Thứ Sáu

Góc nhìn mới: Công bằng cho vua Gia Long

Chúa Nguyễn Ánh – Gia Long trong một lần trốn chạy quân Tây Sơn đã đến Phú Quốc. Đặt chân tới nơi này thì nước ngọt đã hết, lương thực cũng cạn kiệt. Trong khi rối bời, Nguyễn Ánh đã cắm mũi kiếm xuống đá, ngửa mặt lên trời thốt lên rằng:

"Nếu trời cho làm vua thì hãy ban cho nước ngọt và lương thực."


Dứt lời, chỗ mũi kiếm cắm xuống đá nứt toạc, nước ngọt từ dưới lòng đất tuôn ra. Cá ở đâu từ biển nổi lên trên mặt nước vô vàn. Loại cá này sau đấy được gọi là cá cơm để làm nước mắm Phú Quốc. Còn dòng nước trong khe đá nứt đó nay vẫn còn tuôn chảy cung cấp nước ngọt, được người dân nơi đây làm gọi là Giếng Tiên hay Giếng Gia Long. Đây có thể là chuyện hoang đường, nhưng hãy xét toàn bộ quá trình tay trắng phục hưng gia tộc của ông ấy.

Góc nhìn mới: Công bằng cho vua Gia Long
Muốn biết Nguyễn Ánh ăn ở có tốt không thì cứ nhìn cái cách mọi người đối xử với ông ta sẽ rõ. Bao nhiêu anh hùng sẵn sàng chịu chết thay, thanh niên nam bộ thì đầu quân để ông đánh Tây Sơn, dân chúng thì tìm cách che giấu và cho tiền. Thật sự lúc đó Tây Sơn rất mạnh và Nguyễn Ánh thua liên tục, đến nỗi nhiều lúc quân sĩ không có lương phải hái cỏ và đào củ để ăn, nhưng tại sao người ta phải làm vậy? Ở miền nam vẫn còn các miếu Gia Long, núi Cấm, núi Ngự để chỉ nơi vua ở...

15 tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, phải gánh trách nhiệm cả gia tộc trên vai thì thứ duy nhất mà Nguyễn Ánh có lúc đó chỉ là sự kiên nhẫn và nhờ vả (Nguyễn Huệ hơn Ánh 9 tuổi). Nhiều lúc Nguyễn Ánh sống rất khổ sở, nhưng cũng bình dân quây quần cùng binh lính ăn rau dại, cá khô. Ông biết đồng cam cộng khổ với ba quân. Gia tộc tan nát nhưng Nguyễn Ánh luôn có người giúp đỡ là đủ biết uy tín của ông ta cao đến đâu.Về sau khi làm vua rồi Gia Long vẫn khoan thứ cho nhiều danh sĩ bên nhà Tây Sơn, đối xử rất tốt với con cháu cựu thù là chúa Trịnh, đền ơn đáp nghĩa những ai đã giúp đỡ mình ngày còn bôn tẩu giang hồ, tạo điều kiện cho người dân đảo Phú Quốc làm ăn, còn tự mình ra khơi đánh cướp biển giùm. Thậm chí lúc gặp tai nạn lao động tại công trường xây lăng, u đầu dập chân, Gia Long cũng không trừng phạt các quan thi công, ngược lại còn cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, tặng 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn, gần nơi xây dựng lăng. Có thể ông ta không phải là một nhà vua vĩ đại, nhưng ông ta biết cách và hiểu đạo làm vua.

Nguyễn Ánh không hề hèn, thấy quân Tây Sơn là đánh ngay, thân chinh ra trận chỉ huy luôn, nhưng thua thì phải bỏ chạy và tìm cơ hội khác quật lại. Đến cả Tào Tháo thua ở Xích Bích cũng quắn đít lên mà trốn, Lưu Bị bại ở Đương Dương cũng bỏ lại hết vợ con, Tôn Quyền tan nát tại Hợp Phì thì một người một ngựa cắm đầu đào tẩu. Ba ông vua của Tam Quốc còn như thế, sao ta lại trách Ánh được? Thắng thua là lẽ thường của nhà binh.

Trong sách giáo khoa chỉ nhắc đến lần Gia Long mời Xiêm về đánh Tây Sơn, nhưng lại lược bỏ tất cả nguyên nhân và suy nghĩ ông ta. Thành ra hình ảnh Gia Long được giảng dạy không khác một kẻ bán nước, khiến bọn trẻ có thành kiến với vị hoàng đế này ngay từ bé. Trong khi thật ra nó như thế này:

"Thực tâm, Nguyễn Ánh trên bước đường cùng, chưa dám quyết định cầu viện vua Xiêm vì chưa tin lắm ông bạn láng giềng nhiều tham vọng. Nhưng tướng Châu Văn Tiếp lại thua trận Cá Trê, Ánh đánh liều chạy sang Bangkok kêu cứu. Vua Xiêm sai hai người cháu Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem quân giúp Gia Định trả thù Tây Sơn vốn đã gây cho Xiêm mối bất bình từ trước.

Nhưng việc xảy ra đến cả vua Xiêm cũng không thể ngờ là các tướng Xiêm lộng hành thả cho quân sĩ cướp bóc, hãm hiếp, tàn hại dân lành, tranh nhau cả tiền bạc Tây Sơn ném ra làm mồi nhử, khiến Nguyễn Ánh rất thất vọng, ông giao hết việc lại cho thuộc tướng rồi bỏ đi ra các đảo."

