Thứ Sáu

Không thể dạy được con nếu không dạy được chính mình

Một ngày nọ khi đi đón con trai, lúc đó cậu chàng mới học lớp Một, cậu ta tò mò nhìn người bán xổ số ở đầu ngõ và hỏi, mình trả lời và câu chuyện đầu tiên Niềm hy vọng ra đời. Câu chuyện được post lên diễn đàn Webtretho với tên topic là Chuyện con chuyện cha đơn thuần chỉ là ghi chép lại những gì đã nói chuyện với con và thêm một số ngẫm nghĩ của mình về cuộc sống.

Quay lại với quá khứ một chút – mình có một tuổi trẻ rất vất vả. Mẹ mình mất sớm, bố yếu mất sức lao động, lại không có nhà ở nên phải ở nhờ nhà ông bà nội, mình thì ở nhà của ông bà ngoại cho mẹ mình. Lúc mẹ mất, em trai mình mới tám tuổi. “Chưa có vợ đã có con…” câu chuyện đúng là như vậy, mình quá trẻ để đóng vai trò dạy dỗ một người mà mình không đẻ ra. Các cụ nói “quyền huynh thế phụ” nhưng với một thanh niên hai mấy tuổi, nhiều cái nó khó lắm. Tất cả khó khăn dồn lên vai, cơm áo gạo tiền… Mấy năm cuối của bệnh ung thư, mẹ mình thương thằng em còn quá nhỏ, dồn hết yêu thương cho nó và cũng được chiều quá, cậu ta đâm ra sinh khó bảo. Đến “thời ông anh,” ông ấy dữ đòn, đánh em như cơm bữa… cứ thế, ngày càng nghiêm trọng. Đến khi cậu ta học lớp 8, lớp 9, những vụ việc càng nghiêm trọng hơn, vướng cả với pháp luật. Không biết bao quán nét, bao chỗ chơi bời của thanh niên mình thuộc nằm lòng. Nhiều khi sự nhọc nhằn đã làm cho những giọt nước mắt chảy ra mà không kìm được. Cũng là một người có trách nhiệm, nhiều đêm khi đã nằm xuống rồi, muốn ngủ vì một ngày vất vả, lại vùng dậy đi tìm em về. Có những lúc tưởng như đã vĩnh viễn mất nó, không phải mất vì cái chết, mà mất vì em sẽ hư hỏng hẳn. Chỉ đến khi cậu ta 18 tuổi, mình cũng học Phật được một thời gian và ý thức được bản thân mình phải thay đổi, tất cả những phương pháp cũ không còn áp dụng được nữa. Nhà mình phúc còn to bằng cái đình – em trai quay lại học rồi thi đỗ đại học và nay đã thay đổi rất nhiều, có thể nói là 180 độ. Cậu ta cũng theo Phật, ăn chay, tu thiền…

Không thể dạy được con nếu không dạy được chính mình
Điều quan trọng là mình luôn luôn muốn bù đắp cho em những thiệt thòi trong quá khứ, vì với mình cậu ta đã là một phần của cuộc sống, không thể thiếu. Quan trọng hơn, là các con của mình được hưởng cái phúc của chú chúng nó, chính từ câu chuyện của cậu em trai, mình biết sẽ không nên có thêm một kiểu sống như vậy nữa. Những câu chuyện mình viết lại, chính là những suy nghĩ thật nhất và cũng là những chuyện mình tự dạy mình.

Người theo học Phật thường phải phát nguyện một điều gì đó, như phát nguyện ăn chay trường… mình thì không, vì còn một bữa ăn mặn với vợ và con vào buổi tối. Đã phát nguyện là phải thực hiện được, không thì cũng tai hại lắm. Theo Phật cả chục năm, thế mà chưa bao giờ phát nguyện làm gì cả, cũng lạ. Suốt mấy năm ghi chép những chuyện trò với con, mình vẫn nóng nảy, vẫn quát tháo con, dù không nhiều nhưng vẫn còn.

Mới cách đây 2, 3 tháng gì đó thôi, một câu chuyện làm mình khó ngủ, mình đã viết lại trong truyện Con gái lấy nước mắt làm đầu. Chợt nhận thấy nếu cứ tiếp tục mắng con như hiện nay, bây giờ thì chúng nó sợ đấy, nhưng đến lúc nào đó chúng nó sẽ không còn sợ nữa mà chỉ là sự chống đối. Cái mốc mười mấy tuổi của con trai lớn, chỉ còn 2, 3 năm nữa thôi – mình đã trải nghiệm quá rõ ràng rồi, và không bài học nào đắt giá hơn. Cần phải tiếp tục thay đổi chính bản thân mình để chuẩn bị cho cái mốc quan trọng đó. Mình muốn làm bạn thân của con, để nó có thể chia sẻ tất cả những vấn đề của nó. Nhớ hồi mới post bài lên Webtretho, có bạn chia sẻ: “Con nhà em nó chẳng hỏi gì bao giờ cả…” thực ra những bạn nhỏ như thế ít lắm. Hỏi hay không chính là do chúng ta – nếu như chúng ta thường xuyên trả lời “Không biết, hỏi gì lắm thế!” thì chúng nó sẽ không hỏi nữa.

Có thể nói đó là một sự thay đổi mang tính cách mạng – mình phát nguyện sẽ không bao giờ mắng con nữa, mà chỉ nhắc nhở, vẫn nghiêm khắc, nhưng không mắng. Sẽ khó khăn hơn, phải chú ý đến con nhiều hơn, thường xuyên hơn. Từ đó đến nay đã hơn hai tháng rồi, không mắng con một câu nào. Mình sẽ làm được.

Mình chưa bao giờ (và chắc không bao giờ) nghĩ rằng có ngày, mình có một cuốn sách được in, và càng không dám nghĩ rằng nó sẽ có ích cho ai đó.

Mình sẽ không nói về tai họa nếu như trong nhà có một đứa con hư hỏng thôi, sự đau khổ của cha mẹ sẽ lớn nhường nào. Mình nghĩ nhiều về cuộc sống, về những nhọc nhằn của cơm áo, gạo tiền… những trải nghiệm cuộc sống, thậm chí cả cái bờ vực tai họa mình đã từng gần kề chỉ vì quá ham kiếm tiền. Thế đấy các bạn, mình đã có thâm niên đi họp phụ huynh hai chục năm nay và xin đừng nghi ngờ rằng tại sao mình chưa già, mà lại nhiều chuyện để viết lại đến vậy… Cuốn sách này, mặc dù là tình cảm dành cho gia đình riêng, nhưng cũng là những chia sẻ rất chân thực và thành tâm của mình với ông bố, bà mẹ trẻ. Con chúng ta có thể không phải là thiên tài nhưng chúng hoàn toàn có thể là những người tốt, biết sống có ích cho xã hội. Khi con còn trong vòng tay chúng ta, chúng ta còn nguyên cơ hội để làm được điều đó.

Và nhờ học Phật mình còn hiểu sẽ không thể dạy được con nếu không dạy được chính mình.

Nguồn: Linkhay