Thứ Bảy

Chín dạng ngụy biện phổ biến nhất, bạn là ai trong số ấy?

Phần lớn, nguỵ biện đi từ những cá nhân thiếu trung thực, đặt nặng chuyện “thắng” hay “thua" trong tranh luận hoặc thiếu kiến thức, thiếu khả năng phân tích, thiếu kỹ năng tìm hiểu và nặng định kiến.

Cảm thấy những ghi chú và tổng hợp này đã đủ nhiều để có thể viết xuống thành một cái “note", về chín dạng ngụy biện phổ biến nhất, mình liệt kê theo thứ tự thường gặp nhất từ trên xuống dưới.

1. Tấn công cá nhân người đưa ra ý kiến:

Đây là dạng nguỵ biện phổ biến nhất. Cứ trong 100 trường hợp thì có khoảng 50 trường hợp áp dụng dạng này. Thay vì tập trung vào trọng tâm chủ đề, người đưa ra chủ đề trở thành trọng tâm. Lý do tại sao đây là dạng nguỵ biện ưa chuộng nhất? Là vì: tấn công người đưa ra ý kiến là cách phủ nhận trọn bộ giá trị của mọi ý kiến được đưa ra nếu người ấy được xem là ghê tởm, không có giá trị. Nói theo dân dã, đây là cách “úp sọt". Việc bêu rếu, lăng mạ, vẽ vời về một cá nhân thì lúc nào cũng dễ hơn là biện chứng và phân tích vấn đề cá nhân ấy đưa ra. Mức độ thảm hại nhất của dạng nguỵ biện này là tấn công vào hình dáng, mặt mũi, tên họ, nơi cư ngụ và gia cảnh của người đưa ra ý kiến mặc dù những thứ ấy không dính dáng gì đến ý kiến được đưa ra.

Chín dạng ngụy biện phổ biến nhất, bạn là ai trong số ấy?
2. Phán không cần chứng minh:

Đây là dạng nguỵ biện phổ biến thứ nhì. Cứ trong 100 trường hợp thì có khoảng 10 trường hợp áp dụng dạng này. Có thể kẻ “phản biện" quá lười, không muốn dành thời gian để phân tích rốt ráo, cũng có thể kẻ “phản biện" không có khả năng chứng minh và phân tích nên chỉ dừng lại ở chỗ “phán" một cách cảm tính, phần lớn những câu “phán" là những câu què cụt, tối nghĩa. Nếu bị vặn, người sử dụng dạng nguỵ biện này thường đi đến chỗ sử dụng dạng nguỵ biện số 1 ở trên để... kết thúc cuộc tranh luận. Đây là dạng nguỵ biện thường thấy ở những kẻ thiếu khả năng phân tích, chứng minh và nặng tính hơn thua.

3. Phủ nhận mọi ý kiến là sai cho đến khi ai đó chứng minh được nhận định của mình (kẻ nguỵ biện) là sai:
Đây là dạng nguỵ biện phổ biến thứ ba. Cứ trong 100 trường hợp thì có khoảng 10 trường hợp áp dụng dạng này. Cũng như dạng nguỵ biện số 2, kẻ áp dụng dạng nguỵ biện này có thể lười, có thể thiếu khả năng nhưng thủ đoạn nên áp dụng biện pháp buộc kẻ đối thoại phải chứng minh điều mình “phán" là không có hoặc sai. Nguỵ biện này được áp dụng để gây hoang mang và mất thời gian và kẻ nguỵ biện không quan tâm đến uy tín của bản thân mình. Nếu có ai phản biện hữu lý, kẻ nguỵ biện không trả lời, không phản biện. Mục đích là để cho đám đông tiếp tục hoang mang. Dạng nguỵ biện này được sử dụng không phải để tranh cãi và đưa ra kết luận mà để định hướng dư luận hoặc hoang mang dư luận bởi lẽ, đám đông dễ bị hoang mang từ những câu “phán" chắc nịch.

4. Tung hoả mù và làm lạc đề:

Đây là dạng nguỵ biện phổ biến thứ tư. Cứ trong 100 trường hợp thì có khoảng 10 trường hợp sử dụng dạng này. Kẻ sử dụng loại nguỵ biện này có 2 cách:

a. Liên tục đặt câu hỏi, bất kể câu hỏi có liên quan đến vấn đề được đưa ra hay không.

b. Liên tục dùng một cụm từ, một ý trong vấn đề được đưa ra để dẫn cuộc tranh cãi đi loanh quanh.

Dạng nguỵ biện này thường được những kẻ có ít nhiều khả năng lý sự sử dụng. Mục đích của việc áp dụng dạng này là để vấn đề cốt lõi được đưa ra hoàn toàn chìm lỉm và không có kết cục. Đây là dạng nguỵ biện mang tính phá hoại có chủ đích.

