Thứ Sáu

'Thấu cảm' là gì? Đặng Hoàng Giang sai rồi

Đề thi Ngữ văn TNPT sáng nay lấy một bài viết của nhà tâm lí – đạo đức Đặng Hoàng Giang cho phần Đọc hiểu văn bản với đề tài gọi là “thấu cảm”:

“Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm.”

Thấu cảm là cách nói khác của trực giác, chỉ sự tương giao cảm xúc giữa ta và đối tượng (người hoặc thậm chí vạn vật). Trực giác gắn liền với một sự kiện, hoàn cảnh riêng lẻ, tức thời, không thuộc phạm trù “hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn” hay “hiểu được suy nghĩ” của người khác. “Hiểu biết thấu đáo” thì phải gọi là “thấu hiểu” chứ sao lại là “thấu cảm”. Có bị ngộ chữ, cuồng chữ không? So sánh “giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương” là định xếp “thấu cảm” vào loại bệnh “cảm lạnh” à? Cảm khác biệt với hiểu. Cảm diễn ra khoảnh khắc. Hiểu là cả một quá trình. Hiểu có thể lạnh lùng vô cảm. Làm gì có chuyện “khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm”, vì trực giác thuộc bản năng vô tư, phi lí tính. Nói “đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác” là bốc phét, đồng bóng của mấy gã “ngoại cảm” chứ không phải trực giác dưới góc nhìn khoa học! Trẻ em, người nguyên sơ, người khuyết tật luôn có khả năng trực giác cao hơn người lớn và người hiểu biết lí tính chứ “khả năng phát triển” cái gì?

Thấu cảm” là gì? Đặng Hoàng Giang sai rồi
Nghe nhà trực giác luận H. Bergson định nghĩa nè:

“Trực giác là bản năng vô tư, tinh thần tự nó có khả năng thâm nhập vào đối tượng của nó và mở ra vô tận”. “Giữa chúng ta và bản thân ý thức chúng ta có một bức màn xen vào, bức màn dày đặc đối với đại đa số con người, nhưng nó sẽ là bức màn mỏng, gần như trong suốt đối với nghệ sỹ”. (H.Bergson, Sức mạnh tinh thần, tr.192,193).

Theo Chu Quang Tiềm, Trực giác thuộc về Ngã, còn hình tướng thuộc về Vật. Khả năng trực giác đi đến “Vật Ngã đồng nhất” – Ta và Vật là một. (Chu Quang Tiềm, Tâm lý văn nghệ, tr.30)

Các ví dụ Đặng Hoàng Giang đưa ra minh họa không mang nghĩa nào là “hiểu thấu đáo” cả, nó chỉ có phần đúng với nghĩa đơn giản và hời hợt nhất của trực giác hay thấu cảm. Nhưng cách giải nghĩa, định nghĩa của anh ta thật ngô nghê, buồn cười, lẫn lộn giữa trực giác và tư duy lí tính.

Trong từ điển Hán Việt có từ "Thấu Cảm" không?

Các từ điển tiếng Việt và cả từ điển Hán – Việt đều không có từ này. Riêng hai từ tố Hán: Thấu và Cảm mà bà ta khoe để tỏ ra Hán rộng cũng không có nghĩa như bà ta tưởng tượng. Đây, thấu là xuyên qua, thông suốt; cảm  感 là cảm thấy, cảm động, tình cảm. Giải thích “thấu cảm”: “gồm thấu và cảm, nghĩa là thấu hiểu và cảm nhận” thì chỉ có thể là cách giải thích nôm na của người dân quê hay nói chữ. “Thấu” không có nghĩa ôm trùm cả “thấu hiểu”. Vì “thấu hiểu” là một từ ghép giữa thấu và hiểu, nên tôi đành chấp nhận Đặng Hoàng Giang chế biến thêm từ ghép mới là “thấu cảm” và không thèm bàn. Cứ xem thấu cảm đồng nghĩa với trực giác cũng được. Và khi đã ghép “thấu” và “cảm” thành “thấu cảm” thì rõ ràng “thấu cảm” khác biệt với “thấu hiểu” như tôi đã chỉ ra ở bài trước.

