Thứ Ba

Xây trung tâm thương mại trong Công viên Thống Nhất:Hà Nội vì ai?

Không được xây dựng trung tâm thương mại trong Công viên Thống Nhất với bất kỳ lý do nào.

Đó là quan điểm của TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khi trao đổi với Đất Việt.

Ông Liêm cho biết, phát triển không gian ngầm đô thị là giải pháp mà nhiều nước trên thế giới vẫn đáng làm nhằm giải quyết vấn đề căng thẳng đất đai tại các đô thị. Không gian ngầm có thể là một con phố, cũng có thể là một đầu mối giao thông kết nối nhiều hình thức giao thông như đường bộ, đường sắt, cao tốc... Lựa chọn xây dựng hạ tầng ngầm sẽ tiết kiệm không gian mặt đất, đảm bảo cảnh qua, không gian cây xanh...

Trung tâm thương mại trong Công viên Thống Nhất:Hà Nội vì ai?
Đi vào cụ thể với dự án xây dựng trung tâm thương mại và bãi đỗ xe tại số 295 Lê Duẩn (thuộc Công viên Thống Nhất) mà Thành ủy Hà Nội vừa đồng ý  về chủ trương, ông Liêm phân tích, Hà Nội hiện đang thiếu giao thông tĩnh (nơi đỗ xe), trong khi dân số tăng, mật đô xe ngày đông. Quy hoạch trước đây đã không dự tính hết thực tế này.

"Đây là nhược điểm của Hà Nội cũng như nhiều nước trên thế giới. Tôi thấy Paris cũng vậy, vì thế, có nhiều nước họ đưa xe đậu lên nóc nhà, hoặc đưa ngầm xuống đất. Riêng tôi ủng hộ, xây dựng hạ tầng ngầm để đỗ xe, nhưng trên mặt đất phải đảm bảo giữ nguyên", ông Liêm nói.

Dù vậy, vị chuyên gia kiên quyết không ủng hộ chủ trương xây dựng trung tâm thương mại trong công viên. Ông giải thích, Hà Nội đang thiếu cây xanh, chỗ đỗ xe, chứ không thiếu trung tâm thương mại hay siêu thị.

"Tôi kiên quyết không tán thành xây dựng trung tâm thương mại ngầm hay nổi trên mặt đất. Xây dựng trung tâm thương mại với bất cứ lý do nào cũng không hợp lý.

Công viên chỉ là công viên, không thể kết hợp công viên với trung tâm thương mại. Không ai vào công viên để mua sắm" - Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định,

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng yêu cầu HĐND HN phải lên tiếng mạnh mẽ về câu chuyện này, kiên quyết phản đối xây dựng trung tâm thương mại trong công viên. Đồng thời, ông cũng đề nghị, HĐND thành phố rà soát lại quỹ đất của Công viên Thông Nhất.

"Xung quanh khu rạp xiếc, phía mặt đường nguyễn Bỉnh Khiêm đang bị gặp nhấm bất hợp lý. Cần phải trả lại đất cho công viên, phải rà soát lại, yêu cầu phát huy công năng của công viên. TP.HCM công viên là nơi kỳ hòa, người dân đến rất đông. Trong khi, Hà Nội công viên bị xẻ thịt, người dân không muốn vào, vì sao"?, TS Phạm Sỹ Liêm kết thúc phần trả lời bằng câu hỏi cho HĐND thành phố Hà Nội.

Hà Nội đang vì lợi ích của ai?  

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Xây Dựng, Hà Nội cũng lên tiếng phản đối xây dựng trung tâm thương mại trong Công viên Thống Nhất.

"Ngoài nguy cơ gây ồn, làm mất đi diện tích tĩnh, trung tâm thương mại chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quy hoạch, không gian, cảnh quan, môi trường tại khu vực này", vị chuyên gia cũng lo ngại, nếu dự án được xây nổi sẽ có nguy cơ thu hẹp diện tích khuôn viên, khu vui chơi của người dân. Điều đó theo ông là không thể chấp nhận được, không khác nào Hà Nội đang lấy đi quyền lợi của người dân và giao cho doanh nghiệp.

Nhắc lại, bài học từ Công viên Tuổi Trẻ, theo ông, nơi đây đang bị xẻ thịt cho doanh nghiệp kinh doanh. Kịch bản này hoàn toàn có thể lặp lại bởi hiện một phần diện tích đất Công viên Thống Nhất cũng đang bị doanh nghiệp chiếm dụng, kinh doanh, bán hàng vừa phản cảm, vừa làm mất mỹ quan.

Ông cho rằng, Hà Nội muốn quyết định thế nào cũng phải dựa trên ý kiến của nhiều người, phải dựa vào ý muốn của người dân, không thể vì lợi ích nhóm, vì phục vụ một nhóm người giàu.

Nguyên Hiệu trưởng Trưởng Đại học Xây dựng thẳng thắn đặt câu hỏi: "Xây trung tâm thương mại trong công viên, phải chăng Hà Nội đang giúp chủ đầu tư né tiền giải phóng mặt bằng? Có hay không vấn đề lợi ích nhóm mà bỏ quên lợi ích của người dân?."

Rồi ông xót xa: "Từ khi còn bé, tôi đã chứng kiến có người còng lưng vác từng thước đất cải tạo công viên, thế mà bây giờ vào dây còn phải mất tiền''.

Theo Datviet