Thứ Sáu

Lẫn lộn tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ với 'hầu đồng': nguyên nhân, nguy cơ và giải pháp

Ngày 1/12/2016 vừa qua, báo Thể thao & Văn hóa Online đưa tin Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Sau đó, chủ đề này cũng tiếp tục xuất hiện lặp đi lặp lại trên báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết và cẩu thả trong việc đưa tin, báo giới đang đồng loạt đánh đồng các hoạt động hầu đồng nói chung với tín ngưỡng Tam phủ đặc thù vừa được UNESCO công nhận.

Sự ngộ nhận này, nếu được đẩy thành một ngộ nhận chung của cộng đồng thông qua báo chí, sẽ để lại những hệ lụy rất tai hại cho trật tự trị an của xã hội và đời sống tinh thần của người dân.

Lẫn lộn tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ với 'hầu đồng': nguyên nhân, nguy cơ và giải pháp
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích nguyên nhân của ngộ nhận này và chỉ ra những hệ lụy của nó. Phần cuối bài là một gợi ý về phương thức quản lý, sao cho các cơ quan chức năng có thể tận dụng tối đa việc cấp công nhận của UNESCO để quản lý các hoạt động tín ngưỡng liên quan đến hầu đồng, sao cho không để các biến tướng nguy hại có cơ hội lan rộng hoặc phát sinh.

1. Vì sao các hoạt động đồng cốt nói chung đang bị lập lờ đánh đồng với tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ?


Ngay trong bài viết trên báo Thể thao & Văn hóa Online, phần title hiện lên trên tab, title khi đăng trên Facebook, và tên của bài viết trong trang nội dung vốn không trùng nhau.

Trong khi title trên tab và trên Facebook khẳng định rằng đối tượng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới là hoạt động “hầu đồng”, thì trong phần nội dung, tên bài lại khẳng định rằng tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ mới là đối tượng được công nhận.Chi tiết này cho thấy lúc đầu, chính phóng viên báo Thể thao & Văn hóa đã đánh đồng “tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ” và “hầu đồng” với nhau. Sau đó, trong khâu biên tập, tên bài trong phần nội dung được sửa lại, nhưng title trên tab và trên Facebook vẫn được bảo toàn vì lý do kĩ thuật.

Tuy nhiên, sự đính chính âm thầm này cũng đã là quá muộn. Nhầm lẫn của báo Thể thao & Văn hóa Online đã nhanh chóng lan truyền thông qua các tờ báo điện tử khác, vốn cẩu thả hơn về khâu biên tập và lá cải hơn về nội dung.

Chẳng hạn, trên báo Một Thế Giới có bài Nghệ sĩ nói gì khi Hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể, trong đó cây bút Dạ Thảo quảng cáo nhiệt thành cho hầu đồng và sáu nghệ sĩ hài đi hầu đồng, mà không chịu nói rõ giữa trò hầu đồng và giới nghệ sĩ có liên quan gì với nhau.

Quay lại với nội dung đăng trên Thể thao & Văn hóa Online, có thể thấy người viết có ý gán ghép tín ngưỡng Tam phủ với các sinh hoạt “hầu đồng”, khi đưa ra thông tin không đầy đủ rằng hầu đồng là “hình thức diễn xướng chính” của tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ.

Đây là một hiểu lầm lớn, dẫn đến những hiểu lầm nghiêm trọng khác của người viết bài và độc giả tờ báo. Trong thực tế của việc thực hành tín ngưỡng, các mẫu Tam phủ, gồm mẫu Thượng Thiên, mẫu Thượng Ngàn và mẫu Thượng Thủy, là ba đối tượng rất hiếm khi xuống giá đồng.

Trong sinh hoạt hầu đồng ở Việt Nam, hiện tượng xuống giá đồng chủ yếu diễn ra với những đối tượng quỷ thần địa phương, như các loại cô, cậu, ông hoàng…, thay vì mẫu.

Các đối tượng này đôi lúc ăn theo tín ngưỡng thờ Tam phủ dưới dạng người hầu được thờ chung ban với các Mẫu, rồi dựa vào đó mà lan truyền trong dân gian, nhưng chưa bao giờ có được sự công nhận trong các đền thờ chính của tín ngưỡng Tam phủ thật.

Khi diễn dịch phần trả lời phỏng vấn của Gs. Ngô Đức Thịnh, người viết bài cũng mắc phải một hiểu lầm nghiêm trọng khác. Trong thực tế, khác với khẳng định của bài viết, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ hoàn toàn không có dính dáng, liên hệ gì với tín ngưỡng thờ các nhân vật nữ khác, như Liễu Hạnh, Vương mẫu, Âu Cơ, mẫu Linh Sơn…

Tín ngưỡng Tam phủ là một hệ thống khép kín, trong đó chỉ có ba vị nữ thần được công nhận, đại diện cho ba lực lượng tự nhiên là Trời, Nước và Rừng. Ba hình tượng này được xây dựng dựa trên một vũ trụ quan riêng, trùng khớp với lối phân chia thế giới thành Trời, Nước và Rừng của người Tráng ở phía Nam Trung Quốc.

Trong khi đó, các đối tượng “mẫu” mà ông Thịnh kể vốn có xuất xứ khác hoàn toàn về mặt địa lý và lịch sử.

Thêm vào đó, cần lưu ý rằng cho đến tận ngày nay, hoạt động tín ngưỡng xoay quanh các đối tượng này vẫn mang nặng màu sắc của tín ngưỡng thờ thổ địa, thành hoàng địa phương, vì chỉ bao gồm các thần tích có tính lịch sử và việc cúng bái để cầu xin lợi ích vật chất đơn thuần, chứ không có bất cứ một vết tích nào của những ý niệm về sự phát triển tinh thần và một vũ trụ quan.

