Thứ Sáu

Tác động kinh tế và địa chính trị từ sự tăng trưởng giảm tốc của Trung Quốc

Dù tăng trưởng giảm tốc, chiến lược và mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc vẫn sẽ tích cực và sẵn sàng hoạt. Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và nước này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đáng kể đến vận mệnh toàn cầu – dù tốt hay xấu – trong bất kỳ kịch bản kinh tế nào có thể xuất hiện.

Báo cáo tóm tắt hội thảo củaTrung tâm Nghiên cứu Địa Kinh tế Maurice R.Greenberg và Chương trình Châu Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Mỹ (CFR). Bài viết được đăng trên CFR.
Giới thiệu

Tác động kinh tế và địa chính trị từ sự tăng trưởng giảm tốc của Trung Quốc
Năm 2010, khi nền kinh tế Trung Quốc mở rộng ở mức hơn 10%/năm, thế giới đã suy nghĩ về hiệu ứng lan tỏa của cái mà nhiều nhà quan sát nghĩ sẽ là một thập kỷ khác cho tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc. Năm năm sau đó, thực tế đã bắt kịp phép màu Trung Quốc, và thế giới lại đang đặt ra câu hỏi: Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với thế giới, đặc biệt là nếu tăng trưởng tiếp tục chậm lại?

Nhằm tìm kiếm những câu trả lời có thể có, Trung tâm nghiên cứu địa kinh tế Maurice R.Greenberg và chương trình châu Á thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại đã tổ chức một buổi hội thảo tại thành phố New York với gần 40 người tham gia với kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính, chính quyền, khoa học chính trị và các vấn đề quân sự. Nhóm này đã tranh luận về những triển vọng của sự giảm tốc kinh tế kéo dài ở Trung Quốc và tìm cách dự đoán ảnh hưởng – đối với nền kinh tế toàn cầu, địa chính trị, tham vọng và sức ảnh hưởng của Trung Quốc – nếu mục tiêu “tăng trưởng ở mức trung bình cao” của Đảng Cộng sản cho đến năm 2020 hóa ra là không thể đạt được. Báo cáo này sẽ tóm tắt những nét nổi bật của cuộc thảo luận.

Nền kinh tế Trung Quốc đang đi về đâu?

Những người tham dự buổi hội thảo nhìn chung đều coi “tăng trưởng ở mức trung bình cao” – mà Bắc Kinh xác định là 6,5%/năm – là một đòi hỏi quá sức. Đạt được điều đó sẽ đòi hỏi phải có thêm nhiều tác nhân kích thích của chính phủ theo kiểu mà vốn đã gây ra năng suất ngành công nghiệp dư thừa tràn lan và đặt gánh nặng cho nền kinh tế bằng những mức không được kể đến các khoản cho vay kém hiệu quả và nợ khác. Mặc dù Trung Quốc có các nguồn lực và, nhiều nhà phân tích tin rằng, ý chí để triển khai một làn sóng kích thích mới, nhưng Bắc Kinh sẽ nhận được lợi nhuận từ của cải của họ ít hơn so với trong những năm trước đây và chịu rủi ro lớn hơn về một cuộc khủng hoảng lòng tin vào hệ thống tài chính của nước này.

Có sự đồng thuận rộng rãi giữa những người tham gia hội thảo rằng sẽ diễn ra 1 trong 3 kịch bản. Dự đoán thông thường nhất là Trung Quốc sẽ tránh “hạ cánh cứng” nhưng chưa đạt tới mức tiến hành các cải cách cần thiết, gán nó với điều gì đó tương tự như “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản vào những năm 1990, với tỷ lệ tăng trưởng thực trung bình khoảng 1 đến 3%. Một dự đoán ít phổ biến hơn, nhưng vẫn thường xuyên, cho rằng Trung Quốc sẽ tiến hành và thực thi thành công các cải cách tài chính, tài khóa và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Mặc dù ban đầu những cải cách này sẽ châm ngòi cho sự vỡ nợ và hàng triệu người mất việc, nhưng chúng sẽ đặt Trung Quốc vào đúng hướng nhằm duy trì tăng trưởng 4 đến 6% trong những năm 2020. Dự đoán ít phổ biến nhất là sự “hạ cánh cứng” thường được thảo luận – một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến mức nó sẽ khiến nền kinh tế thu hẹp.