Từ gốc tiếng Anh empathy ư? Không có trang từ điển nào dịch từ này là “thấu cảm”, trừ ông Lạc Việt tự chế trên vi tính. Empathy: n

1. Khả năng hình dung được và chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm từng trải v.v. của người khác; đồng cảm.
2. Khả năng đồng cảm với, thí dụ, một tác phẩm nghệ thuật mà mình đang nhìn vào và do vậy hiểu được ý nghĩa của nó; sự cảm thông. (Từ điển Anh – Việt, Viện Ngôn ngữ học, tr.525). Nói gọn, Empathy là đồng cảm, thông cảm. Dịch “thấu cảm” là múa chữ, ghép từ tùy tiện khi tiếng Việt có thừa từ tương đương!

Ghép từ như Đặng Hoàng Giang và theo cách hiểu của Nguyễn Thúy Hồng khác nào trẻ teen chế từ theo cách: Âm đạo = Âm nhạc + Đạo cụ…

Mà bà Hồng hay cả vạn đồng nghiệp của bà có bào chữa kiểu gì thì cũng không thể ăn khớp với định nghĩa của Đặng Hoàng Giang. “Thấu cảm” của Đặng Hoàng Giang có đến năm nghĩa tréo ngoe, chập cheng trong một đoạn văn ngắn.

Một, “Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ”, tức đồng cảm.
Hai, “Giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương,…” tức cảm lạnh (tôi phải tách ra vì nó không ăn nhập với nội dung thứ ba).
Ba, “thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, tức thấu hiểu.
Bốn, “cảm được những cảm xúc của họ, tức thấu hiểu, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét”, tức trộn lẫn giữa cảm và hiểu.
Năm, “Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm”, tức ngoại cảm đồng bóng, kể cả “mẫn cảm” – thuật ngữ y học chỉ sự dị ứng thuốc???

Bây giờ chúng ta đi sâu vào các ví dụ của Đặng Hoàng Giang mà phần trên tôi đã cho qua. Cả ba ví dụ đều chẳng ăn nhập gì với năm nghĩa cù nhầy mà ông Giang giảng giải.

Một, “Đứa bé ba tuổi sẵn sàng chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh để dỗ em bé đang khóc” là một ví dụ hời hợt, bởi đó chỉ đơn thuần là chuyện chia sẻ đồ chơi bình thường của con trẻ.

Hai, “Cô gái nhăn mặt cảm nhận được cái đắng ngắt của vị thuốc mà bạn mình đang phải uống” là một ví dụ lãng nhách về cái gọi là thấu cảm, bởi cái sự nhăn mặt kia không cảm nhận được điều gì ở người khác ngoài việc cô ta sợ uống thuốc.
Ba, “một cậu bé Bồ Đào Nha tiến đến an ủi một fan (bà Hồng lập lờ sửa lại là “cổ động viên”) người Pháp cao to gấp rưỡi mình, đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trận chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở” là một ví dụ thật sự nhảm nhí, giả tạo, bởi đó chỉ là sự an ủi cho một fan cuồng bóng đá hơn là sự đồng cảm, chia sẻ.

Tóm lại là cả ba ví dụ Đặng Hoàng Giang đưa ra đều nhạt thếch, có tính chất nhảm nhí chứ không hề đậm tính nhân văn mà bà Hồng ngợi ca. May mà Đặng Hoàng Giang hay Nguyễn Thúy Hồng không đưa thêm dẫn chứng về các fan Việt khóc lóc thê thảm rồi hôn ghế, liếm ghế sao Hồng, sao Hàn chứ không thì tai hại.

Tôi là nhà khoa học, từ ngữ phải thể hiện đúng nghĩa của nó chứ không thể bẻ cong chữ nghĩa theo cách của nhà báo. Cứt thì thối chứ không thể nói “không được thơm lắm” để gọi là có tính xây dựng. Dốt là dốt, đạo đức giả là đạo đức giả chứ không có từ thay thế.

Nguồn: CML