Thứ Bảy

Mẹ ơi, con sẽ thật thà

Mẹ nó hay kể lại với mọi người là từ hồi mới sinh nó đã xinh xẻo lắm. Mắt to, mũi cao, da trắng. Môi nó có hai màu tươi tắn. Nửa trong là màu màu hồng nhạt còn nửa ngoài màu hồng cánh sen. Nó mau ăn, chóng lớn, ăn nhiều lắm mà không chịu nói gì. Lúc nó hai tuổi vẫn chưa biết gọi mẹ. Được cái là chỉ vài tháng sau đó thì nó nói nhiều lắm và người lớn hay bảo nó là cái gì cũng biết. Nhưng hình như cũng từ lúc còn nhỏ nó đã mắc bệnh “ngôi sao”, lắm tài, nhiều tật như người ta thường nói.

Hồi nó hai tuổi mẹ vừa đẻ em bé. Mẹ vừa chăm em vừa nhìn nó chơi với bà và bố. Mọi người thấy thằng bé (là nó ấy) đáng yêu quá, chẳng ghen tị gì với em suốt ngày được nằm trên tay mẹ, cứ vui vẻ nhảy chân sáo từ cái tủ nhựa đựng đồ ra ngoài cửa rồi lại nhảy ngược lại. Mẹ nó cũng thương nó lắm. Một hôm không biết nghĩ thế nào mẹ lại ra mở cái tủ. Chao ôi, toàn những hộp bánh bóc dở. Hóa ra là cu cậu ăn vụng. Mọi người thấy thế không nhịn được cười nhưng lại vội nghiêm nét mặt ngay. Sao mới tí tuổi đầu mà cu cậu láu cá thế cơ chứ. Bị phát hiện cu cậu cũng thấy sợ, mặt cứ nghệt ra. Nhưng cu cậu tự bào chữa (nó chỉ tự suy nghĩ như vậy thôi chứ không nói ra. Nó vẫn chưa biết nói mà) là vì thèm quá nên nó mới phải ăn vụng. Nó sợ là nếu xin thì bà và bố mẹ sẽ không cho cậu ăn. Nó đang phải ăn theo chế độ để tránh béo phì mà.

Mẹ ơi, con sẽ thật thà
Gần ba tuổi nó đã biết xem báo (xem thôi chứ không phải là đọc đâu nhé). Nhờ tài năng này của nó mà mẹ đã thoát khỏi được một vụ xì căng đan. Mẹ nó kể là hôm đó mẹ đang xem báo để tìm mục tuyển người (mẹ đang muốn chuyển việc) thì ông sếp của mẹ nhìn thấy. Sếp mà biết nhân viên đang đi tìm việc mới thì rách việc lắm. Mẹ nó nhanh trí mang tờ báo vào khoe với chúng bạn: “các ấy xem thằng cu nhà tớ nhanh không này. Đây là cái lôgô bé tí của Vietnam Airlines thế mà hôm nọ nhìn thấy trong báo cu cậu hét lên ầm ĩ là “mẹ ơi, Việt nam e lai này”". Ông sếp nhìn mẹ cười, ý muốn nói là “hãnh diện về con ghê nhỉ, chả biết sau này nó có nên cơm, nên cháo gì không…”. Còn mẹ thì bị một pha hú hồn.

Hơn ba tuổi nó đã biết tên hầu hết các hãng xe ô tô đi trên đường. Cứ một chiếc xe chạy qua bố nó lại hỏi “này con, xe gì đây?” “Xe Tô ô ta ạ,… xe Pho ạ…” “Đúng là con bố” – bố nó tự hào nâng nó lên cao, xoay tít mấy vòng.Chưa đến năm tuổi nó đã biết viết (rất xấu thôi) và rất thích các con số. Mẹ nó hỏi:

- 1 cộng 1 bằng mấy?

- Bằng 2 ạ.

- 2 cộng 2 bằng mấy?

- Bằng 4 ạ?

- 4 cộng 4 bằng mấy?

- Bằng 8 ạ?

