẽ được người dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đảm bảo lợi ích công, tránh tình trạng kẹt xe, tình trạng hỗn loạn giao thông tại nội đô như hiện nay, những biện pháp cấm kèm theo việc cung cấp những phương tiện công công cộng là điều cần thiết. Luật sư có ý kiến gì về quan điểm này?

Tôi cho rằng khi cấm các phương tiện như xe máy vào nội đô thì Hà Nội bắt buộc phải có các giải pháp thay thế để đảm bảo quyền đi lại và sinh kế của người dân không bị hạn chế và ảnh hưởng.

Đó là các giải pháp như nâng cao năng lực vận tải công cộng như xe Bus, tàu điện tạo ra một sự kết nối giao thông đồng bộ, phát triển hạ tầng cơ sở như các bãi gửi xe công cộng thuận tiện…

Bài toán cho những người chỉ đi qua nội đô để đi đến tỉnh khác sẽ giải quyết ra sao? Những người không có hộ khẩu tại Hà Nội nhưng đang làm việc tại Hà Nội họ vẫn dùng xe máy của họ đăng ký ở các tỉnh sẽ xử lý như thế nào? Đây là những câu hỏi rất lớn cần phải có một giải pháp đồng bộ, chi tiết cần đưa ra trước khi áp dụng chủ trương này.

Việc cấm như vậy liệu có ảnh hưởng gì đến lưu thông hàng hóa vào khu vực nội đô không, thưa luật sư?

Việc cấm xe máy vào nội đô chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người và ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông hàng hóa vào nội đô, chúng ta đều biết nguồn hàng hóa như rau, quả, thịt và các loại thực phẩm hàng hóa khác được những người dân ở các tỉnh lân cận cung cấp cho Hà Nội được vận chuyển bằng xe máy hàng ngày là rất lớn, ngoài ra những người dân ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội mà phương tiện chính kiếm sống là xe máy như những người làm nghề xe ôm, giao hàng… cũng không hề nhỏ.

Tuy nhiên, việc cấm xe máy nếu có những giải pháp tốt không những vẫn đảm bảo được sinh kế của người dân, hạn chế được việc ùn tắc giao thông mà còn giúp chính quyền dễ dàng hơn trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa và dịch vụ khi cung cấp cho người dân.

Nhìn rộng ra, đây là một trong những bước đầu trong lộ trình cấm xe máy mà Hà Nội đề xuất đến năm 2025. Luật sư có thấy sự khả quan cần thiết ở đề xuất này không?

Xe máy là nguyên nhân chính dẫn đến số người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta rất cao, xe máy được nhiều quốc gia văn minh coi là “rác” của đô thị và đây cũng là nguyên nhân khiến cho không chỉ Hà Nội mà ở hầu hết các đô thị lớn ở nước ta đang phải đối mặt với việc ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Vì thế việc hạn chế dần tiến đến loại bỏ hoàn toàn xe máy trong nội đô là cần thiết để xây dựng một đô thị văn minh.

Tuy nhiên xe máy đang là phương tiện đi lại chính của người dân nên mỗi chủ chương, chính sách liên quan đến phương tiện lưu thông này đều có tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Để chủ trương này được khả thi thì Nhà nước cần có lộ trình cụ thể, chú trọng đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải công cộng, tạo ra một mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ trong các đô thị. Nếu làm tốt việc này thì không cần lệnh cấm thì nhiều người dân cũng tự nguyện bỏ xe máy.

Cảm ơn luật sư!

Hồng Chuyên/ ITCNEWS