Cũng phải hơn hai tháng rồi mình mới quay trở lại chăm sóc “đứa con cưng” BlogPhượt vì nhiều lý do khác nhau, chính xác thì đó là khoảng thời gian chữ nghĩa văn chương của mình gần như biến đâu hết mất tiêu. Ngẫm lại năm năm lăn lộn chốn Sài Thành và cộng thêm hơn một năm phượt khắp mọi miền đất nước, tiếp xúc, làm quen và học hỏi cũng kha khá sự khác biệt giữa các vùng miền, chợt nhận ra Nha Trang – quê hương thứ hai của mình có khá nhiều điều thú vị và mới lạ đối với bạn bè bốn phương. Nói theo cách của mình thì, chỉ cần hộ khẩu Khánh Hoà và đi xe biển số 79 là hiểu được!
1. “Cái bị” ở Nha Trang là cái bao/bọc ni lông đó các mẹ. Đặc điểm số một để nhận ra bạn đang nói chuyện với một đứa quê Nha Trang chính hiệu (hoặc sống ở Nha Trang mười mấy năm như tui) đó :))Là sinh viên Nha Trang đi học xa nhà, chắc không ít bạn từng gặp phải cảnh đi mua đồ và thấy mặt mấy cô bán hàng đực ra chẳng hiểu gì mỗi khi “bán cho con bị chè” rồi nhỉ :))
2. “Nhe Cheng” là cách mà người vùng miền khác nghe một đứa quê Nha Trang đọc tên quê mình.
3. Phở Nam là thứ phở chỉ có ở Nha Trang, đơn giản là nước dùng phở bình thường nấu với sợi hủ tiếu ở trong Nam :)) và để phân biệt với thứ phở sợi trắng dẹp mà ai cũng biết, người ta gọi đó là phở Bắc (vì món phở vốn từ miền Bắc mà ra) 4. Hỏi 10 đứa Nha Trang biết đường Ngô Đức Kế có gì không, cá là 7 đứa sẽ nhắc đến bánh canh cứu đói 5k đầu tiên.
Cũng lâu rồi không ghé đó ăn, chả biết giờ còn giá 5k không nữa. Đang vừa viết bài vừa ứa nước miếng vì nhớ đồ ăn Nha Trang đây này 5. Ốc Nhưng Lương Sơn là quán ốc mà đứa nào quê Nha Trang cũng đều biết và rất muốn dẫn bạn bè nơi khác đến thưởng thức. Rất ngon, rẻ mà bình dân, khác hẳn nơi khách du lịch nào cũng biết là bờ kè sông Cái, nổi tiếng sang chảnh, chặt chém và chỉ thích phục vụ khách Tàu (tính không kể vì ngại đụng chạm, nhưng có lần dẫn bạn ra đó ăn mà bực vl). Dọc đường từ trung tâm thành phố ra quán ốc Nhưng Lương Sơn, cảnh đèo đẹp mê ly nhé. 6. Nếu ở Phú Quốc có nước mắm Phú Quốc nổi tiếng, hay Ninh Thuận trứ danh với nước mắm Cà Ná, thì mắm Nha Trang lại có cái tên khó nhớ với người nơi khác hơn một chút: nước mắm 584.
7. Lăk-Kon-Ku, cái tên hài bựa nhất mình từng biết (thật ra là viết tắt tên 3 tỉnh Tây Nguyên thôi các má), là tên một ngôi làng nhỏ thuộc khu du lịch Trăm Trứng ở Nha Trang.
8. Hễ cứ khoe quê Nha Trang là sẽ có đứa hỏi vụ qua Vinpearl ăn chơi, nhà nghèo làm gì có tiền qua đó, khổ lắm…
9. Tháp Eiffel của Nha Trang là tên gọi thân thương mà nhiều người dành cho đường cáp treo vượt biển Vinpearl dài hơn 3 cây số. Không qua được Vinpearl thì đứng từ cảng ngắm cáp treo về đêm thôi cũng đủ đáng yêu rồi.
10. Không phải người Nha Trang nào cũng biết bơi nhé.
11. Cây dầu đôi là thứ có lẽ ít người để ý đến, trừ người Khánh Hoà. Cây cổ thụ hơn 200 năm tuổi này toạ lạc ngay trên QL1A huyện Diên Khánh, cửa ngõ đi vào thành phố Nha Trang từ phía Nam và chỉ cách địa phận Nha Trang vài cây số. 12. Du lịch Nha Trang, đừng bỏ qua Chợ Đầm nhé. Ngôi chợ được coi là một trong những biểu tượng của thành phố, có thể mua bất cứ món quà lưu niệm hay quà vặt nào để tặng cho bạn bè nơi khác.
13. Người Nha Trang đi ngủ khá sớm, trừ phố Tây Nguyễn Thiện Thuật – Hùng Vương – Biệt Thự (gần nơi mình sống) là nhịp sống gần giống phố Tây Bùi Viện của Sài Gòn. Vì không có “văn hoá thức khuya”, nên cafe 24/7 là thứ xa lạ ở Nha Trang.
14. Nha Trang đón bình minh gần như sớm nhất đất nước. Cách Nha Trang 90km về phía Bắc có mũi Cực Đông toạ lạc tại Đầm Môn, huyện Vạn Ninh là điểm đầu tiên đón ánh nắng mặt trời của Việt Nam.
Có lẽ vì thế mà người Nha Trang thức dậy khá sớm, tầm 4h30p sáng, chủ yếu là đi tập thể dục buổi sáng và tắm biển ở bãi biển trước quảng trường 2/4.
15. Bánh xèo Nha Trang khác hẳn với bánh xèo chảo phía Nam. Nhỏ cỡ lòng bàn tay, nhúng vào nước mắm và ăn cùng với rau sống; khác hẳn với bánh xèo chảo phía Nam/miền Tây, chiên rất to, giòn và cuốn bánh tráng để ăn.
16. Đi du lịch Nha Trang mà chưa thử ghẹ rang me, bún cá sứa hay bánh căn thì hơi phí. 17. Dân 79 là cách người Nha Trang hay cả Khánh Hoà tự giới thiệu về mình. Lý do, 79 là biển số xe của Khánh Hoà.
Source: Blog Phượt