Thứ Năm

Khách du lịch chặn xe công an ở phố đi bộ đúng hay sai?

Luật sư cho rằng, xe công an vào làm nhiệm vụ ở phố đi bộ là đúng, còn việc vị khách nước ngoài ngăn cản là không hiểu luật và không nên cổ súy cho hành động này.

Mới đây, trên một số trang mạng xã hội facebook xuất hiện đoạn clip về việc một nam du khách người nước ngoài chặn xe chuyên dụng của lực lượng công an phường, khi xe này tiến vào khu vực phố đi bộ Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Khách Tây ngăn xe công an vào phố đi bộ gây xôn xao - (Ảnh cắt từ clip).
Nội dung đoạn clip cho thấy, khi chiếc xe ô tô biển xanh có dân phòng và công an đi cùng tiến vào phố đi bộ có đông người, nam du khách ngoại quốc đã tới đầu chiếc xe chặn để phản đối, không cho xe chuyên dụng đi vào khu đi bộ.

Du khách này thậm chí có hành động thách thức trước đầu ô tô. Lực lượng dân phòng sau đó đã yêu cầu chàng thanh niên phải nhường đường cho xe qua.

Dù vậy, trên mạng xã hội dư luận đã có nhiều ý kiến tranh cãi về sự việc này. Luồng ý kiến cho rằng, xe biển xanh của công an được đi vào phố đi bộ thực hiện nhiệm vụ. Luồng ý kiến cho rằng hành động của vị khách nói trên là đúng.

Phân tích về hành vi của vị khách trong clip, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, trong tình huống trên, vị khách nước ngoài đã hành xử không đúng, có thể xuất phát từ việc không hiểu rõ pháp luật Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích, cần phải hiểu rõ rằng, trên các tuyến phố đi bộ, chỉ xe của công dân mới bị cấm, không thể đánh đồng xe của công an trong trường hợp này.

Còn trường hợp này là xe của cơ quan cảnh sát thực thi pháp luật, được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn phố đi bộ, chợ đêm nên xe này có quyền được vào trong phố. Điều này đã có trong quy định.

"Nếu cứ nghĩ cấm xe là cấm tất cả các loại xe, vậy nếu đột xuất phát sinh các tình huống khẩn cấp như cứu thương, cứu hỏa thì không lẽ các xe chuyên dụng cũng không được vào phố đi bộ? Hơn nữa, xe của lực lượng chức năng đi xe vào phố cấm, mục đích là giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự, kiểm tra, đôn đốc, bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật, hàng quán vi phạm lấn chiếm lòng lề đường hoặc vận chuyển đồ vi phạm đưa về trụ sở.

Nếu không có xe chuyên dụng, chẳng lẽ lực lượng chức năng phải vận chuyển đồ đạc, hàng hóa vi phạm bằng tay? Hoặc trong trường hợp tạm giữ các đối tượng gây rối trật tự công cộng trong khu vực thì sẽ đưa về đồn bằng cách... "dắt" đi bộ? " - luật sư Thơm nêu giả định.

Nhất Nam/ Người Đưa Tin