Thứ Bảy

Lộ diện “ông lớn quyền lực” bảo kê cho nhiều bê bối ở Việt Nam

Cái thời mà người dính bê bối úp úp mở mở về “một ông anh” có vẻ đã qua rồi. Rất nhiều quan chức dính chàm gần đây đã gọi thẳng tên một ông lớn đầy quyền lực.

Lộ diện “ông lớn quyền lực” bảo kê cho nhiều bê bối ở Việt Nam
Ông lớn ấy mang họ Đúng, tên Quy Trình. Mr. Đúng Quy Trình.
Gần đây đã có một sự dịch chuyển rất thú vị về mặt hiện tượng. Ngày trước, khi muốn tăng sức nặng của tên tuổi, người ta hay khoe: “Nhà mặt phố, bố làm to”.

Bây giờ, những người có số má lại muốn những dinh thự mặt phố nguy nga của mình trở nên vô hình vô ảnh trên báo chí và mạng xã hội.

Khi có chuyện lình xình, người ta không khoe “bố làm to” nữa mà gọi ngay tên ông lớn quyền lực “Đúng Quy Trình” để bảo kê cho tội lỗi.
Ngay cả ông bố bộ trưởng cũng hết sức tránh việc trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm con trai vào ghế cao của một tập đoàn quyền lực. Thế là thứ trưởng phải ký.

Ông ấy cũng chẳng muốn liên quan đến việc cất nhắc con mình nên Mr Quy Trình Đúng phải ra tay: Tập đoàn kia chủ động xin người “đủ tiêu chuẩn”, chứ ông Bộ trưởng đâu có tác động gì, ưu ái gì.

Khi xảy ra việc bổ nhiệm, sử dụng nhân sự, thực hiện dự án “Đúng Quy Trình” nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng, việc đầu tiên người ta nghĩ ngay đến câu hỏi: Quy trình đã đủ chặt chẽ chưa?
Nhưng câu hỏi quan trọng nhất, lẽ ra phải hỏi liên tục, thì lại bị quên lãng: Người đề xuất, người ký bổ nhiệm, cấp trên trực tiếp của người làm sai đó, đã bị xử lý trách nhiệm chưa?

Quy trình chặt chẽ đến đâu mà trao vào tay kẻ thừa hành vô trách nhiệm, cơ hội, tham lam, biến chất, thì quy trình ấy, đôi khi còn trở thành công cụ để triệt hạ nhau và cản trở phát triển.
Quy trình luân chuyển cán bộ là biện pháp rất tốt cho cán bộ được thử thách bản lĩnh và năng lực ở những vai trò, vị trí, địa bàn khác nhau, trước khi có thể đảm nhiệm vị trí quan trọng hơn.

Nhưng quy trình ấy có thể được cá nhân hoặc một nhóm lợi ích biến thành “vòng kim cô” để vây hãm người giỏi và đối thủ.
Làm thế nào để Quy Trình Đúng không bị bóp méo và vẫn sàng lọc được những con sâu đục khoét, bất tài vô dụng?

Làm thế nào để Mr. Quy Trình Đúng không bị dụ dỗ bởi những kẻ vận hành tha hóa?
Đó là câu hỏi quá khó, nhưng không phải không có cách trả lời.
Tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng có một giải pháp rất hay để nâng cao năng lực quản trị tập đoàn và năng lực làm hài lòng khách hàng.

Ông cho lập và chỉ đạo nhân viên tham gia rất nhiều nhiều group mạng xã hội: Facebook, diễn đàn…Thành viên của những group ấy đều là khách hàng của Vingroup.

Vì thế bất kỳ một phản ánh, kiến nghị, một sự chưa hài lòng nào của khách hàng về thái độ nhân viên, về dịch vụ…đều đến một cách nhanh nhất với những người quản lý của Vingroup. Sau đó, việc xử lý cũng diễn ra một cách nhanh nhất.

