Chủ Nhật

Sự khiêm nhường trong 'Dạ thưa thầy'

Tôi nhớ một lần trong cuộc phỏng vấn về văn học đương đại, nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam có nói một ý rất hay, rất mới: "Hình như trong văn học chúng ta bây giờ thiếu những nhân vật khiêm nhường". 


Vâng. Khiêm nhường đó là một ứng xử xã hội rất Á Đông, rất Việt Nam. Ở đó vừa quy định một phong cách sống, một đạo đức sống vừa tĩnh tại, vừa vận động uyển chuyển như "nước" được Lão Tử (một triết học gia Trung Quốc) trong cuốn đạo đức kinh nâng lên thành triết lý sống. 

Khiêm tốn và nhường nhịn còn bộc lộ bản lĩnh sống tự biết, không cạnh tranh bon chen nhất là trong đời sống "thị trường hóa" hiện nay. Nhà thơ Võ Thanh An trong bài "Dạ thưa thầy" với giọng thơ tự sự nhiều chiêm cảm, điềm đạm đồng cảm được với độc giả bằng chính sự khiêm nhường tự vấn của mình. 
Sự khiêm nhường trong 'Dạ thưa thầy'
Đây cũng là một cách đi của thơ với những độc thoại, đối thoại không cần giải thích tạo ra những khoảng chùng day dứt và bước chuyển đột ngột của tứ thơ nhanh tới lõi hạt nhân ý tưởng. "Dạ thưa thầy" là lời thưa cẩn trọng nhưng cũng là sự bức xúc muốn được bộc bạch với người thầy giáo kính yêu của mình. 

Ở đây triết lý nhà Phật: "Cõi luân hồi là bể dâu, dâu bể" như một sự an ủi đồng cảm trước câu hỏi bức bối: "Dạ thưa thầy, con đã nhịn đến quên mình/Sao sự lành hiếm thế?". Chữ "nhịn" được đặt trong văn cảnh này rất hay gẫn gũi với cách nói, cách sống của người quê mộc mạc, của bản chất trung thực hiền hậu: "Nhịn đến quên mình". 
Nhà thơ đã nâng cảm xúc lên một cấp độ khác cao hơn: "Con vẫn nhớ lời thầy diệt oán bằng ân". Đây chính là kinh nghiệm sống của người quân tử biết quên quá khứ, biết bỏ qua sự thù địch nhưng đời sống hiện tại lại hiện diện bằng sự " đổi trắng thay đen". 

Võ Thanh An rất có ý thức chọn lọc chi tiết khi dùng hình ảnh tương phản viên phấn trắng - bút dạ đen; tấm bảng gỗ - tấm phoóc-mi-ca trắng. Sự nghịch lý này tạo ra những mâu thuẫn nội tại, bản chất bắt đầu thay đổi từ hình thức. Hai câu thơ xúc động nhất là nốt trầm sâu thẳm làm chùng lại không khí, tâm trạng căng thẳng của bài thơ:
"Dạ thưa thầy, con vẫn là đứa bé y nguyên/Run lên trước cuộc đời như đã từng run lên khi thầy kêu lên bảng". 

Hình ảnh cậu học trò run lên thật nguyên sơ trọn vẹn. Thơ thảng thốt như vậy thật hiếm. Từ thảng thốt đến thổn thức là một bước nhảy đột biến của cảm xúc. Cái hay của bài thơ này không nằm trong sự cách tân mới mẻ về ngôn ngữ, hình tượng thơ mà ở cái tình sâu lắng với lối nói thật khiêm nhường, trăn trở khi đặt ra câu hỏi: "Bao giờ cuộc đời lành hơn?". 

Ở đây tác giả không nói cuộc đời đẹp hơn, hay tốt hơn mà lành hơn. Chữ "lành" hợp với không khí nghiêm cẩn của bài thơ "lành" và "nhịn". Lành ở mức độ thấp hơn, một hy vọng thật giản đơn, mỏng manh gieo vào lòng người những trắc ẩn cảm thông.

Sự vận động của tứ thơ qua sự nhắc lại: "Dạ thưa thầy" tạo ra một không gian mở phấp phỏng. Câu cuối "Dạ thưa thầy" để ngỏ như hình bóng của học trò đứng lặng lẽ trước thầy để tự mình tìm ra câu trả lời bằng chính cuộc đời với niềm tin "Con vẫn tin sự nhịn là cứu cánh"...

Nguồn: baohaiduong.vn