Thứ Bảy

Cầu Hạc Trì và cầu Việt Trì, điểm đen giao thông đường thủy, và mối nguy hại người tham gia giao thông?

Trong khi những lùm xùm trên đường bộ với câu chuyện của những cái ụ chưa được giải quyết hoàn toàn, cầu Hạc Trì, Phú Thọ đang bị nghi có thiết kế không hợp lý dẫn tới các nguy cơ mất an toàn đường thuỷ. Không chỉ tàu bè qua khu vực này dễ gặp nạn vào mùa lũ mà tuổi thọ của cây cầu có thể bị ảnh hưởng khi trụ cầu có va chạm với phương tiện đường thuỷ.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thọ - Cục phó Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam - cho biết nguy cơ mất an toàn đường thuỷ tại khu vực cầu Hạc Trì, Phú Thọ là hiện hữu và tới nay đã có ít nhất 1 vụ tai nạn được ghi nhận khi tàu chở vật liệu đâm vào trụ cầu. Do đó, để giảm nguy cơ tai nạn vào mùa lũ tại khu vực cầu Hạc Trì, từ năm 2015 Cục đường thuỷ nội địa đã phải bố trí một trạm trực hướng dẫn và điều một phương tiện để điều tiết giao thông và dự kiến trong năm 2016 Cục tiếp tục phải triển khai phương án tương tự để đảm bảo ATGT.

Cầu cũ và cầu mới có thiết kế trụ cầu so le gây bẻ gãy dòng chay
Được biết, tổng chi phí để điều tiết giao thông và chống va trôi trong mùa lũ từ phao tiêu, nhân lực tới phương tiện tại khu vực này lên tới 2 tỉ đồng/năm. Đây là khoản phát sinh ra sau khi có cầu Hạc Trì và đang phải trích từ ngân sách dành cho công tác quản lý ATĐT của Cục.

Khi phóng viên đặt nghi vấn về việc phải chăng cầu Hạc Trì đã bố trí trụ cầu không chuẩn nên dẫn tới nguy cơ mất an toàn đường thuỷ, ông Thọ cho biết phải có nghiên cứu khảo sát cụ thể về những biến đổi và ảnh hưởng của luồng chảy mới kết luận được.

Còn về nguyên tắc khi thiết kế một chiếc cầu mới, các nhà đầu tư phải lấy ý kiến và Cục đưa ra khuyến cáo rồi ra văn bản thoả thuận trong đó nêu rõ những tiêu chuẩn thiết kế để đảm bảo ATĐT như quy định về độ tĩnh không (7m), chiều rộng khoang thông thuyền (B>40m) và phải bố trí thuận dòng cho các phương tiện để buộc đơn vị xây dựng cầu phải tuân thủ.

Với dự án này, đơn vị tư vấn đã ký thoả thuận nhưng tới nay việc bố trí thuận dòng cho các phương tiện tại cầu Hạc Trì hiện chưa được đảm bảo.

Thực trạng an toàn giao thông đường thủy khi có cầu mới và những kinh phí đi kèm

Khi được hỏi về nguyên nhân của tình trạng này, Cục phó Cục đường thuỷ nội địa nhận định có thể luồng chạy tàu tại khu vực cầu Việt Trì đã có sự thay đổi nên làm tăng thêm nguy cơ tai nạn.
Một tàu chở cát va chạm với trụ cầu dấn đến lật
Theo Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1, từ đầu năm 2015 đến nay xảy ra hàng chục vụ phương tiện thủy chở hàng va quệt vào trụ cầu Việt Trì (sông Lô, qua TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Nghiêm trọng nhất là tháng 6 và 9/2015 xảy ra hai vụ tàu chở cát trọng tải hơn 500 tấn bị đắm, tuy không gây chết người nhưng cũng khiến các chủ tàu phải bỏ hàng tỷ đồng để thuê trục vớt phương tiện. Trong đó, có một trường hợp tàu chìm nằm vắt ngang trụ cầu Việt Trì và lực lượng trục vớt phải mất 5 ngày đêm mới giải phóng được phương tiện, đảm bảo an toàn cho cầu và lưu thông tuyến.

Ông Trần Xuân Khơi, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 cho biết, hiện tượng phương tiện va quệt và tai nạn chỉ xảy ra từ khi các trụ cầu Bạch Hạc (thông xe từ tháng 5/2015, nằm phía thượng lưu và song song với cầu Việt Trì) được hình thành, dẫn tới việc dòng nước bị xiên, xoáy và vô tình tạo ra đường đi hình chữ Z trong quãng sông chỉ vài trăm mét. Sở dĩ có điều này là do hai trụ của cầu mới xây nằm cách cầu cũ chỉ 270 m, có dạng hình hộp chữ nhật nhưng không vuông góc với mặt cắt dòng sông (đa số trụ cầu có hình elip để hướng nước) và lại đúng giữa khoang thông thuyền của cầu cũ, tạo ra dòng chảy xiên.

Mặt khác, cách thượng lưu cầu mới vài trăm mét có các cảng, bến khiến lòng sông bị thu hẹp, lại thêm điểm giao nhau của sông Phó Đáy - Lô, nên mức độ dồn chảy, xoáy nước tại khu vực hai cầu càng tăng. “Tính chất dòng chảy phức tạp, thuyền trưởng ít đi qua đoạn này sẽ không có kinh nghiệm xử lý, cộng với việc hầu hết các tàu chở quá mớn an toàn, quá tải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn”, ông Khơi cho biết thêm.

Đề cập vấn đề trên, ông Nguyễn Công Minh, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cũng xác nhận, sự phức tạp của khu vực trên là do ảnh hưởng của việc xây dựng cây cầu mới. Trước thực tế trên, Cục Đường thủy nội địa VN đành phải bố trí lực lượng điều tiết chống tàu thuyền va trôi từ tháng 7/2015. Đây cũng là khu vực điều tiết phương tiện, chống va trôi phát sinh trong mùa lũ năm 2015.

Ngoài hai cầu nói trên, cầu Đoan Hùng trên QL2 (bắc qua sông Chảy, địa bàn huyện Đoan Hùng, cách ngã ba sông Chảy - sông Lô khoảng 300 m) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng có nguy cơ cao xảy ra TNGT. Từ tháng 10-12/2014, tại gầm cầu này đã xảy ra hai vụ tàu chìm, trôi mắc vào trụ cầu, trong đó một vụ gây chết người. Nguyên nhân do luồng hẹp, cong lại chịu ảnh hưởng khi thủy điện Thác Bà xả lũ. Trong khi đó, các bến bốc xếp cát nằm khá gần cầu, phương tiện neo đậu lộn xộn hai phía cầu, trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Phú Thọ, địa phương đã xây dựng quy hoạch bến thủy nội địa và trên cơ sở đó sẽ sắp xếp lại các bến trên sông Chảy để giảm nguy cơ tai nạn tại khu vực cầu Đoan Hùng.

ATGT - Giaothongplus