Theo ông Vượng, trước khi có các group mạng xã hội này, Ban thanh tra của Vingroup rất nhiều người.
Nhưng nhờ có tai mắt của hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn “thanh tra viên không ăn lương” – chính là khách hàng tập đoàn – nên đội ngũ thanh tra của Vingroup đã giảm thiểu và hiệu quả tối đa.

Cách làm này là một gợi ý hoàn hảo để hạn chế tối đa việc trao quyền, trao tiền nhầm vào tay người xấu hoặc thiếu năng lực, dù viêc trao ấy diễn ra dưới sự bảo kê của Mr. Đúng Quy Trình.
Vài người đề xuất, bổ nhiệm có thể nhầm hoặc cố tình nhầm, nhưng dưới con mắt “thanh tra, giám sát” của hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu nhân dân, thì rất khó nhầm.

Năm 2015, Ban Thi đua khen thưởng đưa ra danh sách 42 cá nhân tập thể được đề nghị phong tặng anh hùng (trong đó có tập đoàn Điện lực – EVN) để lấy ý kiến nhân dân.

Dù Bộ Công thương lúc đó của ông Vũ Huy Hoàng đã đề xuất và hết sức bảo vệ cho EVN được phong anh hùng, nhưng hàng triệu người dân và báo chí đã phản đối.

“Thanh tra toàn dân” và báo chí đã đưa ra những dẫn chứng không thể chối cãi: Tuy có nhiều thành tích, nhưng tập đoàn này cũng dính khá nhiều bê bối như liên tục kêu thua lỗ, đòi tăng giá điện, sai sót nhập nhèm tính số điện cho dân…

Cuối cùng, EVN và 9 cá nhân, tập thể khác đã phải rút khỏi danh sách đề nghị phong anh hùng vì có đơn thư và bị “con mắt xã hội” đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy không đủ tư cách, phẩm chất anh hùng.
Thời nào cũng vậy, tai mắt nhân dân luôn là sáng suốt, tinh tường. “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Bia miệng chính là biểu hiện rõ ràng nhất của sự sáng suốt, không nhìn lầm của nhân dân.

Nhưng làm thế nào để sự sáng suốt ấy của nhân dân tham gia hiệu quả vào việc làm trong sạch và hiệu quả bộ máy?

Nếu bản kê khai tài sản cá nhân, hồ sơ, năng lực của những người ứng cử vào vị trí quan trọng, được công khai trước dân, công khai trước tất cả những người liên quan, thì việc che giấu tì vết của người đó là cực kỳ khó.

Nếu những dự án lớn, ảnh hưởng đến nhiều người, được đưa ra lấy ý kiến nhân dân – các nhà khoa học một cách thấu đáo, thì phần nhiều sẽ tránh được những thảm họa đầu tư và môi trường như Boxit, Formosa…
Nếu các quan chức chịu vi hành thường xuyên để tiếp cận, lắng nghe tai mắt nhân dân, chắc chắn những bức xúc, bê bối sẽ giảm thiểu.

Cơn bão dư luận từ vụ triệt hạ cây xanh ở Hà Nội, có thể thổi bay vị trí của một số quan chức. Nếu những nhà quản lý không mặc định trong đầu tư tưởng “Sao phải hỏi dân?”-như một quan chức đã thốt ra-thì một phần di sản xanh của Hà Nội đã không bị giết chết và nhiều chiếc ghế sẽ vẫn giữ được.
Trong thời kỳ hoàng kim của mạng xã hội, tai mắt của nhân dân càng lợi hại. Rất nhiều vụ bê bối lớn được phanh phui xuất phát từ những nghi vấn, chứng cứ của dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Dân chủ là làm sao cho dân được mở miệng ra.
Xã hội nào cũng vậy, khi mọi người dân được mở miệng, khi sự mở miệng đó được trân trọng lắng nghe, thì không tì vết nào, không sai phạm nào có thể được bảo kê bởi “một ông anh” vô hình vô ảnh nhưng lại đầy quyền lực như Mr. Đúng Quy Trình.

(Theo Soha News)