Thứ Bảy

Bạo phát Bạo tàn, 'lên voi xuống chó' trong chớp mắt khiến con người trở nên phù phiếm, giả tạo

Bạo Phát, Bạo Tàn?

Chúng ta thường nghe trên phim những từ rất là dữ dội như “bạo phát bạo tàn”. Thành ngữ này được giới giang hồ anh chị sử dụng triệt để làm cớ chém giết, ý nghĩa được họ hiểu rằng khi người ta khởi phát một hành vi hung bạo với mình thì mình sẽ đối xử lại bằng một hành vi tàn độc, tiêu diệt đối thủ.

Nhưng theo Cảm xúc thì “Bạo Phát Bạo Tàn” là một triết lý có thật, nó bị người ta lợi dụng để diễn giải sai, bẻ cong ý niệm của thánh hiền nhằm phục vụ mưu đồ của bản thân, chứ nó không chỉ là ý niệm sơ khai mà người đời vẫn hiểu.
Bạo phát Bạo tàn, 'lên voi xuống chó' trong chớp mắt khiến con người trở nên phù phiếm, giả tạo
Mỹ đức của người quân tử vốn là cao thượng vị tha, cớ sao lại tồn tại một câu nói kì cục như thế trong sách xưa? Theo Cảm xúc thì “Bạo Phát Bạo Tàn” mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, nguyên văn của nó là:

“Phù vật tốc thành tắc tật vong, vãn tựu tắc thiện chung. Triêu hoa chi thảo, tịch nhi linh lạc; tùng bách chi mậu, long hàn bất suy. Thị dĩ đại nhã quân tử ố tốc thành.- Quyển ngụy chí hạ” – (Trích từ quần thư trị yếu.)

Phần nhiều sự vật phát triển quá nhanh thì cũng nhanh mất, phát triển ổn định chầm chậm thì dễ dàng có được thành quả viên mãn. Sáng sớm cỏ nở hoa, đến gần tối liền rơi rụng, tùng bách tươi tốt, dù cho ở mùa đông cực kỳ giá lạnh, cũng sẽ không khô héo. Cho nên người quân tử đức cao tài rộng không cầu rất nhanh đạt được kết quả. (Quyển 26, Ngụy Chí hạ)
Bạo phát bạo tàn là mô tả sự phát triển của các loại cây trong tự nhiên, các loại cây phát triển nhanh trong một ngày thì cũng sẽ mau chóng tàn lụi, còn những loài cây mọc chậm như tùng bách thì có thể tồn tại hàng trăm năm vì có bộ rễ vững chắc. Đây chính là một quy luật của tự nhiên, ai hiểu được quy luật của tự nhiên sẽ không còn muốn mau chóng có thành tựu, cầu hư vinh không trọng thực chất, “bạo phát” như cây lúa cây cỏ nhưng cũng “bạo tàn” mau chóng héo úa tàn lụi.

Từ khi có mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, con người bị quay cuồng trong vòng xoáy danh lợi, những “tấm gương” về sự thành công chớp nhoáng đánh mạnh vào trí não con người, mọi người đa phần đã không còn nhận biết đâu là thành tựu và hư vinh nữa. Biết bao thế hệ nổi tiếng đi qua mạng xã hội trong chớp mắt, mọi người quan tâm qua các “xì căng đan” sau đó lại nhanh chóng quên đi như nó chưa bao giờ tồn tại. Xã hội chúng ta trở nên phù phiếm và giả tạo, không hề giống với người xưa quan niệm về thành tựu, những cuốn sách hay tác phẩm để lại hậu thế nghìn măm.

Thế hệ trẻ lười nhác và một bộ phận lớn chỉ thích khoe khoang hư danh?

Thế hệ trẻ hiện tại, họ bị thôi thúc bởi sự khoe khoang hào nhoáng của người khác, không thể nào tĩnh tâm để làm những công việc lâu dài đòi hỏi một chuyên môn cao mà người thường ít được biết đến. Để nhanh chóng có được sự thành công cho bằng chị bằng anh, họ sẽ lựa chọn những việc có thể thu hút sự quan tâm của số đông quần chúng chứ không phải là những công việc cần có hàng tháng hàng năm hay hàng chục năm để hoàn thành. Đa phần các sản phẩm của họ đều là nhảm nhí, đẻ non, chỉ phục vụ một sự kiện hay một giai đoạn nào đó của xã hội, xem rồi lại quên, chẳng lưu lại gì cho thế hệ sau, thật là đáng tiếc cho những tài năng của đất nước – Bạo Phát thì Bạo Tàn mà.

Các phụ huynh của chúng ta cũng vì muốn khoe khoang thành tựu, muốn con mình nhanh chóng trở thành đứa trẻ thành công, đã dồn ép con mình học thật nhiều để lấy điểm số, vì thứ đó mọi người đều hiểu và dễ dàng được công nhận mặc cho sự phát triển khác nhau của mỗi đứa trẻ. Nếu thực sự điểm số nhà trường quyết định số phận của con người thì chúng ta đã không có những cầu thủ họa sĩ, diễn viên, ca sĩ tài năng nữa.

Bạo Phát Bạo Tàn có thể là câu rút gọn của tiền nhân để cảnh bảo cho chúng ta về một quy luật phát triển của tự nhiên. Cái gì được làm ra nhanh chóng hời hợt thì không thể nào tồn tại lâu bền. Chỉ có sự kiên trì, trọng thực chất không trọng hình thức mới có thể mang lại thành tựu thật sự của một con ngưởi. Để trở thành một người tiến bộ, chúng ta phải học nhiều hơn, làm nhiều hơn, phải sửa đổi tâm tính tốt hơn và làm những những công việc mà chúng ta chưa bao giờ làm. Nhìn lại lớp nghệ sĩ đàn anh đàn chú đi trước họ làm một tác phẩm rất kỹ lưỡng mất nhiều thời gian công sức và gây nhiều xúc động cho thế hệ sau không giống như thế hệ trẻ bây giờ thật là nhảm nhí, dụng công bên ngoài chỉ mong chiều theo ý muốn của xã hội mà nhanh chóng đạt được thành quả.

Giang Nguyễn