Thứ Bảy

Hai mươi lăm năm khổ tâm của một Người Mẹ Thiên An Môn

(Nguyên văn tiêu đề bài báo gốc: Nỗi khổ tâm suốt một phần tư thế kỷ của một Người Mẹ Thiên An Môn)

Đối với Những Người Mẹ Thiên An Môn, ngày lễ Hiền mẫu đồng nghĩa với nỗi đau. Khi những tiếng súng điểm xạ hay rộ lên hàng tràng liên thanh trong cái ngày lịch sử mồng 4 tháng 6 năm 1989 ấy, biết bao cuộc đời tươi đẹp đã bị tước đoạt; như cuộc đời của Zhang Jin, cô con gái sắp mười chín tuổi của bà Ma Xueqin; Wu Xiangdong, cậu con trai hai mốt tuổi của Xu Jue; và Hao Zhijing, người con trai ở ngưỡng tam thập của Zhu Zhidi. Với những người mẹ đau khổ này, những người đã chờ đợi suốt 25 năm qua và không biết còn chờ được bao lâu nữa, niềm tin duy nhất khiến họ gắng tồn tại trên cõi đời này là yêu cầu chính phủ thừa nhận đã làm sai và trả lại công lý cho những đứa con của họ.

Hai mươi lăm năm khổ tâm của một Người Mẹ Thiên An Môn
Tuy nhiên, bi kịch là ở chỗ tới giờ này họ chỉ tiếp nhận được bi kịch và nỗi thất vọng. Chính quyền đã vận dụng cái gọi là “duy trì sự ổn định” để xâm phạm các quyền tự do và quyền hợp pháp của những bà mẹ này. Họ không được phép gặp gỡ các nhà báo, những lần đi thăm mộ con cũng có công an tháp tùng, ngay cả những người đã 70 tuổi và đang mang bệnh ung thư cũng bị đối xử như vậy. Thế thì ai mà không buồn giận được cơ chứ?

“Đã hai mươi lăm năm rồi đấy nhỉ? Thời gian trôi nhanh thế! Lãnh đạo trung ương đã thay đổi mấy đời rồi, mà vẫn không ai giải quyết chuyện này. Sai thì bảo là sai. Đợi chúng tôi chết hết chăng? Chúng tôi chết còn con chúng tôi, cháu chúng tôi. Đây là món nợ máu!” Phóng viên báo Apple Daily đã đến thăm nhà bà Ma Xueqin, một trong những Người Mẹ Thiên An Môn, ở Bắc Kinh. Người phụ nữ đã 69 tuổi vẫn còn giữ những vật dụng và quần áo của cô con gái út Zhang Jin. Mỗi lần nhìn đến những thứ này bà đều đau thắt lòng nhưng không nỡ bỏ đi. Bà nói: “Cặp sách của nó này, bộ đồ bơi này, áo choàng áo khoác này. Tôi giữ suốt. Xem đây, vẫn còn mới thế.” “Nó là đứa hiếu thảo và chín chắn. Nó để ý chăm sóc cả hai bà nội ngoại. Hai cụ sống ở Quận Tây. Nó thường đến gội đầu và nấu ăn cho bà nội. Nhưng người tốt chả được sống lâu.”

Mỗi khi nói đến con gái, bà Ma lại thở dài và nhắc đến sự bất công và độc ác của Đảng Cộng sản: “Tôi sẽ không bao giờ quên điều này, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Chừng nào còn sống, tôi còn đòi công lý cho con gái tôi. Tôi muốn họ phải giải thích rõ ràng. Sự kiện này không thể xóa khỏi lịch sự. Họ đã làm điều sai, họ phải giải thích tại sao lại giết người. Giết người không chớp mắt, còn ai độc ác hơn Đảng Cộng sản? Quân sát nhân!”

Xát muối vào vết thương: Bệnh viện đòi thu tiền giữ xác!

Vào đêm ngày mồng 3 tháng 6 năm 1989, Zang Jin đến thăm bà nội sau một ngày làm việc ở Trung tâm Thương mại Quốc tế, nơi cô mới kiếm được việc làm từ hai tháng trước. Vì mọi chuyến xe buýt đều bị hủy, cô và bạn trai cùng đi bộ về nhà. Khi đi ngang qua Cung Văn hóa Quốc gia, họ gặp một làn mưa đạn. Đôi uyên ương vội lánh vào một khu chung cư gần đó, nhưng không tránh được đợt súng đạn tuôn xối xả. Zhang bị trúng đạn vào đầu. Những người dân ở đó dùng một tấm cánh cửa để khiêng cô đi trên những nóc nhà (để tránh những làn đạn đang bắn tràn trên phố) đến Bệnh viện Youdian.
Hình ảnh biểu tình ở Thiên An Môn
Sau khi được sơ cứu nhưng không có tác dụng, cô qua đời vào sáng ngày mồng 4. Nguyên nhân tử vong ghi trên giấy chứng tử của cô là “bị đạn bắn”. Bà thợ may Ma Xueqin bị ngất khi nghe tin con gái chết. Sau đó bà chỉ nằm liệt giường, không ăn ngủ được và lúc nào cũng khóc. Nhưng những điều xảy ra tiếp theo còn như muối xát vào vết thương của bà. Bà kể với phóng viên: “Lúc đó cơ quan nó còn không dám thông báo với đồng nghiệp về chuyện của nó.