- 8 cộng 8 bằng mấy?

- Bằng 16 ạ?

- 16 cộng 16 bằng mấy?

- Bằng 32 ạ. Con mệt lắm, không tính nữa đâu – lần này nó không trả lời được ngay mà phải sau hàng phút.

- Thế con tính thế nào? – mẹ nó hỏi.

- Con lấy 16 cộng 1 là 17, 17 cộng 1 là 18, …, 31 cộng 1 là 32.

Cả nhà phì cười vì cách tính ngộ nghĩnh của nó. Bố lại bế nó xoay tít – “thế mới là con của bố, nhỉ.”

Nó cứ hồn nhiên như vậy rồi ngày đầu tiên đi học, vào lớp một đã đến lúc nào chẳng hay. Cái má phúng phính, cặp chân tròn trịa mà vẫn còn ngắn ngủn lắm, nhất là khi đeo cái cặp sách to đùng. Nhìn dáng nó lũn cũn, ngơ ngác đi vào sân trường đầy cờ hoa rực rỡ bố mẹ chỉ biết ngậm ngùi. Rồi những ngày đầu tiên đó cũng vèo qua, nó bắt nhịp học và chơi nhanh chóng. Mẹ nó giao cho nó một chai nước bảo: “phải uống hết nước nhé. Không đủ nước thì cơ thể sẽ như cái cây thiếu nước, sẽ héo khô, hay ốm yếu lắm”. Hôm nào nó cũng mang chai nước gần đầy về. Mẹ hỏi thì cu cậu bảo là “đấy là con rót thêm từ bình nước của lớp mà chưa uống hết đấy ạ”. Cho đến khi thấy mặt nó vàng vọt, không tiêu hóa được, mẹ truy mãi thì nó mới nhận là mình không uống nước gì cả. Cậu biết nói dối là xấu lắm nhưng nếu uống nước thì sợ mất thời gian chạy chơi với các bạn.

Năm lớp ba bố mẹ phát hiện ra một vụ động trời của nó là xé vở. Có những vài lý do khác nhau, nào là để gấp máy bay, để thay giấy kiểm tra quên không mang đi và lý do quan trọng nhất là để mọi người không biết là mình không chép bài. Nhìn cái mặt nghệt ra của nó bố giận sôi người còn mẹ thì ngao ngán và lo lắng khôn nguôi. Nó cũng thấy có lỗi với bố mẹ lắm nhưng chỉ tại vì cậu ngại chép bài quá thôi.

Những chuyện như vậy còn xảy ra nhiều lần nữa. Nó nhớ có lần mẹ rất buồn nhưng không đánh mắng mà lại đưa nó đi ăn ở chỗ mà nó rất thích. Mẹ bảo mẹ không đánh vì mẹ rất thương nó và tin tưởng rằng nó sẽ sửa chữa được thiếu sót. Trong các khuyết điểm thì mẹ ghét nhất là sự không thật thà. Nếu có lỗi thì phải dũng cảm nhận lỗi thì mới tiến bộ được. Lúc đó nó thấy thương và yêu mẹ quá. Không hiểu tại sao khi sắp làm một việc sai nó vẫn không cưỡng lại được. Thí dụ như việc ăn vụng đồ trong tủ lạnh chẳng hạn. Mẹ hỏi: “thế sao con không ăn đàng hoàng mà lại cứ phải dấu diếm như vậy”? “Vì con sợ bố mẹ không cho ạ”? “Bố mẹ chỉ không cho nếu con ăn quá nhiều”. Nó lại thầm nghĩ “mình không muốn làm cho mẹ buồn đâu nhưng mình cứ thích thật thoải mái, không bị kiềm chế gì cả”. Rồi việc chơi trò chơi điện tử trộm trên máy vi tính của bố nữa. Bố nó hỏi tại sao, nó bảo “vì nếu nói thì con sợ bố không cho ạ. Con muốn chơi nhiều hơn thời gian cho phép…”.

