Thứ Tư

Người trẻ thất nghiệp vì sống bị động và lười biếng

Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, các bạn trẻ mới ra trường cần tích cực bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm việc mới có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Bài viết Chênh vênh tuổi 23 vì đời quá "phũ" của tác giả Quách Đức Anh - CEO Trung tâm tiếng Nhật Akira Education - đăng trên Zing.vn mới đây thu hút sự quan tâm của độc giả.

Liên quan chủ đề này, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - tổng giám đốc Công ty Alpha Books, phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP HCM - có những chia sẻ, nhận định về năng lực của người trẻ khi mới ra trường.

- Theo ông, kiến thức trang bị từ trường học liệu đã đủ để một sinh viên tốt nghiệp bước vào đời?

- Nhìn chung, chương trình đào tạo trong trường ngày càng được cập nhật sát với yêu cầu của thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, kiến thức chuyên ngành của đa số sinh viên mới tốt nghiệp còn chưa sâu, kiến thức xã hội nghèo nàn; thiếu kỹ năng làm việc cơ bản, yếu ngoại ngữ; thái độ sống còn bị động, thiếu tự tin và không dám dấn thân. Đặc biệt, sức khỏe của nhiều bạn chưa tốt.

Người trẻ thất nghiệp vì sống bị động và lười biếng

Tôi cho rằng, kiến thức tại nhà trường là nền tảng căn bản và có lẽ chỉ chiếm 30-40% (trừ một số ngành cá biệt) lượng kiến thức cần thiết để đi làm hoặc khởi nghiệp.

- Doanh nghiệp, nơi làm việc đòi hỏi gì ở nguồn nhân lực trẻ?

- Doanh nghiệp khi nhận sinh viên vừa tốt nghiệp đều sẵn sàng đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung để các em hoàn thành công việc được giao. Doanh nghiệp kỳ vọng ở sinh viên mới tốt nghiệp sức trẻ, sự sáng tạo, sự dấn thân và gắn bó lâu dài.

- Trong một bài viết trước đây của mình, ông từng có câu "Nếu tôi chết đi với gia tài 100 triệu USD, cũng không khác với 10 triệu USD". Vậy thông điệp ông muốn truyền tải tới các bạn trẻ là gì?

- Thông điệp tôi muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ là hãy phấn đấu trở thành người có giá trị với cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ người khác chứ không chỉ chăm lo làm giàu cho bản thân.

Tôi cổ vũ cho lối sống tích cực, hướng thiện và vì cộng đồng. Tôi không phê phán việc tích cóp tiền cho thế hệ con cái mỗi người, nhưng quan điểm sống của tôi là giúp các bạn trẻ có nền tảng giáo dục tốt, thái độ sống phù hợp.

- Từng cho rằng sinh viên không nên ảo tưởng về bằng cấp, song trên thực tế, nhiều nơi vẫn yêu cầu bằng khá, giỏi trong quá trình tuyển dụng?

- Về bằng cấp, tôi kính trọng những bạn sinh viên học giỏi. Với tôi, học tập là lao động vất vả nhất. Tuy nhiên, như đã chia sẻ, để trở thành sinh viên giỏi và người làm việc xuất sắc là không hoàn toàn giống nhau.

Ở nhà trường, bạn học tập, đạt kết quả bằng nỗ lực cá nhân là chính. Ở công ty, bạn rất khó thành công nếu thiếu đội ngũ. Tại nhà trường, sinh viên có thể đạt điểm tốt nhờ thuộc bài. Trong công việc, bạn cần tìm tòi, sáng tạo, tìm ra những cách làm mới tốt hơn, hiệu quả hơn...

Chưa kể, với biển kiến thức vô cùng như hiện nay, kiến thức thu lượm được để có bằng cử nhân là quá nhỏ bé. Muốn thành công, bạn phải học hỏi không ngừng, mỗi ngày từ công việc, đồng nghiệp, sách vở bên cạnh kiến thức ở trường.

- Theo ông, khi đi xin việc, người trẻ cần lưu ý những điểm gì để "đánh bại" nhà tuyển dụng?

- Để lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng, trong hồ sơ xin việc và quá trình phỏng vấn, sinh viên phải trưng ra được những bằng chứng nhằm chứng minh kiến thức chuyên ngành giỏi, kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian phù hợp, thái độ sống tích cực, có những mối quan hệ hỗ trợ cho công việc, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, hiểu biết về ngành, công ty và công việc dự tuyển...

- Làm thế nào để có thể trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực theo đuổi?

- Người giỏi nhất được đồng nghiệp đánh giá xuất sắc thông qua kết quả lao động. Để trở thành người giỏi nhất, tôi nghĩ cần 3 yếu tố: đam mê, những người thầy giỏi và khổ luyện có định hướng.

Với công thức này thì "trên bước đường thành công sẽ không thể có dấu chân của kẻ lười biếng"!

Về bài Chênh vênh tuổi 23 vì đời quá "phũ", thành viên Nguyễn Đức Thượng bình luận: "Bài viết rất thiết thực và ý nghĩa. Tôi 27 tuổi, từ khi ra trường tới nay đã thay đổi 8 công ty, xin làm đủ thứ việc ở nhiều ngành nghề. Tôi đã thấy chính mình trong bài viết này và giờ thì cũng ngộ ra rằng mình đang ở đâu trong cái vòng luẩn quẩn đấy. Phải thay đổi lại chính mình, theo đuổi nghề mình đã làm lâu nay...".

Bạn Thiên Lam cho rằng, khi làm việc gì, truớc hết đừng nghĩ đến tiền mà hãy xác định học đuợc gì, giúp ích gì cho bạn sau này. Đừng bỏ qua cơ hội để sau này nhìn lại phải hối hận.

Theo Trí thức trẻ