Cuộc sống ai cũng có những lúc muốn nói một chút về chính mình, không phải để khoe khoang với thiên hạ, mà đơn giản để tâm sự với lòng, với những người mà mình yêu quí.
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên tại một huyện nghèo trung du miền núi của tỉnh Phú Thọ. Cuộc sống những năm tôi biết cảm nhận chắc là nó rất nghèo, nhà nhà ăn sắn độn cùng cơm người người lên nương trồng chè, sắn để kiếm thêm chút no cho gia đình. Có những lúc sắn cũng không có, bố mẹ phải vào tận những vùng sâu của Yên Lập, Thanh Sơn để mót sắn tại những nông trường nhà nước. Đi bộ mười mấy hai mươi cây số để mang được chút sắn về băm rồi ngâm phơi khô gới cùng với cơm ăn thêm chắc dạ.
Khi đó còn nghèo quá, nồi cơm gia đình 6 người ăn mà một người bưng cố mới đặng. Vậy đấy nghèo lại còn ăn nhiều đến núi lở như vậy đấy! Chắc là do thiếu chất nên mới ăn nhiều đến căng bụng nhưng vẫn muốn ăn nữa sợ mai hết gạo với sắn không còn được ăn no như hôm nay nữa ấy. Thời đó cứ lần ăn qua ngày, nhà nhà ăn sắn, người người ăn sắn, sắn phơi kín xung quanh vườn, sắn phơi đầy trên những chiếc mành đan bằng nứa, sắn ngâm ngập quanh giếng, đâu đâu cũng thấy sắn như vậy.
Một chút về chính mình khi xưa |
Thế rồi cuốc sống cũng dần thay đổi, bố mẹ làm lụng nhiều hơn, chịu khón nhiều hơn và sức khỏe cũng ngày một yếu hơn vì những ngày thức khuya dậy sớm kiếm thêm cho con cái chút thức ăn cải thiện. Những bữa ăn cải thiện khi đó nói cho sang cũng chỉ là thêm vài con cá mắm mục mẹ đi chợ bán củi, hay bán con gà mua về nướng than cho anh em ăn cùng. Mỗi chiều về tới đầu cổng mà ngửi thấy mùi cá mắm nướng thơm lừng như vậy là thích thú lắm, những bữa cơm như thế anh em lại ăn nhiều hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn vv...
Ở một một vùng quê nghèo khi ấy, những con cá mắm là một thứ gì đó rất cao sang, ngon miệng. Bởi cuộc sống thường ngày của vùng quê nghèo khi ấy chỉ là những hạt lạc rang giã nhỏ với muối thật mặn để cho ăn được lâu đỡ tốn. Nhiều khi hết lạc không có gì ăn phải rang muối trắng hạt to phi hành tỏi cùng rồi ăn cho đặm. Bữa cơm của tuổi thơ của khi nghèo nó như vậy, hết muối rồi đến lạc, hết lạc rồi lại đến muối cứ thế sống qua những thời thơ đầy ắp kỷ niệm trong lành ấy.
Thoáng vậy mà cũng đã mấy chục năm trôi qua, cuộc sống giờ thay đổi rất nhiều, đường lang rộng mở, nhà cửa khang trang, gia đình ai ai cũng có học đầy đủ, nhà nhà kiếm được tiền từ những việc làm xã hội, công nhân, tự do vv... rất nhiều nghề kiếm ra tiền, kể cả đi xuất khẩu lao động.
Lắm lúc nghĩ lại, nghèo không phải là cái tội, mà cái tội đã nghèo rồi lại còn ngu thì đấy mới là cái tội nặng nhất.
Vì nghèo mà anh em phải tha hương cầu thực, vì nghèo mà vợ chồng phải sống xa nhau cả mấy ngàn cây số, vì nghèo mà có những người một đi không trở lại. So với bây giờ, cuộc sống khi ấy quả là quá nghèo khổ, chẳng khác nào chị dậu với chí phèo đã phác họa.
Miền nam, vùng kinh tế mới, những nơi mà anh em, người thân của mình đã nhắm tới, với một suy nghĩ trực trào, thà chết chứ nhất định thoát nghèo, cuộc sống không thể cứ mãi như khi ấy được. Để rồi lớp lớp người ra đi tìm đường mưu sinh thoát nghèo cho chính mình.
Anh em gia đình bố mẹ mình cũng vậy, nhà có 8 người con thì đến 6 người đã ra đi tìm hướng thoát nghèo, có gì ở quê bán được phải bán bằng sạch để kiếm tiền tàu xe ăn uống dọc đường. Nhiều khi vào tới những vùng kinh tế mới là đã trắng tay không còn một đồng xu nào dính túi. Cuộc sống vùng kinh tế mới bắt đầu bằng những ngày đi cuốc đất thuê, hái cà phê mướn, cỏ vườn vv... cho người bản địa. Dần dần có được chút ít tích cóp bắt đầu buôn bán, rồi làm hàng quán, rồi mua nhà mua đất.
Chẳng biết bao giờ mình mới có thể trở nên giàu có, nhưng ít nhất khi này là đã khấm khá hơn cuộc sống khi thơ ấu rất nhiều, không phải ăn sắn độn, không phải quá bận tâm đến không có cái ăn cũng không phải lo nay có cái ngon mai lại chết thèm vv...
Chỉ khi nào bạn từng trải qua những năm tháng ấy mới nhận ra mình có mặt hôm nay là sự hi sinh rất nhiều từ những người thân yêu nhất!
Xin cảm ơn, xin cảm ơn tất cả, cảm ơn những hy sinh không thể nào sánh nổi của mẹ cha, của ông bà người thân bên cạnh!
Hà Nội: Viết cho những điều vu vơ nhất!
David Nguyễn