Họ chỉ đưa tôi hai tháng lương của con bé, ngoài ra không làm gì hết. Bệnh viện thì đòi thu phí mới cho để xác con bé, nếu không họ sẽ để mặc con bé nằm ngoài trời nắng. Mà lúc đó đầu nó vẫn còn rỉ máu. Nhà tang lễ cũng đòi thu tiền xe (chở xác con gái tôi). Họ không còn đạo đức nữa, đến giờ nghĩ về chuyện đó tôi vẫn nổi cơn. Cũng chỉ vì tí tiền, họ chẳng còn biết đến chút thiện tâm nữa. Lúc đó đã nhũng nhiễu thế rồi. Họ chỉ quan tâm đến tiền, ngoài tiền ra chẳng còn gì khác,” bà Ma nói.
Khi bà dựng bia cho con gái, chính quyền không cho bà ghi ngày mất là mồng 4 tháng 6 năm 1989. Bà kể: “Họ không muốn tôi ghi ngày mồng 4 tháng 6. Họ chỉ cho ghi ngày mồng 3 tháng 6. Đến cả ngày mất họ cũng không cho chúng tôi ghi đúng nữa”

Hàng trăm người đã chết: Lịch sử Không thể Bôi Xóa.

Chồng bà Ma, ông Zhang Junsheng là một sỹ quan hải quân xuất ngũ. Sau cái chết bi thương của con gái, ông nuốt nước mắt vào trong. Ông đi khắp nơi đòi công lý, nhưng rồi bị suy kiệt vì tâm bệnh uất ức và buồn rầu. Ông mất năm 2004 sau khi bị đột quỵ, ung thư trực tràng và viêm tụy. Bà Ma nói: “Ông lão bị sụp vì nỗi buồn lớn quá, ông ấy phải nằm liệt và lúc mất không nhắm được mắt. Cả nhà tôi biết ông ấy quý cô con gái út thế nào.” Sau khi chồng mất, bà Ma chuyển về ở căn hộ của cô con gái lớn và sống ở đó gần 10 năm. Bà về lại căn nhà cũ sau khi đứa cháu trai bà nuôi lớn được vào đại học.

Giờ đây bà chỉ có một con mèo và những đồ vật cũ của những người đã khuất bên cạnh mình. Bà bị chứng mất ngủ, từ khi hay xem những tấm ảnh cũ và nghĩ ngợi về quá khứ. “Những đứa trẻ đang có tương lai tốt đẹp bỗng bị chết vô cớ. Không phải chỉ một, hai đứa, mà hàng trăm đứa chết. Họ không thể xóa bỏ sự kiện này, dù rất muốn. Trang lịch sử này không thể bôi xóa. Đã có quá nhiều người chết. Hai thế hệ dân cư thủ đô đã biết điều này. Họ (chính quyền) chỉ nói dối được với những người không sống ở Bắc Kinh và chưa tận mắt thấy việc này. Vào lúc đó, xác người chất lớp nọ chồng lên lớp kia, không còn chỗ mà chứa xác nữa. Thảm quá!” Bà Ma nói.

Đã được nghe đủ kiểu giải thích từ chính quyền Trung Quốc, bà mẹ hiền lành này không giấu được nỗi tức giận: “Mọi điều họ nói đều không phải sự thật. Một số lời giải thích còn quá lố. Có đầy vết đạn ở Tượng đài Anh hùng Nhân dân mà họ nói họ không nổ súng, thật bịp bợm!” Cuộc hội ngộ thường niên của Những Người mẹ Thiên An Môn là dịp bà được an ủi rất nhiều, bà nói: “Chúng tôi gặp gỡ, nói chuyện. Nhiều gia đình có cảnh ngộ còn thảm hơn. (Nạn nhân) bỏ lại cha mẹ già và con thơ.” Nhưng chính quyền đã dùng mọi biện pháp để gia tăng sức ép. Từ những năm ngay sau (vụ thảm sát), mỗi khi họ tụ họp hay vào những “ngày nhạy cảm”, công an lại canh chừng các khu nhà họ ở, sau đó giao cho tổ dân phố theo dõi và đến sách nhiễu tận nhà. Bà Ma nổi tam bành vì cách hành xử thiếu đạo đức: “Tại sao họ lại sợ chúng tôi đến vậy? Đe dọa, cản trở cuộc sống yên lành của chúng tôi. Họ thiếu đạo đức quá. Sau ngần ấy năm, chả còn gì mà phải sợ, công lý ở phía chúng tôi.”

Theo Hank Trang dịc http://hk.apple.nextmedia.com/