Thứ Tư

Đừng biện minh nữa những bạn trẻ chạy Grab, hãy nhấc mông lên và đi làm thêm đi nào

Nhiều lúc đi đường thấy xe ôm Grab nhiều đến nỗi chẳng ai tin được đây là con đường giữa thủ đô. Cái không dám tin khiến người đối diện hốt hoảng hơn đó là xe ôm Grab lại toàn là những bạn trẻ tuổi, sinh viên vv...

Càng nhìn thấy những cảnh tượng ấy lại càng thấy buồn và thương các bạn ấy. Những con người của tuổi trẻ, trí tuệ, sức lao động và năng lực có thừa. Vậy mà họ lại đi chạy Grab? Đáng lẽ ra ở cái tuổi của họ, tuổi chẳng có gì để mất ngoài sức trẻ, nhiệt huyết và sự liều lĩnh. Thì họ phải tìm một công việc trải nghiệm nào đó để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân mình, phục vụ cho tương lai và khi ra trường chứ.

Đừng biện minh nữa những bạn trẻ chạy Grab, hãy nhấc mông lên và đi làm thêm đi nào
Nhưng không, họ chọn con đường Xe Ôm, đúng chính là Xe Ôm chứ không nên thêm vào từ công nghệ làm gì cho sang miệng. Bởi bản chất của nó cũng chỉ là một anh chàng sức dài vai rộng đi chạy xe ôm cướp nghề của những lao động già quá tuổi không thể làm việc nặng khác. Nghề mà ở Nhật người ta ưu tiên cho những lao động già (chạy taxi) chứ không phải cái nghề của tuổi trẻ, nghề mà những người trẻ tuổi phải cảm thấy nhục và xấu hổi với chính mình.

Xã hội Việt Nam chậm phát triển người ta đổ lỗi cho chính quyền chứ họ không thừa nhận lỗi lầm phần nhiều ở chính bản thân họ. Một thế hệ trẻ lười biếng đến nỗi sẵn lòng tặc lưỡi cho qua đi chạy xe ôm để không phiền não đầu óc, trí lực, áp lực từ công việc làm thêm khác. Thế nhưng khi xã hội không phát triển nhanh, mạnh được bằng các nước bạn bè thị họ lại nhảy vào chửi mắng đường lối, chính quyền tham nhũng, mục nát, không tạo được cho họ công ăn việc làm vv... một sự trái ngược hoàn toàn với khí thế anh hùng đằng sau bàn phím, smart phone.

Tuổi trẻ ở Việt nam mình giờ lạ thế đấy, họ không còn cảm thấy nhục và hèn yếu nữa. Công việc họ làm đều đã có lý do để biện hộ "nghề nào cũng là nghề, họ không ăn xin hay ăn cướp của ai". Vâng đúng là một câu biện hộ vẹn tròn để bảo hộ cho sự trì trệ của tuổi trẻ, nhiệt huyết của chính mình. Biết làm gì đây? Thế hệ trẻ lười biếng đúng qua rồi chứ còn sai gì nữa.

Nhiều bạn comment hỏi tôi rằng, đi làm bưng bê ở nhà hàng, quán ăn, bán hàng, dạy thêm thì cũng thế mà thôi, có học được gì đâu mà phải cố làm những công việc ấy làm gì, áp lực, tiền ít, gò bó vv...

Nhưng họ đã sai hoàn toàn, một người có chí tiến thủ thì giữa xe ôm và chạy bàn họ sẽ chọn công việc chạy bàn để làm. Bởi ở môi trường nhà hàng quán ăn, họ không chỉ được làm mà họ còn được học các kỹ năng giao tiếp, quản lý, đi đứng, mời chào từ những con người chuyên nghiệp, từ những doanh nghiệp thực thụ. Không chỉ có vậy, cơ hội của một người đã từng chạy bàn sẽ cao hơn rất nhiều những người đi chạy xe ôm lúc nộp hồ sơ xin việc. Bơi chẳng công ty nào thích một anh chàng chạy xe ôm vào làm việc cho mình cả. Họ tự cảm thấy rằng những anh xe ôm ấy luôn thiếu đi tính tập thể, thiếu đi kỹ năng cơ bản của một nhân viên khuân phép, người sẽ giúp công ty của họ phát triển hơn nữa trong tương lai. Không chỉ có vậy, một anh chàng chạy bàn giỏi là người có thể quan sát được mọi vấn đề nơi mình làm việc, giúp định hướng cho bản thân mình một cách làm việc hiệu quả hơn. Ở đó họ sẽ học được kỹ năng quản lý định hướng, tư duy độc lập cho bản thân, sự dám làm dám chịu với công việc mà họ đang thực hiện. Áp lực, môi trường tạo nên những nhân cách, phong thái điềm đạm chuyên nghiệp hơn những anh chàng xe ôm rất nhiều.
Cầu Giấy ngày 12/08/2017 hình ảnh xe ôm Grab tham gia giao thông
Với những kỹ năng nhỏ ấy, tôi tin sau khi ra trường cùng xuất phát điểm như nhau thì: một anh xe ôm với một anh chạy bàn sẽ có sự chuyển biến khác nhau xa lắm. Một người chạy xe ôm sẽ chưa quen với môi trường công ty, họ phải học hỏi kiến thức từ đầu, làm quen với môi trường áp lực, quản lý. Và rồi khi còn bỡ ngỡ chưa kịp tiếp thu thì họ sẵn lòng từ bỏ công việc họ đang có để đi tìm một chân trời mới ở một công ty mới. Kết quả là gì, chính là cái CV xin việc lem bem kinh nghiệm, mỗi nơi năm ba tháng chẳng làm nên trò trống gì. Là một nhà tuyển dung liệu bạn tin có ai chấp nhận bạn vào làm ở công ty họ không? Câu trả lời chắc chắn là không rồi. Khi ấy, bạn lại thất nghiệp và bạn lại đi chạy xe ôm, vì chẳng có nơi nào chứa được bạn nữa. Và rồi thì sự bất mãn với cuộc sống, với chính mình và chế độ sẽ được đẩy lên đỉnh điểm. Điều ấy đã được chứng minh bởi không ít thế hệ 9x vừa qua trên thế giới mạng xã hội bây giờ. Một thế giới mạng hỗn độn lệch lạc về suy nghĩ. Một thế hệ lười biếng chỉ biết đổ lỗi cho người khác và xã hội chứ chưa bao giờ dám thừa nhận nó là lỗi lầm của bản thân mình gây ra từ những năm trước đó.

Ý thức một xã hội cao hay thấp chính là nhìn vào thế hệ trẻ họ đang làm gì, ở đâu, chứ không phải là ở sự bao biện cho bản thân để, hợp thức hoá cái công việc phục vụ cho sự hèn yếu về chí lực của chính mình.
Xe ôm vẫn mãi chỉ là anh xe ôm, chẳng bao giờ có thể trở thành một ông chủ được. Chọn nghề gì làm thêm thì chọn, đừng chọn nghề mà ở đó bạn đang cướp đi công việc của những người già đáng tuổi bố mẹ mình. Những người mà đằng sau họ là cả một gia đình họ phải nuôi dưỡng. Người mà chính họ vẫn đang là trụ cột chính, họ phải lo miếng cơm, manh áo, tiền học cho con mỗi khi đến tháng đấy bạn ạ.

David Nguyen