Ông cay đắng: "Ta đưa quân Xiêm vào thế này, giờ nó cướp bóc giết hại nhân dân, nhân dân oán thán như vậy, ta được nước còn có nghĩa gì?"

Cầu viện Xiêm bản thân mình cũng công nhận chắc chắn là sai lầm và là cái dớp lớn nhất trong đời Nguyễn Ánh. Nhưng ta phải hiểu thế này: Ánh có ơn với Rama vì giúp ông ta lên ngôi vua Xiêm, hai bên vốn có tình đồng minh từ trước, nay Ánh thất thế thì vua Xiêm phải hỗ trợ lại. Sau đó, cả Rama lẫn Nguyễn Ánh đều sốc vì hai thằng cháu vua Xiêm lại dám thả tự do để quân lính tàn hại dân nam bộ như vậy. Nguyễn Ánh rất căm phẫn nên đến tận lúc chết cũng quyết không nhờ Xiêm giúp nữa.

Trước khi phán xét một kết quả, hãy tìm hiểu gốc rễ nguyên nhân của nó. Lịch sử mà làm như 1+1 = 2, chính xác đến từng đáp số, thiển cận. Như ông Nobel chế ra thuốc nổ dynamite để phá núi đào đường, rồi người ta áp dụng trong chiến tranh. Dynamite đã giết rất nhiều người nhưng có phải thực tâm Nobel muốn vậy không? Ông sau đó rất hối hận và tìm cách sửa chữa bằng cách cống hiến tài sản mình để tạo ra giải Nobel. Cũng như Gia Long mời quân Xiêm vào Việt Nam để đuổi Tây Sơn vì dân miền nam rất ghét Tây Sơn, nhưng cuối cùng hai thằng mất dạy kia nó giở quẻ thả quân ra phá phách thì nằm ngoài tiên liệu của cả vua Rama và Gia Long. Về sau Gia Long cũng sửa chữa lỗi lầm của mình.

"Cõng rắn cắn gà nhà"?. "Gà nhà" Tây Sơn đó có đồng minh Chân Lạp, có hải tặc Tàu Ô, và sẵn sàng truy cùng giết tận Ánh, không để Ánh yên ngày nào. Ánh không có gì trong tay thì phải làm sao? Tự tử hay đi tu?

Chưa kể sgk còn cắt hết 25 năm gian khổ, cắt luôn diễn biến rằng tại sao 1 đứa trẻ 15 tuổi lại có thể kiên trì như thế và lại xây được 1 đội quân đông đảo như thế nếu ai cũng ủng hộ Tây Sơn, Tây Sơn là thần thánh?

Việc thống nhất đất nuớc thì thời Tây Sơn chưa hề thống nhất, bởi chính nội bộ Tây Sơn đã không thống nhất, mỗi anh em làm trùm một nơi. Nguyễn Lữ là Đông Định Vương làm vua miền nam (chỉ đuợc thời gian ngắn vì bị Nguyễn Ánh lấy lại). Nguyễn Nhạc là Tây Sơn Vương làm vua miền trung. Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương làm vua miền bắc. Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đánh nhau tưng bừng hoa lá. Như vậy chính Tây Sơn mới tạo mầm loạn lạc khi anh em mà tranh quyền với nhau. Còn Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi thì giang sơn về một mối, không còn nơi nào cát cứ. Nói như vậy không phải chê Quang Trung, ông vẫn là một anh hùng vĩ đại bách chiến bách thắng, nhưng cũng phải công bằng với Gia Long. Quang Trung văn võ song toàn, cuộc đời hiển hách, lại mất sớm khiến hậu thế tiếc nuối. Đứng cạnh một nhân vật hào quang rực rỡ như vậy hẳn nhiên Gia Long phải chịu nhiều thiệt thòi. Đánh giá về ông cũng phong phú, đa chiều và tràn đầy mâu thuẫn.

Nhờ Gia Long mà ta có Hoàng Sa, Trường Sa, các hải đảo, cũng như giữ chắc được vùng Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng khỏi yêu sách của Xiêm La. Nước Việt Nam liền mạch một dải từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. Cuối cùng, Nguyễn Ánh là ông vua trọng thương nghiệp, vẫn giao thương với ngoại quốc. Tiếc là các vua sau không kế thừa được điều này mà lại bế quan tỏa cảng như Triều Tiên bây giờ. Giả sử nếu vẫn tiếp tục thông thương với bên ngoài (cả Mĩ, Pháp, Anh lúc đó đều muốn thông thương với Đại Việt) có lẽ vận nước đã khác nhiều.

Cái gì xấu của Tây Sơn thì giấu đi hết (thảm sát nam bộ, huynh đệ tương tàn, chia cắt đất nước...), cái gì tốt thì thổi phồng, còn cái gì xấu của Gia Long thì nói quá lên, cái gì tốt thì ẩn sạch sẽ (chiêu hiền đãi sĩ, thống nhất giang sơn). Đó là điều đáng suy nghĩ.

Tư liệu tham khảo cho những bạn nào cần:
-Lịch sử khẩn hoang miền nam (Sơn Nam).
-Lịch sử nội chiến Việt Nam 1771-1802 (Tạ Chí Đại Trường).
-Xem xét lại thời Tây Sơn - Rethinking the Tay Son era (George Dutton).