Một người thầy, đồng nghiệp của tôi - luật sư Phan Đăng Thanh - nhiều năm trước trong dịp 2/9 đã nói với học trò rằng sau bước ngoặt giành chính quyền 1945, Việt Nam có một bước ngoặt lớn khác là lập pháp, với bản Hiến pháp 1946.
Khi chính quyền lạm quyền |
Gần đây biểu hiện nôn nóng, lạm quyền của công chức các cơ quan nhà nước đang có xu hướng xuất hiện nhiều trở lại.
Ngày 16/8, UBND thị trấn Tân Túc (Bình Chánh) đã đình chỉ thi công công trình vi phạm của quán cà phê Xin Chào. Theo đó, chủ quán là ông Tấn xây dựng công trình bằng container trên đất vườn, không được phép xây dựng và yêu cầu dừng cấp điện, nước với công trình vi phạm. UBND thành phố trong cuộc làm việc sau đó khẳng định việc cắt điện, nước là không đúng tinh thần của Luật Xây dựng mới, UBND thị trấn Tân Túc đã làm sai.
Hồi tháng 7, Công ty Điện lực An Phú Đông, TP HCM cũng từ chối đề nghị ngừng cấp điện đối với một cơ sở sản xuất nước đá ở phường Trung Mỹ Tây (quận 12) do phát sinh tiếng ồn vượt quy định. Mới đây, Công ty Điện lực Tân Bình cắt điện ở chung cư Bảy Hiền Tower do chung cư này vi phạm xây dựng.
Trong lĩnh vực môi trường, Nghị định 117/2009 cho phép cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước đối với các cơ sở gây ô nhiễm không chấp hành quyết định xử phạt. Tuy nhiên, từ cuối 2013, Nghị định 179 thay thế không còn quy định biện pháp cưỡng chế trên. Tương tự, theo Luật Xây dựng năm 2003 thì chính quyền có quyền yêu cầu không cung cấp điện, nước và các hoạt động dịch vụ khác đối với những công trình vi phạm xây dựng nhưng Luật Xây dựng 2014 không còn quy định chuyện này nữa. Cũng vì thế ngày 27/5 vừa qua, Bộ Công Thương có hướng dẫn không ngừng cấp điện theo yêu cầu của các cơ quan chức năng trong trường hợp vi phạm Luật Xây dựng.
Trong đời sống, người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, nhưng trong hoạt động công vụ, chính quyền chỉ được làm những gì luật cho phép. Đó là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền. Quy định như thế là để tránh sự tùy tiện, lạm quyền, xâm hại đến lợi ích của người khác vì lý do công vụ.
Chính quyền phải tăng cường khả năng thực thi công vụ, chứ không thể hạn chế quyền năng và nghĩa vụ dân sự của người dân để đạt được mục đích quản lý của mình. Việc hạn chế quyền năng dân sự chỉ được thực hiện trong tình thế khẩn cấp do luật định hoặc khi có bản án của Tòa.
Việc cung cấp điện, nước và các dịch vụ khác được thực hiện trên cơ sở hợp đồng kinh tế hoặc dân sự. Trong đó bổn phận của mỗi bên là phải thực hiện những cam kết của mình. Việc buộc một bên ngừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho bên còn lại thực chất là một hình thức “bao vây, cấm vận” mà trong đó nhà nước đã dùng quyền lực hành chính can thiệp vào nghĩa vụ theo hợp đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của dân.
Trong vụ toà nhà 8B Lê Trực cũng đã có ý kiến của đòi “cắt điện nước” để bắt chủ đầu tư toà nhà này phá dỡ các phần xây không phép. Dù đó thực sự là một vụ vi phạm luật Xây dựng nghiêm trọng nhưng ý kiến đó là sự khuyến khích lạm quyền.
Các vụ cắt điện nước và đòi cắt điện nước ngoài thẩm quyền chỉ là những ví dụ nhỏ nhưng tiêu biểu cho một thái độ “lạm quyền” dường như đã thành một nếp nghĩ.
Trong tố tụng, sự lạm quyền đã để lại nhiều bài học cay đắng cho người làm sai và gây ra những hậu quả to lớn cho người bị oan, gây ảnh hưởng niềm tin của dân với chính quyền. Bức cung, nhục hình là một trong những biểu hiện của lạm quyền trong hoạt động tố tụng, nó thường chỉ được phát hiện và chứng minh sau khi đã có kết luận là án oan.
Pháp quyền phải thật sự là những nguyên tắc không được xâm phạm. Chính quyền nào cũng phải tôn trọng điều đó. Nếu cứ tái diễn, chúng ta sẽ có thêm nhiều Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và những vụ án quán Xin Chào, khiến người dân mất niềm tin.
Theo Đức Hiển/ Vnexpress