Chủ Nhật

Có gì đáng khen những người ích kỷ trồng rau, nuôi gà, lợn ngay giữa thủ đô Hà Nội

Dạo gần đây, tôi thấy báo chí tung hô cảnh trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn ngay giữa thủ đô nhưng một phát minh đầy sáng tạo của con người Hà Nội. Tôi tự nhủ phải chăng con người Hà Nội lại đang muốn quay về thời bao cấp thiếu ăn, phải tự cung tự cấp mọi dịch vụ cho mình?

Cứ nhìn vào cách mà người dân thành phố trồng cây, nuôi gà, lợn ngay trên những tòa nhà cao tầng trong suốt thời gian qua, không ít người phải thốt ra rằng “hình như dân Việt đang quay trở lại thời bao cấp, tự cung tự cấp thực phẩm cho gia đình” hay “nông dân sân thượng” ở Việt Nam quá sáng tạo, mặc dù đất đai chật hẹp vẫn có thể nuôi trồng đủ thứ để lấy thực phẩm ăn, chống chọi với thời kỳ thực phẩm độc hại bùng phát?

Vườn rau trên tầng thượng của gia đình ông Tiến.
Vẫn biết xã hội còn nhiều những khó khăn trong kiểm soát thực phẩm, nhưng đến nỗi con người, nhất là người văn minh như Hà Nội lại hành xử theo kiểu thiếu văn hóa như vậy thì thật đáng buồn. Đáng lẽ, khi trí thức cũng như nhận thức của con người phát triển, và văn minh hơn thì thực trạng của thời bao cấp phải càng ngày càng đi xa, thay vào đó môi trường trong sạch xã hội văn minh lịch sự. Chứ không phải là cảnh tượng nhếch nhác bẩn thỉu, mùi lợn, gà bay khắp phố phường Hà Nội như thời bao cấp chứ?!

Đáng lẽ con người sống với nhau phải có ý thức hơn, có trách nhiệm hơn với môi trường mình sinh sống và làm việc, chứ không phải là lòng tham, sự ích kỷ của một số hộ dân Hà Nội như bây giờ?
Nếu ai cũng a dua theo cái cách mà những hộ dân nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau, đào ao, xây ao trong nhà mình như những hộ dân này thì thật là đáng buồn cho một xã hội văn minh mà người ta vẫn gọi là thành phố thanh lịch ấy.

Bạn cứ thử nhìn xem, bên cạnh những lợi ích có được từ việc tự trồng rau như có rau sạch ăn, trồng cây ăn quả giúp nhà mát mẻ, đỡ tốn tiền ra chợ mua,... thì nhìn những hình ảnh sân thượng phủ kín các chậu rau xanh, các chậu trồng cây ăn quả hay những “ao cá”, chuồng gà, chuồng lợn... thì chúng ta không khỏi lo ngại bởi sự nguy hiểm, đánh cược mạng sống của mình.

Vì sao lại đánh cược mạng sống của mình vì nuôi gà, lợn, trồng rau trong nhà?

Về cơ bản, sân thượng chỉ được thiết kế để chịu đựng được một trọng lượng nhất định, trong khi đó người dân để hàng chục chiếc thùng xốp, hàng trăm chiếc chậu chứa đầy đất thì nguy cơ mất an toàn, sập trần là rất lớn, có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nhất là những gia đình còn mua cả xe ô tô đất về để đổ lên sân thượng làm ruộng rau. Hay, nhỡ đâu, chỉ một cơn lốc xoáy, một cơn bão đi qua có thể cuốn phăng cả trăm chiếc thùng xốp chứa đầy đất xuống đường, sẽ có người phải hứng chịu "tai bay vạ gió", nguy hiểm khôn lường.
Tầng 5 được gia đình nuôi gà
Tương tự, sự bất tiện của những chiếc chuồng gà được đặt cao chót vót trên sân thượng của những tòa nhà 4-5 tầng cũng vậy. Ngoài chuyện có thịt, trứng gà sạch để ăn, người nuôi, người dân sống xung quanh hàng ngày, hàng giờ phải hít thở bầu không khí ô nhiễm, nhất là vào những ngày trời trở gió hay mưa dầm.
Lợn được nuôi ở tầng 6. Cao điểm gia đình Tùng nuôi cả chục con lợn. Phân lợn được giữ lại ủ với rau thải loại làm phân bón rau
Hay cả những chuồng lợn to đùng mà người dân Hà Nội nuôi trong những gian phòng ở những ngôi nhà 4-5 tầng kia cũng vậy, cái mùi hôi thối không chỉ giết chết bầu không khí đang ô nhiễm nặng nề ở Hà Nội, mà nó còn là những ổ dịch bênh, nguy cơ lây truyền, nhiễm những chứng bệnh không thể lường trước được từ sự ích kỷ này của một số người đang nuôi gà, lợn, trồng rau hiện nay.

Thảm họa môi trường là đây chứ đâu. Ung thư đâu chỉ qua đường ăn uống?
Mất môi trường sống là mất đi tất cả, con người chỉ đi đến chỗ chết mà thôi.
Đau đớn thay.

Trách nhiệm này thuộc về chính quyền không biết quản lí? Hay lòng tham con người không có giới hạn, đánh đổi sự ích kỷ của bản thân để đổi lấy sự trong sạch của môi trường sống của hàng chục, hàng trăm hộ dân khác?

Mr. Hung