Trung Quốc “hắt hơi”, thế giới chuẩn bị ứng phó với “cơn cảm lạnh”

Bản chất “lai tạp” của nền kinh tế Trung Quốc – hội nhập mạnh mẽ với thế giới thông qua thương mại tự do, nhưng bị cô lập theo những cách khác bởi hệ thống tài chính hạn chế của mình – có nghĩa là những ảnh hưởng dội lại toàn cầu sẽ được cảm nhận không như nhau khi tăng trưởng của Trung Quốc “về số” thấp hơn.

Cơn dư chấn hàng hóa

Hai tác động đáng kể của việc Trung Quốc giảm tốc vốn đã được nhận thấy một cách rộng rãi: sự sụt giảm mạnh của giá kim loại, năng lượng và các hàng hóa khác mà Trung Quốc đã tiêu thụ đến cạn kiệt nhằm cung cấp cho sự bùng nổ xây dựng giờ đây đang suy yếu của nước này, và làm giảm bớt nhu cầu của Trung Quốc đối với máy móc và thiết bị xây dựng nhập khẩu từ các nền kinh tế phát triển.

Giá cả kim loại, bao gồm quặng sắt, đồng, và niken, cũng như than đá và thép, đã giảm mạnh. Mặc dù giá cả của một số hàng hóa có thể đang chạm đáy, có khả năng sẽ mất nhiều năm để chúng phục hồi khi Trung Quốc tác động nhằm giảm bớt năng lực sản xuất dư thừa và kích thích lại nhu cầu, và các nước khác phải vật lộn để lấp khoảng trống. Việc giảm tốc cũng đã góp phần vào giá dầu thấp hơn và giá dầu rẻ hơn đối với một số hàng hóa nông nghiệp, như đậu nành. Những người tham dự hội thảo không nhận thấy kịch bản nào mà trong đó nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa công nghiệp có thể có sự phục hồi lớn. Nhu cầu của Trung Quốc về máy móc cũng sẽ vẫn thấp, gây tổn hại đến nhập khẩu sản phẩm hoàn thiện từ châu Âu và Mỹ.

Chạy theo đồng tiền

Số phận tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ với đồng USD và các tiền tệ khác thì khó dự đoán hơn, nhưng hậu quả sẽ lớn hơn đối với những nước mà hàng hóa xuất khẩu của họ cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã làm gia tăng áp lực hạ giá lên đồng nhân dân tệ. Người Trung Quốc đang rút nhiều vốn hơn ra khỏi đất nước vì cơ hội đầu tư hấp dẫn ở trong nước ít hơn và vì sự không chắc chắn dai dẳng về chính trị (chẳng hạn, chiến dịch chống tham nhũng quốc gia đã và đang tiến hành được 3 năm đã “giăng lưới” được nhiều đảng viên giàu có cùng với họ hàng và các đối tác kinh doanh của họ). Áp lực lên đồng nhân dân tệ đang gây ra sự suy đoán nào đó rằng Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ ngần ngại trước việc chi hàng trăm tỷ USD, như nước này gần đây đã làm, để làm chỗ dựa cho giá trị của đồng nhân dân tệ trên các thị trường tiền tệ và thay vào đó lựa chọn để cho giá trị của nó giảm so với đồng USD – nhưng điều này gần như không phải là quan điểm được chia sẻ rộng khắp trong số những người tham dự hội thảo.

Một số người tham gia cảnh báo về những tác động gián tiếp tiềm tàng của việc đồng nhân dân tệ trở nên rẻ hơn. Do những ảnh hưởng của sự thay đổi mang tính cạnh tranh đối với các nước xuất khẩu như Đức, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Philippines, Singapore, Tây Ban Nha và Hàn Quốc, sự suy giảm hơn nữa giá trị đồng nhân dân tệ có thể châm ngòi cho việc phá giá tiền tệ ở những nơi khác. Một số người tham dự cảnh báo rằng các nhà đầu tư và các chính phủ đã không nắm bắt được việc những sự phá giá tiền tệ cạnh tranh có thể xuất hiện như thế nào và hậu quả của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu có thể là gì.