5. Làm ngơ những chứng minh và phân tích của người đối thoại:

Có thể nói, đây là một dạng nguỵ biện tinh vi và không kém thông dụng như những dạng nguỵ biện 1) và 2) ở trên. Dạng này không phản biện những phản biện và phân tích của người đối thoại mà vờ như không thấy những phản biện và phân tích ấy để tiếp tục lặp đi, lặp lại những ý kiến lạc đề. Dạng nguỵ biện này đặc biệt phổ biến trong các chủ đề thảo luận nhiều người tham gia vì dễ “đổ thừa" là “nhiều ý kiến quá nên bị sót". Dạng nguỵ biện này được áp dụng rời rạc nhằm mục đích làm bối rối và dẫn dắt những cá nhân không theo sát nội dung các thảo luận.

6. Phủ nhận nguồn thông tin và tài liệu bằng những lý do phi lý:

Đây là dạng nguỵ biện hoàn toàn phủ nhận các phản biện dựa trên nguồn thông tin và tài liệu dẫn chứng. Ví dụ, “đó là nguồn của CIA, nguồn ấy không đáng tin cậy". Có những dạng phủ nhận nguồn thông tin và tài liệu viện dẫn rằng “đường dẫn đáng ngờ, bấm vào có thể bị dính virus" hoặc thậm chí “không đọc được vì đó là tài liệu ngoại ngữ". Chính vì phủ nhận các nguồn tài liệu được dẫn, kẻ sử dụng phương pháp nguỵ biện này dễ dàng phủ nhận những phân tích và chứng minh của người đối thoại mà không cần phải làm gì khác.

7. Bóp méo và suy diễn câu chữ của người thảo luận:

Dạng nguỵ biện này đặc biệt chú trọng kỹ năng “trích dẫn" và suy diễn câu cú của người đối thoại và việc “trích dẫn" ấy được thực hiện một cách có tính toán và có chủ đích. Những cá nhân sử dụng dạng nguỵ biện này thường có khả năng nhận xét tinh xảo. Có thể họ thừa khả năng hiểu được người phản biện muốn phân tích và chứng minh cái gì nhưng họ vẫn chăm chú vào việc “soi" và “trích" một mẩu ý kiến của người phản biện; đôi khi, họ còn đi xa đến chỗ thay thế dăm ba từ trong câu nhận định nguyên thuỷ bằng từ của họ chọn một cách tinh xảo để đạt được ý định của mình. Dạng nguỵ biện này không nhiều và chỉ xuất hiện hoặc được áp dụng trong những chủ đề “nóng". Đây là một biến thái của dạng nguỵ biện tấn công cá nhân dựa trên kỹ thuật bóp méo để chụp mũ. Nó tinh xảo hơn dạng tấn công cá nhân một cách trần trụi.

8. Bịa đặt thông tin, bịa đặt nguồn dẫn:

Đây là một dạng nguỵ biện tinh vi và thiếu trung thực nhất trong các dạng nguỵ biện. Dạng này ít thấy và nếu có, chỉ được khai thác trong những bài viết hoặc những tranh luận có bề dài. Người sử dụng dạng nguỵ biện này thường có kinh nghiệm trong việc sử dụng và trích dẫn nguồn. Họ sử dụng những nguồn không tồn tại hoặc những nguồn đòi hỏi có quyền truy cập hoặc từ những cuốn sách quý hiếm, khó tìm để tạo khó khăn cho người muốn kiểm chứng. Nếu người đối thoại không thể kiểm chứng thì kẻ sử dụng dạng nguỵ biện này có thể dễ dàng phủ nhận ý kiến và quan điểm của người đối thoại.

9. Kết tội người đưa ra ý kiến là độc tài và sử dụng chiêu bài “tự do ngôn luận":


Dạng nguỵ biện này chỉ xuất hiện gần đây nhưng càng lúc càng phổ biến. Kẻ sử dụng dạng nguỵ biện này không cần phản biện mà đi thẳng đến chỗ kết tội người đưa ra ý kiến là “độc tài" và “áp đặt” mà không cần phân tích và chứng minh. Dựa trên nguyên tắc “tự do ngôn luận", kẻ sử dụng dạng nguỵ biện này gán tội người thảo luận nhằm phủ nhận hoặc vô giá trị hoá ý kiến và phân tích của người thảo luận. Dạng nguỵ biện này phổ biến ở các cuộc thảo luận về chính trị và xã hội nhưng bắt đầu lan sang những cuộc thảo luận kỹ thuật càng ngày càng nhiều.

Nguồn: Fb Hoàng Ngọc Diêu 09/02/2017.