Những đối tượng này được dân gian thờ chung cùng một đền với các mẫu Tam phủ, bên cạnh bàn thờ của đủ các gương mặt trong Phật, Lão và Nho, chủ yếu vì dân gian thừa sợ sệt và thiếu hiểu biết. Việc lẫn lộn tín ngưỡng Tam phủ với hầu đồng cũng bắt nguồn từ đây.

2. Những nguy cơ phát sinh từ sự nhầm lẫn

Trong khi tín ngưỡng Tam phủ là một truyền thống có nguồn gốc tinh thần lành mạnh, gắn liền với việc tôn trọng và bảo vệ môi trường thiên nhiên, thì trong môi trường sinh hoạt tín ngưỡng hỗn loạn, ô hợp ở Việt Nam hiện nay, các hoạt động thờ cúng khác liên quan đến hầu đồng thường chỉ xoay quanh việc xin xỏ lợi ích vật chất đơn thuần, và đều mang màu sắc vụ lợi, chộp giật, mê tín.

Trái với tín ngưỡng Tam phủ đích thực, những hoạt động cầu đảo như vậy chỉ làm suy thoái, chứ không hề giúp phát triển đời sống tinh thần. Nơi nào những đồng cô bóng cậu lợi dụng hầu đồng để kiếm chác nổi lên, nơi đó môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, trật tự xã hội bị rối loạn.

Trong thực tế, những hoạt động này thường xuyên làm phát sinh, hoặc trở thành bình phong dung dưỡng những hành vi vi phạm pháp luật của cư dân địa phương.

Chẳng hạn, để xin số đề từ ông Hoàng Bảy, có người còn phải cúng đến cả thuốc phiện, hoặc hàng năm phải đốt cả vài tỷ để hầu giá đồng cầu mong ông phù hộ cho công việc làm ăn được xuôi chèo mát mái.

Không chỉ dừng lại ở một trường hợp cá biệt, hầu đồng và những biến tướng của nó thật sự không còn là hiện tượng quá mới mẻ đối với cộng đồng.

Loạt phóng sự Hầu đồng và những biến tướng đăng dài kỳ trên Tâm Sự Gia Đình đã vạch ra những mặt tiêu cực, hạn chế của hầu đồng trong giai đoạn hiện nay.

Đó là từ việc có những con nhang đệ tử vung đến hàng trăm triệu, thậm chí đến hàng tỷ để thực hiện một giá đồng; lợi dụng hầu đồng để trục lợi cá nhân bất chấp nhân phẩm, đạo đức nghề nghiệp; cho đến nhận hậu quả “nhà tan cửa nát” sau khi đổ một đống tiền để xin Thánh mà Thánh vẫn lặng thinh; lên giá đồng để thể hiện “đẳng cấp” của giới 9x; hay các ông đồng bà cốt dọa nạt con nhang nếu không mở phủ sẽ bị “thánh vật”; biến tướng nhất là có nhiều người đồng tính tìm đến chiếu đồng chỉ để kiếm “bạn”,…

Trong lịch sử, các hoạt động tín ngưỡng mang màu sắc bói toán, cầu đảo vẫn thường xuyên bị lợi dụng để gây ra các biến cố chính trị gắn liền với sự phá hoại của đám đông, khiến xã hội lâm vào tình trạng loạn lạc và sụp đổ.

Chính sự bùng phát của “giặc cờ vàng” – một giáo phái bắt nguồn từ tín ngưỡng phù thủy ở vùng núi Tứ Xuyên, đặc trưng bởi các hoạt động chữa bệnh bằng bùa phép và nhảy múa lên đồng – đã là biến cố trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Hán kéo dài hơn 400 năm, và gây ra thời kì nội chiến kéo dài hàng trăm năm ở Trung Quốc.

Ở miền Nam Việt Nam, các giáo phái xuất phát từ đồng cốt, cầu cơ đã từng phát triển thành những lực lượng chính trị vũ trang cát cứ, tạo nên các lãnh địa ngoài vòng pháp luật dung dưỡng giặc cướp và gián điệp, khiến chính quyền Ngô Đình Diệm phải chật vật đánh dẹp mất nhiều năm.

Gần đây, vụ “hội đồng công luật công án Bia Sơn” cho thấy nguy cơ hỗn loạn xã hội từ những giáo phái kiểu này vẫn luôn tiềm tàng.

3. Một cơ hội để định rõ vàng thau

Việc UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ là di sản văn hóa thế giới mang lại cả thách thức lớn lẫn cơ hội lớn cho các cơ quan quản lý.

Nếu để một báo giới thiếu hiểu biết tiếp tục đánh đồng những sinh hoạt đồng cốt mê tín, nông cạn và vụ lợi với tín ngưỡng tam phủ vừa được công nhận bởi UNESCO, toàn xã hội sẽ nhanh chóng rơi vào ngộ nhận rằng mọi hoạt động đồng bóng đều hợp pháp, có văn hóa và được khuyến khích.

Khi đó, những hoạt động đồng cốt này sẽ nhanh chóng lan tràn trong xã hội với mọi mối nguy tiềm ẩn kể trên.

Nhưng nếu cơ quan quản lý phối hợp tốt với UNESCO và các nhà nghiên cứu có đủ trình độ, tư cách, để phân định rõ đâu là những sinh hoạt hầu đồng mang màu sắc mê tín, vụ lợi và làm rối loạn trật tự an ninh – thứ cần được xử lý theo quy định của pháp luật – đâu là di sản tín ngưỡng Tam phủ mà UNESCO đã thừa nhận để bảo tồn, thì xã hội sẽ tránh được tình trạng lẫn lộn vàng thau, đảo lộn dép mũ.

Nguồn: bookhunter