Những tham vọng địa chính trị của Trung Quốc giữa lúc tăng trưởng chậm hơn

Một người tham gia hội thảo lưu ý rằng không có người chiến thắng kinh tế thực sự từ sự giảm tốc mạnh mẽ của Trung Quốc, nhưng có một kẻ chiến thắng về chính trị: Mỹ. Tăng trưởng thấp hơn kéo dài có thể cướp đi phần nào tính thần kỳ trong mô hình phát triển của Trung Quốc. Về khía cạnh này, ít nhất thì Mỹ sẽ có được một sự thúc đẩy uy tín đáng kể ở châu Á, chừng nào Mỹ còn thể hiện quyền lãnh đạo khôn khéo, xây dựng một nền kinh tế khỏe mạnh của chính mình, và tránh bị sa lầy vào các cuộc xung đột trên khắp thế giới.

Những người tham gia tự hỏi khi tăng trưởng giảm tốc, Trung Quốc liệu có trở nên hiếu chiến hơn không. Hội thảo bổ sung thêm một số kịch bản địa chính trị mà, thoạt nhìn, có lẽ dường như khác thường nhưng lại có lý khi được cân nhắc trong bối cảnh mục tiêu tối cao của Đảng Cộng sản là giữ vững quyền lực.

Giảm bớt chi tiêu quân sự của Trung Quốc? Đừng đặt cược vào điều đó…

Các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách có lẽ nên từ bỏ giả định rằng khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm, thì chi tiêu quân sự và những tham vọng lãnh thổ của nước này cũng sẽ vậy. Một số người tham dự lập luận rằng điều đó rất không có khả năng xảy ra. Ngay cả khi kinh tế giảm tốc, Trung Quốc vẫn có các nguồn lực và động cơ để tiếp tục tăng ngân sách quân sự nhanh hơn nhiều so với các nước láng giềng của mình và so với Mỹ. Tính hợp pháp của Đảng Cộng sản nằm một phần ở lời hứa hẹn của nước này đem lại “sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” – một khái niệm bao gồm cả việc khẳng định chủ quyền đối với các hòn đảo tranh chấp, không phận và sự mở rộng đại dương ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện đầy đủ ý định của ông theo đuổi mục tiêu này, một phần bằng cách đẩy nhanh sự biến đổi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thành một lực lượng chiến đấu cấp thế giới với những hoạt động tác chiến vượt hẳn ra ngoài châu Á.

… nhưng Bắc Kinh không có khả năng tiến hành chiến tranh nếu kinh tế sụp đổ

Vì lẽ đó, các nhà phân tích có lẽ cũng cần loại bỏ quan niệm rằng sự sụp đổ của nền kinh tế trong nước sẽ kích động hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài nhằm khiến người dân Trung Quốc xao nhãng khỏi biến động ở trong nước. Kịch bản “đánh lạc hướng” này có lẽ trở nên phổ biến với những nhà viết kịch bản phim và những người say mê thuyết âm mưu nhưng nó không được lịch sử xác nhận. Mặc dù đúng là các nước bị giằng xé bởi xung đột thường bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh bên ngoài, nhưng điều đó lại hiếm hoi vì các nhà lãnh đạo của họ sẽ lên kế hoạch để tạo ra một hoạt động mang tính đánh lạc hướng đối với dân chúng bướng bỉnh của họ.

Quả thực, phần lớn những người tham dự hội thảo lập luận rằng nếu Trung Quốc bị vây quanh bởi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nước, thì Đảng Cộng sản gần như chắc chắn một lần nữa tập trung vào năng lượng và các nguồn lực nội tại. Ban lãnh đạo và bộ máy an ninh của họ, bao gồm cả các bộ phận của quân đội, sẽ bận rộn với việc bảo vệ chống lại sự bất ổn xã hội, dập tắt các hoạt động của các phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng, và duy trì tính cố kết của chính bản thân đảng. Tiến hành một cuộc chiến tranh ở nước ngoài trong bầu không khí bất bình của dân chúng ở trong nước sẽ đặc biệt nguy hiểm đối với Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc liên tục bị đánh bại bởi hải quân Nhật Bản hoặc Mỹ, thì ban lãnh đạo sẽ pha trộn danh tiếng quản lý kinh tế yếu kém của mình bằng sự thiếu năng lực quân sự - một ly cocktail có khả năng gây sát thương cho đảng cầm quyền.

