Thứ Bảy

Thương lái Trung Quốc xả kho hàng đông lạnh, dừng mua lợn từ Việt Nam

Tình trạng thương lái lùng sục mua lợn đã khiến giá lợn tại Việt Nam tăng mạnh, có đợt tăng đến 74.000 đồng/kg hơi. Thấy chăn nuôi lợn có lãi, người chăn nuôi đã ồ ạt mở rộng quy mô trang trại, tăng đàn, khiến giá lợn giống trong nước đang “tăng chóng mặt”.

Thậm chí, lợn sữa vừa mới tập ăn “dặm” cũng bị vét chở đi. Tuy nhiên, trong 2 ngày qua, các thương lái Trung Quốc đột ngột dừng mua lợn khiến giá lợn sụt giảm đến 2-3 giá.

Thương lái Trung Quốc xả kho hàng đông lạnh, dừng mua lợn từ Việt Nam
Đi theo lối mòn “né” lực lượng chức năng

Ông Nguyễn Nam Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết: Trong 2 ngày nay, tại cửa khẩu Chi Ma, không có bất kỳ xe chở lợn nào được “thông quan”. Trong khi đó, trước thời điểm 28.4, tại cửa khẩu này mỗi ngày có hàng trăm con lợn được xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Ông Hoàng Ngọc Tuyên - quyền Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn - Cao Bằng cũng cho biết: Ngày hôm nay đoàn kiểm tra của chi cục kiểm tra tại Chi Ma thì không thấy có xe chở lợn qua cửa khẩu này. Xuất khẩu lợn sang Trung Quốc là xuất “lậu”, có thể phía chính quyền Trung Quốc phát hiện các đường nhập lậu lợn từ Việt Nam vào nên đã “bịt” và thương lái Trung Quốc phải tìm đường khác. “Đường đi của các xe hàng xuất khẩu lợn đều do các thương lái bên phía bạn “dọn đường”, nên nếu các địa phương bên đó phát hiện, việc xuất khẩu sẽ phải dừng lại. Các thương lái sẽ phải tìm đường khác, đi theo hướng Cao Bằng, Quảng Ninh ” - ông Tuyên cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Trần Xuân Đông - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Ninh xác nhận: “Số xe chở lợn sang Trung Quốc tại Quảng Ninh đã giảm tới 70 - 80%. Tuy vậy, 2 ngày nay mỗi ngày có khoảng 20 - 30 xe (tương đương 1.500-2.000 con) chở lợn sang Trung Quốc.

Xe không dám đi theo cửa khẩu, mà theo lối mòn mới mở tại Bắc Sơn, Hải Sơn, Hải Hà… để tránh sự tuần tra, giám sát của lực lượng chức năng 2 nước”. Về vấn đề có hay không tình trạng xe chở lợn bị kẹt lại biên giới, gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường ông Đông khẳng định: “Khi có thông tin Trung Quốc ngừng mua lợn, thì thương lái lập tức báo vào miền Nam để ngừng chở ra, nên không có xe chở lợn nào kẹt lại dọc đường”.

Ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cũng cho biết: Từ ngày 12.5, không còn hiện tượng thương lái Trung Quốc tìm mua lợn, trong khi đó 2 ngày trước, các thương lái vào tận từng hộ chăn nuôi để “săn” hàng. Việc Trung Quốc ngừng mua hàng đã khiến giá thịt lợn hơi tại Đồng Nai giảm xuống khoảng 2.000 đồng/kg, còn 50.000 - 51.000 đồng/kg.

Trung Quốc xả kho đông lạnh

Tối 12.5.2016, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: Ngày 12.5, các thương lái tại Trung Quốc đột ngột dừng toàn bộ giao dịch mua lợn của Việt Nam do chính quyền nước này xả kho hàng đông lạnh để giải quyết khủng hoảng thiếu.

Theo ông Trần Văn Quang, thì không loại trừ Trung Quốc xả kho hàng đông lạnh (thực phẩm dự trữ quốc gia) do hàng đã cũ, và nhập thịt lợn mới vào kho để dự trữ. Một số ý kến khác lại cho rằng, cũng không loại trừ khả năng các thương lái Trung Quốc đang “làm khó” nông dân Việt theo kiểu mua ồ ạt giá cao rồi đột ngột dừng mua như việc mua vải, mua đỉa trước đây.

Giải thích hiện tượng ngoài mua lợn thịt có trọng lượng lớn, thương lái Trung Quốc cũng ồ ạt mua lợn sữa chở về nước, ông Quang cho biết thêm: “Có thể họ mua lợn sữa để tạo giống, gây đàn, hoặc nuôi để tăng đàn lợn thịt giải quyết tình trạng khủng hoảng thiếu hiện nay. Nếu vậy, khi đàn lợn thịt của họ không thiếu, có thể sức mua sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, người chăn nuôi nên tiên lượng điều này, không nên ồ ạt tăng đàn khiến bị thiệt hại”.

Ông Trần Xuân Đông cũng cho rằng, việc tăng đàn hay không là tùy ở người chăn nuôi, cơ quan chức năng không thể can thiệp. Tuy nhiên, khi giao thương với các thương lái của Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, bà con nên thận trọng và cân nhắc kỹ.

Theo Khánh Vũ (Lao Động)