Nếu kể về khuyết điểm của nó thì còn nhiều lắm. May mà nó học giỏi nên cũng làm cho bố mẹ, ông bà tự hào. Nhưng mà hình như cái sự tự hào ấy ít hơn là những lần nó làm phiền lòng người lớn. Bà nó còn nhớ có lần mẹ mua cho hai bố con một hôp kem. Bố cho phép cậu ăn trước rồi để phần bố trong tủ lạnh. Bỗng bố nó kêu lên “sao kem mẹ mua toàn nước thế này”. Giọng thảng thốt của bố làm nó bật cười và khai ngay không cần chờ người lớn điều tra: “con cho nước vào đấy ạ. Vì con trót ăn gần hết rồi và sợ bố mắng ạ”. Cả nhà không nhịn được, cười như nắc nẻ. Riêng mẹ nó chẳng cười được dù chỉ chút xíu. Mẹ nó buồn và lo lắng lắm.

Nó nghe mọi người hay nói với mẹ nó là “cháu nó sáng dạ thế còn gì”. Còn mẹ nó vừa phấn khởi vừa băn khoăn: “cậu này rách việc lắm ạ. Cả nhà em cứ phải theo sát nó thường xuyên. Cũng mệt mỏi lắm”. Nhờ sự theo sát nó mà nó cũng tiến bộ được đôi chút. Nó thì chỉ mong chóng trưởng thành , đi làm như bố mẹ để được làm những cái mà nó thích, để tìm được một công việc hay ho như bố, mẹ, được đi đó đây và làm máy tính suốt ngày.

Nó đã lớn dần. Mọi việc tưởng sẽ suôn sẻ thì một hôm bố gọi điện về nhà: “vào bệnh viện ngay. Mẹ bị tai nạn.” Hành lang bệnh viện trắng toát, mấy cô y tá đẩy xe qua lại không nhìn vào mặt ai cả. Bố nó lo lắng và bồn chồn ra mặt. Mẹ nó đi bộ, bị xe máy đâm vào nằm gục ven đường. Vẫn còn sớm quá nên chẳng ai biết cả. Khi được đưa vào bệnh viện thì mẹ đã mất quá nhiều máu, mê man, bất tỉnh.

Thằng đâm xe vào mẹ nó, một thằng oắt con cũng trạc tuổi nó đang đi vào. Ông bố của thằng mất dạy xin phép cho vào xin lỗi. Nó đang sôi lên sung sục, đầu óc váng vất. Nó nghiến răng, tưởng tượng cảnh nó sẽ lao tới và đấm vào mặt thằng tội phạm. Không, có lẽ nó sẽ chạy lấy đà và nhảy lên xông phi thẳng vào mặt, như cảnh nó thấy như trong những bộ phim đánh đấm. Rồi, nói dại, nếu mẹ nó không qua khỏi thì nó sẽ lóc da, lóc thịt thằng khốn nạn đó ra. Bố nó và bố thằng kia phải gồng mình, hết sức giữ chặt lấy nó. Thằng bé kia mặt trắng bệch, xiêu vẹo dựa vào tường. Thấy nó bị kích động như vậy bố nó cố gắng giữ bình tĩnh. Bố nó hỏi thẳng kia: “sao lúc đâm cô ngã xong cháu không gọi người đưa ngay cô vào bệnh viện”. Thằng kia mặt cúi gằm, mồm lý nhí: “tại cháu sợ bị phát hiện là đã gây tai nạn ạ”. Tự nhiên tai nó ù đi, tay chân mềm nhũn, không còn ý chí định đánh lại kẻ thù nữa. Nó nhìn thấy hình ảnh của nó trong thằng bé kia. Nó sợ. Không biết có phải tại nó hay không thật thà nên bây giờ nó bị trừng phạt? Nếu nó là thằng đó liệu nó có gọi người giúp đưa người bị nạn đi bệnh viện không?

“Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con” – nó thì thầm. Bỗng có tiếng lao xao nơi cửa phòng mổ, nó vội lao đến đó.

Nguồn: Góc cuộc sống