Cân bằng chủ nghĩa dân tộc với tình láng giềng hòa thuận

Một nền kinh tế mềm dẻo sẽ làm gia tăng tầm quan trọng của việc duy trì môi trường khu vực hòa bình đối với Bắc Kinh để Trung Quốc có thể phát triển thương mại và đầu tư với các nước láng giềng của họ. Nghịch lý cho những nhà cầm quyền Trung Quốc là, sau khi chủ tâm khiến người dân của họ chìm đắm trong chiến dịch tuyên truyền và đào tạo mang tính dân tộc chủ nghĩa trong thời gian quá dài, giờ đây họ phải đối mặt với những kỳ vọng ngày một tăng của dân chúng là thực hiện các tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Tình huống này đã để lại cho Bắc Kinh không gian hạn chế để thỏa hiệp với các nước láng giềng châu Á và Mỹ. Quả thực, chiến dịch của Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với vùng trời và vùng biển trong khu vực vốn đã gây tổn hại đến quan hệ ngoại giao của nước này với các nước láng giềng. Khi thảo luận về việc làm thế nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cân bằng mong muốn về sự ổn định khu vực của họ với các mục tiêu dân tộc chủ nghĩa của họ ở biển Hoa Đông và Biển Đông, một người tham dự đã đưa ra khả năng rằng Bắc Kinh có thể tìm cách thỏa hiệp bằng cách hướng sự giận dữ của họ vào một nước láng giềng cụ thể - có thể là Philippines, hoặc có lẽ là Việt Nam – trong khi đó tìm cách giảm bớt căng thẳng với nước láng giềng khác.

Mọi con đường đều dẫn tới Bắc Kinh

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc không chỉ là quân sự. Quả thực, những người tham dự kết luận rằng sự giảm tốc kinh tế có thể được cho rằng sẽ thúc đẩy Tập Cận Bình đẩy nhanh, thay vì giảm bớt, những nỗ lực nhằm mở rộng sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ có được sức ảnh hưởng bất chấp một nền kinh tế yếu hơn

Chẳng có gì là bí ẩn khi Bắc Kinh, trong khi tiếp tục hưởng lợi lớn từ các tổ chức và chuẩn mực đa phương do Washington dẫn đầu trong nhiều thập kỷ kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khao khát định hình lại một số trong cùng những thể chế đó, và trong một số trường hợp, xây dựng và dẫn dắt những thể chế tương đương. Những người tham dự hội thảo phần lớn nhất trí rằng tăng trưởng kinh tế chậm hơn của Trung Quốc sẽ không cản trở những tham vọng này; trong một số trường hợp, nó sẽ thúc đẩy chúng. Chẳng hạn, chỉ thị “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc cam kết hơn một nghìn tỷ USD trong nhiều năm cho các dự án cơ sở hạ tầng mà, nếu kế hoạch này có tác dụng, sẽ hình thành nên một “vành đai” kinh tế cố kết trên khắp lục địa Âu-Á và “Con đường Tơ lụa” trên biển xuyên suốt Nam Á tới Trung Đông. Kế hoạch này giờ đây đang nhận được sự chú trọng lớn hơn từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, chứ không phải ít hơn. Như một người tham dự hội thảo đã lưu ý, ngay cả cái gọi là “hạ cánh cứng” dường như cũng không có khả năng khiến Trung Quốc chuyển hướng khỏi tiến trình hiện tại của sự mở rộng dài hạn những cam kết kinh tế quốc tế của nước này, đặc biệt là khi Trung Quốc tìm kiếm một lối thoát cho năng lực công nghiệp dư thừa của mình.

Một số người tham dự hội thảo dự đoán rằng những tham vọng của Trung Quốc cuối cùng có thể bị giới hạn bởi sự khan hiếm các dự án nước ngoài mà hàng trăm tỷ USD có thể được đầu tư vào đó một cách hợp lý. Một số dân cư và chính quyền địa phương cũng sẽ phản đối việc nhường lại cho Bắc Kinh quá nhiều ảnh hưởng về kinh tế, như được dẫn chứng bởi quyết định đáng ngạc nhiên của Myanmar muốn thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc một vài năm trước bằng cách hoãn lại một số dự án cơ sở hạ tầng nổi tiếng được Trung Quốc cấp vốn.

Tuy nhiên, chiến lược và mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc vẫn sẽ tích cực và sẵn sàng hoạt động trong kỷ nguyên tăng trưởng của Trung Quốc chậm hơn. Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngay cả khi tăng trưởng giảm tốc, và nước này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đáng kể đến vận mệnh toàn cầu – dù tốt hay xấu – trong bất kỳ kịch bản kinh tế nào có thể xuất hiện.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG